Sản phẩm

Google - Cuộc dạo chơi trong lĩnh vực phần cứng

Google với nền tảng là công nghệ ứng dụng phần mềm và dịch vụ nên việc tham gia vào lĩnh vực phần cứng thiết bị chỉ như cuộc dạo chơi của người khổng lồ này, chỉ phục vụ mục đích tô vẽ cho thương hiệu chứ không mang ý nghĩa về doanh thu.

Xe hơi lái tự động

Một sản phẩm mang hơi hướng của khoa học viễn tưởng và dự đoán tương lai. Google đã phát triển công nghệ xe hơi lái tự động (self-driving car) trong nhiều năm qua. Dự án hiện đang được dẫn dắt bởi kỹ sư của Google -Sebastian Thrun, cựu giám đốc Phòng thí nghiệm Trí tuệ nhân tạo Stanford và đồng phát minh của Google Street View.

Gần đây, nhà tìm kiếm khổng lồ đã cho ra mắt nguyên mẫu đầu tiên về chiếc xe hơi tự lái do Google hợp tác với các nhà sản xuất để thiết kế và phát triển. Mẫu xe tự lái chạy bằng pin chỉ có một nút Dừng - Đi và không có tay lái hay bàn đạp hoặc phanh. Chiếc xe này được trang bị hệ thống cảm biến tích hợp giúp nhận biết môi trường xung quanh và các vật cảm. Dự kiến trong năm tới Google sẽ sản xuất khoảng 200 chiếc xe để đưa vào thực nghiệm diện rộng.

Chi phí sản xuất một chiếc xe tự động này hiện tại tương đối cao khi các phụ kiện đi kèm như radar, lidar hay camera 360 độ khá đắt tiền. Mỗi xe tự động được trang bị khoảng 150.000 thiết bị, trong đó Lidar (light radar) là thành phần đắt tiền nhất có giá khoảng 70.000 USD. Công cụ này xác định khoảng cách với máy chiếu laser, phát ra 64 chùm tia Velodyne có khả năng tạo bản đồ 3D chi tiết của môi trường xung quanh.  Thân xe nguyên mẫu cơ bản làm bằng nhựa tổng hợp và được lên lộ trình thông qua smartphone, đạt tốc độ tối đa 40km giờ. Mục tiêu mà Goolge đưa ra là “cải thiện khả năng an toàn giao thông và giúp người dùng đi lại dễ dàng”. Mặc dù dự án khá mơ hồ nhưng sẽ là cuộc cách mạng hóa du lịch cho những người không biết lái xe. Theo Sergey Brin, giám đốc công nghệ của Google thì trong tương lai mẫu xe tự lái này có thể đạt đến tốc độ tối đa 161km/giờ, nhưng vẫn có thể đảm bảo được an toàn tuyệt đối. Vấn đề mà Google hiện tại quan tâm nhất chính là tính pháp lý khi đưa vào sử dụng và để có được điều này thì cần một khoảng thời gian khá dài.

Google Glass

Google Glass là thiết bị đeo gắn trên đầu được trang bị màn hình hiển thị quang học. Thiết bị này được phát triển bởi Google có khả năng năn tương tự như smartphone, giúp người dùng giao tiếp với Internet thông qua ngôn ngữ tự nhiên điều khiển bằng giọng nói. Nguyên mẫu đầu tiên được giới thiệu vào năm 2011 có khối lượng lên đến 3,6kg, và sản phẩm thực nghiệm đầu tiên xuất hiện vào tháng 4/2011. Sergey Brin, Giám đốc công nghệ Google đồng thời là trưởng dự án đã sử dụng Google Glass trong một buổi đấu giá từ thiện ở Sanfransico. Gần đây nhất Google đã nâng cấp cấu hình cho chiếc kính thông minh của mình ngay trước thềm sự kiện Google I/O 2014. Google Glass phiên bản mới sẽ được trang bị RAM dung lượng 2GB, thời lượng pin tăng 20% so với cũ, còn khối lượng chỉ còn 50g.



Nhóm điện thoại và máy tính bảng Nexus

Thiết bị điện thoại di động Android đầu tiên được gọi là G1 và nhiều người còn đặt cho nó cái tên Google Phone được sản xuất bởi HTC. Mặc dù số lượng tiêu thụ không lớn nhưng G1 đã đặt nền tảng cho các thế hệ máy Android tiếp theo. Giữa năm 2009, khi thảo luận những ý tưởng mới về điện thoại Android với HTC, Andy Rubin lúc đó đã phá vỡ quy trình thông thường khi muốn Google tạo ra thương hiệu mới trên sản phẩm phần cứng mà hãng chế tạo cung cấp. Và dòng sản phẩm Nexus của Google ra đời. 

