Sản phẩm

Trung Quốc xây dựng nhà máy đầu tiên dùng toàn robot

(PCWorldVN) Trung Quốc vừa khởi công xây dựng nhà máy đầu tiên chỉ sử dụng robot cho hoạt động sản xuất tại thành phố Đông Hoản thuộc tỉnh Quảng Đông, theo báo South China Morning Post.

Tổng cộng 1.000 robot sẽ được sử dụng tại nhà máy do công ty công nghệ chính xác Shenzhen Evenwin trong thời gian đầu, nhằm mục đích giảm đến 90% lực lượng nhân công hiện tại xuống còn khoảng 200 người.

Shenzhen Evenwin không tiết lộ chi phí đầu tư cho nhà máy, nhưng cho biết năng lực sản xuất có thể đạt giá trị 2 tỷ nhân dân tệ (322 triệu USD) mỗi năm.

Robot được dự đoán sẽ chiếm lĩnh nhiều nhà máy ở đồng bằng sông Châu Giang, khu vực nổi tiếng với biệt danh “công xưởng của thế giới” nhờ ngành công nghiệp chế xuất khổng lồ tại đây, do tác động của tình trạng thiếu hụt lao động cùng nhu cầu cách tân để đối phó tình trạng kinh tế tăng trưởng chậm chạp.

robot, khoa học viễn tưởng, robot hướng dẫn khách hàng
Các nhà sản xuất robot Trung Quốc đứng trước cơ may “ăn nên làm ra” khi các nhà máy truyền thống tìm cách tự động hóa dây chuyền sản xuất - Ảnh: Reuters.

Kể từ tháng 9/2014, tổng cộng 505 nhà máy ở Đông Hoản đã đầu tư 4,2 tỷ nhân dân tệ cho robot nhằm thay thế hơn 30.000 công nhân, theo số liệu do Văn phòng Kinh tế và Công nghệ Thông tin của thành phố này cung cấp

Đến năm 2016, có đến 1.500 doanh nghiệp công nghiệp sẽ bắt đầu thay thế con người bằng robot trong các dây chuyền sản xuất.

Tỉnh Quảng Đông đầu năm 2015 từng cho biết họ sẽ chi 943 tỷ nhân dân tệ cho việc thay thế nhân công bằng robot trong vòng 3 năm tới. Các thành phố trong tỉnh đang đưa ra các khoản trợ cấp thường niên khoảng 200-500 triệu nhân dân tệ cho các nhà sản xuất robot và những đơn vị sản xuất bố trí robot trên các dây chuyền lắp ráp.

Thủ phủ Quảng Châu đã đặt mục tiêu khuyến khích ngành công nghiệp chế tạo robot với giá trị đầu ra hơn 100 tỷ nhân dân tệ vào năm 2020, cũng như tự động hóa hơn 80% hoạt động sản xuất chế tạo của thành phố.

Chính quyền thành phố Phật Sơn cho biết giá trị thị trường tự động hóa và robot của họ sẽ đạt 300 tỷ nhân dân tệ sau 5 năm nữa.

Tình trạng thiếu hụt lao động đang gây khó khăn cho khu vực đồng bằng sông Châu Giang, dù tình hình đã được cải thiện đôi chút trong vài năm qua.

Theo Sở Lao động Quảng Đông, vào tháng 3/2015 sau Tết Nguyên đán, tỉnh này cần khoảng 600.000-800.000 công nhân. Con số này tương tự năm 2014 nhưng thấp hơn so với con số 1 triệu lao động thiếu hụt vào năm 2012.

Trong cùng thời điểm vào năm 2010, con số thiếu hụt lên đến 2 triệu lao động.

Giai đoạn sau Tết Nguyên đán thường là thời điểm thiếu hụt lao động nhiều nhất do phần lớn công nhân ở Quảng Đông là người nhập cư và nhiều người trong số họ không quay lại làm việc sau khi về quê ăn Tết.

PCWorld

AI, khoa học viễn tưởng, người máy, robot, trí tuệ nhân tạo


© 2021 FAP
  2,744,206       1/1,030