Công nghệ - Sản phẩm

Hậu PC Intel, Dell và HP đều ‘khó’

(PCWorldVN) 10 năm trước, mấy ai dám ngờ những đại gia phần cứng đang thao túng thị trường PC lúc đó lại có ngày phải đối mặt với một tương lai trắc trở.

Vật đổi sao dời
Cuối thế kỷ 20 cho đến đầu những năm 2000, ngành công nghiệp điện toán chứng kiến sự thống trị của PC thương hiệu Hewlett-Packard và Dell với sức mạnh của bộ xử lý Intel bên trong, và Windows được nhìn nhận là hệ điều hành quan trọng nhất, có những thời điểm chiếm hơn 95% thị phần thị trường hệ điều hành cho PC. Liên minh Wintel (viết tắt của Windows & Intel) lớn mạnh tới mức tưởng chừng sẽ tạo nên một đế chế trường tồn.

Vào năm 2005, Apple vẫn trong tình thế chật vật và cuối cùng cũng từ bỏ chip PowerPC của IBM để dùng chip x86 của Intel trang bị cho máy Macintosh của mình. Cũng trong năm này đã lấp ló tín hiệu “lạ” với ngành công nghiệp PC đang thời đỉnh cao. Tượng đài máy tính thế giới IBM bỏ mảng kinh doanh PC, nhượng lại cho Lenovo của Trung Quốc. Thực ra trước đó đã có những tên tuổi lớn của Mỹ ra đi, nhưng được nhìn nhận là kết quả của những cuộc chiến thôn tính lẫn nhau, như Compaq thâu tóm DEC để rồi “bán mình” cho HP.

Trong bối cảnh đó, ít ai nhận ra rằng kỷ nguyên PC sắp tàn, và các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ nổi lên thành thế lực mới trong thế giới PC không còn là trung tâm. Thế rồi tất cả sụp đổ khi cơn lốc smartphone cùng máy tính bảng tràn tới. Từ năm 2010, người tiêu dùng bắt đầu giảm mua sắm PC, ưu tiên hơn cho thiết bị di động, và các doanh nghiệp chậm nâng cấp. Thị trường PC ngày càng ảm đạm với doanh số bán sụt giảm liên tục. Những công ty trong ngành công nghiệp sản xuất PC không còn quyền lực nữa, chuyển sang thời của các công ty phục vụ người dùng di động. Thời thế thay đổi quá nhanh, mặc dù nhiều nhà sản xuất PC lớn tiếng đổ lỗi cho Microsoft khiến thị trường sụt giảm. Windows 8 thất bại thảm hại với tư tưởng thiết kế lấy màn hình cảm ứng làm trung tâm, trong khi người dùng PC không hề muốn rời chuột và bàn phím.

Ngày nay, những công ty có ảnh hưởng trên thị trường không phải là những đại gia phần cứng của đế chế Wintel thuở nào, mà là Apple, Google, Samsung, và cả Microsoft đã hồi tỉnh dưới dưới sự lèo lái linh hoạt của CEO Satya Nadella thay cho Steve Ballmer thủ cựu. Người khổng lồ IBM sau khi rời lãnh địa PC đã có thể tập trung toàn bộ nguồn lực cho tích hợp hệ thống, đám mây và giải pháp phần mềm doanh nghiệp. Công ty đã bán nốt mảng máy chủ x86 cho Lenovo vào năm 2014.

Bà Meg Whitman tiếp tục lãnh đạo HP Enterprise trong cương vị CEO.

Trong ba đại gia phần cứng quan trọng nhất của đế chế Wintel thì tình hình của Dell và HP khá bết bát, dù cả hai đều tìm mọi cách hãm đà tụt dốc. Riêng Intel đang nỗ lực chinh phục các thị trường mới với hy vọng sẽ trở lại “lợi hại hơn xưa”, như Apple đã làm được. Intel dù thất bại những năm qua vẫn kiên trì phát huy thế mạnh công nghệ và năng lực sản xuất chip của mình, trong khi Dell và HP lo giải bài toán cải tổ sau nhiều phép thử. Dell tốn đến 25 tỷ USD để chuyển đổi mô hình, trở lại thành công ty tư nhân nhằm chủ động hướng đi mà không bị Phố Wall gây sức ép. Công ty thực hiện hàng loạt vụ thâu tóm, đình đám nhất là thương vụ EMC. HP thì tách thành hai công ty độc lập – HP Enterprise tập trung vào giải pháp doanh nghiệp, và HP Inc. chuyên kinh doanh PC và máy in.

