Sản phẩm

TP.HCM dồn lực phát triển khoa học và công nghệ

(PCWorldVN) Trong giai đoạn 2011-2014, Sở KH-CN Thành phố đã triển khai 15 chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với tổng cộng 562 đề tài được triển khai.

Nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam lần thứ 2 tại TP.HCM sẽ diễn ra từ ngày 14-31/5 với chủ đề "40 năm Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh - Một chặng đường phát triển", vào sáng ngày 14/5 vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) TP.HCM tổ chức buổi hội thảo Nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Theo báo cáo của Sở KH-CN Thành phố được trình bày tại hội thảo, mục tiêu của hoạt động nghiên cứu khoa học giai đoạn 2011-2014 là triển khai các chương trình nghiên cứu nhằm phục vụ quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển 4 ngành công nghiệp mũi nhọn (cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, hóa chất, chế biến tinh lương thực - thực phẩm) và 9 ngành dịch vụ, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và phục vụ 6 chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ IX.

40 năm Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh - Một chặng đường phát triển
Giám đốc Sở KH-CN Thành phố Nguyễn Việt Dũng (hàng thứ nhất, bên trái) chủ trì buổi hội thảo.

Cụ thể hơn, trong giai đoạn này, Sở KH-CN Thành phố đã tổ chức thành lập 15 chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo hướng tập trung giải quyết các nhiệm vụ trọng điểm, trong đó có 2 chương trình là Chế tạo thiết bị, Sản phẩm thay thế nhập khẩu và Chế tạo robot công nghiệp hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ.

Kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học trong giai đoạn này đạt xấp xỉ 386,79 tỷ đồng.

Đại diện Phòng Quản lý Khoa học, Sở KH-CN Thành phố cho biết, tỷ lệ các đề tài được áp dụng trực tiếp trong giai đoạn 2011-2014 là khá cao, đạt tỷ lệ 38%, trong khi đó số đề tài được thực hiện theo đơn đặt hàng cũng đạt mức 28%.

Tỷ lệ đề tài đặt hàng phần lớn rơi vào lĩnh vực như kỹ thuật - công nghệ và tập trung nhiều nhất ở các chương trình như chế tạo thiết bị, sản phẩm thay thế nhập khẩu (Chương trình 04), chế tạo robot công nghiệp, an ninh quốc phòng và quản lý đô thị, tài nguyên môi trường và biến đổi khí hậu.

Ông Phạm Văn Xu - Trưởng Phòng Quản lý khoa học cho biết, đây là những chương trình có nhu cầu thực tiễn cao và cũng là những chương trình được tập trung nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất hoặc giải quyết những vấn đề cấp thiết trong công tác quản lý, an ninh - quốc phòng.

Cần chính cơ chế và chính sách riêng

Trong phần tham luận trình bày tại hội thảo, TS.Trần Du Lịch - Phó Chủ nhiệm Chương trình Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM không ngần ngại khẳng định rằng đang tồn tại nhiều bất cập, từ cơ chế quản lý nhà nước chung cho cả hai lĩnh vực vốn dĩ hoàn toàn khác biệt trong cơ chế thị trường là nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

TS.Lịch lập luận rằng, công nghệ là sản phẩm hàng hóa vận hành theo cơ chế thị trường như mọi loại hàng hóa khác, còn khoa học là loại sản phẩm mà chỉ có thể trở thành hàng hóa khi chính bản thân nó đã được phát triển thành công nghệ. Hay nói cách khác, người mua (tức khách hàng) chỉ mua công nghệ, chứ họ không mua sản phẩm khoa học.

40 năm Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh - Một chặng đường phát triển
Hội thảo thu hút sự tham dự đông đảo của các nhà khoa học uy tín cùng đại diện của hầu hết trường đại học, viện nghiên cứu đóng trên địa bàn Thành phố.

