Sản phẩm

Chọn mua điện thoại thông minh

Do có nhiều tính năng hơn điện thoại thông thường và thậm chí hoạt động như một máy tính di động, điện thoại thông minh (smartphone) đang được nhiều người chọn mua.

Khi quyết định sử dụng smartphone, việc lựa chọn nền tảng (hệ điều hành) có thể quan trọng ngang với các chi tiết kỹ thuật phần cứng của ĐTDĐ. Tương tự như máy tính để bàn, việc chọn nền tảng phù hợp sẽ giúp người dùng có thể sử dụng thiết bị dễ hơn, yên tâm về bảo mật và có thể chọn các ứng dụng phù hợp cho điện thoại.

Kết nối không dây: Tất cả ĐTDĐ đều có hỗ trợ kết nối không dây, đơn giản nhất là sử dụng tính năng này cho việc gọi và nhắn tin (SMS). Nếu muốn sử dụng kết nối không dây để truyền dữ liệu, người dùng cần trang bị điện thoại có hỗ trợ tối thiểu là công nghệ EDGE (2,5G), tuy nhiên hầu hết công nghệ không dây ngày nay đều dựa vào công nghệ 3G với các tiêu chuẩn dữ liệu như UMTS, HSDPA, HSUPA.

Công nghệ kết nối Wi-Fi có mặt trên hầu hết smartphone, đa số sử dụng chuẩn 802.11b/g, nhưng hiện giờ phổ biến là chuẩn 802.11n.

Công nghệ Bluetooth đã phát triển khá lâu trên ĐTDĐ, thường được kết nối với tai nghe. Phiên bản A2DP của Bluetooth cho phép chất lượng âm thanh rõ, tốt hơn là các chuẩn kết nối Bluetooth trước đây. Mới nhất là công nghệ Bluetooth v3.0, nhưng hầu hết thiết bị vẫn hoạt động tốt với phiên bản 2.0 hay 2.1, thường đi kèm với công nghệ EDR (Enhanced Data Rate).  

Màn hình: kể từ lúc iPhone của Apple xuất hiện trên thị trường, hầu hết smartphone hiện nay dựa vào công nghệ màn hình đa chạm với các nút ảo thay thế cho các phím bấm thật. Công nghệ cảm ứng điện trở (resistive technology) trước đây có thể vẫn được tìm thấy ở những chiếc điện thoại di động giá rẻ. Tuy nhiên, hầu hết smartphone ngày nay sử dụng công nghệ màn hình điện dung (capacitive technology), tạo sự tiện lợi khi điều khiển đa chạm qua cách dùng ngón tay để “lướt” hay "búng" để thực hiện các thao tác điều khiển đơn giản trên máy.

Khi mua smartphone, nên chọn độ phân giải màn hình cao, ví dụ độ phân giải 320x480 có thể là mức tối thiểu đối với màn hình 3,5". Thay vì dùng công nghệ màn hình LCD truyền thống, một số điện thoại mới đã sử dụng công nghệ màn hình AMOLED, cho màu sắc hài hòa hơn nhưng lại gặp hạn chế nếu xem dưới ánh sáng mặt trời.

Thời lượng pin: thời gian pin hoạt động trên smartphone vẫn còn ngắn, trung bình chỉ "trụ" được khoảng 2 ngày, phụ thuộc vào thời gian gọi và việc dùng dữ liệu liên tục.

Bộ xử lý: hầu hết smartphone, bất kể là thương hiệu hay nền tảng nào, đều dùng bộ xử lý ARM. BXL ARM có nhiều phiên bản với xung nhịp từ 400MHz đến 1GHz, và chiếm ưu thế ở phân khúc BXL lõi đơn (single-core). Bộ nhớ cao cũng giúp điện thoại chạy nhanh hơn, dung lượng thường vào khoảng 256MB.

Lưu trữ: Một số smartphone có bộ nhớ Flash NAND tích hợp, số khác thì người dùng có thể sử dụng thẻ microSD gắn ngoài để lưu trữ tập tin đa phương tiện và dữ liệu khác. Nếu có dự định dùng điện thoại để nghe nhạc và xem phim, bạn sẽ cần dung lượng lưu trữ ít nhất 8GB.

Camera: mỗi chiếc smartphone hầu như đều hỗ trợ camera để chụp ảnh và cũng có thêm tùy chọn quay phim.

