(PCWorldVN) Các ứng dụng dành cho máy Chromebook hiện rất phong phú với nhiều tính năng từ cơ bản đến nâng cao, giúp công việc của bạn trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Chromebook trước đây trong mắt doanh nghiệp là một thiết bị không đảm bảo tính năng phục vụ cho công việc. Tuy nhiên, trong vòng một năm trở lại đây, dòng máy tính xách tay này trở nên đa năng hơn và đáp ứng khá tốt những yêu cầu trong kinh doanh. Chẳng hạn như khả năng quản trị dễ dàng, thiết lập nhanh chóng, phần cứng cải tiến liên tục và sự tăng trưởng mạnh mẽ của các công cụ, tiện ích dành cho Chromebook đã giúp cho thiết bị này trở nên không hề thua kém những chiếc laptop truyền thống.
Vấn đề hiện nay của Chromebook là phần lớn các ứng dụng dành cho nền tảng này hoạt động nên nền web (web app), nên có hạn chế hơn so với các phần mềm cài đặt trên máy tính chạy Windows hay OS X. Theo thời gian, các nhà phát triển phần mềm đã đưa ra những thay đổi để đảm bảo cho ứng dụng của mình có đầy đủ tính năng và dễ sử dụng hơn.
Sau đây là một số tiện ích giúp các nhà phát triển giải pháp - ứng dụng, quản trị viên và nhóm người dùng doanh nghiệp (business user) có thể tăng năng suất công việc với chiếc Chromebook.
Crouton
Bạn có tin rằng Chromebook có khả năng chạy được Linux song song với Chrome OS được cài sẵn? Với công cụ Crouton, bạn có thể biến Chromebook trở thành một thiết bị chạy Linux với những thao tác cài đặt, thiết lập đơn giản.
Tiện ích Crouton giúp người dùng có thể sử dụng các phần mềm dành cho hệ điều hành Linux mà không cần phải thực hiện các thao tác, can thiệp phức tạp vào hệ thống. Chỉ mở một thẻ (tab) mới trên trình duyệt Chrome có sẵn trên Chrome OS là bạn làm được điều này. Thực chất, Crouton là một bộ công cụ tích hợp hoạt động trên Chromium Chroot. Ngoài Chrome OS, công cụ này hiện tại hỗ trợ Ubuntu và Debian.
Bạn có thể tải các lệnh (script) này từ trang chủ Crouton GitHub (https://github.com/dnschneid/crouton). Tuy nhiên, để sử dụng được các lệnh này, bạn cần có một số hiểu biết căn bản liên quan đến các công cụ và dòng lệnh trên Linux.
Ứng dụng Google Drive trên Chromebook. |
Bộ ứng dụng của Google
Chromebook được Google tạo ra với mục tiêu là hoạt động trên nền web. Do đó, các ứng dụng nền web của hãng đều được tối ưu cho Chrome OS. Chẳng hạn bộ công cụ phục vụ cho công việc (Productivity) của Google như Drive gồm các công cụ tạo văn bản (Docs), bảng tính (Sheets) và trình chiếu (Slides) được cài sẵn bên trong hệ điều hành này. Do đó, mọi thao tác liên quan đến tài liệu trên Chromebook đều rất đơn giản và không khác gì trên các máy tính Mac và Windows.
Chromebook còn được cài sẵn các công cụ khác của Google như Google Search, Gmail, YouTube, Google Calendar, Google Maps, Hangouts hay Google Plus. Thực chất các ứng dụng này là shortcut đưa đến các trang web của hãng.
Mọi thao tác trên các ứng dụng của Google đều rất nhanh và không cần kết nối Internet (kết nối chỉ cần thiết nếu bạn muốn đồng bộ dữ liệu lên máy chủ của Google). Người dùng cũng có thể mở nhiều cửa sổ cùng lúc hoặc chỉnh giao diện thành toàn màn hình để tiện thao tác trên các ứng dụng này.
