Sản phẩm

Đánh giá laptop AsusPro BU201LA

(PCWorldVN) Dòng laptop doanh nhân AsusPro BU201LA nổi bật với thiết kế tốt và chất lượng màn hình cao, tuy nhiên máy lại có thời lượng dùng pin hơi thấp, nóng khi chơi game và vỏ ngoài dễ bám bẩn.

Hướng đến phân khúc người dùng doanh nhân, AsusPro BU201LA là dòng máy tính xách tay được Asus đặc biệt chú trọng đến phong cách thiết kế, chất lượng màn hình cũng như hiệu năng tổng thể. Phiên bản dành cho thị trường Việt Nam không có màn hình ứng được bán với giá 21,99 triệu đồng.

Trước khi vào phần đánh giá chi tiết, Test Lab sẽ điểm qua vài thông số kỹ thuật và ưu nhược điểm của sản phẩm.

- Ưu điểm: Thiết kế tốt; Màn hình đẹp; Cổng kết nối phong phú; Hiệu năng cao so với mức giá.

- Khuyết điểm: Thời lượng dùng pin chưa cao; Vỏ ngoài dễ bám bẩn; Khá nóng khi chơi game; Không có ổ quang tích hợp.

Thiết kế

Với màu xám đen chủ đạo, vỏ máy được cấu tạo bằng sợi carbon thường thấy trên các dòng smartphone cao cấp giúp vẻ ngoài AsusPro BU201LA trông lịch lãm, nhẹ nhàng nhưng cũng có được sự cứng cáp cần thiết.

Mặc dù lớp vỏ ngoài này khá “rít” tay vì có độ ma sát cao, thuận tiện để cầm nắm nhưng lại rất dễ bám dấu vân tay và bụi bẩn. Có thể nói, kiểu dáng vuông vức của AsusPro BU201LA cộng với lớp vỏ ngoài đặc biệt này và mức cân nặng 1,27 kg giúp cho việc mang theo bên mình được tiện lợi và an tâm hơn.

Thiết kế tổng thể của máy chắc chắn, nam tính với màu xám đen.
Khác với nhiều dòng ultrabook hoặc một số mẫu laptop dành cho doanh nhân khác, BU201LA được Asus trang bị khá đầy đủ giao tiếp, kết nối. Máy  trang bị 3 cổng USB 3.0, VGA, mini-Displayport, khe cắm tai nghe 3,5 mm, cổng sạc, khe cắm dây mạng LAN RJ45, đầu đọc thẻ. Các cổng giao tiếp này được bố trí đều đặn ở hai cạnh bên của máy, riêng khe cắm thẻ nhớ được đặt ở cạnh trước. Tuy nhiên, giống như đa số các dòng laptop hiện nay, BU201LA không được tích hợp ổ đĩa quang.

AsusPro BU201LA có khá nhiều cổng giao tiếp, kết nối.
Nhìn chung, Test Lab đánh giá AsusPro BU201LA có thiết kế tốt, bố trí khoa học, đa dạng cổng giao tiếp mà đối tượng doanh nhân thường sử dụng để phục vụ công việc hằng ngày.

Xem thêm chi tiết thiết kế của AsusPro BU201LA:

Bàn phím, touchpad và loa ngoài

Bàn phím của AsusPro được thiết kế theo kiểu chiclet với khoảng cách các phím vừa đủ thoáng để tiện cho việc soạn thảo. Kích thước các phím cũng tương đương với kích thước của các phím trên bàn phím MacBook Pro, độ nảy cao và khá êm khi thao tác. Test Lab không có gì phải phàn nàn khi sử dụng máy với bàn phím này.

Bên cạnh đó, bàn phím của BU201LA cũng được tích hợp đèn nền để tiện thao tác vào ban đêm. Tuy nhiên, Asus chỉ có duy nhất một tùy chọn là bật hoặc tắt cho đèn nền bàn phím này mà không có cảm biến tự động cân chỉnh độ sáng hoặc tắt hẳn dựa trên ánh sáng môi trường.

