Sản phẩm

Nếu không có định luật Moore

(PCWorldVN) Chúng ta đã nói nhiều về định luật Moore, nhưng chúng ta chỉ đứng ở phía người dùng. Còn các nhà công nghiệp, họ nghĩ gì khi năm nay định luật Moore tròn 50 tuổi?

Genevieve Bell, nhà nhân loại học tại Intel, cho rằng định luật này "hầu như khó tưởng tượng được".

Adrian Valenzuela, giám đốc tiếp thị bộ xử lý cho Texas Instruments, lại cho rằng: "Ẩn ý của định luật này rất sâu sắc, khó lòng diễn tả bằng lời."

Jeff Bokor, giáo sư cơ điện và khoa học máy tính ở đại học California, Berkeley, nói: "Biến cố".

Những nhận xét trên không hề thậm xưng. Chúng chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của một quan sát nhỏ nhoi lên thế giới. Định luật Moore còn hơn một kim chỉ nam về ngành sản xuất bộ xử lý máy tính. Nó là định nghĩa vắn tắt về các bước cải tiến thông thường, và trở thành một lời tiên tri đầy đủ cho ngành công nghệ.

Bạn có vui với chiếc iPhone 6 bóng bẩy hay chiếc Chromebook giá rẻ hơn? Có thể bạn nên cảm ơn định luật Moore.

2015 là kỷ niệm đúng 50 năm định luật Moore ra đời (1965). Chúng ta cùng nhìn về quá khứ xem định luật này đã tác động như thế nào đến ngành công nghiệp điện toán. Mà trước tiên, ta cần làm rõ những suy nghĩ chưa đúng về định luật này. Định luật Moore thực sự không giống như 3 định luật về chuyển động của Isaac Newton. Năm 1965, ông Moore có nghiên cứu về vật lý và hóa học, và ông đưa ra dự đoán số lượng thành phần trong một mạch tích hợp, đến nay là bộ não của máy tính, cứ mỗi năm sẽ tăng gấp đôi, cải thiện hiệu suất.

Sau đó một thập kỷ, ông lại sửa lại dự báo của mình, nghĩa là sau 2 năm, số lượng thành phần sẽ tăng gấp đôi. Mãi đến năm 1975, Carver Mead, giáo sư viện công nghệ California, người cùng làm việc với Moore tại viện cơ điện, mới chính thức đưa ra danh xưng "Định luật Moore", và kể từ đó, định luật này được cộng đồng công nghệ nhìn nhận rộng rãi. Nó là mục tiêu cho toàn bộ ngành công nghiệp phát triển trong vòng 5 thập kỷ liên tiếp.

Định luật Moore không chỉ giúp ngành công nghiệp vi xử lý phát triển, mà còn là nền tảng kéo theo nhiều ngành công nghiệp khác đi theo.

Ứng nghiệm lời tiên tri

Định luật Moore đặc biệt nói đến transistor, là bộ phận chuyển đổi tín hiệu điện tử ở hai trạng thái bật/tắt để thiết bị có thể xử lý thông tin và chạy tác vụ. Chúng đóng vai trò như những khối não bên trong các thiết bị như điện thoại, máy tính bảng và các thiết bị số khác.

Càng nhiều transistor trên một chip, chip đó xử lý thông tin càng nhanh.

Để giữ cho định luật Moore luôn đúng, các nhà sản xuất chip phải thu nhỏ kích thước của transistor để có thể đặt tất cả lên một thế hệ công nghệ nào đó. Kích thước nguyên thủy của một transistor lên đến gần 1/2 inch. Transistor trong chip mới nhất hiện nay nhỏ hơn cả một con virus. Các nhà làm chip, trong đó có Intel và Samsung, thậm chí còn làm kích thước này nhỏ hơn nữa.

Nhưng kích thước không thực sự quan trọng khi ứng với định luật Moore. Điều quan trọng hơn là ý tưởng về mọi thứ đều ngày một nhỏ hơn, thông minh hơn, mạnh hơn.

