HP Compaq TC1100 được xem là một trong những mẫu máy tính bảng tốt nhất một thời với cấu hình phần cứng ấn tượng. Tuy nhiên sản phẩm nhanh chóng bị thay thế bằng phiên bản mới hơn và ít nhiều để lại bài học trong thiết kế Surface Pro 3.
![]() |
Mẫu tablet PC HP Compaq TC1100 ra mắt người dùng trong năm 2004. |
HP Compaq TC1100 chính thức ra mắt người dùng trong năm 2004 và tính đến hiện tại chỉ vừa tròn 10 tuổi. Xét trong kỷ nguyên điện toán di động thì mẫu máy tính bảng của HP chỉ có giá trị hoài cổ và ít nhiều được Microsoft áp dụng trong thiết kế Surface Pro 3. Điều này cũng chứng tỏ Microsoft đã đưa ra một ý tưởng đúng đắn trong việc phát triển sản phẩm qua các thời kỳ.
Thiết kế
Về cơ bản, TC1100 là mẫu tablet PC với thiết kế lai giữa máy tính xách tay và máy tính bảng. Sản phẩm chạy hệ điều hành Windows XP Tablet PC Edition, trang bị bàn phím vật lý đi kèm để sử dụng như một máy tính xách tay và bút trâm khi dùng ở chế độ máy tính bảng.
![]() |
So sánh độ dày giữa Surface Pro 3 (9,14 mm) và TC1100 (20,32 mm). |
HP Compaq TC1100 nặng khoảng 1,4 kg, tức gần gấp đôi so với Surface Pro 3 (798 gram) và nếu so với thế hệ iPad đầu tiên Apple ra mắt vào năm 2010 chỉ nặng 680 gram. Ngoài ra, cấu hình phần cứng TC1100 dùng chip Pentium M chạy ở xung nhịp 1GHz và nóng đến mức người dùng khó có thể đặt trên đùi hoặc giữ lâu trên tay khi sử dụng.
Màn hình hiển thị
Mẫu máy tính bảng của HP trang bị màn hình 10,4 inch, hỗ trợ độ phân giải 1.024 x 768 pixel như một số sản phẩm dòng phổ thông hiện nay. Mật độ điểm ảnh của màn hình chỉ đạt 123 ppi (pixel per inch) nên chất lượng hình ảnh hiển thị kém sắc nét. Trong khi đó, kích thước màn hình Surface Pro 3 chỉ 12 inch nhưng có độ phân giải hỗ trợ lên đến 2.160 x 1.440 pixel cùng mật độ điểm ảnh đạt 216 ppi.
![]() |
Hình minh họa cho thấy sự khác biệt chất lượng hình ảnh giữa Surface Pro 3 (trái) và TC1100 (phải). |
Bên cạnh đó, màn hình cảm ứng của TC1100 không hỗ trợ các thao tác vuốt, nhấn, chạm trực tiếp trên màn hình do công nghệ màn hình cảm ứng của năm 2004 chỉ dừng lại ở việc sử dụng chiếc bút trâm (stylus) để nhấn và tạo áp lực lên đó.
Đến năm 2007, công nghệ màn hình cảm ứng điện dung xuất hiện trên phiên bản iPhone đầu tiên, thế hệ màn hình cảm ứng mới trở thành tiêu chuẩn, giao diện thiết bị di động bùng nổ từ đó và mang đến một trải nghiệm hoàn toàn khác trước đây. Người dùng có thể tương tác trực tiếp trên màn hình bằng cử chỉ ngón tay thay vì dùng chuột hoặc bút cảm ứng.
Phương thức nhập liệu
![]() |
TC1100 sử dụng bút trâm (stylus) để để nhấn và tạo lực lên màn hình cảm ứng. |
Khi sử dụng bàn phím rời đi kèm, TC1100 trông chẳng khác những mẫu laptop khác vào thời điểm đó. Cấu hình phần cứng dùng chip xử lý Pentium M, dung lượng RAM 512 MB và ổ cứng 40GB. Một thử nghiệm so sánh cho thấy TC1100 mất khoảng 15 giây để hệ điều hành hoàn tất việc khởi động trong khi Surface Pro 3 chỉ mất 4 giây để vào được giao diện đăng nhập Windows 8.
Vấn đề lớn nhất của HP Compaq TC1100 là phương thức nhập liệu. Mẫu máy tính bảng của HP chỉ chạy được các ứng dụng desktop truyền thống của Windows XP trong khi tại thời điểm đó, các ứng dụng chưa được tối ưu hóa để sử dụng trên giao diện cảm ứng.
Chẳng hạn bàn phím ảo vay mượn thiết kế bàn phím vật lý của laptop với những ký tự nhỏ xíu và mờ nhạt đại diện cho mỗi phím nhấn. Vì vậy việc soạn thảo văn bản trên màn hình cảm ứng gần như là “ác mộng” đối với người dùng.
Nhận dạng chữ viết tay
![]() |
Cổng kết nối thiết bị ngoại vi của TC1100. |
Một lựa chọn khác cho việc nhập liệu là sử dụng bàn phím ảo của công cụ Character Pad. Với cách này, người dùng có thể vẽ các ký tự trên một mảnh giấy ảo và đảm bảo chúng nằm trong đường viền giới hạn. Thực tế là việc nhận dạng này thường “trật nhiều hơn trúng” và thiết bị nhận dạng nhầm chữ s thành số 5 hoặc chữ C được hiểu như dấu đóng mở ngoặc “(“.
Tương tự với công cụ Writing Pad, đôi khi công nghệ nhận dạng chữ viết tay của Microsoft làm người dùng ngạc nhiên với tỷ lệ chính xác khá cao và quá tệ trong hầu hết trường hợp còn lại. Và đây cũng là lý do khiến người dùng thích bàn phím ảo của iOS hơn, kể từ khi ra mắt vào năm 2007, với khả năng nhập liệu trực tiếp bằng ngón tay.
Tầm nhìn của Microsoft
![]() |
Hai sản phẩm cùng một tầm nhìn của Microsoft. |
Có thể nói rằng, sản phẩm của Apple đã tạo cuộc cách mạng cho thiết bị di động hiện đại. iPhone đầu tiên với màn hình cảm ứng điện dung cho phép thao tác trực tiếp trên màn hình trong khi iPad với thiết kế mỏng gọn và nhẹ hơn đáng kể so với những mẫu máy tính bảng vào cùng thời điểm. Tuy nhiên, điều không thể phủ nhận là Microsoft đã có những nỗ lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của máy tính bảng trước khi Apple đưa nó lên tầm cao mới.
Phải mất đến 10 năm, cuối cùng Microsoft đã cho ra mắt sản phẩm thiết kế “2-trong-1” như mong đợi của hãng. Surface Pro 3 hỗ trợ bàn phím ảo lẫn vật lý, chiếc bút cảm ứng tiện dụng hơn trong việc ghi chú, tạo mẫu đồ họa cùng hệ điều hành Windows 8 hỗ trợ việc tương tác với các ứng dụng trên màn hình cảm ứng tốt hơn.
Surface Pro 3 có vẻ giống một phiên bản mới của TC1100 với thiết kế hài hòa giữa cấu hình phần cứng, hiệu năng lẫn tính năng. Có thể đáp ứng cả nhu cầu làm việc lẫn giải trí di động của người dùng cá nhân và doanh nghiệp.
Nguồn: PCWorld.com
HP Compaq TC1100, Microsoft, Surface Pro 3, thiết bị lai