Do đó, Test Lab cảm thấy hơi bất tiện khi phải thực hiện thêm thao tác khi dùng máy ở nhiều điều kiện môi trường khác nhau. Asus cho biết, máy cũng được tích hợp chức năng chống tràn chất lỏng cho bàn phím nên an toàn hơn (Test Lab không tiện thử nghiệm khả năng này nên không thể đưa ra kết luận thực tế).

Cận cảnh trackpoint của AsusPro BU201LA.
Với những người dùng laptop doanh nhân “kỳ cựu” thì nút di chuột (trackpoint) có tên SensePoint của BU201LA sẽ là một đặc điểm khá thú vị. Cụm bàn di chuột phong cách cổ điển thường thấy ở các dòng laptop ThinkPad trước đây của IBM cũng gồm có một trackpoint ở giữa 3 phím G, H và B với cụm nút bấm chuột phải, trái và nút cuộn trang. Với người dùng mới thì việc thao tác với cụm trackpoint này quả thực không dễ làm quen, tuy nhiên với các doanh nhân quen dùng kiểu di chuột này thì đây là một điểm cộng.

Bàn di chuột (touchpad) của AsusPro BU201LA có thiết kế tốt, tương đối rộng với chức năng đa chạm dễ dàng sử dụng với độ nhạy cao. Test Lab đánh giá AsusPro BU201LA là một trong những dòng máy dành cho doanh nhân có touchpad được thiết kế tốt nhất hiện tại.

Chất lượng loa ngoài của AsusPro BU201LA không mấy ấn tượng, chất âm hơi “chói ” và “gắt” khi mở tối đa âm lượng, âm treble chiếm ưu thế. Khi dùng máy trong một môi trường yên tĩnh với âm lượng ở mức 40-50% thì Test Lab nhận thấy chất âm có vẻ khá hơn.

Màn hình và camera

Test Lab đánh giá cao chất lượng hiển thị thực tế từ màn hình của AsusPro BU201LA. Nhờ công nghệ IPS kết hợp với độ phân giải Full HD nên hình ảnh trông khá sắc nét, màu sắc đẹp và trong trẻo mặc dù mật độ điểm ảnh không phải là cao (chỉ 125 ppi). Bên cạnh đó, màn hình của máy cũng được phủ lớp chống chói nên rất thuận tiện khi dùng ngoài sáng.

Về góc nhìn thì Test Lab cũng đánh giá cao màn hình của AsusPro BU201LA. Màu sắc hầu như ít biến đổi ở mọi góc nhìn khi dùng máy ở độ sáng tự động cân chỉnh. Bên cạnh đó, độ tương phản của màn hình cũng rất cao nên không hề bị trở ngại nào khi dùng máy dưới trời nắng.

Màn hình chất lượng cao là một ưu điểm của AsusPro BU201LA.
Mặc dù màn hình của máy có thể xoay một góc 180 độ, nhưng bản lề của máy khá rít nên khi gập hoặc mở màn hình ra thì bị phát ra âm thanh khá khó chịu.

Riêng camera thì giống như đa số các laptop mà Test Lab từng thử nghiệm, máy ảnh tích hợp 0,9 megapixel của AsusPro BU201LA cũng chỉ có chất lượng dưới mức trung bình. Hình ảnh chụp thực tế từ ứng dụng Camera tích hợp sẵn trên Windows 8.1 khá tệ, độ chi tiết thấp, màu sắc bị bệt và rất nhiễu hạt. Do đó, camera này chỉ có thể đảm nhận được chức năng thoại video với Skype hay Viber trên Windows mà thôi.

Hệ điều hành và tính năng

Về cơ bản, Asus không có nhiều tùy biến cho hệ điều hành Windows 8.1 Single Language 64-bit tích hợp trên AsusPro BU201LA. Bên cạnh giao diện (theme) mặc định với hình nền của máy thì máy không có bất cứ tùy biến nào khác liên quan đến hệ thống.