Vào năm 2007, cùng với việc giới thiệu chiếc iPhone đời đầu, cựu CEO Steve Jobs của Apple đã cảnh báo về thời “hậu PC”. Các đại gia của đế chế Wintel đồng thanh tương ứng, lớn tiếng phản bác. Giờ thì đã rõ, PC không còn là động lực thúc đẩy phát triển.

HP nhùng nhằng mặt trận PC
Đang là nhà cung cấp PC lớn nhất thế giới, nhưng thời điểm 2011, CEO HP lúc đó là Leo Apotheker công bố ý định bán mảng PC vì lợi nhuận quá thấp và ngày càng sụt giảm. Ông còn hấp tấp chi “bạo” tới 11 tỷ USD mua lại công ty phần mềm Autonomy của Anh để rồi bỏ đi vài năm sau với bút toán ghi giảm giá trị gần 9 tỷ USD. Nỗ lực mở rộng mảng dịch vụ phần mềm bất thành, HP lại thêm quyết định khai tử hệ điều hành di động WebOS gây nhiều tranh cãi.

WebOS là một câu chuyện đáng tiếc và thực tế HP không hề chậm chân trong xu thế di động. Tháng 4/2010, công ty thâu tóm Palm để sở hữu WebOS nhằm phát triển smartphone và máy tính bảng, sẵn sàng đối đầu với iPhone. PDA của Palm từng một thời đình đám trên thị trường, và WebOS thì được khen ngợi hết lời khi trình làng tại triển lãm CES 2009, dù smartphone đầu tiên Palm Pre đã không thành công như mong đợi.

HP mạo hiểm với canh bạc WebOS nhằm chạy đua với Apple và Google Android lúc đó mới nổi lên như là một tiêu chuẩn di động. Thất bại không phải do lỗi của WebOS, có chăng là HP và Palm hoàn thiện thiết bị phần cứng quá chậm trong thế giới di động thay đổi nhanh nên không thể theo kịp các đối thủ. HP quyết định ngừng phát triển smartphone và máy tính bảng chỉ sau 14 tháng hoàn tất thương vụ Palm, nhưng sai lầm chưa dừng lại.

Động thái đầu tiên của CEO mới, bà Meg Whitman, sau khi thay thế Apotheker cuối năm 2011, là lời tuyên bố HP vẫn ở lại với thị trường PC đang thu hẹp dần trước làn sóng mới của máy tính bảng và các thiết bị di động thông minh. Niềm tin được đặt vào hệ điều hành Windows 8 mà Microsoft quảng bá rầm rộ là sẽ định hình tương lai của PC trong kỷ nguyên mới.

Hóa ra Windows 8 trình làng cuối tháng 10/2012 là một thảm họa khiến thị trường PC đang ảm đạm lại càng u ám hơn.

Những nỗ lực tập trung vào công nghệ datacenter cung cấp cho doanh nghiệp hứa hẹn đem lại lợi nhuận cao là bước đi lạc nhịp với thời cuộc. Trong khi cả thế giới đua nhau lên “mây” thì HP lại đóng cửa dịch vụ đám mây công cộng Helion của mình sau 4 năm vận hành không khởi sắc.
HP quá tin tưởng vào Microsoft, theo đuổi những công nghệ sai lầm như PC màn hình cảm ứng và điện thoại Windows Phone. Công ty còn phát triển dòng máy tính bảng Pro Slate chạy Android khi thấy máy tính bảng Windows chẳng đi đến đâu, nhưng rồi Pro Slates cũng bị xếp xó vào hè vừa qua.

Trớ trêu thay, Micrsoft rốt cục cũng nhìn thấy ánh sáng với máy tính bảng Windows 10 qua phiên bản Surface Pro thế hệ thứ tư ra mắt vào năm ngoái. Nhưng cho đến thời điểm này, ngoài Microsoft ra thì các nhà sản xuất khác như Samsung, Lenovo, Dell, hay HP chẳng hề hào hứng với việc sản xuất máy tính bảng chạy Windows 10.

Năm ngoái, sau nhiều thời gian trì hoãn, cuối cùng CEO HP, bà Meg Whitman, cũng đã chia tách công ty thành hai. Whitman tiếp tục lãnh đạo HP Enterprise – tập trung vào dịch vụ đám mây và trung tâm dữ liệu, cho thấy hướng đi dứt khoát của nhà sản xuất máy tính hàng đầu thế giới. PC không còn sinh lợi, cũng chẳng mấy ý nghĩa theo hướng cung cấp giải pháp trọn gói cho khách hàng doanh nghiệp. Nhìn lại, người khổng lồ IBM đã đi trước HP tới 11 năm trời.

