Công nghệ - Sản phẩm

Tại sao nên tắt thông báo trên điện thoại?

(PCWorldVN) Vì cái giá phải trả cho việc bị quấy rầy cao hơn chúng ta nghĩ.

Chúng ta đang sống trong thời đại bị quấy rầy. Ping, bạn có tin nhắn mới. Ping, bạn có email mới. Ping, bạn có một yêu cầu kết bạn Facebook mới. Ping, bạn có thông báo nhắc hẹn. Ping, ping, ping... suốt ngày, lẫn đêm.

Một khảo sát lấy ý kiến mới đây do Gallop thực hiện cho thấy tại Mỹ, có hơn 50% người dùng smartphone nước này luôn giữ điện thoại bên mình, mọi lúc, mọi nơi. Và có hơn 50% người khảo sát cho biết họ lướt mắt qua điện thoại ít nhất vài lần trong một giờ và 11% cho biết cứ vài phút lại nhìn xem màn hình điện thoại có thông báo gì mới không. Khảo sát này thực hiện ở Mỹ nhưng với Việt Nam, tình hình cũng có vẻ không mấy khác biệt. 
Ngắt quãng suy nghĩ là kẻ thù của hiệu suất làm việc.
Nếu nhìn lại lịch sử công nghệ, chúng ta không có nhiều nội dung trên thiết bị. Hiện thời, chúng ta chỉ có văn bản, tất cả thể loại thông báo đều dựa trên văn bản, từ email cá nhân, email công việc cho đến tin nhắn. Và không chỉ thông báo trên điện thoại, trên máy tính cũng vậy. Có bao nhiêu lần bạn phải dừng công việc đang làm chỉ để đọc qua tin nhắn vừa nhận được hay một thông báo email vừa tới? Và trong số ấy, có bao nhiêu lần bạn chuyển công việc đang làm sang xử lý thông báo ấy để rồi sau này nhận ra công việc mình đang làm quan trọng hơn việc xử lý thông báo?

Ở điểm này, mọi người cần nhìn nhận rõ vấn đề rằng chúng ta đang gặp trục trặc với một nền kinh tế "thông báo ngắt luồng công việc". Giá trị thực của những thông báo ấy là gì, dưới điều kiện nào, và chúng tiêu hao tâm trí của chúng ta thế nào? Một cái "ping" nhỏ dường như vô thưởng, vô phạt nhưng nếu tích luỹ nhiều cái ping như vậy rõ ràng tác động đến luồng công việc và suy nghĩ của người dùng nhiều hơn chúng ta tưởng, và dĩ nhiên tích luỹ qua thời gian, những thông báo đó sẽ tạo hiệu ứng và tác động đến đời sống của nhiều người.

Một nghiên cứu tâm lý được xuất bản trên tạp chí khoa học The Journal of Experimental Psychology cho thấy tác động của thông báo, ngay cả khi bạn làm ngơ thông báo ấy. Trong nghiên cứu này, các đối tượng khảo sát được yêu cầu hoàn thành một công việc liên quan đến theo dõi những con số từ 1-9, và nhấn một nút mỗi khi một con số chuyển sang số khác, chỉ trừ số 3. Các con số này thay đổi ở tốc độ 1 giây 1 lần, và những người tham gia khảo sát được đo tốc độ phản ứng của họ.

Những người khảo sát cũng được yêu cầu đặt điện thoại của họ sang một bên và không được động đến chúng trong suốt quá trình thực hiện khảo sát. Trong quá trình đó, các nhà khảo sát thỉnh thoảng gọi đến số điện thoại của người tham gia nhóm thứ 1, gửi tin nhắn đến nhóm thứ 2, chỉ riêng nhóm thứ 3 hoàn toàn không liên lạc gì đến điện thoại của họ. Kết quả cho thấy nhóm 1 và nhóm 2 gặp lỗi nhiều hơn và không tập trung vào công việc chính của mình. Kết quả tương đồng giữa nhóm 1 nhận cuộc gọi, và nhóm 2 nhận tin nhắn.

Và cuối cùng, khảo sát cũng cho thấy một yếu tố khác là nhóm 1 và nhóm 2 bị stress và bực tức nhiều hơn nhóm 3.

Vậy thì thông báo email ảnh hưởng thế nào? Thiết lập mặc định trong hầu hết thiết bị truyền thông hiện nay là chúng ta sẽ nhận thông báo email ngay khi thiết bị nhận được chúng. Hầu hết chúng ta đều để ứng dụng email chạy liên tục, suốt ngày làm việc.

Bạn sẽ tự hỏi liệu chúng ta có nên thiết lập thông báo email mặc định cho mỗi loại email bởi vì chúng ta thường nhận những email cực kỳ quan trọng, cần xử lý ngay. Nhưng thực tế, những loại email như vậy rất ít gặp và tỉ lệ xuất hiện trong luồng email bạn nhận được là rất thấp. Đại học Duke mới đây có làm việc với một doanh nghiệp cỡ vừa để khảo sát nhân viên của doanh nghiệp ấy về cách sử dụng email. Kết quả là chỉ có khoảng 12% email cần được đọc ngay trong vòng 5 phút. 11% email cần được đọc trong vài giờ tới, và 17% email cần đọc vào cuối ngày. Thậm chí có 10% email cần đọc vào cuối tuần và có đến 35% email không cần đụng tới. Mà mỗi email trong số này đều được một pop-up thông báo lên màn hình của người dùng.

Vậy chúng ta nên làm gì? Nếu bạn muốn tối đa hoá năng suất làm việc và có tinh thần thoải mái, bạn nên tắt tính năng thông báo mỗi lần có email đến. Chúng ta nên nhận ra một điều rằng email không bình đẳng với nhau, không phải email nào cũng có tầm quan trọng giống email nào và chỉ một vài trong số chúng đáng để chúng ta quan tâm xử lý mà thôi.
PCWorld

Bùi Lê Duy, đời sống, Notification, Smartphone, thông báo


© 2021 FAP
  3,383,170       1/1,803