Đây là một cơ chế liên thông linh hoạt, cho phép doanh nghiệp điện tử hoá một trong những khâu quan trọng nhất trong quá trình hoạt động thương mại.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, việc hiện đại hóa hoạt động quản lý, điều hành của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước là một nội dung quan trọng. Việc xây dựng một hệ sinh thái đầy đủ để phát triển lĩnh vực thương mại điện tử nói riêng và nền kinh tế số nói chung là chủ trương quan trọng mà lãnh đạo Bộ Công Thương đã giao cho Cục Thương mại điện tử và kinh tế số triển khai.
Trên thế giới, việc ứng dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử và sử dụng chứng từ điện tử đã trở nên phổ biến ở nhiều nước. Hầu hết giải pháp Chính phủ điện tử và thương mại điện tử ở các nước phát triển đều có nền tảng xác thực dựa trên chữ ký điện tử, chữ ký số.
Lễ ra mắt Trục điện tử kết nối doanh nghiệp |
Tại Việt Nam, chữ ký số đã được Bộ Công Thương đưa vào ứng dụng rất sớm từ năm 2005 trong hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Đến năm 2007, khi Chính phủ ban hành Nghị định 26/2007/NĐ-CP quy định về chữ ký số, Bộ Công Thương vẫn tiếp tục là một trong những đơn vị đồng hành, ứng dụng chữ ký số vào các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu và các dịch vụ hành chính công trực tuyến khác. Năm 2013, Nghị định 52 về Thương mại điện tử do Bộ Công Thương dự thảo trình Chính phủ ban hành, cũng đã quy định rõ về các chứng từ điện tử trong giao dịch thương mại phục vụ việc giao kết hợp đồng điện tử.
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1563/QĐ-TTg ngày 8/8/2016 về Phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu số 1 là Phát triển các hạ tầng dành cho thương mại điện tử mà trong đó có việc phát triển “Hạ tầng an toàn, an ninh cho thương mại điện tử được phát triển với việc thiết lập hệ thống chứng thực điện tử; các cơ chế giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử”. Đây là nền tảng và căn cứ quan trọng để triển khai một giải pháp trục điện tử kết nối doanh nghiệp, trên nền tảng chứng từ điện tử, cho phép doanh nghiệp giao kết hợp đồng điện tử trên nền tảng xác thực bởi chữ ký số.
Giải pháp Trục điện tử kết nối doanh nghiệp ERP Store tạo ra một cơ chế liên thông linh hoạt, cho phép doanh nghiệp điện tử hoá một trong những khâu quan trọng nhất trong quá trình hoạt động thương mại là quá trình giao kết hợp đồng, tiến tới việc ứng dụng chứng từ điện tử trong thương mại một cách rộng rãi trong toàn xã hội giúp cho doanh nghiệp phát huy được sức mạnh của công nghệ số trong hoạt động quản lý điều hành.
Những hoạt động này dựa trên các tiêu chí:
- Văn bản điện tử có giá trị pháp lý, có tính xác thực và đảm bảo an toàn.
- Môi trường làm việc đa nền tảng, linh hoạt, không phụ thuộc vào thời gian, địa điểm, hỗ trợ tối đa cho người lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp, tổ chức.
- Khả năng kết nối, giao kết linh hoạt, kể cả với các doanh nghiệp, tổ chức chưa đăng ký tham gia, vẫn có thể giao tiếp, liên kết được và dễ dàng khởi tạo hợp đồng điện tử.
Doanh nghiệp chỉ cần mã số thuế và USB token chữ ký số là có thể bắt đầu sử dụng. Mỗi doanh nghiệp sẽ được cấp 4 tài khoản tương ứng với 4 vai trò: người soạn thảo (người sẽ khởi tạo ra các văn bản, hợp đồng), văn thư (người sẽ duyệt văn bản trước khi trình ký; đóng dấu vào văn bản đã ký), giám đốc (người sẽ ký văn bản) và quản trị. Doanh nghiệp sẽ được miễn phí sử dụng trong hai năm đầu tiên. Sau khi hết giai đoạn miễn phí, doanh nghiệp trả phí hàng tháng với chi phí rất nhỏ so với việc ký hợp đồng bằng giấy như hiện tại.
Đây là những nền tảng rất cơ bản để hướng đến một giải pháp tổng thể doanh nghiệp không giấy tờ mà Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, sẽ tiếp tục phối hợp cùng các tập đoàn, doanh nghiệp tại Việt Nam để phát triển, phục vụ cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
cách mạng công nghiệp 4.0, chính phủ điện tử, ERP, giải pháp doanh nghiệp, Huy Thắng, thương mại điện tử