Sản phẩm

Đánh giá smartphone LG G3 Stylus

(PCWorldVN) Phiên bản rút gọn của chiếc LG G3 thừa hưởng đầy đủ ưu điểm của "đàn anh" từ thiết kế cho đến tính năng, được trang bị thêm bút cảm ứng, 2 SIM 2 sóng và có giá 6,49 triệu đồng.

Tổng quan sản phẩm và đánh giá tổng thể 

G3 Stylus là mẫu smartphone mới của LG hướng đến phân khúc tầm trung, được trang bị màn hình lớn 5,5 inch và bên cạnh việc thừa hưởng đầy đủ các tính năng ưu việt trên LG G3 thì chiếc G3 Stylus cũng được nhà sản xuất bổ sung bút cảm ứng để hỗ trợ ghi chú, phác thảo tốt hơn.

Trước khi đi vào đánh giá chi tiết, Test Lab mời bạn điểm qua vài thông số kỹ thuật và ưu nhược điểm của sản phẩm:

  • Ưu điểm: Thiết kế tốt; Chất lượng camera cao; Thời lượng dùng pin lâu.
  • Khuyết điểm: Màn hình chưa sắc nét; Bút cảm ứng hạn chế.

Mời bạn xem video mở hộp và dùng thử LG G3 Stylus:

Đánh giá thiết kế 

Thiết kế

LG G3 Stylus có thiết kế giống dòng smartphone cao cấp LG G3 (xem đánh giá chi tiết tại đây), từ kiểu dáng đến đường nét các cạnh, mặt lưng.

Nếu không thấy bút cảm ứng đi kèm và xem cấu hình bên trong, bạn sẽ khó phân biệt được đây là bản thu gọn của LG G3.

Máy cũng có viền màn hình mỏng, mặt lưng có đường vân thẳng giả kim loại như phiên bản LG G3.

Cụm nút nguồn và chỉnh âm lượng của G3 Stylus cũng được đặt ở mặt sau. Kiểu bố trí này sẽ khiến người dùng bỡ ngỡ trong lần đầu sử dụng. Nhờ kiểu xếp đặt “lạ” này mà hai cạnh bên của máy hoàn toàn trống trải. LG cũng đưa khe cắm tai nghe xuống cạnh dưới máy, kế bên cổng micro-USB. Vị trí cắm bút cảm ứng được đặt ở bên phải cạnh trên máy.

Với kích thước 5,5 inch, G3 Stylus khá gọn gàng khi cầm trên tay nhờ viền màn hình mỏng.
Nhìn chung, Test Lab đánh giá cao kiểu thiết kế này trên một smartphone tầm trung. Cảm giác cầm máy rất chắc chắn, lòng bàn tay ôm sát nhờ kiểu nắp lưng bo cong về hai cạnh bên.

Đánh giá khả năng hiển thị 

Màn hình

Nếu đã dùng qua màn hình 2K của LG G3 thì bạn sẽ thấy khó chịu khi dùng G3 Stylus. Có lẽ để có giá bán rẻ hơn, LG đã phải hy sinh tiêu chí này. Dù kích thước màn hình khá lớn 5,5 inch, nhưng chỉ hỗ trợ độ phân giải 540x960 pixel, mật độ điểm ảnh khoảng 200 ppi nên chất lượng hiển thị không thực sự sắc nét.

Độ sáng màn hình tối đa của G3 Stylus cao, rất thoải mái khi dùng ngoài trời.
Rất may, màn hình IPS LCD của G3 Stylus lại hỗ trợ độ sáng tối đa rất cao, góc nhìn cũng khá rộng với độ tương phản khá tốt. Do đó, nếu dùng ở trong tối, bạn dễ dàng nhận ra khuyết điểm của màn hình độ phân giải thấp của G3 Stylus. Nhưng khi ở ngoài trời sáng, chất lượng hiển thị của màn hình lại khá tốt, rất thoải mái để sử dụng.

Đánh giá chức năng chụp ảnh, quay phim 

Camera

Test Lab thực sự ấn tượng với khả năng chụp ảnh, quay phim từ camera chính 13 megapixel của G3 Stylus.

Camera có thể chụp hình với độ phân giải tối đa 4.128x3.096 pixel và quay phim Full HD 1080p@30fps. Chất lượng ảnh chụp thực tế của G3 Stylus cao, màu sắc đẹp, trung thực và sắc nét ở điều kiện ban ngày. Khả năng lấy nét cũng như tốc độ chụp của máy cũng khá nhanh.

Chất lượng ảnh chụp của máy cao (phần khung đỏ phóng lớn 100%). Nhấn vào hình để xem rõ hơn.
Chức năng chụp ảnh

Chế độ chụp ảnh toàn cảnh của G3 Stylus khá “chuyên nghiệp” và đơn giản nhưng có chất lượng ảnh cao. Bạn chỉ cần bật chế độ Panorama và lia camera về hướng bất kỳ, nếu ảnh thu chưa rõ, khung hình sẽ chớp để bạn chụp lại. Tốc độ ghép ảnh cũng khá nhanh.

Cận cảnh camera của LG G3 Stylus.
Chất lượng chụp ảnh đêm không flash của G3 Stylus ở mức tạm được, vẫn xuất hiện nhiễu hạt. Tuy nhiên, khi kích hoạt đèn flash trợ sáng, ảnh chụp trở nên rõ ràng và sắc nét.

Camera trước 1,3 megapixel hỗ trợ chụp ảnh selfie tốt với chức năng chụp ảnh bằng cử chỉ tay như trên LG G3.

Bạn chỉ việc giơ bàn tay để máy nhận diện và nắm tay lại để chụp. Ống kính của camera trước cũng khá rộng, giống chụp ảnh wefie (tự chụp ảnh nhóm) dễ dàng hơn.

