(PCWorldVN) Sở Công thương TP.HCM từ ngày 16/12/2016 chính thức vận hành đề án nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo thông qua ứng dụng di động Te-food.
Đây là đề án thuộc dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2020.
Đại diện Sở Công thương Thành phố cho biết, dù chỉ sau hơn 2 tháng triển khai xây dựng (từ tháng 8/2016), đề án đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia của 21 doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi với gần 1.000 trang trại, có khả năng cung cấp 100% lượng thịt tiêu thụ của thị trường TP.HCM, với nhiều đơn vị có thương hiệu và quy mô với quy trình sản xuất hiện đại, khép kín; 15 cơ sở giết mổ trên địa bàn, 6 cơ sở ở tỉnh Đồng Nai, 5 cơ sở ở Long An và 1 cơ sở khác ở Bình Dương; 2 chợ đầu mối là Bình Điền và Hóc Môn, 4 hệ thống chợ bán lẻ là Bến Thành, An Đông, Hòa Bình và Thái Bình cùng một số hệ thống phân phối, bán lẻ hiện đại như hệ thống Coop, Satra, SagriFood, BigC, Aeon Citimart, Aeon, Queenland, hệ thống cửa hàng của công ty Vissan và CP.
Te-food giúp người tiêu dùng "soi" nguồn gốc thịt heo. |
Trong giai đoạn 1 của đề án, tức từ ngày 16/12/2016, hệ thống nhận diện thịt heo thông qua ứng dụng Te-food đã được triển khai tại các điểm/đơn vị đăng ký tham gia ban đầu, và từ đầu tháng 3/2017 thì đề án sẽ chính thức triển khai trên toàn địa bàn TP.HCM.
Cũng theo đại diện Sở Công thương Thành phố, trong giai đoạn đầu tiên, việc nhận diện, quản lý và truy xuất nguồn gốc thịt heo sẽ được thực hiện từ cổng trang trại chăn nuôi khi bắt đầu xuất chuồng đến các cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, các siêu thị và chợ bán lẻ.
Đến giai đoạn 2, đề án sẽ triển khai việc quản lý theo chu trình khép kín của hoạt động sản xuất, chăn nuôi heo ngay từ khi heo mới sinh cho đến khi là thịt bán cho người tiêu dùng. Nếu thành công, đại diện Sở Công thương cho biết, đề án sẽ được nhân rộng để quản lý các mặt hàng khác như thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả và các sản phẩm, lương thực khác.
Để "soi" thịt heo, người tiêu dùng tại TP.HCM có thể lên App Store hay Google Play Store để tải về ứng dụng Te-food (miễn phí).
Bằng cách truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ nơi chăn nuôi, giết mổ đến điểm bán qua một ứng dụng cài sẵn trên smartphone, người tiêu dùng có thể lựa chọn được những sản phẩm thịt heo sạch, an toàn.
Sở Công thương TP.HCM cho biết rằng, heo xuất chuồng sẽ được đeo vòng nhận diện có khắc mã vạch QR code chứa các thông tin về trang trại chăn nuôi, và các thông tin ở những công đoạn tiếp theo (đến cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, chợ, siêu thị bán lẻ). Thịt khi bán ra thị trường sẽ được dán tem truy xuất nguồn gốc.
Được biết, tem được dán lên các khoanh thịt bán ra thị trường là tem sử dụng công nghệ colorgram theo tiêu chuẩn châu Âu, có khả năng chống giả.
Trên tem có bảng 5 màu để nhận diện, kèm theo mã QR code, tên tiểu thương.
Qua mỗi công đoạn, thông tin về sản phẩm thịt heo sẽ được lưu trữ trên hệ thống quản lý Te-food.
Người tiêu dùng có thể truy xuất các thông tin về miếng thịt như trang trại, địa điểm, thời gian giết mổ, chợ đầu mối, chủ sạp, chợ bán lẻ, tiểu thương… bằng cách dùng smartphone tải sẵn ứng dụng Te-food, hoặc sử dụng thiết bị chuyên dụng được các siêu thị, điểm kinh doanh cung cấp.
Hệ thống quản lý Te-food có thể lưu trữ tất cả thông tin về nguồn gốc thịt heo từ 5-10 năm. Bên cạnh đó, hệ thống còn cung cấp bản đồ địa điểm bán thịt heo đã được kiểm soát theo quy trình, để người tiêu dùng thuận tiện mua sắm.
Tham khảo: http://www.te-food.com
An Huy, IoT, smart city, Te-food, thành phố thông minh, ứng dụng CNTT