Công nghệ - Sản phẩm

TP.HCM đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phát triển đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp

Các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp tại TP.HCM sẽ có cơ hội nhận được kinh phí hỗ trợ lên tới 300 triệu đồng từ Sở KHCN TP.HCM.

Cụ thể, nhằm hỗ trợ các tổ chức, nhóm cá nhân, cá nhân trên địa bàn TP.HCM đẩy mạnh ứng dụng  khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong lĩnh vực nông nghiệp, từ năm 2018, Sở KHCN TP.HCM triển khai Chương trình hỗ trợ triển khai ứng dụng KHCN và ĐMST trong nông nghiệp trên địa bàn.

Chương trình sẽ là đòn bẩy để các tổ chức, nhóm, cá nhân tái cơ cấu sản xuất, phát triển sản xuất, kinh doanh, phục vụ xuất khẩu, nâng cao năng suất, chất lượng nhằm tăng thu nhập và tạo việc làm cho người dân.

Các hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và nhóm khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tại 5 huyện và 5 quận (quận 9, quận 12, quận Bình Tân, quận Thủ Đức, quận Gò Vấp) của TP.HCM có mô hình có tính khả thi và triển khai thực tế sẽ được xem xét, đánh giá để hỗ trợ. Mức hỗ trợ tối đa là 70% kinh phí mỗi mô hình nhưng không quá 300 triệu đồng một mô hình. Gói hỗ trợ trên sẽ được sử dụng cho hoạt động nhận tư vấn, thiết kế, chế tạo, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo…

Sở KHCN TP.HCM sẽ nhận hồ sơ của các tổ chức, cá nhân liên tục trong năm. Kết quả đánh giá, xét duyệt sẽ được thông báo vào các tháng 4, 6, 8 và 10.

Mỗi hồ sơ đăng ký nhận hỗ trợ của chương trình bao gồm thuyết minh mô hình, tóm tắt hoạt động KHCN của tổ chức đăng ký chủ trì nhiệm vụ, lý lịch khoa học của cá nhân đăng ký làm chủ nhiệm và các cộng tác viên tham gia.

Các tổ chức, cá nhân quan tâm có thể nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện về Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM (địa chỉ: số 244 Điện Biên Phủ, Phường 7, Quận 3, TPHCM). SĐT liên hệ: 39.307.463, hoặc 0918.425.747 gặp anh Lê Huy Hoàng, 0908.891.744 gặp chị Trương Thị Thanh Tuyền.

Tham khảo mẫu đăng ký: nhấn vào đây.

PCWorld

đổi mới sáng tạo, nông nghiệp công nghệ cao, truyền thông khoa học công nghệ


© 2021 FAP
  2,612,624       13/934