Sản phẩm

Smartphone giá rẻ: Nokia Lumia 630 và Asus ZenFone 4

Thị trường smartphone giá rẻ tháng 5 trở nên rất sôi động với hai dòng ZenFone 4 và Lumia 630. Cả hai sản phẩm hỗ trợ nhiều tính năng và 2 SIM 2 sóng trên nền Android tùy biến sâu và Windows Phone 8.1 mới. Dù vậy, cả hai cũng có một số khuyết điểm thường thấy ở những dòng sản phẩm tầm thấp.

Thiết kế
Cả hai sản phẩm thử nghiệm đều có chất liệu vỏ ngoài bằng nhựa, Lumia 630 có nét thiết kế giống với Nokia X nhưng đường nét bo các góc và mặt lưng bóng bẩy có phần đẹp hơn.Trong khi đó, ZenFone 5 lại trông khá dày, mặt lưng nhám có độ ma sát cao có kiểu bo cong giúp việc cầm nắm máy tốt hơn và ít bám dấu vân tay hơn.

Các nút chức năng của Windows Phone được tích hợp vào giao diện sử dụng của Lumia 630, thay vì nút ảo trên thân máy như nhiều dòng Windows Phone khác. Cả hai smartphone giá rẻ này có nắp lưng đêu có thể tháo lắp được, nhưng sẽ hơi khó khăn với người sử dụng lần đầu. Ở ZenFone 4, bề mặt bên dưới màn hình, các nút nguồn và nút chỉnh âm lượng được phủ sơn dạng vân tròn đồng tâm đẹp mắt.

Tóm lại, nếu Lumia 630 cóđược vẻ ngoài chắc chắn và tính thẩm mỹ cần có của một thiết bị thông minh giá mềm trong thiết kế nhựa, thì ZenFone 4 có thiết kế tương đối tốt, hài hoà trong kích thước 4 inch. Tuy nhiên, so với các dòng máy cao cấp hơn thì thiết kế hai máy này không phải là xuất sắc.

Xếp hạng
Asus ZenFone 4:

Nokia Lumia 630:

Màn hình
Lumia 630 sử dụng màn hình IPS 4,5 inch (so với 4,7 inch của Lumia 625) nhưng hỗ trợ độ phân giải cao hơn với mức 480x854 pixel (so với 480 x 800 pixel trên Lumia 625). Trong khi đó, ZenFone 4 lại có kích thước 4 inch, hỗ trợ độ phân giải 480 x 800 pixel, mật độ điểm ảnh đạt khoảng 233 ppi.

Nhờ màn hình ClearBlack nên chất lượng hiển thị thực tế của Lumia 630 nhìn chung cao hơn chút ít so với ZenFone 4. Nếu so với các dòng Lumia cùng phân khúc thì Lumia 630 có chất lượng hiển thị đẹp nhất cả về độ sáng và độ trung thực của màu sắc.

Cả hai dòng smartphone này đều không có cảm biến điều chỉnh ảnh sáng, nên người dùng phải chỉnh thủ công với ba mức Low, Medium và High (với Lumia 630) hoặc kéo thanh trượt chỉnh độ sáng (với ZenFone 4) cho phù hợp với môi trường sử dụng.

Xếp hạng
Asus ZenFone 4:

Nokia Lumia 630:

Camera
Cả hai sản phẩm thử nghiệm đều được tích hợp camera 5 megapixel hỗ trợ chụp ảnh có độ phân giải tối đa 2.592 х 1.944 pixel. Mặc dù camera của Lumia 630 sử dụng cảm biến có kích thước 1/4'' nhưng chỉ hỗ trợ quay phim 720p@30fps. Trong khi đó, ZenFone 4 lại có thể quay phim độ phân giải Full HD.

Mặc khác, dù có mức giá rẻ nhưng ZenFone 4 lại được trang bị camera phụ 0,3MP, trong khi Lumia 630 không được tích hợp camera phụ nên sẽ hơi thất vọng với người dùng thích “selfie”. Một điểm được Test Lab đánh giá cao ở chức năng chụp ảnh của ZenFone 4 là hỗ trợ rất nhiều chức năng nhằm cải thiện chất lượng ảnh chụp.

Chất lượng ảnh chụp thực tế của Lumia 630 đạt mức khá, ảnh có phần hơi nhạt về màu sắc. Khi phóng lớn ảnh 100% cho thấy ảnh có độ chi tiết chưa cao. Tuy nhiên, ảnh chụp cận cảnh (macro) từ Lumia 630 rất đẹp. Chụp thiếu sáng và điều kiện ban đêm là một thách thức lớn với Lumia 630 bởi máy không hỗ trợ đèn flash. Chất lượng ảnh chụp thiếu sáng của máy khá tệ, ảnh bị nhòe và nhiễu khá nhiều.

Chất lượng ảnh chụp thực tế của ZenFone 4 theo đánh giá của Test Lab là ở mức trung bình khá. Ảnh tuy sắc nét so với các dòng máy ở cùng phân khúc, nhưng khả năng tái tạo màu sắc cho hình ảnh đầu ra chưa tốt và không đồng đều theo từng điều kiện môi trường. Ở điều kiện trời mát, ảnh khá đẹp hơn so với các dòng smartphone dùng Android cùng tầm giá, nhưng trời nắng thì ảnh thường bị “cháy sáng”. Ảnh macro chụp hoa cỏ đôi lúc lại quá rực rỡ.

