Sản phẩm

Đánh giá nhanh smartphone LG G4

(PCWorldVN) LG G4 tạo được ấn tượng tốt bởi màn hình sắc nét, camera chất lượng, nhiều tùy chọn chụp ảnh và pin tháo rời. Tuy nhiên, thời lượng pin chưa có nhiều cải thiện và giao diện người dùng còn khá nặng nề.

LG G4 là chiếc smartphone chụp ảnh cao cấp từng gây khá nhiều chú ý trước khi ra mắt bởi hàng loạt ảnh chụp thử mà hãng này “khoe” cho thấy khả năng chụp ảnh thiếu sáng ấn tượng. Sản phẩm cũng vừa chính thức cập bến thị trường Việt Nam với giá bán khởi điểm 13,99 triệu đồng.

Như PC World Vietnam từng thông tin, LG G4 so với người tiền nhiệm LG G3 cũng đã nhận được không ít nâng cấp phần cứng đáng chú ý. Đơn cử là camera chính được nâng lên độ phân giải 16 megapixel với khẩu độ f/1.8 hỗ trợ chống rung quang học, camera trước 8 megapixel cho nhu cầu chụp ảnh selfie, màn hình 5,5 inch IPS Quantum và pin có thể tháo rời dung lượng 3.000mAh.

Điện thoại cao cấp LG G4.

Có mặt tại Test Lab - PC World Vietnam là chiếc LG G4 phiên bản nắp lưng nhựa phủ men gốm màu trắng, giác cạnh bề mặt và hỗ trợ 2 khay SIM.

Ngoài ra, khách hàng có thể chọn mua phiên bản G4 sở hữu nắp lưng phủ lớp da thuộc với mức giá 15,99 triệu đồng.

Trước khi đi vào những đánh giá bằng các công cụ chuyên dùng, hãy cùng Test Lab - PC World Vietnam điểm qua một số điểm đáng chú ý trong thiết kế ngoại hình và chất lượng hiển thị của chiếc LG G4.

Ngoại hình

Về thiết kế, so với người tiền nhiệm G3, mẫu smartphone cao cấp LG G4 tuy trang bị màn hình nhỉnh hơn, nhưng vẫn khá gọn gàng và vừa tầm tay với cả những bàn tay vừa phải. Cần lưu ý rằng màn hình của LG G4 cũng được vát cong nhẹ nên nếu chưa từng dùng qua smartphone màn hình cong trước đây, người dùng sẽ cảm thấy máy có vẻ hơi yếu.

Tuy vậy, một khi đã quen với thiết kế này, bạn sẽ cảm thấy thiết kế vát cong của chiếc LG G4 khá thoải mái cho thao tác bằng một tay, cũng như khi cần cất nhanh máy vào túi những chiếc quần jeans bó.

LG G4 trang bị màn hình 5,5 inch vát cong nhẹ.

Nhìn chung, ngoại hình của LG G4 không có gì đáng để phàn nàn. Tuy nhiên, chủ quan mà nói thì thiết kế vỏ nhựa thực sự khiến siêu phẩm này phần nào mất đi giá trị nếu người dùng đặt ngang hàng chiếc LG G4 cùng những siêu phẩm khác như Galaxy S6, iPhone 6 hay HTC One M9.

Màn hình

Như đã đề cập, LG G4 trang bị màn hình 5,5 inch hỗ trợ độ phân giải 1.440x2.560 pixel, mật độ điểm ảnh đạt 538ppi và mặt ngoài còn được gia cố bằng lớp kính cường lực Gorilla Glass 3.

LG G4 hỗ trợ điều khiển đồng thời 10 điểm cảm ứng.

Nếu cũng so với người anh em G3, chiếc LG G4 tuy cũng hỗ trợ độ phân giải Quad HD, nhưng nhìn chung chất lượng hình ảnh trông sắc nét hơn hẳn. LG G4 cũng có độ sáng màn hình cao, đủ sức cải thiện chất lượng hiển thị khi dùng máy ngoài trời nắng dù chỉ thiết lập độ sáng ở mức 50%.