Cloud9
Bộ công cụ Cloud9 IDE (https://goo.gl/4XGkLq) được đánh giá là một trong những công cụ đầu tiên có thể giúp nhà phát triển lập trình ứng dụng trên một môi trường dựa trên đám mây như trên Chromebook. Kể từ khi hình thành và những lần cải tiên, Cloud9 đã dần trở thành một nền tảng đáng tin cậy, hỗ trợ rất tốt cho các lập trình viên độc lập, lẫn nhóm nhà phát triển gồm nhiều thành viên làm việc qua mạng Internet.
Cloud9 có nhiều tùy chọn gói thuê bao tùy theo mức dung lượng, tùy theo quy mô của nhóm hoặc tổ chức. Nếu bạn là một lập trình viên độc lập, thì mức dung lượng 1GB miễn phí của Cloud9 là đã đủ dùng.
Box (bản beta)
Có lẽ cái tên Box (hay Box.net) không còn quá xa lạ với người dùng Internet hiện nay. Cuối cùng thì công cụ lưu trữ và chia sẻ dữ liệu nền tảng đám mây này cũng đã có mặt trên Chromebook, mặc dù hiện tại đang ở giai đoạn thử nghiệm (beta). Box dành cho Chrome OS không chỉ cung cấp cho người dùng một ứng dụng tối ưu trên nền web mà bạn cũng có thể truy cập dữ liệu được lưu trên tài khoản Box ngay trên tiện ích quản lý File Manager của Chrome OS. Điều này giúp loại bỏ được những trở ngại trước đây liên quan đến tính năng của các dịch vụ đám mây bên thứ ba trên trình duyệt bị giới hạn.
Ngoài Box, Dropbox (https://goo.gl/81FRt5) cũng đã có công cụ cho Chromebook. Ngoài chức năng chính là lưu trữ đám mây, Dropbox còn hỗ trợ duyệt và đọc các định dạng file thông dụng như tài liệu, hình ảnh, âm thanh và video.
HipChat
HipChat (www.hipchat.com) là công cụ họp nhóm khá chuyên nghiệp dành cho Chromebook. Tiện ích này hỗ trợ chức năng chat, thoại video, chia sẻ màn hình và nhiều tính năng khác. Tuy nhiên, điểm yếu của công cụ này là ứng dụng nền web nên còn nhiều hạn chế so với các phần mềm chuyên dụng trên Windows và OS X. Tuy nhiên, HipChat nền web có giao diện đơn giản, đẹp mắt, hỗ trợ chức năng thông báo theo thời gian thực dạng pop-up và biểu tượng bắt mắt trên trình duyệt.
Nhìn chung, HipChat rất đáng để bạn đăng ký và sử dụng nếu có nhu cầu họp trực tuyến, làm việc nhóm và chia sẻ ý kiến thông quan mạng Internet.
Office 365
Đúng như chiến lược “ưu tiên đám mây, ưu tiên di động” của CEO Satya Nadella, Microsoft cũng đã liên tục cải tiến các công cụ làm việc với Office 365 dựa trên nền web, đám mây. Giờ đây, không cần phải cài ứng dụng như trên OS X hay Windows, bạn có thể soạn thảo văn bản, bảng tính và trình chiếu ngay trên các ứng dụng nền web của Office 365 và lưu trữ chúng trên dịch vụ đám mây OneDrive.
Bộ công cụ Office 365 nền web cũng có đầy đủ các công cụ như quản lý thư điện tử (Mail), lịch làm việc (Calendar), danh bạ (People), chức năng chia sẻ đám mây OneDrive), soạn thảo văn bản Word Online, bảng tính Excel Online, trình chiếu PowerPoint Online và các công cụ khác như OneNote Online, Delve, Video.
ZenMate
Mặc dù được xem là một trình duyệt an toàn vào bậc nhất hiện nay, tuy nhiên Chrome vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là trong lúc thủ đoạn của tin tặc ngày càng tinh vi. Do đó, bạn nên sử dụng công cụ ZenMate (https://goo.gl/HWii9S) để đảm bảo an toàn trên thế giới Internet.
