Sản phẩm

Doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ: Trăn trở về vốn

(PCWorldVN) Đó chính là nội dung được thảo luận đặc biệt sôi nổi tại hội thảo Nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học - công nghệ diễn ra vào sáng 28/5 tại TP.HCM.

Hội thảo là hoạt động trong chuỗi sự kiện chào mừng Kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nướcNgày Khoa học và Công nghệ Việt Nam lần thứ 2 do Sở KH-CN TP.HCM tổ chức.

Ông Đỗ Nam Trung - Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở KH-CN Thành phố) cho biết, trong giai đoạn 2011-2014, Sở KH-CN đã triển khai 8 đề tài chương trình (CT) ứng dụng khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp, cụ thể như CT hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc, đổi mới công nghệ; CT thiết kế, chế tạo thiết bị trong nước thay thế nhập khẩu; CT robot công nghiệp; CT nâng cao năng lực nghiên cứu thiết kế, chế tạo và chuyển giao thiết bị mới; CT sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; CT hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ doanh nghiệp; CT hỗ trợ các trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ; và CT hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các công cụ quản lý nhằm nâng cao năng suất - chất lượng.

Sở KH-CN TP.HCM, triển lãm 40 năm khoa học và công nghệ TP.HCM - Một chặng đường phát triển, Nguyễn Việt Dũng
Thạc sĩ Đỗ Nam Trung - Trưởng phòng Quản lý Công nghệ (Sở KH-CN TP.HCM) trình bày báo cáo Kết quả hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2014.

Riêng đối với hai CT trọng điểm là thiết kế, chế tạo thiết bị trong nước thay thế nhập khẩu (hay còn gọi là chương trình 04) và chế tạo robot công nghiệp, theo số liệu báo cáo được trình bày tại hội thảo, trong giai đoạn 2011-2014, đã triển khai tổng cộng 47 đề tài với 28 đề tài đã nghiệm thu, thanh lý và đưa sản phẩm vào thử nghiệm hoặc chuyển giao ứng dụng vào sản xuất.

"Chương trình thiết kế, chế tạo thiết bị trong nước thay thế nhập khẩu có số lượng đề tài và kinh phí sử dụng trung bình tăng 82% hằng năm, trừ năm 2013 là Thành phố không duyệt kinh phí thực hiện chương trình này nhằm kiện toàn phương thức triển khai đề tài cũng như dự án sản xuất thử nghiệm", ông Trung nhấn mạnh, "trong khi đó, chương trình chế tạo robot công nghiệp có nhiều biến động về số lượng đề tài và kinh phí sử dụng trong giai đoạn 2011-2013; chỉ bắt đầu ổn định từ năm 2014 và điều này rõ ràng đã phản ánh sự thay đổi nhu cầu của doanh nghiệp cũng như các trường - viện đối với sản phẩm của các chương trình qua các năm".

Được biết, tổng kinh phí triển khai 2 chương trình nói trên lần lượt ở mức 39,9 tỷ đồng (chương trình 04) và 36,1 tỷ đồng.

"Nếu như ở chương trình 04, nguồn kinh phí đầu tư từ xã hội (tức doanh nghiệp) chiếm phần lớn, thì ở chương trình phát triển robot công nghiệp, nguồn kinh phí từ ngân sách khoa học - công nghệ gần tương đương với kinh phí đầu tư từ xã hội (tức doanh nghiệp, trường và viện )", ông Trung cho biết thêm.

Buổi hội thảo sáng 28/5 thu hút đông đảo sự tham dự của đại diện các doanh nghiệp, nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Cũng trong giai đoạn vừa qua, số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ từ chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ghi nhận ở mức 157, tổng kinh phí thực hiện là 7,85 tỷ đồng.

Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM (trực thuộc Sở KN-CN) đã tư vấn các giải pháp tiết kiệm năng lượng giúp doanh nghiệp tiết kiệm được 16.851 kWh điện/năm và 315.000 lít dầu/năm, tương đương tiết kiệm được 35,312 tỷ đồng. Đáng chú ý, theo báo cáo, từ năm 2011-2014, kinh phí thực hiện các giải pháp đầu tư công nghệ để tiết kiệm năng lượng do các doanh nghiệp tự đầu tư là 65,641 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2008-2014, Sở KH-CN Thành phố đã hỗ trợ Đại học Bách Khoa TP.HCM, Đại học Nông Lâm và Khu Nông nghiệp công nghiệp cao hình thành 3 trung tâm ươm tạo doanh nghiệp với đầy đủ hệ thống hỗ trợ tư vấn, kỹ thuật và dịch vụ đi kèm.

Tổng kinh phí dành cho chương trình hỗ trợ các Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ là 8,97 tỷ đồng.

