Sản phẩm

10 sản phẩm công nghệ chưa đáng để mua ngay

(PCWorld VN) Dưới đây là danh sách các sản phẩm công nghệ đã thật sự gây ấn tượng nhưng có lẽ bạn chưa nên mua ngay vì chúng có giá quá đắt, còn nhiều lỗi kỹ thuật hay các vấn đề khác.

Sản phẩm công nghệ ngày càng tiến bộ và mọi người dễ bị lôi cuốn vào cơn lũ tin tức công nghệ hàng ngày. Nào là những loại bộ xử lý 8 nhân, 10 nhân hay có số nhân thuộc hàng “khủng”. Nào là các loại màn hình hiện đại phải thấy mới tin được. Nào là những sản phẩm công nghệ biến mọi thứ từ bình cà phê đến chuông cửa thông thường trở thành thông minh. Hãy thư giãn, bình tâm và suy nghĩ lại.

Đúng là thế giới công nghệ có rất nhiều thiết bị tuyệt vời hút hồn bạn nếu tiền bạc không là vấn đề. Nhưng hiện đại cũng có cái giá phải trả: giá trên trời, nhiều lỗi kỹ thuật hay thậm chí chỉ là những dự án trên bàn giấy chưa được hiện thực.

1. Thiết bị đeo đầu thực tế ảo

Bạn hãy quên tất cả những gì giới truyền thông nói về các loại thiết bị mang đầu thực tế ảo VR (virtual reality) đầy tính cách mạng và gây ngạc nhiên này, dù có thể tất cả điều đó đều đúng. Trải nghiệm đang bị người ngoài hành tinh theo dõi hay đang du hành qua dải ngân hà trong thực tế ảo sẽ hoàn toàn làm thay đổi cách nhìn của bạn đối với game. Đồng thời, thực tế ảo cũng có thể cho ta những trải nghiệm ngoạn mục khác không chi cho việc chơi game.

Thiết bị thực tế ảo mang đến những trải nghiệm ngoạn mục khác không chi cho việc chơi game.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới công nghệ thì những thiết bị loại này hiện vẫn chưa sẵn sàng để dùng mà vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển. Dĩ nhiên, hiện giờ bạn có thể mua thiết bị đeo đầu Gear VR của Samsung giá khoảng 900 USD nếu đang sở hữu những mẫu điện thoại Galaxy mới được giới thiệu gần đây. Hay cũng có thể đầu tư 350 USD để sở hữu bộ công cụ cho nhà phát triển Oculus Rift thế hệ thứ hai.

Ngoài ra, còn có nhiều loại thiết bị đeo đầu thực tế ảo VR và thực tế tăng cường AR (augmented reality) khác. Những thiết bị này đều hứa hẹn sẽ có một bước nhảy vọt lớn về trải nghiệm và độ trung thực thị giác. Hãy kiên nhẫn và chờ đợi.

2. Ổ SSD công nghệ NVMe

Ổ lưu trữ thể rắn SSD (solid-state drive) sử dụng công nghệ NVMe (Non-Volatile Memory express) chẳng hạn như dòng 750 mới tung ra gần đây của Intel có tốc độ cực kỳ nhanh, đến nỗi hầu hết PC hiện nay không thể theo kịp.

Dòng ổ SSD 750 Series của Intel.
Tuy nhiên, khi thấy rằng loại ổ SSD 750 Series này chỉ làm tăng tốc độ truyền tập tin nhưng không giúp gia tăng đáng kể hiệu năng hệ thống như thời gian khởi động hay thời gian mở ứng dụng thì mọi người nên đợi đến khi công nghệ NVMe phát triển hoàn thiện và có giá thấp hơn.

Để tận dụng hết các ưu điểm của loại ổ SSD NVMe, bạn cần phải có một bộ xử lý có khả năng tương tự như Core i7-5960X 8 nhân của Intel, vốn là chip loại “khủng” dành cho giới đam mê công nghệ hiện có giá đến hơn 1.000 USD. Trên hết, bạn cũng cần phải có một bo mạch chủ thuộc hàng “khủng” có hỗ trợ khởi động cho loại ổ NVMe, hay sẽ phải dùng tất cả tốc độ đó cho riêng bộ lưu trữ phụ mà thôi.

