Công nghệ - Sản phẩm

TP.HCM: Ưu tiên kinh phí cho các đề tài KHCN đáp ứng nhu cầu cấp bách

(PCWorldVN) Đại diện Sở KHCN TP.HCM cho rằng 3 vấn đề chính mà các nhà khoa học thường vướng phải là thủ tục nộp hồ sơ, sự hỗ trợ tài chính và thủ tục giải ngân.

Sở KHCN TP.HCM ngày 21/2/2017 tổ chức Hội nghị giới thiệu Chương trình Nghiên cứu khoa học - phát triển công nghệ và nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ TP.HCM giai đoạn 2016-2020 nhằm công bố thông tin rộng rãi đến các doanh nghiệp và tổ chức KHCN trên địa bàn.

Thông qua việc đánh giá kết quả hoạt động KHCN giai đoạn 2011-2015, ông Phạm Văn Xu – Trưởng phòng Quản lý khoa học (thuộc Sở KHCN TP.HCM) đã nêu bật hai vấn đề lớn là việc các nhà khoa học nộp đề tài trễ hạn lên đến 80% và sự hạn chế trong việc ứng dụng đề tài nghiên cứu (do chỉ một số doanh nghiệp có nhu cầu mới liên kết hợp tác với các tổ chức KHCN).

Qua đó, để thực hiện tốt yêu cầu về phát triển KHCN trong thời kỳ mới, Sở KHCN TP.HCM sẽ dành 70% kinh phí ưu tiên phục vụ các đề tài KHCN đáp ứng nhu cầu cấp bách của Thành phố, đồng thời xây dựng cơ chế mới nhằm hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa các tổ chức KHCN với doanh nghiệp.

Thông tin danh mục nhiệm vụ KHCN được Sở công bố trên trang web http://www.dost.hochiminhcity.gov.vn.

Được biết, Chương trình sẽ được thực hiện theo 4 hình thức: Nghiên cứu theo đặt hàng (theo danh mục của Sở); Tài trợ nghiên cứu (các tổ chức tự đề xuất với mức kinh phí hỗ trợ tối đa là 1 tỷ đồng đối với nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và KHCN, tối đa là 500 triệu đồng đối với nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn); Xây dựng sản phẩm mục tiêu (các tổ chức phối hợp với doanh nghiệp đề xuất nhiệm vụ KHCN để hình thành và phát triển sản phẩm mục tiêu có quy mô thị trường lớn và giá trị kinh tế cao, trong đó có sự đồng đầu tư của doanh nghiệp không dưới 50% tổng kinh phí); Hỗ trợ dự án khởi nghiệp (các tổ chức ươm tạo đề xuất dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với kinh phí hỗ trợ không quá 2 tỷ đồng/dự án).

Phó Giám đốc Sở KHCN TP.HCM Nguyễn Kỳ Phùng thông tin về chương trình hỗ trợ.

Nhằm làm giảm tình trạng trễ hạn đề tài, ông Nguyễn Kỳ Phùng – Phó Giám đốc Sở KHCN TP.HCM góp ý các nhà khoa học nên lượng sức và tìm hiểu thời gian thực hiện nghiên cứu có phù hợp hay chưa, trong đó nên dành ra 2 tháng cuối để hoàn thành thủ tục nộp hồ sơ và giải ngân. Đặc biệt, khi Sở tinh giản thủ tục tuyển chọn hồ sơ thì các nhà khoa học sẽ cần phải đầu tư kỹ càng phần thuyết minh đề tài để tránh bị đánh rớt dự án.

Trong phần giải đáp thắc mắc cho các nhà khoa học, ông Phùng cho biết Sở sẽ đề xuất cải thiện tốt hơn cách tính công cho chủ nhiệm đề tài bởi cách làm hiện nay “đang buộc các nhà khoa học phải nói dối”. 

PCWorld

đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, Sở KHCN TP.HCM, truyền thông khoa học công nghệ


© 2021 FAP
  3,349,951       1/259