(PCWorldVN) Phần cứng mạnh hỗ trợ đồ họa cao cấp và thiết bị ngoại vi thực tế ảo, sự đa dạng về kết nối và phương thức giao dịch nội dung số chính là tiền đề giúp thị trường game PC hồi sinh trong thời gian tới.
Tại triển lãm E3 2015 đang diễn ra ở Los Angeles, khách tham quan hẳn dễ dàng nhận thấy sự kiện này chẳng khác nào sân khấu quảng cáo hoành tráng cho các hệ máy console với sự góp mặt của không ít "tai to, mặt bự" trong ngành thiết bị giải trí như Microsoft, Sony và Nintendo, kèm theo đó là hàng loạt gian hàng cho khách tham quan trải nghiệm các siêu phẩm như Halo 5 (cho hệ Xbox One), Uncharted 4 (cho hệ PlayStation 4) và Star Fox (cho hệ Wii U).
Về cơ bản, có vẻ như hệ máy console cũng như tựa game cho các nền tảng này đang thắng thế, song console rõ ràng đang phải tự đánh bóng mình trước hàng loạt tín hiệu cho thấy PC đang sẵn sàng trở lại đấu trường.
Thị trường game dành cho PC được kỳ vọng sẽ hồi sinh và thậm chí vượt mặt console từ cuối năm nay. |
Theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường PwC, một sự thay đổi lớn sắp xảy ra khi doanh số của PC đang sẵn sàng vượt qua đối thủ console. Cụ thể, doanh thu của thị trường game PC trên toàn cầu tính đến thời điểm cuối năm 2016 dự báo đạt 29 tỷ USD, so với 28 tỷ USD của game console.
Khoảng cách về doanh số này sẽ tiếp tục mở rộng trong những năm tiếp theo, do sự phổ biến ngày càng tăng ở các thị trường chơi game nền PC như Trung Quốc và Ấn Độ.
Ngành công nghiệp game đang trải qua sự thay đổi mạnh mẽ khi mà người ta không chỉ chơi game trên các thiết bị chuyên dụng như console. Điện thoại thông minh, máy tính bảng, set-top-box và các hệ thống thực tế ảo đã bắt đầu thay đổi cách thức chơi game, cũng như cách thức trả phí chơi game.
Trong số đó, PC vẫn là nền tảng để tận hưởng các game có đồ họa đẹp nhất, cũng như sự phát triển ồ ạt của các trò chơi trực tuyến. Vào cuối năm nay, bằng nhịp cầu kết nối PC, các thiết bị thực tế ảo cũng sẽ cung cấp cho người chơi cơ hội đeo headset và đưa họ vào một thế giới tưởng tượng mới.
Do đó, PC không chỉ là cuộc chơi tốn tiền nhất để chơi game, mà còn là chiến trường then chốt của các công nghệ mới.
Một góc triển lãm E3 2015 đang diễn ra ở Los Angeles, Mỹ. |
Cách đây hơn 40 năm, sự ra đời của các sản phẩm như Commodore 64, Atari 2600 hay Nintendo Entertainment System đã khiến người dùng quan tâm hơn đến các trò chơi điện tử.
Sau đó, trong giai đoạn 1980-1990, game trên nền tảng PC bước lên đỉnh hoàng kim với sự ra đời hàng loạt thể loại và trò chơi nổi tiếng như Doom hay StarCraft. Nhưng chi phí đắt đỏ cùng với sự thay đổi liên tục về linh kiện đã khiến người dùng tập trung hơn vào console như PlayStation (Sony bán năm 1994) hay N64 (Nintendo bán năm 1996).
Với tuổi thọ kéo dài hơn nửa thập kỷ cho mỗi thế hệ, cùng với tính năng "bật lên và chơi" không cần quan tâm đến sự thay đổi công nghệ liên tục như PC, console trở thành ưu tiên hàng đầu cho việc chơi game bởi thiết bị này không "ngốn" quá nhiều ngân sách của khách hàng.
