(PCWorldVN) Hầu hết mọi người nhận thức âm thanh thông qua hành động nghe, thế còn việc bạn có thể chạm vào âm thanh và hiểu nó bằng cách cảm nhận những rung động thì sao?
Đại học Rice và Trường y Baylor tại Mỹ đang phối hợp chế tạo VEST (Versatile Extra-Sensory Tranducer: Bộ chuyển đổi ngoại cảm linh hoạt), là thiết bị có thể dạy cho người khiếm thính một ngôn ngữ âm thanh mới.
Các sinh viên ngành kỹ thuật điện của Đại học Rice, dưới sự chủ trì của chuyên gia thần kinh học David Eagleman, đã phát triển chiếc áo mặc lót có thể mặc được để dữ liệu thính giác đầu vào từ khu vực xung quanh và chuyển đổi chúng thành những rung động. Chiếc áo này về cơ bản đang tạo ra một một cách thức mới để những người khiếm thính nhận thức được âm thanh.
Chiếc áo có khả năng giúp người khiếm thính 'cảm nhận' được âm thanh. |
Theo trang tin Slash Gear, chiếc áo sử dụng kết nối Bluetooth với một smartphone để thu thập thông tin âm thanh từ môi trường và cách ly tiếng nói khỏi những tiếng ồn xung quanh. Bằng cách sử dụng kỹ thuật phân tích tín hiệu, sóng âm thanh bị kéo chậm lại và chuyển đổi thành những xung lực điện, sau đó biến thành những rung động.
Thế nên, điều gì đã khiến cho những rung động này khác với việc đứng trước một chiếc loa sub-woofer? Các kiểu rung động trên áo được thiết kế vận hành như một loại ngôn ngữ. Mỗi âm thanh tạo ra một kiểu rung độc đáo ở những khu vực khác nhau của thân người, và qua thời gian, người mặc có thể học cách diễn dịch những rung động đó như âm thanh hoặc lời nói.
Thiết bị trên dựa theo lý thuyết về sự thay thế giác quan. Theo chuyên gia Eagleman, “bộ não không quan tâm đến việc nó tiếp nhận thông tin như thế nào miễn là nó nhận được thông tin đó”. Chẳng hạn, dù não tiếp nhận thông tin thị giác thông qua mắt và thông tin thính giác thông qua tai, nó có thể học cách xử lý thông tin đó bằng các giác quan khác. Chiếc áo mặc lót này cho phép người mất thính giác cảm nhận âm thanh thông qua sự tiếp xúc và rung động.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành một loạt thử nghiệm nhằm thẩm định lý thuyết của họ rằng người mặc có thể trực cảm tiếng nói và ý nghĩa của các kiểu rung động.
Cũng theo Slashgear, đội ngũ sáng chế muốn vượt khỏi quá trình nghiên cứu và biến công nghệ này trở nên sẵn có với công chúng. Họ hy vọng bán được chiếc áo cho những người tiêu dùng muốn có khả năng hiểu âm thanh thông qua tiếp xúc.
bác sỹ robot, điện toán xúc giác, khoa học công nghệ, khoa học viễn tưởng, robot