(PCWorldVN) MWC không chỉ có smartphone, năm nay Barcelona còn là nơi để AT&T, GE, Harman và Intel tiếp cận các khách hàng tiềm năng những giải pháp thành phố thông minh của họ.
Mobile World Congress 2017 đang diễn ra sôi động tại thành phố Barcelona của Tây Ban Nha, với hàng chục mẫu smartphone mới của các hãng sản xuất trên thế giới trình làng cùng nhiều sản phẩm công nghệ và dịch vụ liên quan đến truyền thông không dây và di động.
Khoảng 100.000 khách tham quan MWC 2017 và hàng nghìn nhà cung cấp sản phẩm/dịch vụ có mặt tại đây.
Triển lãm di động quốc tế lớn nhất hằng năm thực sự thu hút sự chú ý của giới công nghệ, các doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn thế giới.
Bao trùm lên toàn bộ MWC 2017 là các chủ đề chính: Internet of Things, trí tuệ nhân tạo và công nghệ 5G.
Những nhà sản xuất lớn như Samsung thuê hẳn cả khu vực lớn trưng bày hoành tráng, nhưng cũng có một số gian hàng triển lãm chuyên đề, như thành phố sáng tạo của Hiệp hội GSM, trong đó tập trung chủ yếu vào công nghệ liên quan đến thành phố thông minh.
GSM là đơn vị tổ chức Đại hội di động thế giới thường niên - MWC.
Tại MWC 2017, công ty viễn thông khổng lồ AT&T trình diễn công nghệ thành phố thông minh với một cột đèn chiếu sáng trên đó có gắn các cảm biến. Những cảm biến thông minh này có thể truyền về các trung tâm an toàn công cộng và điều phối giao thông về tình hình lưu thông trên đường, bãi đỗ xe và các tuyến bộ hành. Trên các cột đèn thông minh này cũng có thể lắp thêm những cảm biến có khả năng giám sát mức độ ô nhiễm không khí, theo dõi thời tiết hay phát hiện tiếng súng nổ.
AT&T công bố công ty đã ký hợp đồng độc quyền với Current, một nhánh của tập đoàn General Electric (GE), để triển khai công nghệ IoT cho các thành phố ở Mỹ và Mexico. Cụ thể, AT&T sẽ là đại lý độc quyền của GE triển khai các nút (node) cảm biến thông minh cho hai quốc gia này.
Các node bao gồm các cột đèn thông minh, gần như vô hình, và có thể hoạt động với các thiết bị chiếu sáng của nhiều nhà sản xuất khác, AT&T cho biết. Chúng được gắn 3 camera và nhiều cảm biến. Dữ liệu từ các node có thể được gửi qua mạng viễn thông không dây 4G LTE của AT&T, hoặc cũng có thể qua đường cáp quang.
Chính quyền thành phố có thể sử dụng các cột đèn chiếu sáng và nguồn cấp điện hiện hữu, và lắp các đèn LED để tiết kiệm điện năng. Khoản tiền tiết kiệm này sẽ bù cho chi phí đầu tư cảm biến và phần mềm xử lý dữ liệu do cảm biến thu thập.
Thành phố San Diego, Mỹ có một dự án lắp đặt 3.200 đèn LED chiếu sáng công cộng và các cảm biến, dự kiến tiết kiệm được khoảng 2,4 triệu USD tiền điện mỗi năm, theo tính toán của AT&T. Thêm khoản tiết giảm chi phí nữa là số nhân công bảo trì cột điện và hệ thống chiếu sáng được giảm xuống.
Ban đầu, khoản tiết kiệm điện năng từ đèn LED chiếu sáng có thể hấp dẫn đối với các thành phố thông minh, nhưng về lâu dài dữ liệu từ các bộ cảm biến được chia sẻ rộng rãi mang lại lợi ích rất lớn. Sinh viên, kỹ sư lập trình, và các doanh nghiệp phần mềm đều có thể truy cập dữ liệu để phát triển ứng dụng phục vụ cộng đồng.
John Gordon, Giám đốc kỹ thuật số (Chief Digital Officer – CDO) của Current, trong một cuộc phỏng vấn cho biết, công nghệ của GE sẽ cung cấp dữ liệu cảm biến tại các node thông minh cho mục đích sử dụng chung. Trước đây, các thành phố bị lệ thuộc vào mô hình mỗi kiểu cảm biến chỉ cho một ứng dụng.
“Bất cứ ai cũng có thể truy cập những dữ liệu này”, ông khẳng định.
Mike Zeto, tổng giám đốc phụ trách mảng thành phố thông minh của AT&T cho biết, cơ chế dữ liệu mở sẵn sàng với công nghệ node thông minh chẳng khác gì bơm năng lượng vào các chương trình thành phố thông minh.
Theo ông, với việc phát triển thành phố thông minh như vậy, các khoản chi cho an toàn công cộng, bảo vệ môi trường và thậm chí phát triển kinh tế đều rất hiệu quả. Hơn nữa, có thể thêm vào mạng Wi-Fi công cộng.
Trong vòng 2 năm tới, nhiều thành phố ở Mỹ có kế hoạch triển khai các dự án về thành phố thông minh với những đề xuất qui mô từ các nhà cung cấp công nghệ và hạ tầng cơ sở, Zeto nói.
Cũng tại MWC, công ty công nghệ Harman công bố một hệ thống phát hiện và cảnh báo sớm, có thể hữu ích cho các đơn vị tiện ích công cộng của thành phố để giám sát những rung động từ các máy bơm nước hay cơ sở hạ tầng cơ khí khác.
Hệ thống Quick Predict do Harman phát triển sử dụng thuật toán phân tích độ rung của Intel và đã được sử dụng trong các nhà máy sản xuất chip của Intel, theo Andrew Till, phó chủ tịch công nghệ của Harman. Harman hiện sử dụng hơn 30.000 nhân công và nổi tiếng với những phần mềm cung cấp cho các sản phẩm kết nối dùng trong ô tô, môi trường công nghiệp,… Các nhãn hàng nổi danh của công ty như JBL và Lexicon. Tháng 11/2016 Samsung đã công bố kế hoạch chi 8 tỷ USD để thâu tóm Harman nhằm tiến sâu vào ngành ô tô.
Till cho biết, hệ thống Quick Predict sử dụng máy học (machine learning) để phát hiện khi những rung động từ máy đạt tới ngưỡng có thể phát sinh sự cố. Chẳng hạn, sau một trận động đất, hệ thống có thể được sử dụng để đánh giá tình trạng thiết bị, máy móc trong các nhà máy.
MWC 2017, smart city, thành phố thông minh, Thương Huyền