Sản phẩm

Ai đang hỗ trợ và hưởng lợi từ Linux?

(PCWorld) Phần lớn mã nguồn của nhân Linux hiện nay được viết bởi các lập trình viên được trả tiền, và đó chính là vấn đề mà có thể bạn không để ý.

Nếu bạn vẫn “thần tượng” cộng đồng nguồn mở thì đã đến lúc nên nghĩ lại. Hệ điều hành nguồn mở miễn phí không được phát triển bởi các lập trình viên độc lập đóng góp công sức của họ vì cộng đồng mà phần lớn là vì tiền.

Linux kernel là cấp thấp nhất của phần mềm chạy trên một hệ thống Linux, chịu trách nhiệm quản lý phần cứng, chạy các chương trình ứng dụng, đảm bảo an ninh và duy trì tính toàn vẹn của toàn bộ thiết lập. Điều mà nhiều người không nhận ra là nhân Linux hiện chủ yếu được phát triển bởi một nhóm nhỏ các lập trình viên được trả tiền.

Một tỷ lệ lớn các nhà phát triển này đang làm việc cho các “ông lớn” trong ngành công nghiệp phần mềm và phần cứng, như IBM, Intel, Texas Instruments và Cisco. Đó là thông tin từ một báo cáo của Linux Foundation về phát triển nhân Linux mới được công bố trong tháng 2 vừa qua.

Ai đang hỗ trợ và hưởng lợi từ Linux, Linux, mã nguồn mở, nguồn mở, dự án nguồn mở,open source
Nhiều công ty công nghệ lớn đang trả tiền cho các lập trình viên phát triển nhân Linux.
Không ai lập trình miễn phí

Trong thực tế, có hơn 80% số dòng lệnh của nhân Linux “rõ ràng được thực hiện bởi các nhà phát triển được trả tiền cho công việc của họ”, bởi các công ty lớn này (và đôi khi là các công ty nhỏ hơn), theo báo cáo.

Trong danh sách các công ty chi tiền cho các nhà phát triển nhân Linux không có tên của Microsoft, là công ty dựa trên mô hình kinh doanh phần mềm độc quyền, vốn coi nguồn mở là kẻ thù số 1, nay đã cởi mở hơn cũng bắt đầu hứng thú với mã nguồn miễn phí.

Nhưng trong danh sách các “nhà tài trợ” nguồn mở của báo cáo đáng chú ý có cái tên Huawei, công ty công nghệ của Trung Quốc được thành lập bởi một cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc. Đó là một vấn đề đáng quan tâm, bởi mặc dù công ty phủ nhận có liên kết với chính phủ Trung Quốc, nhưng một số chính phủ như Mỹ, Anh và Australia, đã cấm mua một số sản phẩm phần cứng của Huawei. Chính phủ các nước này lo ngại rằng thiết bị của Huawei có thể chứa phần mềm mở cửa hậu được sử dụng để tiến hành các hoạt động gián điệp.

Khoảng 1% các thay đổi về nhân Linux hiện đang được viết bởi các lập trình viên nhận tiền công từ Huawei, theo báo cáo.

Giữ nguồn mở mở

Amanda McPherson, Phó chủ tịch diễn đàn các nhà phát triển tại Linux Foundation, chỉ ra rằng điểm căn bản của phần mềm mã nguồn mở là vẫn mở để xem xét và giám sát chặt chẽ, trái ngược với phần mềm độc quyền mà chạy trong nhiều sản phẩm phần cứng được bán bởi Huawei và các công ty khác.

“Bảo mật luôn là một mối quan tâm, nhưng mọi miếng vá thông qua các nhà bảo dưỡng, và có rất nhiều mã nguồn phải xem xét. Cơ chế đó an toàn hơn nhiều so với một hệ thống đóng không cho phép nhìn thấy mã nguồn”, theo bà McPherson.