3. Bộ xử lý cao cấp của Intel

Nói về Core i7-5960X, bộ xử lý máy tính để bàn hàng đầu của Intel và là sản phẩm đầu tiên của hãng có 8 nhân CPU, mọi người đều công nhận đây là một bộ xử lý khủng chỉ dành cho dân mê công nghệ. Bộ xử lý này được dùng để chạy hệ thống đánh giá hiệu năng card đồ họa nhằm hoàn toàn loại bỏ nguy cơ CPU bị nghẽn và ảnh hưởng đến thử nghiệm. Intel Core i7-5960X có thể xử lý tất cả những gì bạn giao cho nó.

Dòng vi xử lý Intel Core i7 cao cấp có công suất mạnh hơn nhiều so với mức người dùng PC bình thường cần đến.
Nhưng cho đến thời điểm bây giờ có lẽ bạn chưa cần đến bộ xử lý này. Sản phẩm mạnh mẽ của Intel này có công suất mạnh hơn nhiều so với mức người dùng PC bình thường cần đến. Trừ phi bạn đang thực hiện công việc đồ họa hay biên tập video chuyên nghiệp, nếu không bạn sẽ hầu như chẳng bao giờ dùng hết tiềm lực của tất cả những nhân xử lý này.

Nói chung thì tất cả bộ xử lý Intel dòng Core i7 dành cho máy tính để bàn cũng thế. Ngay cả các game nặng đều chạy được với loại chip Core i5 trang bị 4 nhân, ngoại trừ vài trường hợp CPU quá tải. DirectX 12 có thể thay đổi tình trạng này và đầu tư cho một bộ xử lý Core i7 có thể là một việc đáng thực hiện cho laptop chơi game, nhưng hầu hết mọi người đều sẽ bỏ qua sản phẩm cao cấp này để tiết kiệm tiền.

4. Đồng hồ thông minh

Nhiều người hiện nay đều hy vọng sẽ sở hữu được thứ gọi là đồng hồ thông minh (smartwatch). Tuy nhiên, hầu hết các mẫu smartwatch thế hệ đầu tiên còn phải được cải tiến nhiều thứ nữa mới đáp ứng được kỳ vọng.

Thế hệ smartwatch đầu tiên vẫn còn những vấn đề cần khắc phục.
Đa số smartwatch – gồm cả smartwatch Android Wear và Apple Watch – cần phải được nối với smartphone để kết nối Internet, nên bạn sẽ vẫn phải luôn mang điện thoại theo bên mình. Một số loại smartwatch khác có thể kết nối bằng sóng di động riêng thì lại cồng kềnh và phải trang bị SIM số điện thoại riêng cho nó. Ngoài ra, hầu hết smartwatch hiện nay phải được sạc mỗi đêm và hiện giờ chức năng chủ yếu của chúng chỉ được dùng để hiển thị thông báo từ chiếc điện thoại trong túi của bạn.

Hơn nữa, với mức giá trên 200 USD cho hầu hết các model và 350 USD cho Apple Watch, smartwatch có giá đắt hơn hầu hết các mẫu smartphone giá mềm hiện nay. Trong tương lai, có thể smartwatch sẽ trở thành một thiết bị cần thiết nhưng hiện tại thì chúng chỉ là một loại xa xí phẩm.

5. TV 4K

Giá thành của TV 4K và màn hình 4K đang tụt nhanh và khác xa so với mức giá ban đầu hàng nghìn USD. Tuy nhiên, dòng sản phẩm 4K vẫn cao hơn hàng trăm USD so với các mẫu TV độ phân giải Full HD 1080p phổ biến hiện nay.

TV 4K hiện có giá quá cao và nguồn nội dung chưa phong phú.
Ngoài vấn đề giá cả, thị trường hiện vẫn chưa có nhiều nội dung 4K, dù các hãng như Amazon lẫn Netflix cho biết sẽ sớm cung cấp các loại đĩa Blu-ray Ultra HD. Nhu cầu băng thông để xem nội dung 4K hiện cũng chưa đáp ứng được trong môi trường Internet ngày nay. Ngoài ra, bước chuyển từ 1080p sang 4K cũng không khác lắm so với bước chuyển sang HD từ chuẩn SD ngày xưa. Hãy cho công nghệ này thêm thời gian để chín muồi.

6. Màn hình công nghệ FreeSync/G-Sync

Sản phẩm thực sự nóng trong ngành đồ họa hiện nay là công nghệ tần số quét thay đổi được có trong các loại màn hình G-Sync của Nvidia và FreeSync của AMD. Công nghệ này có thể làm cho tần số quét màn hình phù hợp với card đồ họa để giảm thiểu hiện tượng giật hình (stuttering) và hiện tượng rách hình (screen tearing). Một khi đã dùng những màn hình công nghệ này chơi game thì bạn sẽ không muốn dùng lại màn hình tiêu chuẩn nữa.