Dell trên hành trình tới miền quên lãng
So với HP, hành trình của Dell ít kịch tính hơn nhưng gây thất vọng không kém. Không như  Intel, HP, hay Apple sở hữu nhiều công nghệ, Dell tập trung vào quy trình sản xuất cho phép khách hàng linh hoạt đặt mua PC theo cấu hình tùy chọn qua website bán hàng, và cung cấp nhanh chóng mọi đơn hàng dù lớn hay nhỏ. Hình thức kinh doanh này tạo nên danh tiếng cho Dell trong khi các đối thủ khác chỉ có vài model cấu hình sẵn đem bán – đơn điệu kiểu như sản phẩm TV, máy điều hòa hay tủ lạnh.

Michael Dell

Tùy biến cấu hình là chiêu bài xuất sắc vào thời công nghệ PC thay đổi nhanh và có nhiều lựa chọn. Thế nhưng, qua thời gian, công nghệ PC được tiêu chuẩn hóa nên nhu cầu tùy biến giảm trông thấy với vài yếu tố mà nhà bán hàng nào cũng có thể đáp ứng: vài lựa chọn bộ xử lý Intel và AMD, dung lượng ổ cứng, bộ nhớ RAM, hay kiểu ổ quang. Dell chẳng còn khác biệt với các nhà cung cấp PC khác, cạnh tranh chủ yếu về giá dẫn đến chất lượng sản phẩm bắt đầu giảm. Danh tiếng bị ảnh hưởng, bởi Dell là một nhà cung cấp PC cho doanh nghiệp nên luôn cam kết về độ tin cậy của sản phẩm. PC thương hiệu Dell dần bị giới CNTT doanh nghiệp xa lánh.

Vài năm gần đây Dell chuyển hướng tập trung sang thị trường cao cấp lợi nhuận cao, cung cấp máy chủ, phần mềm và tư vấn giải pháp doanh nghiệp. Sân chơi này đang chứng kiến sự có mặt của IBM, HP, Intel và nhiều tên tuổi gạo cội khác. Công ty thực sự khó khăn khi phải đối đầu với quá nhiều đối thủ mạnh, trong khi danh tiếng chất lượng đã bị sứt mẻ.

Cũng như HP, Dell đã thử sức trên thị trường điện tử tiêu dùng lợi nhuận thấp nhằm chuyển hướng kinh doanh ngoài PC. Thậm chí Dell còn nhanh chân hơn cả HP, ra mắt chiếc Dell Streak 5 inch vào năm 2010, sau đó là dòng điện thoại và máy tính bảng Venue, tất cả đều chạy Android. Sản phẩm của Dell dù rẻ nhưng tẻ nhạt nên chẳng ai mua. Công ty đành từ  bỏ thị trường đã đầy rẫy những chiến binh Android cao cấp từ những thương hiệu đang nổi như Samsung, LG, Sony, HTC.

Dell chấm dứt thử nghiệm với nền tảng Android, trở lại tập trung vào kinh doanh laptop, thiết  bị lai 2-trong-1 chạy Windows.

Những năm qua Dell cũng như HP ra sức chạy đuổi theo thị trường, không phải là những người khai phá, nhưng mọi cố gắng hòng sớm dành được vị thế đều bất thành.

Intel nỗ lực làm mới mình, theo đuổi cuộc chơi di động
Hành trình của Intel cũng trắc trở như Dell và HP vào thời PC không còn là trung tâm và hiệu năng tính toán không phải là ưu tiên số một. Quá tự tin vào sự thống trị với bộ xử lý PC của mình, công ty đã nhảy vào vài thị trường quyết tâm vượt qua những kẻ tới trước, thậm chí tạo ra những thị trường mới, nhưng đáng tiếc thành công không tới.

Hãy nhớ, công nghệ băng thông rộng không dây WiMax với sự hậu thuẫn của Intel phải chịu thất bại trước công nghệ 3G/4G được hỗ trợ bởi Qualcomm, Broadcom, Texas Instruments và các nhà mạng viễn thông lớn. 4G LTE đang hướng tới kỷ nguyên kết nối Internet vạn vật, còn WiMax đi vào ngõ cụt vì không được thị trường ủng hộ.

Intel sẽ tập trung vào IoT và VR.