Google Nexus One

Nexus One (tên mã là HTC Passion) là điện thoại đầu tiên mang thương hiệu của Google được sản xuất bởi HTC. Nexus One được trình làng vào ngày 5/1/2010 với nhiều tính năng nổi bật như Voice-to-text, màn hình rực rỡ, tốc độ nhanh và chụp ảnh khá đẹp. Tuy nhiên điện thoại này không có được các đặc điểm độc đáo để có ưu thế với các đối thủ. Và cái cách tiếp thị sản phẩm nửa vời của Google cũng như HTC khiến doanh số của Nexus One cũng không được như mong đợi. Điều tệ nhất của sản phẩm này là hệ thống chăm sóc khách hàng và hợp đồng thuê bao mập mờ khiến người dùng không hài lòng.

So với iPhone, Nexus One mỏng hơn 0,8 mm và được thiết kế khá gọn gàng. Thiết bị này sử dụng màn hình công nghệ OLED cho chất lượng vượt trội khác với LCD thường có trên iPhone hay các smartphone của HTC tại thời điểm đó. Ngoài ra điện thoại Nexus One còn sử dụng bộ vi xử lý Snapdragon từ Qualcomm, với tốc độ 1GHz nhanh nhất so với đối thủ cùng thời. Nexus One thời điểm này được trang bị hệ điều hành Android 2.1 nguyên bản với nhiều tính năng mới. Điểm thất vọng lớn nhất của điện thoại này là không hỗ trợ cảm ứng đa điểm, người dùng không thể phóng to, thu nhỏ trang web bằng hai ngón tay hay sử dụng bàn phím tốc độ cao. Lý do có thể đến từ việc thỏa thuận bản quyền multitouch với Apple tại Mỹ. Không chỉ gặp phiền toái với Apple, Nexus One còn bị kiện bởi bản quyền tên gọi đã dược đăng ký từ tác giả tác giả khoa học viễn tưởng Philip K. Dick.  

Google Nexus S

Đây là thế hệ Nexus thứ 2 được Google hợp tác với Samsung để sản xuất chiếc điện thoại này. Nexus S là điện thoại thông minh đầu tiên sử dụng hệ điều hành Android 2.3 "Gingerbread", và là thiết bị Android đầu tiên hỗ trợ Near Field Communication (NFC) trong cả phần cứng lẫn ứng dụng. NFC có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm nhận thêm thông tin về sản phẩm hay dịch vụ (có gắn thẻ NFC), và đem lại nhiều hình thức thanh toán di động. Google Nexus S sở hữu màn hình cong "Contour Display" Super AMOLED do Samsung sản xuất. Lợi điểm của màn hình cong là việc cầm nắm thiết bị thoải mái hơn khi gọi điện thoại cũng như lúc nhấn phím.


 

Galaxy Nexus

Thế hệ thứ 3 của Nexus tên mã Mako được trình làng vào tháng 11/2011 vẫn là sự hợp tác giữa Samsung và Google. Galaxy Nexus được đánh giá là chiếc điện thoại Android chất lượng nhất tại thời điểm đó. Tuy nhiên những nỗ lực của Google cũng chẳng đi đến đâu khi iPhone 4s vẫn là smartphone được săn đón nhất tại thời điểm đó.
 

Nexus 4

Sản phẩm hợp tác đầu tiên của Google và LG với phần cứng tương tự như Optimus G như vi xử lõi tứ Snapdragon S4 Pro, máy ảnh 8 megapixel, sạc không dây Qi, nhưng khác biệt về thiết kế. Nexus 4 có những nét tương đồng với thế hệ đàn anh Galaxy Nexus khi không sử dụng phím vật lý nào phía trước màn hình. Việc sử dụng vật liệu thủy tinh mang đem đến sự mới lạ trên Nexus 4 nhưng cũng đem lại nhiều lo ngại về độ bền của máy. Nexus 4 ưu điểm về giá thành đối trong phân khúc so với các đối thủ cạnh tranh, ngoài việc không hỗ trợ LTE khiến nhiều nhà mạng trên thế giới từ bỏ việc phân phối. Tính đến tháng 1/2013, Google đã bán ra được 375 nghìn máy Neuxs 4. 

Nexus 5

Nexus 5 (có tên mã là Hammerhead ) có phần cứng tương tự với LG G2 với Snapdragon  800 system-on-chip (SoC) và màn hình 4,95-inch hiển thị 1080p. Nexus 5 cũng là thiết bị đầu tiên trang bị phiên bản 4.4 của Android vào hồi tháng 10/2013.

Về mặt thiết kế thì đây không phải là chiếc smartphone hấp dẫn và gặp vấn đề về thời lượng pin, bù lại là cấu hình mạnh mẽ đi kèm với giá thành tốt (399USD) đã tạo nên danh tiếng cho Nexus 5.

Sau 5 đời điện thoại Nexus thì Google cũng định hình được dòng sản phẩm của mình nhưng vẫn còn thiếu tính đột phá để vượt lên dẫn đầu thị trường.
 

