(PCWorldVN) Đây là một trong số nhiều nội dung được Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân trả lời trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII diễn ra vào sáng nay 12/6.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, những năm qua, sau khi có Luật Khoa học công nghệ (KH-CN), nền KH-CN của Việt Nam có những chuyển biến lớn, và đây là cơ hội lớn với cộng đồng những người làm công tác KH-CN Việt Nam để báo cáo với cử tri cả nước những công việc mà mình đang thực hiện, làm cho KH-CN thực sự là quốc sách hàng đầu, đóng góp xứng đáng vào quá trình phát triển của đất nước.
Liên quan đến câu hỏi vì sao đến nay Việt Nam chưa có thị trường KH-CN của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết đây là thị trường phát triển muộn nhất trong các thị trường kinh tế Việt Nam, chỉ mới có từ sau năm 2000.
Năm 2004 và 2014, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị về phát triển thị trường KH-CN. Thị trường KH-CN nước ta có các yếu tố chính là nguồn cung/cầu về công nghệ; môi trường pháp lý (đã hoàn thiện nhưng còn thiếu các định chế trung gian); tổ chức làm dịch vụ trong thị trường KH-CN.
Các sàn giao dịch KH-CN đã bắt đầu đi vào hoạt động, là nơi để các nhà khoa học và doanh nghiệp (DN) gặp gỡ, chuyển giao công nghệ. Hiện do khó khăn về ngân sách và biên chế nên việc hình thành các tổ chức dịch vụ KH-CN là khó; Bộ KH-CN đã trình chính sách về vấn đề này nhằm thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian tới.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Ninh) về tình trạng đề tài nghiên cứu xong “xếp ngăn kéo” còn khá phổ biến, được áp dụng vào thực tế sản xuất, đời sống còn thấp, Bộ trưởng Nguyễn Quân lý giải thuật ngữ đề tài “xếp ngăn kéo” có 3 loại.
Bộ trưởng Nguyễn Quân trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 12/6 - Ảnh: VGP/Quang Hiếu. |
Đó là những đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản thì “về cơ bản xếp ngăn kéo vì đi trước thời đại, cần có thời gian chờ đợi trình độ phát triển của xã hội đến một mức độ nhất định để ứng dụng được”. Đơn cử, như chất bán dẫn được người Mỹ phát minh ra từ đầu thập kỷ 1950 nhưng nằm ngăn kéo đến những năm 1960 khi người Nhật mua sáng chế đó thì nó mới trở thành sản phẩm hàng hóa để ngày nay đóng góp cho thế giới mỗi năm hơn 20.000 tỷ USD. Chúng ta phải chấp nhận loại nghiên cứu này cần phải có một giai đoạn chờ đợi.
Loại thứ hai là một số đề tài ứng dụng. Trong số này, có một số đề tài để trở thành sản phẩm hàng hóa được ứng dụng thì phải tìm được nguồn lực đầu tư. Có rất nhiều đề tài nghiên cứu thành công nhưng không tìm được nguồn đầu tư, trong khi ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ cho giai đoạn nghiên cứu và sản xuất thực nghiệm. Vì thế muốn trở thành sản phẩm hàng hóa thì phải có sự đầu tư từ DN trong khi DN của chúng ta hầu hết là nhỏ, chưa đủ năng lực đầu tư nên nhiều kết quả nghiên cứu tốt phải chờ cơ hội tìm kiếm nguồn đầu tư.
Thứ ba, phải thừa nhận có một số loại đề tài "xếp ngăn kéo" thực sự do nghiên cứu xong không ứng dụng được. Điều này xuất phát từ chỗ các đề tài này được nghiên cứu không từ nhu cầu của thực tiễn mà nghiên cứu theo sở thích và mong muốn của nhà khoa học nên khi nghiên cứu xong thì không ứng dụng được.
Luật KH-CN 2013 có những quy định chặt chẽ để khắc phục tình trạng này. Từ nay trở đi, những nhiệm vụ sử dụng ngân sách Nhà nước phải là những nhiệm vụ được thực hiện theo đơn đặt hàng, phải xuất phát từ cuộc sống chứ không phải là theo sở thích của nhà khoa học.
Nghị định 08/NĐ-CP năm 2014 cũng đã quy định cơ chế đặt hàng. Theo đó, mọi tổ chức và cá nhân đều có quyền đề xuất ý tưởng của mình nhưng cơ quan quản lý nhà nước căn cứ vào chiến lược của mình, xác định xem đề xuất đó có phù hợp không, có đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội hay không và sau đó mới đề xuất đặt hàng với cơ quan quản lý KH-CN.
Bộ KH-CN yêu cầu các cơ quan đề xuất đặt hàng phải cam kết khi tỏ chức nghiên cứu thành công phải tiếp nhận kết quả nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn. Nếu làm nghiêm điều này sẽ chấm dứt được những đề tài nghiên cứu xong phải bỏ ngăn kéo.
Chốt lại vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định chúng ta sẽ thực hiện nghiêm Luật KH-CN 2013.
Theo Chinhphu.vn
nghiên cứu khoa học, sáng tạo khoa học, Sở KHCN TPHCM, Sở KH-CN TPHCM