Công nghệ - Sản phẩm

Sao lưu & phục hồi hệ thống cho mọi thiết bị

(PCWorldVN) Việc sao lưu sẽ giúp cho việc phục hồi hệ thống về trạng thái mong muốn được tiện lợi, tiết kiệm thời gian và giảm thiểu những rủi ro liên quan khác.

Sao lưu và phục hồi hệ thống cho Windows
Kể từ Windows Vista, Microsoft đã tích hợp chức năng sao lưu và phục hồi vào bên trong hệ điều hành như một tính năng chủ chốt với tên gọi “Backup and Restore Center”. Trải qua các phiên bản cao hơn như Windows 7, 8, 8.1 và mới nhất là Windows 10 thì tính năng này càng được cải tiến với nhiều tùy chọn hơn cho người dùng.

Chức năng sao lưu dữ liệu trên Windows 10 với One Drive.

Trong phạm vi bài viết, chúng ta sẽ khám phá sâu hơn cách dùng chức năng sao lưu và phục hồi hệ thống trên Windows 10.
Bạn sẽ có 3 tùy chọn để sao lưu trên Windows 10, đó là sao lưu dữ liệu người dùng (File History), sao lưu dữ liệu lên đám mây với OneDrive và sao lưu toàn bộ hệ thống.

Với chức năng File History và One Drive Backup thì cách sử dụng khá đơn giản, bạn chỉ cần kích hoạt chức năng và an tâm sử dụng thiết bị. Nếu vì lý do nào đó mà những dữ liệu cá nhân bị hỏng, bị mất thì bạn có thể khôi phục lại nhanh chóng nhờ hai chức năng này. Điểm khác biệt là File History sẽ khôi phục phiên bản sao lưu từ ổ cứng nội bộ, còn One Drive thì lấy lại bản sao lưu dữ liệu từ tài khoản đám mây One Drive

Riêng chức năng Backup and Restore giúp sao lưu và phục hồi toàn bộ hệ thống (có thể hiểu tương tự như phương thức Ghost trước đây). Thực tế, tính năng này không khác gì so với Windows Backup trên Windows 7, nhưng ở Windows 8/8.1 thì Microsoft đã bỏ đi. Thực tế sử dụng cho thấy, Backup and Restore mạnh hơn nhiều so với sao lưu File History hay One Drive Backup.

Chức năng khôi phục hệ thống về nguyên trạng
Trên Windows 10, chức năng Reset This PC (Làm mới máy tính) được tích hợp sẵn để làm sạch hệ điều hành và đưa Windows về nguyên bản để sử dụng khi chẳng may bị lỗi. Bạn có thể vào Settings > Update & security > chọn Recovery > Get started và Reset this PC. Tùy mục đích mà bạn chọn một trong hai tùy chọn “reset”. Nếu muốn làm mới Windows và giữ lại các dữ liệu, ứng dụng, thiết lập thì bạn chọn Keep my files. Nếu muốn làm mới Windows hoàn toàn thì bạn chọn Remove everything.

Cách sử dụng Backup and Restore khá đơn giản, bạn chỉ cần tìm kiếm (nhấn tổ hợp Windows + X) với từ khóa “backup” và nhấn vào Backup and Restore (Windows 7) > chọn Set up backup và làm theo các bước hướng dẫn của trình thuật sĩ. Quá trình sao lưu nhanh hay chậm phụ thuộc vào lượng dữ liệu được lưu trên máy tính nhiều hay ít.

Lưu ý, bạn nên chọn ổ đĩa sao lưu có không gian trống cao hơn dung lượng lưu trữ thực tế của phân vùng hệ điều hành. Điều này giúp quá trình sao lưu không phát sinh lỗi làm dừng giữa chừng, tốn thời gian.

Bạn nên sử dụng tùy chọn System Image Backup để tạo một file ảnh chứa toàn bộ phân vùng chứa hệ điều hành (bao gồm cả dữ liệu được lưu ở phân vùng này). Thao tác bằng cách chọn Create a system image tại giao diện Backup and Restore (Windows 7) > chọn On a hard disk (nếu muốn lưu file sao lưu vào ổ cứng) hoặc One one or more DVDs (nếu muốn chép vào đĩa DVD) > nhấn Next ở các bước tiếp theo.