"Do đó, không có thị trường cho khoa học và công nghệ, mà chỉ có thị trường dành cho công nghệ", T.S Lịch nhấn mạnh, "Với lĩnh vực khoa học, dù khoa học cơ bản hay khoa học ứng dụng, thì sản phẩm của nó chưa thể trở thành hàng hóa ngay được, mà có khi phải chờ đợi sau nhiều chục năm, còn công nghệ là sản phẩm khoa học nhưng đã được phát triển đến giai đoạn có thể áp dụng vào đời sống, giải quyết được một vấn đề cụ thể nào đó mà đời sống kinh tế - xã hội đặt ra".

Đại diện Công ty cơ khí Lập Phúc cho biết, các cơ quan chức năng cần xem xét kiến nghị các ngân hàng có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ở khu vực kinh tế tư nhân vay vốn với lãi suất ưu đãi (như trong lĩnh vực bất động sản) để ứng dụng công nghệ (mua hay nhận chuyển giao) vào thực tế sản xuất, sau nữa là thúc đẩy việc nghiên cứu, phát minh khoa học tại các doanh nghiệp này.

Cũng theo TS.Lịch, để phát triển, ngành khoa học - công nghệ Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng cần làm rõ nhiệm vụ của Nhà nước là hỗ trợ "đầu vào" hay "đầu ra" cho khoa học và công nghệ. Do đó, trước thực tế Nhà nước đang vận hành cơ chế "bao cấp" đầu vào lẫn đầu ra cho hoạt động khoa học và công nghệ trong suốt nhiều năm qua, TS.Lịch đề xuất Nhà nước hỗ trợ phát triển và ứng dụng công nghệ mới theo phương thức hỗ trợ "đầu ra" và nghiên cứu phải theo đơn đặt hàng cụ thể cũng như áp dụng hình thức nghiệm thu sản phẩm cuối cùng theo thực chi, thay vì theo khung hành chính như hiện nay.

Bên cạnh đó, Nhà nước chính sách về phát triển công nghệ cần gắn với 3 nhà (Nhà nước, Nhà khoa học và Nhà doanh nghiệp) thông qua thị trường công nghệ. Trong thị trường này, Nhà nước có 2 vai trò chính và mang tính chủ đạo, đó là hỗ trợ tài chính để cho các tổ chức và cá nhân (nhà khoa học) sáng tạo công nghệ mới hoặc giải pháp ứng dụng theo yêu cầu của doanh nghiệp, và làm cầu nối giữa 2 chủ trên thông qua việc tổ chức thị trường công nghệ. Còn đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, chính sách chủ yếu của Nhà nước là đầu tư cho con người và phương tiện nghiên cứu.

Chưa dừng lại ở đó, vẫn theo đề xuất của TS.Lịch, bên cạnh mục tiêu gắn quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội với quy hoạch phát triển khoa học, công nghệ thì cần hướng đến việc làm thế nào để khoa học và công nghệ trở thành sản phẩm "đầu ra" của các trường đại học, cũng như cần chủ động và nhanh chóng sắp xếp lại các chương trình quản lý khoa học - công nghệ trên địa bàn TP.HCM trong giai đoạn hiện nay nhằm tránh biến các chương trình này trở thành "cánh tay nối dài" của Sở KH-CN trong việc "quản lý hành chính" các đề tài nghiên cứu.

Nghiên cứu khoa học là hàng hóa công

Giáo sư Đỗ Văn Dũng - Đại học Y dược TP.HCM cho biết, theo điều 69 của Luật Sở hữu trí tuệ thì phát minh khoa học không là đối tượng được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế. Do đó, để trả lời câu hỏi nghiên cứu khoa học có phải là hàng hóa không thì cần xem xét thêm ở vài yếu tố khác. 

40 năm Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh - Một chặng đường phát triển
Giáo sư Đỗ Văn Dũng - Đại học Y dược TP.HCM cho rằng, với các phát minh công nghệ thì Nhà nước cần hỗ trợ các trường, viện và kể cả doanh nghiệp để nhanh chóng "tạo ra lợi nhuận" từ việc thương mại hóa cũng như ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, đời sống.

