Android 451Q có màn hình đẹp, độ sắc nét khá và hiệu năng tương xứng với chi phí đầu tư. Song thời lượng pin còn nhiều hạn chế và thiết kế thân máy vẫn còn kém thu hút.
Android 451Q là mẫu smartphone thương hiệu KingCom (Đài Loan) được thiết kế hướng đến đối tượng người dùng phổ thông. Đúng như tên gọi của mình, Android 451Q cũng hoạt động trên nền tảng HĐH Android (Jeally Bean). Song, điểm khác biệt của mẫu smartphone 4,5” này so với các sản phẩm phổ thông chạy Android khác của hãng chính là việc tích hợp BXL lõi tứ tốc độ 1,2GHz của Broadcom.
Nếu so với một số phiên bản khác của hãng, Android 451Q còn được nâng cấp hệ thống camera, hỗ trợ tính năng chạm lấy nét và đèn flash trợ sáng đi kèm. Về tính năng, song song với kết nối GSM/3G (2 SIM 2 sóng online), máy còn hỗ trợ đầy đủ các chuẩn kết nối cần thiết hiện nay như Wi-Fi, Wi-Fi Direct, GPS và Bluetooth 4.0. Là một sản phẩm thuộc phân khúc phổ thông, nên bộ nhớ RAM của Android 451Q cũng chỉ dừng lại ở mức 1GB; “kho” lưu trữ tích hợp cũng chỉ giới hạn ở mức 4GB dung lượng. Dù vậy, với khe cắm thẻ nhớ microSD đi kèm, người dung vẫn có cơ hội mở rộng không gian lưu trữ tối đa thêm 32GB mỗi khi cần.
![]() |
Đánh giá thiết kế, màn hình và hiệu năng
Có mặt tại Test Lab là phiên bản Android 451Q màu đen tuyền bóng bẩy với ngoại hình dạng thanh bo tròn bốn góc nhẹ nhàng. Tuy thân máy không thật nổi bật, nhưng bộ sản phẩm này vẫn gây ấn tượng tốt nhờ thiết kế hộp đựng máy khá trau chuốt - tựa như một chiếc tủ nhỏ có khoang chứa máy tách biệt hoàn toàn với khay chứa phụ kiện được phân nhóm, sắp xếp một cách cẩn thận.
![]() |
Màn hình 4,5" của Android 450Q có mật độ điểm ảnh khá cao. |
Những trải nghiệm thực tế cho thấy Android 451Q cũng có cách bố trí các phím “cứng” khá thiếu trực quan. Dãy phím cảm ứng ở mặt trước cũng không hỗ trợ đèn nền LED nên cũng gây chút khó khăn khi định vị trong môi trường thiếu sáng. Bù lại, máy khá cứng cáp, dù sử dụng phần lớn vật liệu nhựa. Thiết kế phần thân máy vừa vặn cả cho những người dùng sở hữu bàn tay nhỏ nhắn. Tuy vậy, nắp lưng bóng bẩy của Android 451Q tỏ ra rất nhạy với dấu vân tay và cho độ bám chưa thật tốt nếu người dùng chẳng may ra mồ hôi tay nhiều. May mắn là hãng cung cấp kèm một bộ case theo máy có độ bám tốt hơn và cũng có thể bảo vệ bề mặt màn hình cảm ứng cho thiết bị.
![]() |
Hiệu năng tổng thể khi đo bằng công cụ Antutu Benchmark 4 cho kết quả khá khiêm tốn vì hạn chế của sức mạnh phần cứng. |
Về khả năng hiển thị, dù chỉ được trang bị màn hình panel TFT thông thường với độ phân giải ở mức qHD - nhưng Test Lab phải thừa nhận Android 451Q có chất lượng hiển thị khá lôi cuốn, độ sắc nét khá. Trong các phép thử hiển thị màu đơn sắc, LCD 4,5” cho màu sắc có độ đồng nhất và độ sâu màu khá. Với thiết lập độ sáng 100%, các bước chuyển màu dù rất nhỏ trong phép thử độ bão hòa màu cũng có thể dễ dàng phân biệt bằng mắt thường. Tuy nhiên, với thiết lập độ sáng này, sắc đen bị ảnh hưởng nhiều và sắc trắng có thể khiến người xem chói mắt.