Trên thị trường, các trò chơi đều cùng xuất hiện trên cả console lẫn PC, nhưng rõ ràng là PC yếu thế hơn hẳn, bởi PC không có những trò chơi độc quyền như console, hoặc là các bản cho PC phát hành muộn hơn so với bản của console. Ví dụ rõ ràng nhất vừa diễn ra là phiên bản PC của trò chơi Grand Theft Auto 5 xuất hiện muộn hơn bản cho console đến... 19 tháng!
Sự thay đổi có thể bắt đầu từ đâu?
Thứ nhất là do cách bán game của các cửa hàng game trực tuyến. Các dịch vụ như Steam, Gog... cung cấp game PC dưới dạng tải về có giá rẻ hơn phiên bản in đĩa, đồng thời có nhiều chương trình giảm giá hấp dẫn.
Hãng Valve, chủ sở hữu Steam, cũng đưa ra khuyến khích để các nhà phát triển game tung ra các chương trình thu hút người dùng đăng nhập vào quá trình phát triển game của họ (như Early Access), từ đó giúp các nhà phát triển có thêm lợi nhuận để phát triển ý tưởng tốt hơn.
Thứ hai là xu hướng trên PC gọi là thể thao điện tử (E-sport), là hình thức chơi game cạnh tranh giữa các game thủ chuyên nghiệp. Có hai trò chơi hàng đầu hiện này là Dota 2 của Valve và League of Legends của Riot. Hai trò chơi kể trên đã thu thút được hàng chục triệu người tham gia bằng PC.
Kính thực tế ảo sẽ cần đến một phần cứng mạnh mẽ, và dường như PC là lựa chọn hợp lý. |
Thứ ba là các trò chơi trực tuyến trên PC. Hình thức này đang nở rộ toàn cầu với con số hàng trăm nghìn tài khoản cho các tựa game hấp dẫn. Theo số liệu thống kê của IDC, trong năm ngoái, người dùng đã mua khoảng 30 triệu máy console và 308 triệu PC để chơi game.
Thứ tư là hình thức cung cấp các nội dung mở rộng của game, như cốt truyện mở rộng, tính năng mới, trang phục mới... đã trở thành một yếu tố then chốt trong việc kinh doanh game PC.
Mặc dù doanh số bán game PC ít hơn so với game console, nhưng game thủ lại chi nhiều cho các nội dung mở rộng trên PC hơn hẳn console.
Năm 2014, Electronic Arts thu được 2,2 tỷ USD từ việc kinh doanh trên Internet cho cả bán game lẫn add-on (tổng doanh thu là 4,3 tỷ USD), còn doanh thu từ Internet của đối thủ Activision cũng chiếm 76% tổng doanh thu (538 triệu USD).
Theo nghiên cứu dự báo của PwC, đến cuối năm nay, thị trường PC sẽ thu về khoảng 21,8 tỷ USD nhờ bán nội dung mở rộng, trong khi console chỉ thu được khoảng 2,4 tỷ.
Một làn sóng mới kéo sự phát triển của PC có thể đến từ VR - công nghệ thực tế ảo - đang gây cơn sốt trong ngành công nghiệp game. Mặc dù Sony đang có kế hoạch tung ra headset hỗ trợ VR cho PlayStation 4 vào năm sau, nhưng những ứng dụng đầu tiên của công nghệ VR lại được tập trung vào PC, một phần do yêu cầu của VR. Đối thủ Xbox One đã có sự phối hợp giữa Microsoft và Oculus để sớm tung ra các thiết bị VR vào cuối năm nay.
Trong đó, một chiếc PC chạy Windows 10 là cần phải có đối với những người chơi muốn trải nghiệm thực tế ảo.
E3 2015, game, giải trí, HoloLens, kính thực tế ảo, Oculus, Oculus Rift, PlayStation 4, thực tế ảo, Xbox One