Giao diện sử dụng Modern UI nguyên bản của AsusPro BU201LA.

Chức năng touchpad của máy được Asus bổ sung thêm tiện ích Smart Gesture giúp người dùng tùy chỉnh các chức năng sử dụng với cử chỉ đơn chạm, đa chạm với hai ngón hay 3 ngón tay. Bên cạnh đó, ứng dụng này cũng cho phép thiết lập chức năng khi vuốt từ các cạnh của touchpad, thay đổi chức năng cho các nút bấm và vô hiệu/kích hoạt touchpad khi cắm/tháo chuột ngoài.

Giao diện tiện ích tùy chỉnh touchpad Asus Smart Gesture.
Về chức năng bảo mật thì bên cạnh khe khóa Kensington Lock thì máy cũng được trang bị khe cắm SmartCard, đầu đọc dấu vân tay ở bên phải bàn để tay và chip TPM giúp bảo vệ máy tốt hơn. Tuy nhiên, giống như đa số các laptop doanh nhân hiện nay, chức năng quét dấu vân tay vẫn dừng lại ở phương thức cũ là vuốt từ trên xuống chứ không linh hoạt qua cử chỉ chạm nhẹ như trên iPhone/iPad mới của Apple.

Hiệu năng và pin

AsusPro BU201LA được trang bị bộ xử Intel Core i5 4210U 1,70GHz nền tảng Haswell, RAM 8 GB, ổ SSD 128 GB và card đồ họa tích hợp Intel HD Graphics 4400. Test Lab đánh giá hiệu năng thực tế của máy khá tốt, đáp ứng tốt mọi tác vụ từ duyệt web cơ bản đến xử lý đồ họa trên nền Windows 8.1.

Cấu hình chi tiết của máy.
Riêng với hiệu năng xử lý khi chơi game 3D thì máy chỉ đáp ứng được ở mức trung bình, tình trạng giật vẫn thường xuyên xảy ra khi gặp các cảnh cháy nổ, hành động nhanh. Thử nghiệm với game Tomb Raider, Test Lab nhận thấy máy chỉ có thể đáp ứng được ở mức cài đặt đồ họa thấp nhất.

Tương tự như các dòng laptop dành cho doanh nhân khác của Asus, AsusPro BU201LA cũng có ổ SSD làm bộ nhớ đệm (cache) nên có tốc độ truy xuất dữ liệu và khởi động máy rất nhanh.

Kết quả đánh giá hiệu năng đồ họa của máy với 3DMark, phép thử Fire Strike (dành cho máy chơi game chuyên dụng) máy đạt chỉ 588 điểm, trong khi phép thử Sky Diver (dành cho laptop thông thường với tác vụ game) đạt được điểm số 2.600 điểm.
AsusPro BU201LA chạy khá êm với đa số yêu cầu xử lý công việc, nhưng quạt bắt đầu quay nhanh và phát ra tiếng ồn, nếu dùng ban đêm yên tĩnh thì âm thanh này có phần khó chịu. Test Lab nhận thấy máy khá nóng khi chơi game, CPU có nhiệt độ từ 60 đến 75 độ C khi dùng với tác vụ cao cấp này.

Kết quả đo hiệu năng tổng thể của máy với PCMark 8, phép thử Home Conventional đạt 2.344 điểm.
Thời lượng dùng pin của máy khi sử dụng máy với các tác vụ thông thường, bật Wi-Fi liên tục, mức sáng cân chỉnh ở mức 85% thì đạt gần 4 giờ. Thời lượng dùng pin này là khá thấp đối với một laptop doanh nhân, tuy nhiên máy có thiết kế pin tháo rời cũng là một lợi điểm nếu người dùng muốn pin bổ sung.

Kết quả thử nghiệm khả năng dựng hình của AsusPro BU201LA với công cụ CineBench R15.

PCWorld

Asus, Asus AsusPro BU201LA, chọn mua laptop, đánh giá laptop, đánh giá máy tính xách tay, laptop


© 2021 FAP
  2,752,381       3/835