Sản phẩm

Dự án Luật An toàn thông tin: Cần làm rõ nhiều khái niệm

(PCWorldVN) Ngày 24/6, thảo luận tại hội trường về dự án Luật An toàn thông tin, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng nhiều khái niệm trong luật cần phải được làm rõ.

Tiếp tục kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, vào sáng hôm qua 24/6, các đại biểu đã có phiên thảo luận và đóng góp ý kiến cho dự án Luật An toàn thông tin.

Theo tường thuật của Báo Điện tử Chính phủ - chinhphu.vn, các đại biểu Tôn Thị Ngọc Hà và Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) viện dẫn khoản 1 Điều 28 dự thảo quy định cá nhân có trách nhiệm bảo vệ thông tin của chính mình cho biết, thông tin cá nhân thì cá nhân phải bảo vệ trước, các tổ chức khi thu thập thông tin và sử dụng cũng cần phải có ý kiến đồng ý của cá nhân.

Tuy nhiên, thực tế việc phát tán thông tin đang diễn ra khá phổ biến, vì vậy, dự thảo luật cần có quy định các tổ chức phải có điều kiện đảm bảo bí mật thông tin cá nhân.

Luật An toàn thông tin, An toàn thông tin, an ninh thông tin, chiến tranh mạng, tấn công mạng
Ảnh minh họa.

Trong khi đó đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nêu thực tế hiện có tới 56% trong số 138 triệu thuê bao điện thoại dùng điện thoại thông minh, đa số điện thoại đó đều được gia công từ các quốc gia khác. Ngoài ra, các thiết bị khác như lò vi sóng, máy giặt… đều có khả năng kết nối từ Internet và có thể bị mã độc tấn công có chủ đích mà chưa ai kiểm soát được.

Vì vậy, việc đòi hỏi người dùng phải tự bảo vệ thông tin cho chính mình sẽ rất khó khăn khi họ không thể kiểm định thiết bị có bị cài đặt mã độc hay không. Đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng cần có câu trả lời thẳng thắn trước khi luật hóa dự thảo này.

Cần làm rõ các khái niệm

Đại biểu Trần Văn (Cà Mau) cho rằng, dự thảo cần làm rõ các khái niệm như an toàn thông tin, an ninh thông tin, tài nguyên viễn thông, thông tin quốc gia; cần phân biệt thông tin cá nhân và tổ chức, cá nhân có thể xử lý thông tin như tổ chức được không, ngoài các phần mềm độc hại thì còn gì có thể phá hủy an toàn thông tin…

Một số ý kiến cho rằng, dự thảo cần quy định rõ các cấp độ nguy hiểm của sự cố an toàn thông tin, đến mức nào thì cần nhà nước ứng cứu, việc ứng cứu do doanh nghiệp đề xuất hay do nhà nước chủ động, kịch bản xử lý an toàn thông tin như thế nào...

Còn đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng ngoài quy định an toàn thông tin mạng, cũng cần quy định an toàn thông tin khác như thông tin bản giấy, bởi dù chúng ta đang sống trong thời đại CNTT bùng nổ nhưng các dạng thông tin ngoài mạng vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển. Ngoài ra, để đảm bảo sự thống nhất với các luật khác như Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, không ít đại biểu đề nghị dự thảo cần có sự kết nối với các luật này.

Liên quan đến Quản lý Nhà nước về an toàn thông tin, các đại biểu cũng bày tỏ nội dung chương 8 trong dự thảo luật cần thể hiện mạnh mẽ hơn vai trò Nhà nước trong việc bố trí ngân sách đảm bảo an ninh thông tin, bởi cũng giống như chống dịch và phòng cháy chữa cháy, cần ưu tiên kinh phí cho công tác phòng hơn là để khi xảy ra sự cố thì mới ứng cứu.

Dự thảo Luật An toàn thông tin được xây dựng trong bối cảnh đất nước hội nhập cùng với sự gia tăng việc sử dụng công nghệ thông tin, các sự cố về mất an toàn thông tin tăng lên nhanh chóng trong thời gian qua kéo theo những thiệt hại về vật chất và phi vật chất, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, gây bức xúc, lo lắng cho xã hội.

Theo đó, nguy cơ mất an toàn thông tin đã trở thành thách thức lớn đối với mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Việc ban hành Luật sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về an toàn thông tin; tạo điều kiện phát triển ổn định, bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân đang hoạt động, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam; góp phần tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

PCWorld

an ninh thông tin, An toàn thông tin, bảo mật, chiến tranh mạng, Luật an toàn thông tin


© 2021 FAP
  2,771,955       1/961