(PCWorldVN) Một nhóm bạn trẻ yêu công nghệ đã ứng dụng công nghệ Bluetooth Low Enegry – BLE để tăng cường tính năng bảo mật bằng giải pháp khóa điều khiển bằng điện thoại thông minh.
Một sản phẩm khóa đã được thiết kế xóa bỏ những chiếc ổ khóa tại cửa theo cách truyền thống bằng giải pháp chốt cơ học nhằm phía trong cánh cửa và “chìa khóa” là chiếc điện thoại thông minh dùng để mở cửa, và đó chính là hệ thống khóa Glock do một nhóm bạn trẻ đam mê công nghệ tại TP.HCM phát triển nghiên cứu.
Theo chàng trai Ngô Cự Mạnh - người phát minh giải pháp khóa nhà thông minh Glock thì việc sử dụng khóa để đảm bảo an toàn cho tài sản là nhu cầu luôn có của xã hội. Nếu xét về quy mô thị trường thì chỉ riêng tại TP.HCM hiện nay có khoảng 2 triệu ngôi nhà và tỉ lệ tăng số nhà (chung cư, xây mới) khoảng 40.000 ngôi nhà cùng với xu hướng sử dụng công nghệ ngày càng mạnh mẽ thì đây được xem là thị trường khá “béo bở” để nhóm thực hiện dự án với sản phẩm khóa thông minh.
“Hiện nay, trên thị trường đã có một số sản phẩm khóa số có nguồn gốc từ nước ngoài, tuy nhiên có giá thành cao, độ phổ cập không cao và chưa phát triển mạnh hướng sử dụng các thiết bị thông minh. Khóa nhà thông minh Glock là một sản phẩm được phát triển và sản xuất tại Việt Nam sẽ đáp ứng được những yêu cầu trên – Sản phẩm người Việt, an toàn hơn và tiện ích hơn. Sản phẩm đang định hướng sản xuất gia công, thăm dò và tiếp cận thị trường, khi có bước sản xuất công nghiệp thì giá thành sẽ rất cạnh tranh với các sản phẩm khóa đang có trên thị trường", Mạnh chia sẻ.
Ngô Cự Mạnh (bìa trái) giới thiệu giải pháp khóa thông minh Glock tại một cuộc thi về IoT do Vườn ươm doanh nghiệp, Khu công nghệ cao tổ chức. |
Khóa Glock gồm 2 phần chính: phần cứng là khóa điện tử (lắp đặt trên cửa) và phần mềm là ứng dụng điều khiển (app) trên thiết bị di động để quản lý khóa. Phần cứng của hệ thống là hộp điều khiển sẽ kết nối với điện thoại thông qua công nghệ Bluetooth chuẩn mới (Bluetooth Low Enegry - BLE). Ưu điểm của công nghệ BLE là gia tăng tính bảo mật và tiết kiệm năng lượng hơn so với phương pháp kết nối bằng sóng Wi-Fi, đồng thời đảm bảo chất lượng kết nối tốt. Ngoài ra, hộp điều khiển và hệ thống chốt cửa được lắp đặt bên trong cửa nên rất đảm bảo tính thẩm mỹ, chuyên nghiệp của sản phẩm.
Phần cứng của sản phẩm sử dụng chip ứng dụng công nghệ mới SoC (System on Chip) của nhà sản xuất từ Mỹ (Texas Instrument). Các chip chức năng được tích hợp sẵn các vi điều khiển bên trong, có khả năng tốt giúp tiết kiệm chi phí, khả năng công nghệ và hơn nữa là đảm bảo nhỏ gọn, năng lượng được đảm bảo tốt hơn.
“Nhóm đã tự thiết kế và làm chủ công nghệ về mạch, cũng như chip điều khiển BLE (dòng chip chuyên chạy trên chuẩn này). BLE là chuẩn Bluetooth mới giúp đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, bảo mật và khả năng tích hợp phù hợp với sự phát triển IoT (Internet of Things)”- Võ Thượng Đình, thành viên nhóm cho hay.
Phần cơ khí được phát triển mới, đảm bảo tiêu tốn năng lượng thấp (có thể sử dụng pin trong thời gian trên 6 tháng bởi công nghệ BLE rất tiết kiệm pin). Phần mềm điều khiển được kiểm soát trên di động, mang lại sự tiện lợi trong việc quản lý thiết bị kiểm soát truy cập mà các thiết bị kiểm soát khác không có được, đồng thời vẫn đảm bảo tính bảo mật tốt.
Phần mềm thiết bị được thực hiện bởi chip BLE thích hợp với xu hướng phát triển công nghệ và có tính thực tiễn đang áp dụng khá cao. Nhóm thực hiện các điều khiển dựa trên chuẩn này, giúp tăng tính bảo mật và tốc độ của các ứng dụng về truy cập và bảo mật. Ngoài ra, việc sử dụng chuẩn này cũng là cách để thiết bị có thể dễ dàng tích hợp vào các nền tảng IoT có sẵn, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm.
Hiện nay sản phẩm khóa đang nghiên cứu phát triển các thế hệ tiếp theo nhằm cho sản phẩm tối ưu nhất. Trong đầu năm 2017, nhóm sẽ ra mắt sản phẩm thương mại để chính thức bước chân vào thị trường khóa. Giải pháp khóa thông minh của nhóm đã dành được nhiều sự quan tâm đặc biệt của một số công ty phân phối khóa tại Việt Nam. Đây là một tín hiệu tích cực đầu tiên để nhóm hiện thực hóa mục tiêu thương mại hóa sản phẩm này đến với người sử dụng.
Điều còn trăn trở lớn nhất là việc thay đổi thói quen người sử dụng khóa tại Việt Nam. “Việc tối ưu hóa các thiết bị bảo mật vào bên trong khiến cánh cửa không có bất cứ thiết bị nào. Điều này đôi khi lại khiến người dùng trở nên e ngại, không có sự yên tâm vì trên cánh cửa không hề có thiết bị gì có thể nhìn thấy. Người dùng sẽ dễ có tâm lý lo ngại về sự an toàn. Vì thế, với một giải pháp mới sẽ phải cần thời gian để chinh phục khách hàng bằng tính bảo mật và thay đổi thói quen sử dụng khóa của người dùng”- Trần Tiên Tín, thành viên nhóm chia sẻ.
bảo mật nhà thông minh, đổi mới sáng tạo, giải pháp IoT, khởi nghiệp công nghệ, truyền thông khoa học công nghệ, Vĩnh Hàn