Công nghệ - Sản phẩm

Sở hữu trí tuệ công đang là trở ngại trong kết nối trường viện với doanh nghiệp

Doanh nghiệp rất e dè tài sản trí tuệ thuộc tổ chức nhà nước, nhưng vô cùng hoan nghênh nếu tài sản đó thuộc về cá nhân.

Đó là vấn đề được đại diện ĐH KHTN TP.HCM nêu ra tại buổi làm việc với Sở KHCN TP.HCM nhằm tìm kiếm giải pháp thúc đẩy kết nối quan hệ 3 nhà: nhà trường (trường ĐH, Viện nghiện cứu) - nhà nước - doanh nghiệp diễn ra ngày 20/2/2019.

Bởi lẽ, nếu tài sản trí tuệ thuộc về cá nhân, doanh nghiệp sẽ dễ dàng gắn kết với cá nhân trong việc phân chia cổ phần hoặc thuê mua tài sản trí tuệ, thuận tiện hơn trong quá trình phát triển và cải tiến sản phẩm. Trái lại, tài sản trí tuệ thuộc sở hữu nhà nước sẽ bị Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (năm 2017) chi phối, khó thu hút sự quan tâm của các bên do rủi ro trong nghiên cứu khoa học là rất cao, nguy cơ thua lỗ lớn.

Mặt khác, đối với cá nhân sở hữu tài sản trí tuệ, doanh nghiệp còn dễ thảo luận, phân chia quyền sở hữu, tránh không để tác giả tài sản trí tuệ “chạy” sang đối thủ.

Vì lẽ đó, nhiều doanh nghiệp đang sử dụng hình thức phối hợp với cá nhân (là giảng viên hoặc nhà khoa học) để thực hiện nghiên cứu khoa học. Dĩ nhiên, ở hình thức này thì trường viện không thu được lợi ích gì dù rằng quá trình nghiên cứu sử dụng nguồn lực nhân sự và thiết bị của trường viện.

Về vấn đề này, bà Chu Vân Hải - Phó Giám đốc Sở KHCN TP.HCM khẳng định sẽ rất cấp thiết hình thành các tổ chức trung gian chuyên về kết nối nhu cầu của doanh nghiệp với khả năng nghiên cứu của trường viện, lập danh sách công nghệ sẵn sàng chuyển giao ngay cho doanh nghiệp, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, đồng thời thực hiện công tác điều phối kết hợp nhiều đơn vị để thành lập chuỗi mắt xích nghiên cứu khoa học dài hơi (thực hiện các dự án lớn từ 3-5 năm).

Một thực tế khác, theo đại diện ĐH Công nghiệp TP.HCM, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu đặt hàng nghiên cứu ở quy mô nhỏ rất nhiều. Tuy nhiên, để có sản phẩm thành công ngay thì không dễ và không thể có ngay một sớm một chiều.

Ông Phạm Văn Xu - Trưởng phòng Quản lý Khoa học (thuộc Sở KHCN TP.HCM) cho biết hiện Sở KHCN TP.HCM đang ưu tiên ưu tiên tuyển chọn những nhiệm vụ KHCN có tính ứng dụng thực tế cao, tạo ra những sản phẩm có thể nhanh chóng áp dụng thực tế, phục vụ các ngành công nghiệp trọng điểm, trong đó đề cao sự kết nối giữa doanh nghiệp với đơn vị thực hiện nghiên cứu KHCN.

Cụ thể, trước khi giao hợp đồng nghiên cứu khoa học cho đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ KHCN, Sở yêu cầu có sự thỏa thuận giữa đơn vị chủ trì và doanh nghiệp về nhiều mặt như tính bảo mật, thời gian nghiên cứu, sự phân chia quyền sở hữu… nhằm tháo gỡ một phần những khó khăn, e dè của các bên.

Để việc nghiên cứu thuận lợi hơn cho cả doanh nghiệp và trường viện, Phó Giám đốc Sở KHCN TP.HCM Chu Vân Hải gợi ý trường viện cần phối hợp với nhu cầu của doanh nghiệp để sao cho việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trở thành giai đoạn đầu tiên. Ở giai đoạn tiếp theo, khi doanh nghiệp “nhìn thấy” kết quả của nhiệm vụ nghiên cứu khoa học có tiềm năng thương mại hóa, thì doanh nghiệp sẽ chủ động đầu tư, tiến hành sản xuất thử, thậm chí có kế hoạch thương mại hóa.

Lãnh đạo Sở KHCN TP.HCM còn mong muốn sẽ có thêm sự tham gia của các đơn vị Sở ngành và hiệp hội doanh nghiệp trong việc giúp trường viện “đọc” được nhu cầu của doanh nghiệp hoặc ngành trong từng giai đoạn, triển khai những nghiên cứu khoa học cơ bản có khả năng đón đầu, tạo đà cho những hướng đi mới trong tương lai. 

PCWorld

Hoàng Kim, Sở KHCN TP.HCM, truyền thông khoa học công nghệ


© 2021 FAP
  2,527,283       8/836