Intel tấn công thị trường chip truyền thông, dù lợi nhuận rất thấp, đến nay chưa thể thống trị như mong muốn. Tiếp đến là chiến lược di động tai hại thúc đẩy bởi cái tôi, nhưng không trình ra được bộ xử lý đủ tốt cho di động vốn ưu tiên cho thời lượng sử dụng. Những khoản đầu tư lên tới hàng tỷ USD để cải tiến chip di động theo hướng tiêu thụ năng lượng thấp thay vì chỉ tập trung vào hiệu năng vẫn không cạnh tranh được với ARM. Trong khi đó đối tác lâu đời Microsoft thậm chí đã có những bước đi cùng ARM. Còn phiên bản Android x86 thì dường như không bao giờ hoàn thiện.

Trong năm 2014, Intel triển khai chương trình trợ giá cho các nhà sản xuất máy tính bảng giá rẻ đã tiêu thụ được 46 triệu bộ xử lý. Nhưng chiến lược này không thể tiếp tục vì ảnh hưởng tới lợi nhuận của công ty mà không đem lại điều gì khả quan. Hồi hè vừa qua, Intel còn tuyên bố dừng phát triển các dòng chip Atom mới cho smartphone, xem như khép lại cuộc chơi smartphone kém cỏi với sự gia nhập chậm chạp và ra những quyết định thiếu sáng suốt.

Trước sự bành trướng của Android, Intel còn nỗ lực khác là chống lưng cho Samsung phát triển thiết bị chạy Tizen OS, một hệ điều hành nguồn mở hình thành từ sự kết hợp của Meego với LiMo. Meego được hình thành vào năm 2010 sau khi Intel kết hợp dự án Moblin do mình phát triển từ năm 2007 với nền tảng Maemo của Nokia. Đến nay vẫn chưa thấy triển vọng của Tizen, mặc dù Samsung đã nhiều lần tỏ ra quyết tâm theo đuổi dự án nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào nền tảng của Google.

Tại Diễn đàn các nhà phát triển Intel (Intel Developer Forum) diễn ra hồi giữa tháng 8 mới đây, những trình diễn của công ty cho thấy đang hướng tới hai lĩnh vực thời thượng mới: IoT và VR (thực tế ảo). Dù cả hai thị trường này đều hứa hẹn đầy tiềm năng, nhưng nhiều ngành công nghiệp công nghệ có vẻ thổi phồng triển vọng mà thiếu tính thực tế. Rất có thể Intel sẽ lại lâm vào khủng hoảng từ những quan điểm mới của mình.

Điều đáng ghi nhận là sự hoạt động năng nổ của CEO Brian Krzanich trong thời gian qua với niềm đam mê thực sự. Ông xuất hiện tại hàng loạt sự kiện của ngành công nghiệp để giới thiệu những mẫu chip tiên tiến Intel đang phát triển, lên chương trình truyền hình thực tế “America's Greatest Makers” cổ vũ các nhà thiết kế sáng tạo ra những thiết bị thông minh đặc sắc với chip Intel bên trong. Giải thưởng có giá trị tới 1 triệu USD.

Krzanich đang phát huy thế mạnh tiếp thị của mình, mặc dù tỏ ra tự tin nhưng không lấy gì làm chắc chắn Intel sẽ đủ sức đổi mới công nghệ để tạo ra điều lớn lao tiếp theo với chiến lược tập trung cho cả IoT và VR. Trong các thị trường truyền thông không dây và di động, Intel chỉ là đấu thủ cố gắng nhập cuộc theo thời thế, tham gia thị trường mới với những gì công ty vốn sẵn có, sẽ rất khó nếu không tiến hành cuộc cách mạng đổi mới thực sự.

HP và Dell đều phụ thuộc vào Wintel, những sản phẩm họ bán trên thị trường là dựa vào công nghệ của các công ty khác. Ngược lại, Intel đã hợp duyên cùng Microsoft dựng nên đế chế Wintel. Giờ thì Microsoft đã cải tổ, thực hiện nhiều thay đổi cho thời hậu PC, và Intel có lẽ cũng buộc phải có những thay đổi kịp thời và không lạc lối. Thực tế, có rất nhiều đấu thủ lớn trên sân chơi mới IoT và VR, bao gồm IBM, Samsung, và Qualcomm.

Dĩ nhiên nói là một chuyện, làm được tới đâu lại là chuyện khác. Và Intel sẽ cần có thêm thời gian để chứng tỏ mình. Lịch sử cho thấy tượng đài nào cũng có thể sụp đổ, nhưng sẽ là tuyệt vời nếu Intel bật lên trở lại ngoạn mục như cách Apple đã làm được, và Microsoft đang làm mới mình như hiện nay.

PW WORLD VN, 10/2016
 

PCWorld

hậu PC, máy tính để bàn, thị trường PC, xu hướng công nghệ


© 2021 FAP
  3,407,709       1/360