Xếp hạng
Asus ZenFone 4:

Nokia Lumia 630:

Hệ điều hành và tính năng

Sự khác biệt lớn ở hai thiết bị này là hệ điều hành, Lumia 630 là dòng smartphone đầu tiên được cài sẵn hệ điều hành Windows Phone 8.1 mới nhất, trong khi ZenFone 4 lại sử dụng Android 4.3 được tùy biến sâu. Điểm giống là cả hai đều hỗ trợ 2 SIM 2 sóng.

Windows Phone 8.1 còn bổ sung chức năng Cortana (trợ lý thông minh) khá tiện lợi trong việc tìm kiếm thông tin và sử dụng máy rảnh tay. Test Lab đánh giá cao cải tiến của bộ gõ trong bản nâng cấp này. Ngoài bộ gõ TELEX thì bàn phím của Windows Phone 8.1 còn hỗ trợ cách gõ Word Flow tiện lợi (gõ chữ bằng cách quét qua những ký tự). Máy cũng được cài sẵn nhiều ứng dụng đặc trưng của Nokia (nay là Microsoft Mobile) như Nokia Camera, HERE Maps, Mix Radio… Người dùng có thể bổ sung nhiều ứng dụng khác từ kho Windows Phone Store để phục vụ các nhu cầu của mình.

Điểm yếu ở chức năng nghe gọi của Lumia 630 là máy không tích hợp cảm biến tiệm cận nên khi nghe điện thoại, người dùng phải áp phần trên của màn hình lên tai để tắt màn hình. Nếu không chạm vào màn hình thì màn hình sẽ sáng và rất dễ chạm vào các chức năng không mong muốn. Trong khi đó, ZenFone được tích hợp cảm biến này nên khá thoải mái khi nghe điện thoại.

Test Lab đánh giá cao giao diện tùy biến lại đẹp mắt (ZenUI) trên nền Android của Asus. Máy có thể đáp ứng nhanh với các hiệu ứng chuyển trang, bật ứng dụng rất nhanh và mượt, hơn hẳn các dòng smartphone tầm thấp khác (thường gặp hiện tượng giật). Các tuỳ biến sâu ở thanh thông báo, kiểu thiết kế trực quan, dễ dùng ở màn hình khoá lẫn màn hình chủ khiến những trải nghiệm với sản phẩm này thực sự thoải mái. Bên cạnh các ứng dụng tích hợp cơ bản như máy tính, lịch, trình duyệt thiết kế riêng, trình email hay quản lý file... thì hãng cài sẵn một số ứng dụng mới khá hữu ích.

Xếp hạng
Asus ZenFone 4:

Nokia Lumia 630:

Hiệu năng và pin
Cấu hình của Lumia 630 cao hơn ZenFone 4 về vi xử lý với chip xử lý 4 nhân Cortex-A7, tốc độ 1,2GHz, chipset Qualcomm Snapdragon 400, trong khi sản phẩm của Asus chỉ sử dụng vi xử lý 2 nhân 1,2 GHz. Nhưng bộ nhớ RAM của ZenFone lại cao hơn với 1GB (Lumia 630 chỉ có 512MB RAM). Cả hai dòng này đều có bộ nhớ trong 8GB và hỗ trợ thẻ nhớ microSD.

Hiệu năng của Lumia 630 đạt mức khá, tốc độ xử lý tương đối mượt mà với đa số các ứng dụng. Với một vài ứng dụng nặng hay game thì tốc độ khởi động hơi lâu nhưng khi sử dụng thì tốc độ đáp ứng các thao tác của người dùng tốt. Nếu ZenFone 4 khá “mát mẻ” khi sử dụng nhờ chip Intel thì Lumia 630 lại tỏa nhiệt nhiều khi dùng.

Test Lab đánh giá hiệu năng sử dụng của ZenFone 4 ở mức trung bình khá. Máy có thể đáp ứng tốt về tốc độ và hiệu quả sử dụng với tất cả các ứng dụng cài sẵn. Một số ứng dụng nặng thì máy có tốc độ khởi động khá chậm và hơi bị giật khi chơi các game có đồ hoạ 3D. Trong khi các game đồ hoạ 2D máy đáp ứng khá tốt.

Thời lượng dùng pin của ZenFone kém khá xa so với Lumia 630. Với nhu cầu sử dụng thông thường (bật 3G, Wi-Fi, nghe gọi, check mail, thỉnh thoảng chụp ảnh), máy chỉ đạt thời lượng dùng pin khoảng 16 tiếng. Nếu tần suất dùng máy nhiều hơn thì pin càng sụt nhanh. Chức năng tiết kiệm pin tích hợp của máy khi kích hoạt giúp máy có thể tăng thời gian sử dụng lên khoảng hơn 1 giờ. Sau khi sạc đầy, sử dụng máy liên tục 10 phút, máy tiêu tốn 5% pin.

Trong khi đó, thời lượng dùng pin của Lumia 630 đạt mức 1,5 ngày với điều kiện sử dụng bật 3G, kết nối Wi-Fi và thỉnh thoảng chụp ảnh. Với pin tích hợp có dung lượng chỉ 1830 mAh nhưng Lumia 630 có được thời lượng dùng khá dài so với Lumia 625 (dù dòng máy này dung lượng pin lớn hơn 2000 mAh). Có lẽ cải tiến ở Windows Phone 8.1 đã giúp dòng smartphone giá mềm này có được ưu điểm này.

Xếp hạng
Asus ZenFone 4:

Nokia Lumia 630:


PC World VN, 06/2014

PCWorld

Asus ZenFone 4, Nokia Lumia 630


© 2021 FAP
  2,893,416       1/825