Công nghệ - Sản phẩm

Chia sẻ và kết nối là bí quyết thành công cho nhà khoa học khởi nghiệp

Chỉ khi nhà khoa học và giới doanh nhân có sự hợp tác chặt chẽ với nhau thì mới có thể tạo nền tảng cho việc xây dựng những doanh nghiệp khởi nghiệp mang giá trị cốt lõi là thành tựu nghiên cứu khoa học kỹ thuật.

Ngày 19/7/2017, Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF) tổ chức buổi hội thảo “Hành trình khởi nghiệp của nhà khoa học” nhằm mục đích tìm ra giải pháp cụ thể trong việc hỗ trợ doanh nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp có xuất phát điểm là nhà khoa học, cũng như sự cần thiết phải có một môi trường giao lưu hợp tác dành cho cộng đồng nhà khoa học và cộng đồng doanh nhân.

Thực tế hiện nay có không ít nhà khoa học đã mất cả gia tài nhưng vẫn chưa hiện thực hóa được ý tưởng. Nói như PGS.TS Phạm Thị Hòe (Chủ tịch Tập đoàn Sơn KOVA) là nhà khoa học không có vốn để đầu tư, không có tiền để tiếp tục làm việc, do đó nhiều dự án nghiên cứu xong chỉ có cách cất vào ngăn tủ.

Ông Phạm Duy Hiếu giới thiệu về vai trò của SVF.

Ông Phạm Duy Hiếu - Giám đốc điều hành Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam giới thiệu SVF sẽ giúp nhà khoa học sáng tạo nên sản phẩm mẫu, đồng thời giới thiệu sản phẩm đó đến các nhà đầu tư để hình thành nên doanh nghiệp khởi nghiệp, phát triển thành mô hình kinh doanh có thể tăng trưởng.

Song điều gì đang ngăn cản việc có được nhiều startup công nghệ thành công?

Theo ông Hiếu, công nghệ giúp cho sản phẩm mạnh mẽ, có sức sống nhưng kinh doanh là mới là phương pháp cung ứng sản phẩm cho thị trường và đem về lợi nhuận, nên từ ý tưởng đến thương mại hóa (đem về lợi nhuận) cần rất nhiều sự hợp lực và hỗ trợ từ các bên. Bởi thế, ông Hiếu khẳng định phép nhân sẽ bắt đầu từ phép chia, nếu nhà khoa học chịu chia sẻ cơ hội với những người có chuyên môn khác (tài chính, marketing, bán hàng…), thu hút sự đồng tâm hiệp lực thì doanh nghiệp khởi nghiệp ấy mới có thể phát triển lớn mạnh.

Tại hội thảo lần này, SVF kết nối nhà đầu tư đến 7 dự án gồm: Ứng dụng công nghệ sinh học trong tạo giống cây trồng; Sản xuất thực phẩm chức năng có chất lượng cao từ tảo xoắn; Đa dạng hóa thị trường nấm Việt Nam; Công nghệ bào chế thực phẩm chức năng dạng nano; Kit thử nhanh và dụng cụ lấy mẫu phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản, an toàn thực phẩm và quan trắc ô nhiễm môi trường không khí; Chế tạo thiết bị đo quang cầm tay và sử dụng dữ liệu phổ kết hợp dữ liệu đa biến trong việc kiểm định nhanh chất lượng sản phẩm; Hệ thống nấu nhôm không khói. 

PCWorld

cộng đồng khởi nghiệp, Hoàng Kim, truyền thông khoa học công nghệ


© 2021 FAP
  3,377,096       2/1,303