Điều đó có thể đúng, nhưng những lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng như “Trái tim rỉ máu” Heartbleed và Shellshock mới được phát hiện trong Bash và phần mềm nguồn mở OpenSSL chứng tỏ rằng mã nguồn không an toàn có thể được đưa vào các sản phẩm nguồn mở, do vô tình hay cố ý, mà có thể không bị phát hiện trong nhiều năm trời.

Thực tế là phần lớn các nhà phát triển nhân Linux được trả tiền công, đó là một sự thay đổi lớn của Linux so với tuyên bố của Linus Torvalds trên comp.os.minix trong tháng 8/1991 khi còn là một sinh viên tại Đại học Helsinki. Vào thời điểm đó, ông nói, “Tôi đang phát triển (miễn phí) một hệ điều hành (chỉ là một sở thích riêng, sẽ không lớn và chuyên nghiệp như GNU) cho các máy tính AT 386 (486)”.

Theo báo cáo thì công sức đóng góp của sinh viên và các tình nguyện viên cho nhân Linux đang giảm đều: từ 14,6% đóng góp trong năm 2012, nay chỉ còn 11,8%.

“Khi thu thập được những số liệu này, chúng tôi đã bất ngờ thấy rất nhiều người đóng góp được trả tiền, và trong thực tế, điều đó cũng là một bất ngờ đối với công chúng. Hóa ra Linux là một doanh nghiệp có tính thương mại cao”, McPherson nói. “Nhiều người nghĩ rằng các tình nguyện viên làm việc trong các tầng hầm. Tôi nghĩ rằng sự đóng góp của các công ty là điều tốt, mặc dù xuất phát từ động cơ ích kỷ. Họ đang hỗ trợ cho Linux, nhưng họ không thể sở hữu nó hoặc ra lệnh cho nó phát triển ra sao”.

Bà chỉ ra rằng nếu Linux là một ứng dụng, thì các nhà phát triển được trả tiền sẽ thêm các tính năng đáp ứng nhu cầu của các công ty chi trả cho họ. Nhưng nhân gồm nhiều mã nguồn cấp thấp, và những đóng góp của các nhà phát triển được trả tiền thường liên quan đến việc cung cấp trình điều khiển phần cứng trong nhân Linux.

Mất dần tính nghiệp dư

Vậy thì có một câu hỏi thú vị là lý do tại sao việc phát triển nhân Linux đã thay đổi quá nhiều từ “chỉ là một sở thích riêng” như tuyên bố ban đầu của Torvalds vào năm 1991, cho tới sự tham gia của các nhà phát triển chuyên nghiệp làm việc cho các công ty.

Dường như câu trả lời là các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các nhà sản xuất phần cứng như Intel hay Texas Instruments, có lợi trong việc đảm bảo rằng có trình điều khiển phần cứng của họ trong nhân Linux, hay nói cách khác Linux có thể hỗ trợ các sản phẩm của họ. Qua thời gian, Linux đã trở nên ngày càng phổ biến, và kiểu hỗ trợ như vậy trở nên ngày càng quan trọng.

Nhưng McPherson tin rằng có một lý do đơn giản hợp lý hơn. “Thiếu nguồn cung cấp các nhà phát triển nhân, vì vậy bất cứ ai chứng tỏ mình có khả năng viết code kiếm việc không khó. Trên thực tế, nguồn cung bị thiếu mới là vấn đề lớn”, báo cáo cho biết.

Trong một lưu ý tích cực hơn, báo cáo nêu một số thành tựu nổi bật theo như diễn tả của McPherson là “dự án phần mềm hợp tác nhất trong lịch sử”.

Nhờ những đóng góp từ 11.695 nhà phát triển làm việc cho hơn 1.200 công ty, nhân Linux đã được cập nhật với các bản phát hành chính mỗi 8-12 tuần. Mỗi bản phát hành bao gồm hơn 10.000 thay đổi, có nghĩa là cứ khoảng mỗi giờ lại có 7 thay đổi được chấp nhận đưa vào nhân, một tốc độ thay đổi đáng kinh ngạc.

PCWorld

Linux, mã nguồn mở, windows, Windows 10


© 2021 FAP
  2,758,729       1/1,174