Định luật này mang lại kết quả là tăng khả năng xử lý trong những thiết bị nhỏ. Bộ xử lý của Texas Instruments có trong các thiết bị định vị trên những chiếc Ford đời mới mạnh hơn gần 1,8 triệu lần so với hệ thống Launch Vehicle Digital Computer, là thiết bị giúp các phi hành gia định vị trên mặt trăng hồi năm 1969.

Còn chiếc iPhone 6 mạnh hơn xấp xỉ 1 triệu lần so với máy tính IBM hồi năm 1975 (và kích thước trọn cả 1 căn phòng). iPhone giá khởi điểm khoảng 650 USD, cũng rẻ hơn nhiều so với chiếc máy tính cách nay 1 thập kỷ (khoảng 1000-4000 USD), ngoài ra nó cũng chạy được nhiều ứng dụng hơn.

Nếu không có định luật Moore

Ngày nay, ai cũng cho rằng công nghệ chỉ có đi theo một hướng là phát triển tốt hơn, nhanh hơn, rẻ hơn. Nếu chúng ta không có một bộ xử lý đủ mạnh để làm "bộ não" cho thứ gì đó phức tạp như xe tự lái thì một hoặc hai năm sau, bộ xử lý ấy sẽ xuất hiện.

Nếu bỏ ngoài tai định luật Moore, giả thiết ấy sẽ không đúng nữa. Không có một quan sát thông nhất để "chẩn đoán" cho ngành công nghiệp hướng tới trước, mạch tích hợp và các thành phần của nó có thể bị trễ nhiều thập kỷ.

Bell của Intel còn mường tượng ra thế giới sẽ "khủng khiếp" ra sao nếu không có mạch tích hợp, là thứ đã khiến những thứ khác được máy móc hóa. Nếu không có mạch tích hợp, sẽ không xuất hiện những công nghệ như điện thoại thông minh, dịch vụ điện đàm hiện đại...

Đồng thời, nhiều ngành công nghiệp khác sẽ không tiến bộ nhanh nếu không áp dụng công nghệ mới, ý tưởng mới. Động cơ đốt trong trong chiếc Model T của Henry Ford sẽ không thay đổi gì nhiều so với cách nay 1 thập kỷ, nhưng vài năm vừa qua, các nhà sản xuất xe hơi đã dùng pin thay cho nhiên liệu truyền thống.

Tương lai tươi sáng 

Rất dễ liệt kê những bước tiến bộ của khoa học kỹ thuật dựa trên định luật Moore. Chip càng phức tạp hơn ngoài việc giúp cho các thiết bị mạnh hơn, nó còn tạo ra được một hệ sinh thái các thiết bị với nhau, thiết bị có thể giao tiếp với nhau.

Bell từng nói, không có định luật Moore thì sẽ không có Internet, có nghĩa là Google hoặc Facebook sẽ không bao giờ tồn tại, còn Netflix chỉ có bán đĩa DVD mà thôi.

Bộ xử lý nhỏ hơn cũng mở ra một chân trời mới: Internet of Things (IoT), là ý tưởng mọi thiết bị xung quanh chúng ta đều có kết nối Internet và kết nối với nhau.

Texas Instruments từng bán ra chiếc máy điều hòa có chip xử lý rất cơ bản, nhưng nay bộ xử lý của chiếc máy điều hòa Nest của Google mạnh tương đương chip trong một chiếc điện thoại thông minh.

Intel đã minh họa triển vọng của ý tưởng IoT tại triển lãm CES hồi đầu năm nay với Curie, một module có kích thước bằng chiếc cúc áo, có thể chạy cho các thiết bị đeo trên người nhờ có điện năng tiêu tốn rất thấp. Đó là lý do tại sao chúng ta nói về thế hệ của xe tự lái, đồng hồ thông minh, thậm chí quần áo có tích hợp cảm biến kết nối Internet.

PCWorld

bộ xử lý, định luật Moore, máy tính, Moore, Moore Law, ngành công nghiệp máy tính, transistor


© 2021 FAP
  2,757,782       28/1,604