Sản phẩm

Nhìn lại những dự án nổi bật từ Google I/O

Từ sự ra đời của Android, Google Wave cho đến Google+ và đây là dịp để cùng điểm lại những công bố nổi bật của Google qua hội nghị thường niên Google I/O.

Hội nghị thường niên dành cho các nhà phát triển phần mềm của Google đã trải qua 7 năm phát triển và ngày càng thu hút sự chú ý của các lập trình viên trên toàn thế giới. Từ sự ra đời của Android, Google Wave cho đến Google+ và không phải tất cả những dự án lớn của Google đều thành công. Cùng quay ngược thời gian và điểm lại những công bố trước đây của Google.

2008: Android

Google mua lại Android vào năm 2005 nhưng phải đến năm 2007, hãng mới tiết lộ rằng Android được sử dụng như một hệ điều hành nguồn mở dành cho thiết bị di động. Tuy nhiên, phần lớn người dùng đã không thực sự nhìn thấy Android cho đến khi hội nghị I/O đầu tiên của Google diễn ra và hãng đã cho thấy hệ điều hành nguồn mở này chạy trên điện thoại di động như thế nào.

Hiện tại, Android là một thành công lớn của Google và theo thống kê gần đây của IDC cho biết hệ điều hành này chiếm khoảng 80% thị phần thiết bị di động.

2008: Google Gears

Google Gears đã được khởi động từ năm 2007 và trong sự kiện Google I/O đầu tiên năm 2008, hãng đã mở rộng dự án và đổi tên thành Gears. Theo Google cho biết Gears là một nền tảng phần mềm mã nguồn mở giúp khai thác tốt hơn sức mạnh của các ứng dụng nền web, khuyến khích các nhà phát triển tối ưu trình duyệt web, bổ sung chức năng định vị địa lý, localserver API nhằm cho phép một số ứng dụng chạy ẩn.

Dù vậy, Gears đã ngưng phát triển vào năm 2010 khi HTML 5 đã bắt đầu tích hợp các chức năng của Gears. Trong bài viết cuối cùng về Gears đăng trên blog trong năm 2011, Google xác nhận chấm dứt dự án và gỡ bỏ Gears khỏi trình duyệt Chrome của hãng.

2009: Google Wave

Google Wave được công bố tại hội nghị năm 2009 và là công cụ làm việc cộng tác hữu ích cho doanh nghiệp. Được đặt tên theo một chương trình truyền hình, Wave là sự hợp nhất các dịch vụ thông dụng vào một công cụ trực tuyến thời gian thực, hay nói cụ thể hơn là sự kết hợp mạng xã hội vào trong cửa ứng dụng tài khoản email để từ đó người dùng dễ dàng chia sẻ trạng thái, nhật ký cá nhân, tài liệu làm việc cộng tác, ảnh, phim hay thậm chí nội dung từ YouTube và Google Maps.

Với Wave, triết lý được Google áp dụng xuyên suốt quá trình phát triển chính là mọi phương thức trao đổi mạng xã hội và làm việc cộng tác tích hợp vào một ứng dụng web duy nhất. Tuy nhiên đến tháng Tư 2012, Google đã từ bỏ dự án do không thu hút được người sử dụng và chuyển sang cho Apache (ASF). Dựa vào một số thành phần nguồn mở của Wave, các nhà phát triển của ASF đã xây dựng sản phẩm có tên gọi Wave In A Box.

2010: Google TV

Google TV là dự án rất quan trọng được Google trình diễn tại hội nghị năm 2010, được phát triển dựa trên hệ điều hành Android kết hợp cùng trình duyệt Chrome, hỗ trợ Flash và cho phép người dùng cài thêm các ứng dụng nền tảng Android. Tuy nhiên dự án này đã không thể “cất cánh” dù tại Google I/O 2012, hãng đã ra mắt Nexus Q tích hợp nhiều tính năng của Google TV.

Trong bài viết mới nhất về Google TV đăng trên diễn đàn vào năm 2013 cho biết Google TV đã được sử dụng trong dịch vụ video trực tuyến Redbox Instant của Verizon và đây cũng là thông tin cuối cùng liên quan đến Google TV. Liệu Google vẫn tiếp tục phát triển dự án này ?

2011: Google Music (beta)

Google công bố Google Music (bản beta) tại hội nghị I/O 2011, dịch vụ nhạc trực tuyến được nhiều người dùng mong đợi trước đó hàng tháng. Khi ra mắt, Google đã không đạt được thỏa thuận với các hãng thu âm lớn, vì vậy người dùng chỉ có thể tải lên các bài hát lên lưu trữ đám mây, xây dựng thư viện âm nhạc của cá nhân và nghe chúng từ nhiều thiết bị Android khác nhau.

Hiện tại, Music beta trở thành Google Play All Access sau khi hợp tác với ba ông lớn trong lĩnh vực âm nhạc giải trí là Sony Music Entertainmant, Universal Music Group của Vivendi SA và EMI Music. Dịch vụ cũng được tích hợp Google Plus, có tùy chọn để chia sẻ với bạn bè trên Google Plus. Phí sử dụng trọn gói hàng tháng khoảng 9,99 usd.