Hiện nay, nhiều chiếc điện thoại có 2 camera: camera thứ nhất nằm ở mặt trước dùng để thoại có hình ảnh (video call), camera thứ hai ở phía sau để chụp/ghi hình. Một số ứng dụng web để tán gẫu cũng cho phép chuyển camera ra phía sau để người trò chuyện với bạn nhìn thấy mọi thứ xung quanh vào lúc đó. Để hình ảnh có thể đủ độ rõ thì nên dùng độ phân giải cao hơn 3 megapixel. Người dùng nhớ rằng độ phân giải không là yếu tố chính để quyết định chất lượng của hình ảnh hay đoạn video. 

Bộ cảm biến khác: hầu hết smartphone có hỗ trợ nhiều cảm biến khác. Chẳng hạn như la bàn số, sóng vô tuyến định vị toàn cầu (GPS) - cả hai đều hỗ trợ cho việc định hướng. Cảm biến ánh sáng giúp màn hình có thể tự động “điều chỉnh” sáng để phù hợp với môi trường. Ngoài ra, cảm biến gia tốc/con quay hồi chuyển có mặt nhiều trên thiết bị di động, bao gồm tự động điều chỉnh hướng màn hình để phù hợp với tư thế mà người dùng cầm điện thoại cũng như hỗ trợ đắc lực trong các trò chơi (game) và các ứng dụng khác.

Nền tảng: Những smartphone đời đầu thường sử dụng hệ điều hành Windows Mobile. Vào năm 2009, Microsoft đã tuyên bố ngừng phát triển Windows Mobile phiên bản 6.5. Microsoft hiện đang phát triển Windows Phone 7.

Bên cạnh hệ điều hành Windows Phone, người dùng có thể lựa chọn và so sánh tính hiệu quả giữa các nền tảng khác, điển hình các smartphone có hệ điều hành BlackBerry của RIM, iPhone của Apple, hệ điều hành Android của Google hiện đang phổ biến mạnh trên thị trường điện thoại toàn cầu.

- Hệ điều hành BlackBerry của RIM phù hợp cho doanh nghiệp và đây là nền tảng đầu tiên tạo sự tiện lợi khi sử dụng email trên điện thoại di động. Ngay cả hiện giờ, RIM tiếp tục có chỗ đứng trong các doanh nghiệp lớn với lợi thế về tính bảo mật và khả năng bảo đảm nhà quản trị hệ thống có thể chặn những mối đe dọa từ bên ngoài.

- Hệ điều hành iOS của Apple hiện được xem là thân thiện với người dùng và dễ sử dụng, chẳng hạn các dòng sản phẩm iPhone 3GS, iPhone 4, iPod Touch, iPad và iPad 2. Hệ điều hành này có tính bảo mật tốt, có thể hạn chế mối đe dọa virus và mã độc hại, bởi vì “đường đi nước bước” của tất cả ứng dụng đều bị Apple kiểm duyệt trước khi chúng có mặt trên kho ứng dụng App Store. Việc cập nhật bản nâng cấp mới cho HĐH này cũng rất dễ dàng.
 

- Hệ điều hành Android do Google phát triển là nền tảng “mở”, dựa vào nguồn mở Linux. Giống như Microsoft Windows, Android có thể được cài đặt ở nhiều loại phần cứng khác nhau. Cũng tương tự Windows, Android là nền tảng có thể gặp nhiều mối đe dọa từ mã độc hại (malware). Đây cũng là nền tảng mà malware muốn “chui vào” nhất. Người dùng cũng nên chú ý là nhiều thiết bị di động chạy phiên bản Android 1.6 hay 2.0 sẽ không thể nâng cấp lên bản mới hơn là 2.2 hay 2.3.

Tùy vào khả năng tài chính, mục đích sử dụng, nhu cầu công việc mà người dùng có thể chọn cho mình một chiếc điện thoại phổ thông hay smartphone. Không phải người dùng nào cũng có thể tận dụng hết tính năng sẵn có trên smartphone, nhưng nếu quyết định “tậu” một chiếc smartphone thì người dùng nên lưu ý một số đặc điểm đã nêu trong bài. Đối với người dùng eo hẹp về tài chính và cũng không có nhu cầu phải lướt web, truy cập email, tin tức chứng khoán, thông tin thị trường tức thì…, nên chọn một chiếc điện thoại phổ thông vừa túi tiền với lợi thế là thời gian hoạt động của pin khá dài.

Đọc thêm:

PCWorld

chọn smartphone, điện thoại di động, điện thoại thông minh


© 2021 FAP
  2,748,383       24/873