(PCWorldVN) Lưu trữ định nghĩa bằng phần mềm - SDS và lưu trữ đối tượng được kỳ vọng sẽ giúp công tác lưu trữ dữ liệu ở mức dung lượng 'khủng' tại các doanh nghiệp trở nên linh động hơn, nhanh hơn cũng như an toàn hơn.
Thực tế cho thấy, mọi thứ trên thế giới "thực" của chúng ta đã và đang dần trở thành dữ liệu.
Trong một bài viết gần đây của mình, ông Sumir Bhatia là Phó chủ tịch phụ trách nhóm giải pháp Trung tâm dữ liệu của Lenovo tại thị trường châu Á – Thái Bình Dương từng cho rằng thế giới không ngừng kết nối như hiện nay chính là đang phản ánh sinh động quan điểm "thế giới này toàn bộ là … dữ liệu!".
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của xu hướng Internet vạn vật (IoT), truyền thông xã hội và dữ liệu lớn (big data) thì dung lượng dữ liệu của các tổ chức, doanh nghiệp cũng tăng theo tương ứng, nhưng ở tốc độ số mũ, và thực trạng này dẫn đến tình trạng "các cơn mưa dữ liệu" chưa được khai thác hiệu quả.
Theo ông Sumir Bhatia, khả năng lưu trữ dữ liệu chỉ là một phần nhỏ của câu chuyện, thay vào đó để hưởng lợi thực sự từ nền kinh tế trí thức mới thì các tổ chức, doanh nghiệp cần hiểu rõ cách thức quản lý, phân tích dữ liệu hiệu quả, và trích xuất thông tin hữu ích từ núi dữ liệu khổng lồ ấy.
Về cơ bản, dữ liệu được truy xuất thường xuyên gọi là "dữ liệu nóng", và đó có thể là các máy chủ cơ sở dữ liệu, hệ thống ERP (Enterprise Resource Planning) và trang web.
Với xu hướng ngày càng rẻ của ổ flash (chính xác là ổ lưu trữ thể rắn - SSD) thì việc sử dụng giải pháp lưu trữ All-Flash Array cho các ứng dụng quan trọng này đã dễ dàng hơn bao giờ hết và dẫn đầu lĩnh vực này là hãng Nimble Storage.
Tuy nhiên, trong triển khai flash, hệ thống lưu trữ lai (hybrid array) – kết hợp giữa ổ đĩa cứng truyền thống và ổ flash - lại có tốc độ tăng trưởng cao hơn. Cùng với ảo hóa lưu trữ, các doanh nghiệp giờ đây có thể đạt được điều này hoàn toàn bằng phần mềm. Ngày nay, những giải pháp như IBM Spectrum Virtualize, IBM StorWise và DataCore có thể mang lại khả năng đó, và thực tế đây là những giải pháp toàn diện nhất trên thị trường hiện nay.
Trong khi đó, dữ liệu không được truy xuất thường xuyên gọi là "dữ liệu nguội".
Chúng có thể tồn tại trong mẫu cấu trúc như sao lưu và dữ liệu lưu trữ mà phần lớn doanh nghiệp hiện sử dụng, hoặc trong các mẫu phi cấu trúc như blog, ảnh hay video kích thước lớn. Những dữ liệu như vậy có dung lượng từ rất nhỏ, chỉ cỡ vài kilobyte, nhưng cũng có thể lên đến hàng terabyte, song quan trọng hơn cả là số lượng tập tin có thể lên đến con số hàng ngàn, hàng triệu và thậm chí tỷ, ngàn tỷ.
Do đó, việc quản lý hàng triệu tập tin nhỏ như vậy hoàn toàn khác so với quản lý chỉ vài tập tin siêu lớn. Mặc dù cả hai trường hợp đều chiếm dung lượng lưu trữ ngang nhau, nhưng xét từ góc độ quản lý dữ liệu thì các kiến trúc cũ hơn lại không hỗ trợ độ chi tiết cao hơn.
Do vậy, lưu trữ định nghĩa bằng phần mềm (software-defined storage hay SDS) và lưu trữ đối tượng (object storage) được xem là giải pháp khắc phục cho xu thế này.
Cloudian là tên tuổi dẫn đầu trong lĩnh vực Object Storage - SDS.
Không giống lưu trữ đối tượng, việc quản lý lưu trữ tập tin và "khối" dữ liệu truyền thống, đặc biệt với dung lượng lớn, thường gặp khó khăn ở chỗ chi phí trang bị, triển khai và vận hành giải pháp mạng lưu trữ (SAN) ngày càng cao.
Trong khi đó, nhờ kiến trúc mở rộng ở quy mô lớn mà SDS có thể giúp giảm đáng kể chi phí lưu trữ.
Nexenta hiện dẫn đầu thị trường các giải pháp lưu trữ tập tin và khối SDS.
giải pháp sao lưu, Hồng Oanh, lưu trữ doanh nghiệp, lưu trữ SSD, sao lưu dữ liệu, SDS