Riêng về góc nhìn, do những hạn chế đặc trưng của công nghệ panel màn hình, cộng thêm hiện tượng chói nắng từ mặt kính bảo vệ nên chất lượng hiển thị của Android 451Q chỉ được đảm bảo ở những góc quan sát vừa phải (trong khoảng từ 45 độ hoặc nhỏ hơn). Để phần nào cải thiện tình trạng chói nắng, người dùng tốt nhất nên cài đặt độ sáng màn hình từ mức 40% hoặc cao hơn.
![]() |
Tuy nhiên, máy vẫn đáp ứng tốt các vụ văn phòng, duyệt web nhiều tab và xem phim HD. |
Trong các thử nghiệm điều khiển cảm ứng, Android 451Q đáp ứng tốt các thao tác điều khiển đa chạm (2 điểm đồng thời) cũng như các thao tác kéo-thả, quét chuyển trang màn hình. Dù vậy, đôi khi Test Lab vẫn phải mất 2 lần cho một thao tác chạm để mở 1 ứng dụng thông thường.
Về hiệu năng, hầu hết các công cụ benchmark BXL, sức mạnh đồ họa cũng như bộ nhớ mà Test Lab thử nghiệm đều cho kết quả chỉ ở mức trung bình hoặc thấp hơn giá trị trung bình của các phép đo. Đây thực sự không phải là một chi tiết gây bất ngờ - vì nếu so với những “đối thủ” 4 nhân giá mềm khác trên thị trường, BXL Broadcom BCM23550 vốn có hiệu năng thấp hơn khá nhiều. Dù vậy, trong một số hạng mục, Android 451Q lại cho kết quả cao hơn hẳn model Galaxy Grand Neo vốn có cấu hình tương đương. Đơn cử, tốc độ khung hình trung bình trong phép thử Nena Mark 2 của Android 451Q đạt 49,3fps - nhỉnh hơn mức 47,3 của model Galaxy Grand Neo.
![]() |
Android 451Q cũng đủ sức gánh vác các game nặng song người dùng phải chấp nhận hy sinh các hiệu ứng đồ họa của game. |
Khi hiện thực hóa các số điểm như thường lệ, Test Lab nhận thấy Android 451Q đáp ứng khá tốt nhu cầu duyệt web với trình duyệt mặc định cũng như với Chrome. Ngay cả khi mở cùng lúc nhiều tab, trình duyệt mặc định vẫn có tốc độ tải trang đủ nhanh; và không hề bị tình trạng treo cứng hay đóng ứng dụng ngoài ý muốn. Tốc độ điều hướng, tốc độ xoay cũng như chuyển đổi giữa các trang màn hình của giao diện Android 4.2 trên máy cũng khá mượt mà. Dù vậy, Android 451Q vẫn mất khá nhiều thời gian để khởi chạy các ứng dụng lớn. Do những hạn chế về sức mạnh đồ họa, cộng thêm thiết kế bề mặt màn hình độ ma sát lớn, Android 451Q khiến Test Lab gặp khá nhiều trở ngại với những game “hạng nặng” như Dead Trigger 2 hay Real Racing 3. Riêng với các game 2D tốc độ cao như Sonic Dash, Danger Dash, Android 451Q đáp ứng khá tốt. Máy cũng đáp ứng tốt nhu cầu giải trí với HD cũng như phim trực tuyến chất lượng cao. Tuy nhiên, chất lượng âm thanh loa tích hợp còn cần nhiều cải thiện. Tốt nhất người dùng nên sử dụng tai nghe để có những trải nghiệm tốt hơn về âm thanh. Xuyên suốt quá trình thử nghiệm, mặt lưng máy vẫn khá mát mẻ, xứng đáng nhận một điểm cộng từ Test Lab.
>> Xem tiếp đánh giá hiệu năng pin, camera
KingCom Android 451Q, smartphone Android