Máy tính bảng Nexus 7

Nexus 7 là máy tính bảng giá rẻ (200USD) tốt nhất tại thời điểm ra mắt vào ngày 27/6/2012.  Nexus 7 sử dụng thiết kế tham khảo từ Kai của Nvidia và được phát triển, sản xuất bởi Asus. Máy tính bảng này trang bị màn hình hiển thị 7-inch (180 mm) bộ vi xử lý Nvidia Tegra 3 quad-core chip, 1 GB bộ nhớ trong, kết nối Wi-Fi và NFC. Đây là mẫu sản phẩm được Google nhắm vào phân khúc giá rẻ cạnh tranh với Kinde Fire của Amazon và bước đi nhằm chống lại thế độc tôn của iPad- Apple. Nexus 7 này được xem là sự thành công đầu tiên của Google trong lĩnh vực thiết bị phần cứng khi đã bán ra được hơn 7 triệu sản phẩm.

Máy tính bảng Nexus 10

Sau sự thành công của máy tính bảng Nexus 7, Google và Samsung quyết định hợp tác với nhau để cùng tấn công vào phân khúc màn hình 10 inch. Google đã lên kế hoạch để khởi động Nexus 10 cùng với Nexus 4 trang bị Android 4.2 tại hội nghị ở thành phố New York vào ngày 29 tháng 10 năm 2012, tuy nhiên, sự kiện này đã bị hủy bỏ vì bão Sandy. Máy tính bảng Nexus 10 đã được trang bị màn hình có độ phân giải 2560 x 1600 pixel lớn nhất thế giới tại thời điểm phát hành. Sản phẩm này của Google vẫn đánh vào phân khúc giá rẻ nơi mà Apple chưa thực sự mặn mà và đã tạo ra được hiệu quả khá tốt.

Máy tính Chrome

Google muốn khẳng định mình trên thị trường máy tính để bàn và xách tay với nền tảng Chome OS dựa trên điện toán đám mây. Chromebook đầu tiên bán trên thị trường là sự hợp tác giữa Google với  Acer và Samsung   được công bố tại Google I / O 2011 . Các nhà sản xuất khác như Lenovo, Hewlett Packard cũng tham gia vào thị trường hồi năm 2013. Máy tính xách tay Cr-48 là sản phẩm thử nghiệm đầu tiên của Google không có màn hình desktop, chỉ có hệ thống tập tin rất cơ bản và không có gì khác ngoài trình duyệt.


Ngoài máy tính xách tay, phiên bản máy tính để bàn, được gọi là Chromebox cũng được giới thiệu vào 5/ 2012. Dòng sản phẩm này phần lớn hiện tại hướng tới người dùng doanh nghiệp nhờ vào chi phí sử dụng thấp. Tháng 2/2013, Google giới thiệu Chromebook Pixel- máy tính xách tay có cấu hình cao để lấp đầy khoảng trống của thị trường. Đến cuối năm 2013 thì đã có hơn 1,76 triệu Chromebooks  được bán ra ở thị trường Mỹ. Mặc dù đánh mạnh vào thị trường doanh nghiệp nhưng Chromebooks lại gặp khá nhiều vấn đề về bảo mật như mạng ảo hóa riêng tư hay phương pháp bảo vệ mật Wi-Fi Protected Access II (WPA2) của doanh nghiệp... Máy tính sử dụng hệ điều hành Chrome cũng nhận được sự ủng hộ của các nhà sản xuất linh kiện như Intel hay AMD.

Thiết bị gia đình

Nổi bật nhất trong dòng sản phẩm gia đình của Google là Nest - công ty sản xuất thiết bị nhà thông minh với giá 3,5 tỷ USD. Sản phẩm Nest sử dụng công nghệ cao để giải quyết những vấn đề thường nhật mà con người hay gặp phải. Google cũng đã bắt đầu phát triển ứng dụng cảm ứng nhiệt thông minh Google Energysense và sẽ sớm thúc đẩy khi đã nắm trong tay công ty công nghệ nhà thông minh tốt nhất hiện nay là Nest.Ngoài ra, Google còn muốn tiến sâu vào thị trường giải trí gia đình với các dòng sản phẩm thông minh như Google TV, Nexus Q hay Chromecast. Goolge TV là sản phẩm mà Google đồng phát triển với Intel, Sony và Logitech giới thiệu với người dùng vào hồi tháng 10/2010.  Google TV tích hợp hệ điều hành Android và trình duyệt web Google Chrome để cung cấp truyền hình tương tác Internet và WebTV. Thiết bị thế hệ đầu tiên của Google TV dựa trên kiến trúc x86 bộ vi xử lý của Intel và được thương mại hóa bởi Sony và Logitech. Thế hệ thứ 2 của các thiết bị  dựa trên kiến trúc ARM và được sản xuất bởi các đối tác bao gồm LG, Samsung, Vizio và Hisense. Những sản phẩm  Google TV đầu tiên không được người dùng đánh giá cao bởi khả năng tương tác kém, hệ thống điều khiển phức tạp còn nội dung nghèo nàn. Nên đến tháng 10/2013 thì Google đã chấm dứt dự án này để chuẩn bị cho nền tảng Android TV vào sự kiện Google I/O 2014 vừa diễn ra.


 

PC World VN, 07/2014
 

PCWorld

Đế chế google, Google


© 2021 FAP
  2,876,468       4/647