Theo đó, mỗi trung tâm ươm tạo đều có trung bình 10 doanh nghiệp đang được ươm tạo (hình thành pháp nhân, hỗ trợ kỹ thuật công nghệ, nghiên cứu thị trường,...).

Ông Đỗ Nam Trung cho biết, đến nay, tại 3 trung tâm này đã và đang ươm tạo 54 doanh nghiệp theo định hướng trở thành doanh nghiệp KH-CN, và tất cả đều tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên phát triển của Thành phố như CNTT, cơ khí nông nghiệp, cơ điện tử, năng lượng, nhiên liệu sinh học, chế phẩm sinh học, phân bón vi sinh, chế biến thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao.

Theo đánh giá của Sở KH-CN Thành phố, nhìn chung, trong thời gian qua, hầu hết chương trình ứng dụng khoa học và công nghệ (KH-CN) hỗ trợ doanh nghiệp đều bám sát mục tiêu là hỗ trợ doanh nghiệp, và đặc biệt hơn cả là thông qua các chương trình này đã hình thành được tam giác liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước - Nhà khoa học và Doanh nghiệp cũng như từng bước cho thấy sản phẩm của một số chương trình hoàn toàn có đủ khả năng cạnh tranh với các sản phẩm KH-CN nước ngoài cùng chủng loại.

Tuy nhiên, cũng theo lời ông Trung, vẫn còn vài chương trình manh mún, nhỏ lẽ và thiếu tính gắn kết, tập trung để hỗ trợ có hiệu quả một cách toàn diện cho doanh nghiệp; hay một số chương trình chưa chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp; và đáng lo ngại là có không ít doanh nghiệp vẫn mang tâm lý tin tưởng sản phẩm công nghệ nhập khẩu hơn là sản phẩm do các nhà khoa học, doanh nghiệp khoa học trong nước phát triển, thực hiện.

Thiếu vốn, sợ thủ tục

Trong bài tham luận của mình, thạc sĩ Lê Thanh Hải (Trung tâm tư vấn ứng dụng kinh tế TP.HCM) cho biết, trong giai đoạn 2011-2014, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của hoạt động chuyên môn và KH-CN dẫn đầu trong 9 ngành dịch vụ, đạt 16,9%, gấp 3,3 lần so với giai đoạn 2006-2010 và chiếm tỷ trọng 5,5% trong GDP.

Ngoài yếu tố vốn và lao động góp phần vào quá trình sản xuất, còn có các yếu tố như quản lý và tổ chức, tiến bộ về tri thức và kỹ năng, cải tiến thiết bị và tăng năng suất sinh lợi theo quy mô, và tất cả yếu tố này kết hợp với nhau tạo ra khái niệm tổng năng suất các yếu tố TFP (Total Factor Productivity).

Cũng theo lời ông Hải, thông qua đóng góp của hoạt động KH-CN, chỉ số TFP của TP.HCM cũng tăng lên đáng kể, tỷ trọng đóng góp của tốc độ tăng trưởng TFP vào tăng trưởng GDP của Thành phố cũng có xu hướng tăng trong những năm vừa qua. Cụ thể, đóng góp trung bình của TFP giai đoạn 2011-2014 ước bằng 32,8% (tương đương 24,2% GDP), cao gấp 1,89 lần so với giai đoạn 2006-2010.

Ngoài vấn đề nguồn vốn để ứng dụng KH-CN, ông Hải nhận định rằng để tăng hàm lượng KH-CN trong quá trình vận hành của doanh nghiệp thì các chương trình, chính sách ưu đãi từ các cơ quan Nhà nước cần được xem như một nguồn hỗ trợ mà doanh nghiệp cần phải biết cách khai thác để biến thành lợi thế của chính doanh nghiệp mình.

Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KH-CN phát biểu tại hội thảo.

Hay nói cách khác, như chia sẻ từ giám đốc của một doanh nghiệp đạt chứng nhận "doanh nghiệp khoa học công nghệ" đến từ Q.Bình Tân cho biết, dẫu biết rõ là cần trang bị công nghê này, giải pháp kia để tăng năng suất nhưng tất cả sẽ vẫn chỉ là "mơ ước" nếu thiếu vốn, nhưng một khi có đủ vốn rồi, thì việc thiếu sự tư vấn từ các cơ quan chức năng, đơn vị chuyên môn cũng như nhà khoa học có kinh nghiệm cũng sẽ khiến doanh nghiệp "lạc lối" trong quá trình áp dụng triển khai giải pháp khoa học công nghệ vào thực tiễn tại đơn vị.