Riêng về màu sắc, màn hình 5,5 inch trên LG G4 nhìn chung trông khá lôi cuốn. Tuy nhiên, theo nhận xét khách quan của Test Lab thì màu sắc có phần quá bão hòa nhẹ, nhất là ở sắc hồng và đỏ.

LG hiện cũng không hỗ trợ chức năng tùy chỉnh màu sắc màn hình của chiếc LG G4 như một số sản phẩm khác trên thị trường.

Loa ngoài

LG G4 có thiết kế duy nhất loa ngoài ở mặt lưng máy. Vị trí loa nhìn chung có thể bị che khuất bởi bàn tay khi cầm máy hoặc khi đặt máy trên mặt bàn. Tuy nhiên, thực tế sử dụng cho thấy chất lượng loa vẫn khá ổn và không bị hiện tượng "nghẹt mũi" như một số sản phẩm khác.

Loa ngoài cho chất âm chỉ ở mức trung bình.

Chỉ tiếc là chất lượng âm thanh của loa ngoài vẫn chưa thật tuyệt như mong đợi. May mắn là LG đã trang bị kèm G4 một bộ tai nghe cho chất lượng âm thanh khá ổn, khả năng loại bỏ tạp âm thụ động khá (nhờ sử dụng thiết kế dạng nhét tai - in-ear headphone).

đánh giá smartphone LG G4, LG G4, tin nóng, tin hot, cận cảnh siêu phẩm LG G4
Theo ghi nhận của Test Lab, tai nghe đi kèm LG G4 là sản phẩm "Made in Vietnam".

Hiệu năng

LG G4 trang bị bộ xử lý 6 nhân 64-bit Qualcomm Snapdragon 808, RAM 3GB, đồ họa Adreno 418 tích hợp. So với chiếc LG G Flex 2, siêu phẩm LG G4 tuy trang bị bộ xử lý không mạnh mẽ bằng nhưng thực tế sử dụng cho thấy máy chỉ mất chưa đầy 2 giây để khởi động camera. Xuyên suốt quá trình dùng thử, Test Lab cũng không hề gặp phải tình trạng giật hình khi chuyển đổi các trang màn hình, chuyển đổi ứng dụng chạy nền hoặc mở cùng lúc 2 cửa sổ.

LG G4 đạt 4.550 điểm trong phép thử hiệu năng sử dung PCMark 8.

Tuy vậy, bộ xử lý Snapdragon 808 lẽ đương nhiên sẽ không thể cho hiệu năng mạnh mẽ được như mẫu SoC Snapdragon 810 vốn trang bị trên chiếc HTC One M9 cũng như mẫu LG G Flex 2. Điểm số benchmark hiệu năng tổng thể cũng như hiệu năng đồ họa đã minh chứng cho điều này. Cụ thể, trong phép thử hiệu năng bộ xử lý đa nhân bằng công cụ GeekBench cho thấy LG G4 đạt 3.398 điểm, thấp hơn mức 3.787 của chiếc HTC One M9Test Lab từng thử nghiệm trước đây.

Hiệu năng xử lý đa nhân của LG G4 vượt xa chiếc Galaxy S5 từng ra mắt.

Điểm số hiệu năng đồ họa cho thấy máy đủ sức gánh vác các game 3D thế hệ mới. Tuy nhiên, với một số game đồ họa "khủng" LG G4 vẫn không tránh khỏi tình trạng dừng hình nhẹ nếu thiết lập đồ họa "đỉnh".

LG G4 vận hành khá mát mẻ ngay cả khi sử dụng những tác vụ nặng trong quá trình thử nghiệm.

Tuy vậy, LG G4 vẫn thừa sức gánh vác các tác vụ sử dụng thường ngày, từ duyệt web nhiều tab, giải trí với phim trực tuyến/phim chất lượng cao hay chơi game.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nếu bật hết hiệu ứng đồ họa trên một số game đồ họa khủng như Dead Trigger 2, LG G4 vẫn không tránh khỏi hiện tượng giật hình khi game thủ phải đối mặt với một màn chơi bị vây hãm bởi một đội quân zoombie xung quanh.