Nếu bạn chọn chép sang đĩa DVD thì khi file sao lưu lớn hơn dung lượng của đĩa (4,7 GB) tiện ích sẽ tự động cắt thành hai hoặc nhiều file nhỏ để lưu trên nhiều đĩa. Lưu ý, tùy chọn chép sang đĩa DVD chỉ áp dụng khi máy tính có ổ đĩa quang hỗ trợ ghi DVD.

Các tùy chọn sao lưu nâng cao trên Windows 10
Các tùy chọn nâng cao tích hợp trên Windows 10 giúp bạn sao lưu và phục hồi hệ thống mà không cần vào hệ điều hành. Để xuất hiện menu Advanced options, bạn vào Settings > Update & security > Recovery và chọn “Restart now” bên dưới mục Advanced startup. Bạn cũng có thể nhấn nút Shift khi chọn Restart ở Start Menu.

Menu Advanced options trên Windows 10.

Tại menu Advanced options, bạn có thể thực hiện các tính năng System Restore, System Image Recovery, Automatic Repair… để sao lưu, khôi phục và sửa lỗi Windows 10.

Sao lưu và phục hồi trên macOS
Trên macOS (OS X trước đây), Apple tích hợp chức năng sao lưu hệ thống hiệu quả có tên Time Machine. Đúng như tên gọi, khi sử dụng tiện ích này để sao lưu hệ thống, Time Machine sẽ quản lý các backup theo trình tự thời gian, người dùng chỉ cần chọn thời điểm muốn phục hồi và chọn Restore là xong.

Để sử dụng Time Machine, máy tính của bạn cần có một phân vùng trống hoặc ổ cứng gắn ngoài. Để kích hoạt chức năng sao lưu, bạn vào System Preferences > nhấn Time Machine > chuyển tùy chọn OFF sang ON và bắt đầu sử dụng chức năng hữu ích này.

Nếu sử dụng ổ đĩa gắn ngoài làm không gian sao lưu hệ thống máy Mac thì bạn cần cắm vào qua cổng Thunderbolt, USB, hay FireWire. Khi có thông báo “Do you want to use…” bạn nhấn chọn Use as Backup Disk để chấp nhận cho hệ điều hành sao lưu vào ổ đĩa vừa kết nối với máy tính.

Thao tác nhanh với Time Machine từ thanh menu của macOS.

Lúc này, bạn có thể nhấn lên biểu tượng Time Machine trên thanh menu và chọn Back Up Now để hệ điều hành bắt đầu sao lưu. Tương tự như trên Windows, quá trình này hoàn tất sẽ tốn khá nhiều thời gian, có thể lên đến vài giờ tùy lượng dữ liệu được lưu trên phân vùng chứa hệ điều hành.

Trong trường hợp Time Machine tự động sao lưu, có thể bạn đã chọn nhiều ổ đĩa trước đó hoặc dùng thiết bị Time Capsule để sao lưu không dây. Lúc này, bạn vào Time Machine Preferences > nhấn Select Disk> chọn ổ đĩa nào mà bạn muốn lưu sao lưu dự phòng > nhấn Use Backup Disk.

Mặc định, Time Machine sẽ tự động xóa các bản sao lưu cũ để có không gian cho bản sao lưu mới. Do đó, bạn nên vào Options và đánh dấu chọn trước mục Notify after old backups are deleted (Hiện thông báo sau khi xóa các bản sao lưu cũ) để tiện theo dõi hơn.

Cách phục hồi dữ liệu với Time Machine
Time Machine có chức năng khôi phục từng dữ liệu riêng lẻ lẫn khôi phục toàn bộ hệ điều hành.