Ở góc nhìn cá nhân, giáo sư Dũng nhìn nhận nghiên cứu khoa học là "hàng hóa công", và nếu như nghiên cứu khoa học đã là hàng hóa thì nghiên cứu đó phải đáp ứng được nhu cầu của con người, của xã hội, hay nói rõ hơn là nghiên cứu đó phải mang tính hữu dụng.

Tuy nhiên, cũng theo giáo sư Dũng, với kết quả mang tính khoa học cơ bản hay lý thuyết nền tảng, có thể chúng sẽ không được áp dụng ngay để phục vụ cuộc sống hay sản xuất kinh doanh, song những kết quả này sẽ là tiền đề, cơ sở cho các nghiên cứu tiếp theo, điển hình như trong lĩnh vực gien hay dược.

Bên cạnh đó, có cùng quan điểm với TS.Nguyễn Kim Dung đến từ Viện Nghiên cứu Giáo dục, giáo sư Dũng lưu ý các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khoa học - công nghệ phải quan tâm đến việc tạo ra "ngân hàng" chuyên gia để tham gia xét duyệt, nghiệm thu đề tài trong từng lĩnh vực, đồng thời kiến nghị cần đẩy mạnh các nghiên cứu mang tính dự báo.

Thúc đẩy phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ từ cơ sở

Trong phần phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KH-CN Thành phố khẳng định sự phát triển của TP.HCM trong suốt thời gian vừa qua có một phần đóng góp quan trọng của khoa học, công nghệ nói chung và công tác quản lý khoa học, công nghệ nói riêng; song bên cạnh nhiều mặt tích cực thì vẫn còn đó vài hạn chế, yếu kém cần được nhìn nhận, đánh giá một cách đầy đủ hơn, khách quan hơn cũng như chính xác hơn.

Giám đốc Sở KH-CN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng.

Theo ông Dũng, trong những năm tiếp theo, công tác quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trên địa bàn cần tập trung vào các nhiệm then chốt như Đổi mới tư duy, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ; Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động khoa học và công nghệ; Triển khai các định hướng nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếuPhát huy, tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ; Phát triển thị trường khoa học và công nghệ; và cuối cùng là Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học - công nghệ.

Đặc biệt, vẫn theo lời ông Dũng, để mọi thứ bắt đầu suôn sẻ thì sự đổi mới - sáng tạo trước tiên cần xuất phát từ đội ngũ cán bộ công chức, từ đó lan tỏa ra mọi tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị.

"Trong thời gian tới, Sở KH-CN Thành phố sẽ hết sức chú trọng đến công tác tuyên truyền, qua đó thúc đẩy việc phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ ngay từ cấp cơ sở, cụ thể là trong quần chúng nhân dân", ông Dũng bày tỏ, "Quan điểm của Sở KH-CN nói riêng và Thành phố nói chung là rất cởi mở và quyết tâm với khoa học - công nghệ. Giống những lĩnh vực khác, nếu nhân dân đã vỗ tay ủng hộ (với khoa học - công nghệ) thì chắc chắn Nhà nước sẽ làm ngay".

Thượng tá, tiến sĩ Nguyễn Hồng Cơ (Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Bộ Quốc phòng) kiến nghị cần nâng cao hơn nữa vai trò chủ trì, quản lý của các cơ quan Nhà nước có liên quan trong việc phối hợp triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Cơ.
Bên cạnh đó, để các đề tài bám sát thực tiễn và tránh bị chệch hướng, trễ hạn thì Sở KH-CN trong vai trò chủ trì nên chú trọng hơn nữa đến việc quản lý xuyên suốt đề tài, từ khâu đăng ký, triển khai, nghiệm thu và kể cả việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu này vào thực tế sản xuất, kinh doanh hay phục vụ nhu cầu khác như an ninh quốc phòng, y tế và giáo dục.

PCWorld

Ngày khoa học công nghệ Việt Nam, Nguyễn Việt Dũng, sáng tạo khoa học, Sở KHCN TPHCM, Sở KH-CN TPHCM


© 2021 FAP
  2,738,924       4/1,048