ZenMate có chức năng ẩn địa chỉ IP, bảo vệ an toàn dữ liệu truy cập Internet với chức năng mã hóa mới. Ngoài ra, ZenMate cũng hỗ trợ giới hạn hoặc khóa các trang web, nội dung không phù hợp. Tiện ích này cũng có thể tối ưu dữ liệu tải về với khả năng nén đến 30%, phù hợp khi bạn duyệt web với kết nối được phát từ điện thoại di động.
Basecamp
Rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng Basecamp (https://goo.gl/GHJbDz) cho chức năng làm việc cộng tác trực tuyến. Nếu đang dùng Chromebook thì bạn có thể tải về tiện ích mở rộng này cho trình duyệt Chrome và sử dụng mà khoog cần cài bất cứ phần mềm nào như trên desktop.
CIRC
Tiện ích IRC Client hiện đang vẫn rất cần thiết cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp hiện nay. CIRC (https://goo.gl/tmdcyo) hỗ trợ nhiều tùy chọn, có thể kết nối trực tiếp đến bất kỳ máy chủ nào mà không cần proxy. Bạn có thể sử dụng cùng một IRC để kết nối đến nhiều thiết bị dễ dàng. Điều này thực sự cần thiết và hữu ích nếu bạn muốn chuyển từ desktop truyền thống ở công ty sang Chromebook khi đi ra ngoài hay công tác.
Bạn có thể tham khảo thêm những kinh nghiệm sử dụng, cách khắc phục những lỗi thường gặp khi dùng CIRC tại https://github.com/flackr/circ/wiki.
ZenHub for GitHub
Nếu bạn đang lập trình trên Chromebook thì sẽ cần đến công cụ chuyên dụng như ZenHub for GitHub (https://goo.gl/13g088). Với tiện ích mở rộng này, bạn có thể sử dụng chức năng quản lý dự án, chia sẻ qua lại giữa các thành viên trong nhóm bằng cách kéo thả những dữ liệu qua lại lên bảng tác vụ (task board). Công cụ này sẽ hỗ trợ tương tác qua lại theo nhiều cách thức theo thời gian thực.
Postman
Các lập trình viên đang làm việc với các API sẽ đánh giá rất cao Postman (https://goo.gl/v17vYP). Bộ REST khách (Client REST) dành riêng cho Chrome được tích hợp chức năng xác thực, hỗ trợ các phương thức Basic Auth, Digest Auth, OAuth 1 và OAuth 2. Với Postman, bạn có thể gom các yêu cầu của các nhà phát triển khác vào một bộ sưu tập để tổ chức lại hoặc chia sẻ các các thành viên khác. Bạn cũng có thể chạy các bộ sưu tập trực tiếp từ dòng lệnh hoặc từ địa chỉ URL. Ngoài ra, bạn có thể tạo ra yêu cầu HTTP với các thông số khác nhau để kiểm tra API và các thiết bị đầu cuối RESTful và kết hợp với công cụ mở rộng Postman Interceptor (https://goo.gl/XZd45l) để sửa lỗi (debugging).
Chrome ADB
Nếu đang phát triển ứng dụng dành cho Android trên Chromebook thì bạn sẽ cần đến công cụ Chrome ADB (https://goo.gl/gYqVaw). Đây là một client Android Debug Bridge giúp phát hiện và gỡ lỗi cho các ứng dụng phát triển cho hệ điều hành Android. Tiện ích này cho phép bạn truy cập đến các trang web gỡ lỗi ngay trên trình duyệt Chrome, hiển thị các ứng dụng Android ngay trên giao diện web…
Chrome Dev Editor
Các trình duyệt web hiện đang ngày càng trở nên tiện dụng, mạnh mẽ và dần trở thành nền tảng phục vụ cho công việc. Nếu bạn đang dùng Chrome như một nền tảng (giống như trên Chromebook) và công việc của bạn là lập trình ứng dụng cho Chrome OS thì nên khai thác công cụ Chrome Dev Editor (https://goo.gl/k08uTX).
Chrome Dev Editor là một công cụ giúp xây dựng các ứng dụng dành cho nền tảng Chrome. Các nhà phát triển có thể viết ứng dụng trên công cụ này bằng Dart và JavaScript.
Chrome, Chrome OS, Chromebit, Chromebook, Google, Mac OS X