Camera

Test Lab đánh giá cao khả năng lấy nét cũng như tốc độ lấy nét tự động của LG G4 khi thử chụp ảnh sử dụng chế độ tự động - cơ bản. Tốc độ chụp ảnh của camera chính cũng xứng đáng nhận được một điểm cộng từ Test Lab.

Trong hầu hết bối cảnh thử nghiệm trong gần 2 ngày có dịp "vọc" sản phẩm, Test Lab cũng nhận thấy camera 16MP trên LG G4 cho chất lượng màu sắc khá trung thực.

Camera chính 16MP hỗ trợ lấy nét tự động khá nhanh và ổn.

Một số ảnh chụp thử từ camera chính 16MP trên LG G4:

Bên cạnh chế độ chụp ảnh với các thiết lập được tự động hóa hoàn toàn, LG G4 còn hỗ trợ cả chế độ chụp ảnh thủ công tựa như những chiếc máy ảnh compact cao cấp.

Người dùng cũng có thể dễ dàng tìm thấy tùy chọn chụp ảnh khác như Panorama, HDR, chụp ảnh lồng ghép (kết hợp chụp cùng lúc cả camera trước và sau), chụp ảnh bằng giọng nói, chụp ảnh RAW trên giao diện chụp ảnh mặc định của máy hay ghi hình 4K, ghi hình chuyển động chậm khá thú vị.

Thời lượng pin

Tuy không có nhiều cơ hội sử dụng máy cũng như thử nghiệm để đánh giá thời lượng pin của siêu phẩm này, nhưng theo kinh nghiệm và thực tế sử dụng, Test Lab không đánh giá cao thời lượng dùng pin của sản phẩm vì chưa thực sự cải thiện nhiều so với người tiền nhiệm.

Nhưng nếu dùng máy để chơi game đồ họa nặng và duyệt web nhiều với thiết lập độ sáng màn hình ở mức 50%, pin tích hợp dung lượng 3.000mAh vẫn đủ sức cầm cự được hơn 7 giờ. Riêng khi sử dụng bình thường, chủ yếu để nghe gọi, nhắn tin, chụp ảnh với số lượng tầm dưới 100 tấm đôi khi có sử dụng đèn flash, pin tích hợp trên LG G4 có thể “trụ” được 12 giờ trong khi vẫn còn lại gần 50% dung lượng pin.

LG G4 trụ được hơn 12 giờ với các tác vụ đơn giản hằng ngày trong khi vẫn còn 49% dung lượng pin.

Chỉ tiếc là bộ sạc kèm theo máy không hỗ trợ chức năng sạc nhanh nên Test Lab mất gần 3 giờ để sạc đầy pin từ mức dung lượng 20% còn lại.

LG G4 trang bị pin dung lượng 3.000 mAh.

Hệ điều hành

LG G4 được cài đặt sẵn hệ điều hành Android 5.1 với giao diện người dùng LG Optimus UX 4.0 UI. Về cơ bản, giao diện người dùng của LG cũng mang nhiều điểm hao hao với giao diện TouchWiz của Samsung. LG G4 mặc định được cài đặt sẵn 2 trang màn hình và một giao diện đặc trưng hỗ trợ người dùng cập nhật nhanh một số tính năng như Smart Notice - cung cấp những hướng dẫn (mẹo) cơ bản nhất về cách sử dụng máy như thông báo những game có thể gây hao pin nhanh hơn. Cũng trong giao diện màn hình này, LG còn tập trung vào việc theo dõi sức khỏe người dùng, lịch làm việc hoặc thiết lập máy theo những chế độ cài đặt thông minh (Smart Settings) cài đặt sẵn.

Theo đánh giá chủ quan của Test Lab, giao diện người dùng của LG G4 không quá khó để làm quen cả với người dùng mới cũng như người dùng đã quen với nền tảng Android 4.4 hoặc thấp hơn trước đây.

Tuy nhiên, cách bố trí mặc định các biểu tượng ứng dụng, widget trông có phần khá nặng nề và máy cũng không có nhiều bộ theme để người dùng lựa chọn, tùy biến theo cách mà mình yêu thích.

PCWorld

đánh giá smartphone, điện thoại LG, LG G4, smartphone cao cấp, smartphone chụp ảnh, smartphone selfie


© 2021 FAP
  2,459,732       1/1,544