Giao diện chụp ảnh của LG G3 Stylus cũng giống như trên LG G3 với hai cụm chức năng chụp/quayphim và tinh chỉnh các thông số, chế độ chụp.

Máy chỉ có hai chế độ chụp là Auto (tự động) và Panorama (toàn cảnh). Có thể chụp ảnh bằng khẩu lệnh bằng cách nói các từ định sẵn như Cheese, Smile, Whiskey, Kimchi và LG khá thú vị.

Chức năng chụp ảnh bằng khẩu lệnh khá thú vị.
Máy cũng hỗ trợ chức năng chụp ảnh nhanh bằng cách nhấn đè nút giảm âm lượng khi máy đang ở chế độ chờ. Bạn cũng có thể khởi động camera nhanh ngay từ màn hình khoá bằng cách kéo biểu tượng máy ảnh từ phải qua trái.

Xem ảnh chụp từ camera của LG G3 Stylus:

Đánh giá hệ điều hành, tính năng 

Hệ điều hành

LG G3 Stylus được cài sẵn hệ điều hành Android 4.4.2 (KitKat) với giao diện được tùy biến lại hoàn toàn theo phong cách phẳng (flat design) như trên LG G3.

Giao diện sử dụng của máy khá thoáng và người dùng có thể thay đổi, thêm bớt các nút cảm ứng trên máy (nút Home, Back, đa nhiệm, nút ghi chú nhanh) hoặc chọn màu sắc khác cho các nút này.

Các phím cảm ứng có thể thay đổi dễ dàng, phù hợp với từng sở thích của người dùng.
Tính năng

Giao diện thiết lập (Settings) của máy cũng được phân nhóm và sắp xếp lại để tiện sử dụng hơn với 4 thẻ: Các thiết lập chung, thiết lập màn hình/hiển thị, âm thanh và mạng. Máy cũng có chức năng tối ưu khi dùng một tay (One-handled operation) bằng cách thay đổi kiểu bàn phím điện thoại, bàn phím ảo và màn hình khóa.

Chức năng 2 SIM 2 sóng của máy có tùy chọn chuyển tiếp thông minh (Smart forward) khá hay khi có thể giúp người dùng nhận cuộc gọi ở SIM 2 nếu bận ở SIM 1 và ngược lại, giúp không bị lỡ các cuộc gọi quan trọng.

Chức năng chuyển tiếp cuộc gọi thông minh hiếm có dòng smartphone 2 SIM nào có được.
Chức năng Knock Code cũng thú vị không kém, giúp bạn mở máy bằng cách nhấn 2 lần lên màn hình, hoặc nhấn 4 lần lên màn hình theo những vị trí thiết lập sẵn. Ngoài ra, máy cũng hỗ trợ chức năng đa nhiệm với cửa sổ kép (Dual window), chế độ khách khi muốn cho người khác mượn máy… Chức năng cử chỉ thông minh (Smart gestures) giúp bạn tắt âm, hoặc rung khi có cuộc gọi bằng cách úp máy xuống và một số tuỳ chọn khác nữa.

Riêng chức năng ghi chú, phác thảo bằng bút cảm ứng (stylus) đi kèm thì  Test Lab đánh giá mức độ hữu dụng chưa cao lắm. Chức năng của bút cảm ứng không đa dạng như Samsung Galaxy Note mà chỉ đơn thuần là vẽ, viết lên màn hình với ứng dụng QuickMemo+. Có thể bật nhanh chức năng ghi chú bằng cách nhấn đè nút tăng âm lượng ngay từ màn hình khóa.

Chức năng sử dụng cửa sổ ứng dụng nổi hữu ích trên G3 Stylus.
Nhìn chung, LG G3 Stylus được tích hợp rất nhiều tính năng hay, hữu ích với người dùng trên một giao diện sử dụng đẹp, hiện đại.

Đánh giá hiệu năng và pin 

Hiệu năng

Hiệu năng thực tế của G3 Stylus đạt ở mức khá. Máy có thể đảm nhận hiệu quả các tác vụ cơ bản với tốc độ nhanh, không xảy ra tình trạng trễ hoặc đứng máy, kể cả khi dùng đa nhiệm. Tuy nhiên, tốc độ khởi động các trò chơi nặng khá chậm. Với các game nặng như đua xe Asphalt 8 Airbone thì bị giật ở các cảnh cháy nổ, bo cua. Nếu so với các smartphone cùng cỡ màn hình nhưng có mức giá cao hơn như HTC Desire 816 thì hiệu năng thực sự của G3 Stylus đạt mức tương đương. Ngoài ra, máy cũng có ưu điểm là khi dùng lâu, kể cả chơi game, ứng dụng nặng thì máy vẫn khá mát.

Kết quả thử nghiệm của G3 Stylus so với các đối thủ khác:

Thời lượng dùng pin

Về thời lượng dùng pin, máy đạt 1,5 ngày sử dụng bình thường, bật 3G, Wi-Fi liên tục. Máy có thể xem video 720p liên tục trong 9 tiếng.

Với một smartphone có màn hình lớn, nhiều tính năng như G3 Stylus thì thời lượng dùng pin như vậy là khá tốt.

Đánh giá điểm số của Test Lab (10 điểm là cao nhất):

  • Thiết kế: 8/10
  • Chức năng: 9/10
  • Màn hình: 7/10
  • Hiệu năng: 8/10
  • Thời lượng dùng pin: 9/10
  • Tổng thể: 9/10
PCWorld

đánh giá điện thoại, đánh giá smartphone, LG G3, LG G3 Stylus, Smartphone


© 2021 FAP
  2,846,652       1/1,328