(PCWorldVN) Hiện nay, việc truy cập ẩn danh hoàn toàn gần như vô phương khả thi. Tuy nhiên, vẫn có những mẹo và công cụ cho phép bạn đảm bảo sự riêng tư của mình cũng như giảm thiểu các “dấu vết” bạn để lại trong thế giới số.
Thực tế, người dùng hiện nay đều phụ thuộc rất nhiều vào Internet để thực hiện các tác vụ hàng ngày của mình – trên cả thiết bị di động và máy tính để bàn. Câu hỏi đặt ra là liệu việc “tàng hình” có khả thi? Để tìm ra câu trả lời, trước tiên mỗi người trong chúng ta cần xác định xem đâu là những yếu tố quan trọng hơn cả trong mục tiêu tạo sự riêng tư – một chuyên gia bảo mật chia sẻ, “các ứng dụng có thể truy xuất vị trí địa lý GPS, máy ảnh số, kho ảnh và sổ danh bạ hay không?” – và nhận định: “Sự riêng tư là thứ kì lạ, nó không hữu hình và đôi khi việc không nằm trong tầm quan sát khiến bạn quên mất chúng”.
Dĩ nhiên, việc tự nhận thức rằng hầu hết các phương tiện mà chúng ta sử dụng hiện nay đều thuộc sở hữu hoặc được vận hành bởi một đơn vị thứ ba – kể cả Internet, thang máy gắn camera hay ứng dụng di động yêu cầu kết nối. “Chúng ta cần chấp nhận rằng những tình huống như thế không hề đảm bảo quyền riêng tư” - chuyên gia bảo mật cho biết. Chính vì thế, nó không hẳn là việc duy trì mà thay vào đó là sự cảnh giác của mỗi cá nhân. Người dùng Internet cũng có thể bảo vệ sự riêng tư của chính họ trên môi trường trực tuyến thông qua việc coi dữ liệu cá nhân của mình là tài sản đáng giá và đừng cho không ai đó. Nói cách khác, hãy luôn xác lập những giá trị riêng về thông tin cá nhân đồng thời nhận thực rằng các trang web luôn muốn kiếm lời từ những thông tin mà họ khai thác được. Để hạn chế điều này, cách tốt nhất là cung cấp thông tin sai lệch. Việc giả mạo phần nào sẽ đem lại hiệu quả tích cực trong thế giới số. Đây cũng là “đồng minh” quan trọng giúp người dùng bảo vệ các thông tin trực tuyến của họ.
Bản thân nhiều chuyên gia bảo mật cũng không đặt niềm tin vào các công cụ bảo vệ sự riêng tư. “Chúng ta không biết rằng các công cụ ẩn danh hay trang email riêng tư có chân thật về dịch vụ của họ hay không. Với một người dùng bình thường, việc phân biệt chữ kí thật hay giả là điều rất khó – cũng tương tự như việc họ không thể biết được rằng phần mềm hay dịch vụ nào đó có đáng tin cậy như tuyên bố hay không?” – một chuyên gia nhận định. Dường như với họ, cách tốt nhất để không bị theo dõi trực tuyến là bạn đừng tạo ra bất kì kết nối nào hết – ví dụ như chuyển sang dùng điện thoại trả trước. Ý tưởng ở đây là khi người dùng thực hiện một cuộc gọi, danh tính của họ sẽ không bị lộ ra bởi số điện thoại đó không gắn liền với các giá trị định danh. Tuy nhiên điều này chỉ đúng một nửa. Khi người dùng mua máy từ cửa hàng, việc thanh toán đã được ghi nhận lại trên máy quay hoặc hoá đơn và khiến họ bị gắn liền với chiếc điện thoại. Như thế, danh tính của họ có thể bị khai thác từ hành vi này. Và dĩ nhiên, nếu người dùng nhờ ai đó mua hộ chiếc máy, người đó cũng vẫn bị dính dáng.
Chính bản thân người dùng là tác nhân quan trọng nhất trong việc giữ kín định danh trên Internet. |
Trong bối cảnh đó, câu hỏi đặt ra là liệu người dùng nên dùng nhưng phương pháp nào để tự bảo vệ mình? Theo các chuyên gia bảo mật, dưới đây làm một số hướng tiếp cận đáng lưu tâm.
