Công nghệ - Sản phẩm

Ra mắt bộ sách chủ đề Biển đảo - 2019

Chương trình ra mắt chủ đề sách Biển đảo lần này do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM chủ trì cùng với Hội Nhà văn Thành phố kết hợp Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ thực hiện. Chương trình hướng đến hoạt động ngày Thơ Việt Nam 2019 với chủ đề "Hướng về biên cương Tổ quốc".

Năm 2018, với chủ đề “Văn nghệ sĩ TP.HCM với biển đảo thân yêu”, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM đã tổ chức chuyến đi thực tế sáng tác cho văn nghệ sĩ tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) và đảo Phú Quý (Bình Thuận) trong 11 ngày, từ ngày 29/4/2018 đến ngày 9/5/2018. Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch Trại sáng tác năm 2018 của Liên hiệp nhằm đẩy mạnh các hoạt động sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài biên giới, biển đảo.

Các tác giả ký tặng nhân dịp ra mắt bộ sách.

Tại hai hòn đảo lớn của miền Trung, các văn nghệ sĩ thành phố đã đến thăm, tặng quà và biểu diễn văn nghệ phục vụ bộ đội biên phòng, giao lưu cùng các nhân chứng địa phương và được nghe kể chuyện về tinh thần bất khuất bám biển, giữ đảo của quân và dân nơi đây. Đặc biệt, tại hòn đảo huyền thoại Lý Sơn (Quảng Ngãi) các văn nghệ sĩ đã tham dự Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa với nhiều cung bậc cảm xúc và sự cảm phục, niềm tự hào về một thời đi mở cõi của cha ông.


Sau chuyến đi thực tế sáng tác, các tác phẩm thuộc nhiều loại hình văn học nghệ thuật (nhiếp ảnh, hội họa, điện ảnh, âm nhạc, sân khấu, văn học) đã ra đời và phát huy thế mạnh riêng từng ngành sẽ lần lượt được ra mắt công chúng. Riêng mảng văn học, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố đã chọn 5 tác phẩm in ấn, phục vụ rộng rãi bạn đọc trong dịp ra mắt sách chủ đề Biển đảo 2019 lần này, gồm có:

  • Tập thơ Dấu chân biển cả - tác giả Phùng Hiệu
  • Tập thơ Tiếng chuông trong bão - tác giả Phan Trung Thành
  • Tập thơ Sóng hát - tác giả Phạm Phương Lan
  • Tập truyện ngắn Cánh chim chắn bão - tác giả Huỳnh Mẫn Chi
  • Truyện dài Đi về phía Bình Minh - tác giả Võ Thu Hương 

* Tập thơ Dấu chân biển cả của tác giả Phùng Hiệu gồm có 35 bài thơ. Bằng giọng thơ mộc mạc, chân tình, tác giả đã dẫn người đọc đi về nơi có truyền thuyết 50 con cùng cha xuống biển - để nghe tiếng của tiền nhân gửi gắm, chia sẻ về một hành trình dựng nước và giữ nước.
Trong quá khứ, để khẳng định chủ quyền biển đảo, biết bao nhiêu chiến binh trẻ ra đi không về, để từ đó cho ra đời một loại mộ gió. Mộ treo tiếng cười và lưu giữ tuổi thanh xuân của những chàng trai yêu nước. Biển, đảo quê hương luôn nằm trong trái tim, khối óc của triệu triệu người con dân Việt. Đọc Dấu chân biển cả, chắc chắn rằng mỗi bạn đọc sẽ thấy thêm yêu biển đảo và càng nhận thức rõ hơn về trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước mình.

* Bằng giọng thơ nữ tính, trong tập thơ Sóng hát của tác giả Phạm Phương Lan trở thành người hướng dẫn viên đầy lãng mạn giới thiệu đến du khách đến những miền biển tuyệt đẹp của quê hương Việt Nam. Với 37 bài thơ chất chứa cảm xúc chẳng những đã làm cho khách du lịch hài lòng mà còn chuyển tải thành công những thông điệp trong đó.

Tập thơ được chia làm ba phần: Sóng hát; Tình yêu để lại mai sau; Và em tóc rối. Tất cả cùng nằm trong đề tài là tình yêu và quê hương đất nước. Có thể nói, Sóng là những thanh âm nhẹ nhàng đầy nữ tính về tình yêu của tác giả dành cho nhiều vùng miền của đất nước, và trong đó biển đảo như một sự khởi đi cho tình yêu ấy.

* Tập thơ Tiếng chuông trong bão của tác giả Phan Trung Thành gồm có 68 bài thơ. Trong đó, tác giả gieo cảm xúc của mình để ghi nhận những trải nghiệm trong cuộc sống, dày, mỏng, nông, sâu của xã hội đương thời, là một cuốn nhật ký lữ hành với những cung đường mà tác giả đã đi qua trong nhiều mốc thời gian.

Tập thơ là sự tả chân cuộc sống - một cuộc sống đa sắc màu - mà ở đó mỗi người là một chuyến tàu lửa nhanh hay chậm rồi cũng về tới đích sau khi đã cảm thụ no nê những gì có trên các đoạn đường đi qua với 4 trạng thái hỷ, nộ, ái ố…

* Về phía bình minh là truyện dài kể về cô gái tên Xuân với cuộc đời ở vùng biển đầy những trắc trở, chông gai. Từ nhỏ, Xuân đã có ý thức mình không được sự yêu thương của mẹ, mà chỉ nhận được sự chăm chút, chia sẻ, thương yêu, lo lắng từ người cha, nhất là khi Xuân biết về một bí mật là người mẹ ấy không phải mẹ ruột của mình!

Về phía bình minh là thông điệp về tình thương từ cộng đồng với sự chia sẻ và thấu cảm, về sự vượt khó thành công nếu có ý chí. Thực chất, hiện thực xã hội cũng không hề thiếu vắng tình thương, sự nhân ái. Ở nơi mà người ta quen gọi là dưới đáy xã hội, một môi trường sống toàn gam màu đen nhưng nơi ấy tình người của những con người đồng cảnh ngộ mới ấm áp làm sao. Hình ảnh trong truyện đẹp, gợi suy nghĩ và như thúc đẩy chúng ta muốn về với biển.

* Tập truyện ngắn Cánh chim chắn bão của tác giả Huỳnh Mẫn Chi gồm có 16 truyện xuyên suốt một chủ đề về biển và lính biển Mỗi nhân vật lãnh nhận một sứ mạng thiêng liêng, đó là mang vác lòng yêu nước đến với tất cả mọi người; gánh cõng những hạt giống trung thành gieo cấy khắp trên mảnh đất hình chữ “S”; cũng như truyền tải những thông điệp về một tình yêu quê hương, một sự hy sinh cho nơi mình sinh ra, chôn nhau, cắt rún... Hầu hết những câu chuyện trong tác phẩm đều mang hơi thở cuộc sống mãnh liệt và hơn nữa là tình yêu, ý thức trách nhiệm công dân đối với chủ quyền biển đảo mà tác giả Huỳnh Mẫn Chi đã thể hiện một cách đầy tâm huyết và trân trọng.

PCWorld

Ra mắt bộ sách chủ đề Biển đảo - 2019


© 2021 FAP
  2,528,413       3/856