2012: Nexus Q

Được giới thiệu tại sự kiện I/O 2012, Nexus Q là dạng thiết bị giải trí, kết nối HDTV, hệ thống âm thanh gia đình qua đám mây và có khả năng tương tác với các thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng. Google nhấn mạnh sứ mệnh của Nexus Q là mở rộng độ phủ của Android trong cuộc sống.

Nexus Q tương tác với các thiết bị di động nền tảng Android qua giao tiếp không dây cũng như kết nối đến các dịch vụ trực tuyến Google Play, Youtube. Nexus Q không tải phim, nhạc từ các thiết bị di động mà chỉ đơn giản là thiết bị trung gian streaming các nội dung đó từ đám mây và truyền phát trực tiếp đến các thiết bị giải trí gia đình.

Tuy nhiên, với mức giá 299 usd, Nexus Q không đủ hấp dẫn người dùng và sản phẩm này được xếp xó vào tháng Mười 2012. Google vẫn giữ ý tưởng về một thiết bị media streaming và sản phẩm mới Chromecast trang bị nhiều tính năng tương tự Nexus Q nhưng có giá chỉ 35 usd.

2012: Nexus 7

Cũng trong I/O 2012, Google giới thiệu mẫu máy tính bảng Nexus 7, độ phân giải màn hình 1.280 x 800 pixel và chạy Android 4.1. Đây cũng là thiết bị đầu tiên của hãng được cài sẵn hệ điều hành. Nexus 7 do Asus sản xuất, có giá chỉ 199 usd và được xem là đối thủ đáng gờm trong phân khúc máy tính bảng giá rẻ.

Xét tổng thể, Nexus 7 là một thành công của Google trong thị trường máy tính bảng năm 2012. Sản phẩm có thiết kế chắc chắn, giá mềm nhưng không hỗ trợ kết nối di động và khả năng mở rộng dung lượng lưu trữ. Trong năm 2013, Google ra mắt Nexus 7 thế hệ thứ hai, giá 299 usd với màn hình độ phân giải cao hơn, tốc độ xử lý nhanh hơn và thời gian dùng pin tốt hơn.

2012: Google Glass

Tương tự Nexus 7, Google Glasss cũng là sản phẩm thu hút sự chú ý của người dùng khi được trình làng tại I/O 2012 và được tạp chí Time bình chọn là Sáng chế tốt nhất của năm 2012. Glass là dự án thử nghiệm đầu tiên của Google nhằm đưa thiết bị đeo (hoặc mang) trên người phổ biến hơn trong cuộc sống và được thiết kế như cặp kính mát với màn hình tích hợp và pin nằm bên trong khung.

Trong năm 2013, đã có hàng ngàn người tham gia, sẵn sàng bỏ ra 1.500 usd cho chương trình dùng thử sản phẩm. Đến tháng Tư 2014, Google mở rộng chương trình và có thêm 8 ngàn người tham gia thử nghiệm.

2013: Google+

Tại sự kiện thường niên năm ngoái, đại diện Google đã có bài phát biểu dài khoảng 4 giờ và Google+ là một trong những trọng tâm phát triển của hãng với 41 tính năng mới bổ sung, hội tụ những gì mà Google đang sở hữu.

Bản cập nhật bao gồm thiết kế giao diện tổng thể mới, tính năng Hangouts chat video theo nhóm kết hợp giữa nói chuyện và cả những tính năng liên quan đến hình ảnh, biên tập các đoạn video ngắn bằng điện thoại.

Google+ hiện vẫn tiếp tục phát triển đúng hướng nhưng tương lai của nó vẫn còn là câu hỏi sau khi ông Vic Gundotra, Phó chủ tịch kiêm trưởng bộ phận Google+, chính thức rời Google sau khoảng thời gian 8 năm gắn bó vào tháng Tư vừa qua.

2013: Google Maps

Trong năm 2013, Google cũng công bố một số thông tin cập nhật cho Google Maps giúp người dùng có được cái nhìn trực quan hơn về những vùng địa lý, sử dụng màu sắc hiển thị các địa hình khác nhau. Google Maps cũng cho phép người dùng cá nhân hóa bản đồ theo nhu cầu sử dụng, bổ sung cửa hàng mua sắm, nhà hàng và các điểm mốc khác trong khu vực sinh sống. Bên cạnh đó, Google cũng bổ sung hình ảnh 3D của nhiều địa danh du lịch nổi tiếng trên thế giới, một phần nhờ vào nội dung do người dùng đóng góp.

Tuy vướng vào một số vụ kiện pháp lý nhưng những gì Google Maps thể hiện khá tốt và là một trong số ít ứng dụng smartphone được sử dụng nhiều nhất hiện nay.

Google I/O 2014

Google I/O năm nay đặc biệt hướng đến thiết bị đeo chạy Android Wear và các ứng dụng đa nền tảng giữa Android và Chrome. Bên cạnh đó, Google cũng giới thiệu và trình diễn tính năng mới của smart phone Android One, bản nâng cấp hệ điều hành Android, dịch vụ Android TV và công nghệ điện toán đám mây Google Cloud. Tham khảo chi tiết tại đây.

Nguồn: Computerworld.com

PCWorld

android, công nghệ nổi bật, Google Gears, google glass, Google I/O 2014, Google Maps, Google Music, Google TV, Google+, Nexus 7, Nexus Q


© 2021 FAP
  2,887,987       25/894