Sử dụng ứng dụng bảo vệ thông tin chuyên nghiệp
Một vấn đề của các công cụ bảo vệ tính riêng tư chính là việc người dùng không thể đánh giá chính xác được độ hiệu quả của chúng. Nói cách khác, việc biết được liệu các lá chắn này có thực sự bảo vệ được thông tin cá nhân hay không là điều gần như bất khả thi. Bản thân một chuyên gia bảo mật đã từng chia sẻ rằng nếu họ không thể chứng minh được tính hiệu quả của công cụ bảo vệ thì một hướng giải pháp khác cần phải được xem xét. “Tôi tin rằng Snapchat đã từng bảo đảm hình ảnh sẽ biến mất ngay tức thì. Và rõ ràng họ đã nói dối. Hãy nhìn điều gì đã xảy ra!” – ông bình luận. Tuy nhiên, các nhà cung cấp vẫn đem tới cho người dùng những sản phẩm được thiết kế để duy trì tính riêng tư của họ với một số tính năng nhất định – điển hình là Hotspot Shield (gửi dữ liệu mã hoá qua mạng thông thường nhằm bảo vệ thông tin và định danh người dùng trong trình duyệt trên nhiều nền tảng), OX Guard (bảo mật thông tin email với cơ chế mã hoá đơn giản đối với dữ liệu mà không cần người dùng hiểu quá nhiều về các yếu tố kĩ thuật), Tor (một công cụ cho phép tạo các kênh dữ liệu riêng cho từng cá nhân và được sử dụng rộng rãi trong các cơ quan chính phủ Mỹ)…
Càng thông minh, những thiết bị số “sẵn lòng” để lộ thông tin cá nhân của bạn. |
Tận dụng mạng riêng ảo
Bên cạnh các công cụ kể trên, với những người dùng muốn tham gia thế giới trực tuyến nhưng lại không thích dính vào những thủ thuật giả mạo để ẩn danh, thực tế vẫn có những giải pháp khác mà họ có thể trưng dụng. Một trong số đó là việc sử dụng mạng riêng ảo (VPN) mỗi khi kết nối.
“Phương thức này sẽ buộc dữ liệu thông tin của bạn phải được mã hoá và tạo ra rào cản đối với các gián điệp hay hacker trong việc phát hiện chung – bất kể là với điện thoại, máy tính cá nhân hay máy tính bảng” – chuyên gia bảo mật thông tin định danh cho biết. “Việc truyền dữ liệu vẫn có thể xảy ra do các thành phần quảng cáo nhưng VPN chắc chắn sẽ gây nhiều khó khăn cho những tên trộm”. Trên thực tế, có khá nhiều các dịch vụ ẩn danh VPN với mức giá rẻ và dễ sử dụng. Theo giám đốc nghiên cứu tại phòng thí nghiệm NSS chuyên về bảo mật thông tin, những dịch vụ như thế sẽ giúp ẩn địa chỉ IP – một thao tác cải thiện rất lớn tính riêng tư của người dùng kể cả khi họ sử dụng Internet tại các dịch vụ công cộng.
Sự hiện diện của một phần mềm bảo mật chuyên dụng có thể sẽ giúp bạn an tâm hơn phần nào. |
Bên cạnh VPN, một chiến thuật khác là việc cài đặt giao thức HTTPS (Hypertext Transfer Protocol Secure) nhằm bảo mật liên lạc qua mạng máy tính mà cụ thể hơn là thao tác kết nối với các trang web. Những người dùng đề cao tính bảo mật có thể cài các plugin HTTPS cho trình duyệt của mình bất cứ khi nào họ muốn bởi nó miễn phí. Tuy nhiên, giao thức này hiện chưa hỗ trợ các dòng điện thoại thông minh.
Hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân trên Internet
Theo giám đốc bảo mật ứng dụng tại phòng thí nghiệm ICSA, người dùng có thể “làm theo những quy tắc tối thiểu nhưng cần thiết bao gồm: chỉ điền vào những ô khai báo cần thiết trên mạng Internet. Khi được hỏi, bạn cũng không nên đăng kí các dịch vụ trừ khi bắt buộc hoặc cần thiết phải làm như vậy. Ngoài ra, việc tránh các cuộc thi đấu, các chương trình khuyến mãi miễn phí yêu cầu thông tin cá nhân của bạn”.
Làm việc ở nơi công cộng có thể đem lại cảm hứng, nhưng cũng đầy rủi ro thông tin nếu bạn không có các phương án bảo mật phù hợp. |
Hãy suy nghĩ kĩ trước mỗi lần bạn nhập thông tin cá nhânvào các form khai báo trên Internet. |
Từ bỏ hoặc hạn chế hoạt động trên các mạng xã hội
Theo các chuyên gia, đây là một trong những giải pháp thông dụng và hiệu quả nhất để giảm dấu vết của một cá nhân trên mạng Internet. “Việc từ bỏ các mạng xã hội sẽ giúp giảm cả quảng cáo định hướng và những nguy cơ bị rình mò” – chuyên gia nhận định. Trong khi đó, với những người vẫn muốn duy trì các mối quan hệ xã hội ảo như vậy, cách tốt nhất là chỉ đăng thông tin, tạo các bài viết mới khi kết nối từ những mạng nội bộ có bảo mật tốt như từ nhà hoặc văn phòng. Theo các chuyên gia bảo mật, bạn cũng nên đăng từ máy tính cá nhân hơn là điện thoại thông minh.
Mạng xã hội là một trong những nơi thông tin của bạn dễ bị khai thác nhất vào thời điểm hiện nay. |
Ngoài ra, riêng với những mạng thông dụng như Instagram, Facebook hay Google+, việc sử dụng các thiết lập để không cho phép người lạ truy cập vào thông tin cá nhân của bạn cũng là điều cần thiết. Theo chuyên gia, người dùng cũng nên “cẩn trọng trong việc duyệt các nội dung và hình ảnh mà bạn được tag trong đó”.
Thắt chặt việc sử dụng thiết bị di động
Với các thiết bị di động, nếu muốn tối đa hoá bảo mật thông tin cá nhân – nhất là với những thiết bị chuyên dùng cho công việc, người dùng nên bật chế độ máy bay mỗi khi chạy các ứng dụng… không liên quan như trò chơi điện tử để hạn chế việc truyền tải dữ liệu khó kiểm soát. “Bạn không cần phải kết nối Internet để chơi tất cả mọi trò chơi. Việc ngắt kết nối đồng nghĩa với dữ liệu cá nhân của bạn không thể được truyền đi” – chuyên gia bảo mật nói.
Dù nghe có vẻ cực đoan, đây là một lời khuyên khá hữu ích với những người dùng làm việc trongmôi trường nhạy cảm về thông tin. Thậm chí, việc tắt kết nối dữ liệu viễn thông cũng là điều được khuyến cáo “trừ khi bạn bắt buộc phải biết mọi bức thư điện tử đến và đi”.
Theo chuyên gia, người dùng chỉ nên kiểm tra email thông qua các mạng kết nối được bảo mật tốt. Ngoài ra, việc tắt GPS, Wi-Fi và tính năng gán địa chỉ địa lý trong ứng dụng (đặc biệt là ứng dụng chụp ảnh) khi đi ra ngoài cũng là điều nên làm bởi chúng có thể tiết lộ vị trí tức thời của bạn rất nhanh chóng. Dĩ nhiên, việc sử dụng một chiếc “điện thoại ngốc nghếch” cũng là điều đáng để quan tâm thay vì các món quá “thông minh” vào lúc này. “Dù việc theo dõi qua một chiếc điện thoại di động đơn giản vẫn là khả thi, nhưng điều đó cũng sẽ tạo ra rào cản khó khăn cho những kẻ muốn khai thác thông tin về vị trí và dữ liệu riêng của bạn bởi bạn sẽ không thể lên các mạng xã hội, chơi trò chơi trực tuyến với một chiếc điện thoại như vậy”.
PC World VN, 04/2015
Facebook, Internet, mạng xã hội