Màn hình công nghệ FreeSync và G-Sync vẫn còn vấn đề về tương thích.
Nhưng màn hình FreeSync và G-Sync dùng các công nghệ cơ bản khác nhau và mỗi loại chỉ dùng được với chip xử lý đồ họa GPU riêng của từng hãng sản xuất. Bạn không thể dùng hiệu quả màn hình G-Sync với loại card Radeon của AMD và ngược lại. Bên cạnh đó, vì hầu hết người dùng đều mua màn hình để sử dụng lâu dài nên họ phải cân nhắc kỹ trước khi mua loại màn hình G-Sync hay FreeSync đắt tiền. Hy vọng là cả hai bên sẽ sớm dùng chung một chuẩn.

7. Thiết bị đeo đo kalo thụ động

Hiện nay, có một loại vòng đeo theo dõi sức khỏe dùng để đo thụ động lượng kalo nạp vào cơ thể mà bạn không cần phải thực hiện bất kỳ hành động nào. Đó là thiết bị đeo Holy Grail.

Vòng đeo đo kalo vẫn chưa có hiệu quả y học.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng công nghệ này sẽ có lẽ vẫn chỉ là một huyền thoại cho tương lai gần. Giới công nghệ cho rằng sự thật rõ ràng là loại thiết bị này không hiệu quả ở mức độ y học và thậm chí không hiệu quả ở mức độ thực hành.

8. Laptop màn hình cảm ứng

Màn hình cảm ứng thích hợp nhất khi được dùng trên smartphone, tablet và các loại laptop lai tablet. Nhưng đối với laptop truyền thống thì việc sử dụng màn hình cảm ứng bị chống đối nhiều hơn là ủng hộ. Đồng thời, việc hệ điều hành Windows 8 được Microsoft quảng bá là thiết kế để phù hợp với laptop màn hình cảm ứng từng bị phê bình gay gắt.

Laptop màn hình cảm ứng có nhiều khuyết điểm hơn ưu điểm.
Màn hình cảm ứng làm tăng trọng lượng và chi phí sản xuất của laptop, thường làm tốn pin hơn và thường không được phủ lớp mờ do đó sẽ bị chói sáng. Đó là chưa nói đến màn hình công nghệ này thường bị bám đầy dấu vân tay. Công nghệ này sẽ có thể trở thành chuẩn trong tương lai nhưng hiện nay bạn không cần đến loại laptop có màn hình cảm ứng.

9. Phụ kiện điều khiển bằng cử chỉ

Phụ kiện điều khiển bằng cử chỉ sẽ chưa trở nên phổ biến hiện nay.
Về mặt lý thuyết thì ý tưởng vẫy tay để điều khiển PC của bạn theo kiểu trong phim khoa học giả tưởng nghe có vẻ tuyệt vời. Nhưng trong thực tế, vẫn còn nhiều thứ phải nghiên cứu để những sản phẩm điều khiển bằng thao tác cử chỉ này có hiệu quả hơn. Cho đến giờ, có thể khẳng định rằng những thiết bị phụ kiện này vẫn chưa sẵn sàng cho “giờ vàng”.

10. Những dự án mới trên Kickstarter

Nói về gây quỹ trên mạng, đừng ủng hộ những dự án trên các trang như Kickstarter hay Indiegogo trừ phi bạn sẵn sàng chịu mất tiền mà không được gì. Hãy nhớ rằng Kickstarter không phải là một cửa hàng. Trong khi phần cứng vật lý có thể là phần thưởng cho những người ủng hộ trong vài dự án nào đó, tiền quyên góp của bạn không phải là tiền đặt hàng trước hay tiền đặt cọc. Đó là tiền ủng hộ cho một ý tưởng và có thể nói bạn đang tài trợ cho niềm hy vọng.

Những dự án trên KickStarter có thể thành công cũng có thể thất bại.
Có thể bạn cho rằng ý tưởng này tuyệt vời và muốn giúp ý tưởng đó với hy vọng nó trở thành hiện thực. Tuy nhiên, ngay cả các dự án được tài trợ thành công cũng thường bị thất bại. Nếu bạn chỉ quan tâm đến một loại thiết bị mới tuyệt vời, hãy chờ xem liệu dự án đó có thành công hay không rồi mua thiết bị bạn muốn từ Kickstarter khi sản phẩm này được bán ra.

PCWorld

công nghệ, CPU, Intel, sản phẩm công nghệ, smartwatch, ssd, VR


© 2021 FAP
  2,484,263       2/877