Khá nhiều đại diện doanh nghiệp, nhà khoa học tham dự buổi hội thảo đều bày tỏ ý kiến rằng khó khăn về vốn để trang bị công nghệ mới, nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất kinh doanh tại chính doanh nghiệp luôn là vấn đề sống còn, nhưng dường như chưa có một cơ quan nào đứng ra làm trung gian để gắn kết cung - cầu trong thị trường KH-CN.

Tính từ năm 2010 đến năm 2014, các nhà đầu tư đã rót vào Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM gần 193 tỷ đồng để triển khai các dự án nông nghiệp công nghệ cao.

Hiện tại, theo lời tiến sĩ Đinh Minh Hiệp, có 14 nhà đầu tư và các doanh nghiệp tham gia chương trình ươm tạo doanh nghiệp tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, còn có nhiều doanh nghiệp, đơn vị tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật của Khu Nông nghiệp công nghệ cao.

Đó là câu chuyện đối với doanh nghiệp thiếu vốn để mua công nghệ hay máy móc mới. Còn đối với doanh nghiệp đang nghiên cứu khoa học để tạo ra các sản phẩm khoa học như thiết bị hay cây giống, thì nguồn vốn chỉ là nguyên liệu đầu vào để "sáng tạo" và sản phẩm của sự sáng tạo có được áp dụng vào sản xuất thực tiễn, hay có thương mại hóa được không lại là một câu chuyện dài tập khác.

"Đầu ra của sản phẩm KH-CN là cực kỳ quan trọng", tiến sĩ Hải nhấn mạnh.

Như chia sẻ của công ty cổ phần khoa học công nghệ nông nghiệp Anh Đào (H.Nhà Bè), mặc dù đã nghiên cứu cấy tạo thành công cây giống dừa sáp và vài loại cây dược liệu có giá trị khác, nhưng phải tối thiểu 5 năm nữa thì đơn vị này mới "đủ tự tin" bán các cây giống nói trên ra thị trường bởi cần kiểm tra chặt chẽ chất lượng thành phẩm. Do đó, theo lời vị đại diện công ty Anh Đào, vốn rót vào các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp gần như rất lâu để sinh lãi, và thậm chí có trường hợp kết quả nghiên cứu không thành công thì xem như doanh nghiệp mất trắng số vốn ban đầu ấy.

Còn theo như nhận định của tiến sĩ Đinh Minh Hiệp - Trưởng ban Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM thì bên cạnh việc thiếu nguồn vốn để các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ, thì công tác thương mại hóa công nghệ còn bị bỏ ngõ và công tác giám sát hiệu quả của việc áp dụng công nghệ vào thực tế sản xuất, kinh doanh còn chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chưa thực sự đồng bộ, vừa thiếu, vừa thừa và thủ tục hỗ trợ còn phức tạp, nhất là về mặt tài chính.

Nhiều ý kiến được trình bày tại hội thảo cùng cho rằng thủ tục là điều mà doanh nghiệp KH-CN và nhà khoa học "sợ nhất", tuy nhiên hầu hết ý kiến cũng thẳng thắn nhận định "họ sợ thủ tục có lẽ bởi nhà khoa học thường không quen với giấy tờ và kê khai theo trình tự".

Tuy nhiên, tích cực mà nói, theo tiến sĩ Hiệp, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng KH-CN của Thành phố trong thời gian qua rất ý nghĩa và thiết thực, qua đó giúp doanh nghiệp định hướng tốt và triển khai hiệu quả các hoạt động kinh doanh của mình, trong đó có rất nhiều hoạt động gắn kết doanh nghiệp với khách hàng - nhà tiêu thụ sản phẩm.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KH-CN Thành phố khẳng định, cùng với các trường, viện và tổ chức khoa học nhà nước thì các doanh nghiệp ứng dụng KH-CN cũng như doanh nghiệp phát triển các giải pháp KH-CN chính là những nguồn lực quý đã và đang giúp TP.HCM khẳng định vị thế dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực, cũng như cùng các ngành khác đóng góp những kết quả hết sức thiết thực vào thành quả phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong suốt thời gian qua.

Dưới vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp và tham mưu cho UBND Thành phố trong lĩnh vực KH-CN, Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Việt Dũng cho biết Sở KH-CN sẽ ghi nhận mọi đóng góp ý kiến mà các doanh nghiệp, nhà khoa học nêu ra tại hội thảo, từ đó có những điều chỉnh thích hợp trong công tác quản lý điều hành cũng như đề xuất cho lãnh đạo Thành phố đối với các kế hoạch, quy hoạch và chính sách liên quan đến lĩnh vực KH-CN trong thời gian tới.

PCWorld

nghiên cứu khoa học, sáng tạo khoa học, Sở KHCN TPHCM, Sở KH-CN TPHCM


© 2021 FAP
  2,725,596       22/958