Công nghệ - Sản phẩm

Doanh nghiệp khởi nghiệp ơi, đã đến lúc cần chủ động!

Không chỉ dừng ở nhờ hỗ trợ để hoàn thiện sản phẩm, chính doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ cao phải mạnh dạn tìm mối hợp tác với đối tác lớn để cùng kinh doanh, cùng phát triển.

Nhiều trở ngại khiến doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ cao đau đầu

Hướng tới xây dựng nền tảng sinh thái IoT cho nông nghiệp, dù sản phẩm đã được tung ra thị trường nhưng Công ty Cổ phần Nông nghiệp số Agri Connect vẫn chưa tìm được lời giải cho bài toán sensor (cảm biến).

“Ban đầu, chúng tôi chọn loại sensor cho nông nghiệp để đưa vào nghiên cứu vì chưa cần đến độ chính xác cao. Nhưng khi đưa vào quy mô sản xuất công nghiệp, chúng tôi nhận ra rằng phải sử dụng đến loại sensor có độ chính xác cao, có độ bền tốt, có thể kết nối ngay vào hệ thống vận hành thu thập và phân tích dữ liệu”, đại diện Agri Connect chia sẻ.

Theo lời đại diện Agri Connect, chỉ cần lựa chọn sai loại sensor, hoặc chọn nhà sản xuất sensor khác, là toàn bộ dữ liệu thu thập và quy trình sản xuất cũng sẽ “trật lất” hết. Do đó, điều mà Agri Connect trăn trở là mong muốn được tư vấn lựa chọn được chọn sensor cho đúng kỹ thuật, có độ chính xác cao để quy trình vận hành IoT thực sự trôi chảy. Một đại diện doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực IoT khác là Tép Bạc cũng thổ lộ rằng sensor giá rẻ chính là sự lựa chọn ưu tiên của họ, do có sẵn và dễ làm. Và đó là một vòng lẩn quản khi khi giải pháp làm ra lại không có sensor phù hợp, và việc chọn sai sensor là “đi tong” luôn cả quy trình.

Bài toán về sensor có lẽ là trở ngại lớn nhất mà hầu như doanh nghiệp khởi nghiệp nào làm về IoT cũng gặp phải, khi mà do hạn chế về ngân sách đầu tư, về nguồn cung cấp thông tin khiến họ không thể chọn được đúng loại sensor cần dùng. Mặt khác, muốn tối ưu hóa quy trình sản xuất thì doanh nghiệp khởi nghiệp lại chưa thể làm tốt về mặt cơ khí, khiến sản phẩm chưa được đẹp, trông "quái quái" nên việc thương mại hóa sản phẩm còn rất nhiều khó khăn.

Lời giải hợp tác tìm lối ra cho sản phẩm công nghệ cao

Nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp ở Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao, Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP.HCM đã tổ chức buổi gặp gỡ giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành vi mạch và nhà đầu tư để trao đổi về việc kết nối các sản phẩm với thị trường, gồm 2 đối tác là DunAn Sensing – công ty chuyên cung cấp các bộ chuyển đổi và cảm biến áp suất OEM có trụ sở ở Silicon Valley, cùng ITO Việt Nam – công ty chuyên về thiết kế chế tạo máy, cung cấp các giải pháp tự động hóa, cải tiến quy trình sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp 4.0.

Sau khi nghe các doanh nghiệp khởi nghiệp trình bày những khó khăn đang gặp phải, cụ thể là vấn đề về sensor, ông Tom Nguyen – Tổng Giám đốc DunAn Sensing cho biết việc lựa chọn sensor có độ chính xác cao, phù hợp từng tiêu chuẩn môi trường làm việc khắc nghiệt còn phụ thuộc vào kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Thêm vào đó, một số yếu tố khác như tiết kiệm năng lượng, độ bền cao trong môi trường nước… cũng tác động không nhỏ đến việc lựa chọn sensor. Để có câu trả lời thỏa đáng cho từng trường hợp, doanh nghiệp khởi nghiệp có thể liên hệ với ông để được tư vấn trực tiếp về giải pháp ứng dụng cũng như tham khảo về giá thành. Hiện nay, DunAn Sensing là nhà cung cấp sensor OEM chi phí thấp hàng đầu trong ngành cảm biến áp suất MEMS.

Là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại hóa sản phẩm, bà Công Tằng Tôn Nữ Thùy Trang – Tổng Giám đốc ITO Việt Nam đưa ra lời khuyên: “Nếu sản phẩm của các bạn đủ hấp dẫn, đủ tốt thì hãy chủ động đặt mối liên hệ hợp tác cùng phát triển và thương mại hóa sản phẩm, chứ đừng dừng lại ở mức nhờ hỗ trợ. Các bạn đừng đánh giá thấp mình. Thật ra không phải mình nhờ đối tác lớn giúp đỡ đâu, mà là họ hỗ trợ mình, họ cũng có lợi ích, cùng nhau phát triển đi lên”.

Theo đó, việc doanh nghiệp khởi nghiệp cùng triển khai dự án với một đối tác lớn sẽ góp phần rất lớn vào việc tạo dựng niềm tin của khách hàng về uy tín của doanh nghiệp, về sản phẩm. Với các kênh truyền thông và phân phối sẵn có của đối tác lớn, doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ dễ dàng kết nối với hệ thống nhà phân phối, mạng lưới người tiêu dùng hơn là khi tự làm tất cả.

Về chuyện thương mại hóa sản phẩm, Tổng Giám đốc ITO Việt Nam đặt câu hỏi khiến nhiều người trong khán phòng ngơ ngẩn: “Sản phẩm xấu thì bán ai mua? Nếu ngay từ cái nhìn ban đầu mà không vừa ý, làm sao khách hàng quan tâm đến những thứ tiếp theo?”. Bởi đó là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đang bỏ ngỏ, do chỉ chú tâm vào hoàn thiện tính năng, công dụng mà không chú ý đến hình thức bên ngoài của sản phẩm.

Theo bà Trang, khi xuất sản phẩm mẫu sang các tập đoàn đa quốc gia để chào hàng, bắt buộc màu sơn, kỹ thuật sơn đều phải đạt chuẩn kỹ thuật, thì họ mới tò mò xem máy. Tất cả phải là một sự đồng nhất. Bà Trang cũng cam kết đội ngũ chuyên gia kỹ thuật của ITO Việt Nam sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp khởi nghiệp hoàn thiện sản phẩm, sau đó tạo dựng các chương trình thông tin để thương mại hóa qua mạng lưới bán hàng toàn cầu, các cuộc triển lãm quốc tế.

“DunAn Sensing và ITO Việt Nam là 2 trong số những đối tác sẽ hỗ trợ đầu ra mà Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP.HCM kết nối với doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ cao. Hội sẽ cùng các đối tác triển khai 3 mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp gồm cử chuyên gia đào tạo công nghệ, cung cấp miễn phí phần mềm – chương trình ứng dụng, hỗ trợ kinh phí thực hiện nghiên cứu – làm pilot”, ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP.HCM cho biết. “Hội cũng ghi nhận ý kiến đóng góp từ doanh nghiệp khởi nghiệp để tiếp tục tìm kiếm giải pháp hỗ trợ thiết thực về thương mại hóa và truyền thông sản phẩm nhằm thực hiện mục tiêu sản phẩm bền vững, hoàn thiện giải pháp và bổ sung nguồn nhân lực”. 

Theo Khampha

PCWorld

doanh nghiệp khởi nghiệp, Hội Vi Mạch


© 2021 FAP
  2,526,313       5/957