Nếu muốn khôi phục từng dữ liệu riêng lẻ, bạn chỉ cần nhấn chọn biểu tượng Time Machine từ thanh menu và chọn Enter Time Machine > chọn đến thời điểm mà file dữ liệu cần tìm bị xóa hoặc bị hỏng và chọn Restore. Cách này có thể áp dụng cho một hoặc nhiều file dữ liệu cùng lúc, thậm chí bạn có thể restore cho một hoặc nhiều thư mục. Bạn cũng sử dụng chức năng Quick Look (nhấn phím cách) để xem trước file hoặc thư mục trước khi khôi phục.

Nếu không thấy dữ liệu mong muốn trong Time Machine, bạn có thể dùng chức năng tìm kiếm để hệ thống tìm kiếm toàn bộ các bản sao lưu. Kinh nghiệm cho thấy cách này hiệu quả hơn, tuy nhiên bạn cần nhớ chắc chắn tên file hoặc ít nhất là định dạng file muốn tìm.

Tìm kiếm ngay trên Time Machine.

Nếu muốn khôi phục toàn bộ hệ điều hành, bạn hãy cắm ổ đĩa chứa dữ liệu sao lưu vào máy Mac, sau đó khởi động lại hệ điều hành và nhanh tay nhấn đè hai phím Command + R để vào chế độ Recovery Mode. Khi có giao diện Recovery Your System hiện ra là bạn thành công. Lúc này, bạn chỉ việc nhấn Next và làm theo trình thuật sĩ để chọn bản sao lưu, phân vùng khôi phục và các tùy chọn khác về thiết lập, ứng dụng để hệ thống phục hồi. Quá trình này có thể mất từ 30 phút đến 2 giờ tùy dung lượng dữ liệu đã sao lưu.

Nếu bạn muốn khôi phục bản sao lưu với Time Machine đến hệ thống máy Mac khác thì từ máy Mac mới, bạn vào Applications > Utilities > chọn Migration Assistant và nhấn From a Mac, Time Machine backup, or startup disk ở thông báo How do yoi want to transfer… Cuối cùng, bạn nhấn Continue và chọn các dữ liệu muốn phục hồi ở máy Mac mới và chọn Transfer để hệ thống thực hiện việc chuyển đổi.

Phục hồi dữ liệu từ Time Machine của máy cũ sang máy mới.

Đối với người dùng iOS
Có hai cách để bạn sao lưu hệ thống cho iOS: sao lưu thông qua iTunes và sao lưu qua iCloud.

Sao lưu qua iCloud:
Trước hết, nếu bạn muốn sao lưu iPhone/iPad/iPod Touch vào dịch vụ đám mây iCloud thì điều cần làm đầu tiên là kết nối với một mạng Wi-Fi có tốc độ cao (chức năng này không sử dụng được qua kết nối mạng di động 3G/4G).

Bước tiếp theo, từ iOS bạn vào Settings  > chọn iCloud > tìm mục iCloud Backup và chuyển tùy chọn sang ON. Sau đó, bạn nhấn tiếp Backup Now để hệ thống bắt đầu sao lưu. Quá trình này nhanh hay chậm phụ thuộc vào tốc độ kết nối (dữ liệu sao lưu được upload lên iCloud) và dung lượng dữ liệu thực tế trên iOS (hình ảnh, tài liệu, thiết lập…).

Sao lưu hệ thống lên iCloud trên iOS.
Một lưu ý nhỏ ở chức năng sao lưu với iCloud là hệ thống iOS sẽ tự động sao lưu khi bạn cắm sạc + thiết bị được kết nối mạng. Do đó, nếu dữ liệu của bạn quá nhiều (cao hơn 5GB miễn phí của iCloud) thì bạn cần mua thêm gói dung lượng từ Apple.

Nếu muốn xóa đi các bản sao lưu cũ để nhường chỗ cho bản sao lưu mới trên iCloud, bạn vào Settings > iCloud > Storage > Manage Storage > chọn thiết bị (nếu có nhiều thiết bị iOS cùng dùng chung một tài khoản iCloud) và nhấn Delete Backup.

Sao lưu qua iTunes
Thực tế cho thấy cách sao lưu này hiệu quả, có tốc độ nhanh hơn nhưng bất tiện hơn vì cần dùng đến máy tính và dây cáp kết nối.

Trước tiên, từ máy tính đã cài sẵn iTunes (www.apple.com/itunes/download), bạn khởi chạy ứng dụng này. Sau đó, kết nối iPhone/iPad vào máy tính. Nếu có thông báo Trust This Computer hiện ra, bạn chọn Trust để cho phép thiết bị kết nối với máy tính. Bạn cũng cần nhập mã khóa máy (Passcode) nếu thiết bị iOS yêu cầu.

Tiếp tục, bạn chọn thiết bị muốn sao lưu ở khung bên trái > nhấn thẻ Summary > đánh dấu chọn trước This computer và nhấn Backup now ở mục Backups để iTunes bắt đầu sao lưu. Nếu muốn mã hóa bản sao lưu để người khác không thể truy cập được thì bạn chọn Encrypt iPhone Backup và nhập mật khẩu để khóa bản sao lưu.

Nếu muốn xóa đi các bản sao lưu iOS cũ, bạn có thể vào iTunes > Preferences > Devices (đối với macOS) hoặc Edit > Preferences > Devices (đối với Windows) > chọn lên bản sao lưu muốn xóa và chọn Delete Backup.

Phục hồi hệ thống iOS
Nếu bạn sao lưu iPhone/iPad/iPod Touch với iTunes thì chỉ cần cắm thiết bị muốn phục hồi vào máy tính > chuyển sang thẻ Summary > nhấn Restore Backups > chọn bản sao lưu > OK và đợi để iTunes bắt đầu phục hồi. Lúc này, màn hình của thiết bị sẽ hiện Sync in progress.
Nếu bạn muốn phục hồi hệ thống từ bản sao lưu trên iCloud, thì ở bước thiết lập đầu tiên cho iOS (Set Up iPhone), bạn chọn Restore frome iCloud backup > chọn bản sao lưu và nhấn Next để thiết bị bắt đầu phục hồi.

Phục hồi iOS từ bản sao lưu trên iCloud.

Đối với thiết bị Android
Hệ điều hành Android có tích hợp chức năng Backup & Reset giúp sao lưu các thông tin như dữ liệu ứng dụng, mật khẩu Wi-Fi, danh bạ… vào tài khoản Google và khôi phục hệ thống về nguyên bản (Factory data reset).

Chức năng sao lưu mặc định trên Android.

Để kích hoạt chức năng này, bạn vào Settings > Backup & Reset > đánh dấu chọn trước Backup my data. Sau đó, bạn nhấn vào Backup account để chọn tài khoản Google muốn sao lưu. Bạn có thể đánh dấu chọn trước Automatic restore để các dữ liệu của ứng dụng tự động khôi phục khi được cài mới.

Nếu bạn muốn sử dụng chức năng sao lưu và khôi phục hệ thống toàn diện hơn thì sẽ phải dùng đến ứng dụng của bên thứ ba. Có thể kể đến các ứng dụng miễn phí hữu ích như App Backup and Restore, Backup Your Mobile, Cloud Storage, CM Backup, Easy Backup and Restore, List My Apps, … hay công cụ có phí Helium (4,99 USD), MyBackup (4,99 USD, bản miễn phí hạn chế tính năng), Super Backup (1,99 USD), Titanium Backup (5,99 USD), Ultimate Backup (2,99 USD)…

Giao diện của ứng dụng Super Backup.

Một số nhà sản xuất thiết bị OEM như HTC hay Samsung có trang bị chức năng sao lưu và phục hồi cho sản phẩm dùng Android của mình. Ứng dụng cài sẵn trên các máy này thường có khả năng sao lưu tin nhắn SMS, danh bạ, thiết lập hệ thống… Kinh nghiệm cho thấy, chức năng tích hợp của hãng thường hiệu quả hơn so với Backup & Restore của Google.

PC WORLD VN, 11/2016
 

PCWorld

backup, công cụ sao lưu, phục hồi hệ thống, sao lưu, sao lưu dữ liệu, sao lưu hệ thống


© 2021 FAP
  3,366,973       1/876