Sản phẩm

Tái sử dụng nước thải công nghiệp phục vụ phát triển bền vững

(PCWorldVN) Đây là chủ đề của buổi hội thảo chuyên đề vừa được Trung tâm thông tin khoa học và công nghệ, Sở KH-CN TP.HCM, tổ chức vào sáng nay 26/6.

Được biết, buổi hội thảo là hoạt động trong chuỗi chương trình báo cáo phân tích xu hướng công nghệ do Trung tâm thông tin khoa học và công nghệ (CESTI) khởi xướng và thực hiện trong suốt thời gian vừa qua.

Theo tiến sĩ Trần Minh Chí - nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường TP.HCM, các chương trình tuần hoàn và tái sử dụng nước trong sản xuất công nghiệp đã bắt đầu tại Mỹ vào những năm 1940 khi nước thải sau xử lý được khử trùng và tái sử dụng trong dây chuyền sản xuất thép. Còn tại Thụy Điển, trong thời gian từ năm 1930-1970, tổng lưu lượng tái sử dụng nước tăng 5-6 lần đã được ghi nhận.

Tuy nhiên, tại khu vực châu Á, công nghệ tái sử dụng nước chỉ được thông qua vào giai đoạn cuối của thế kỷ 20.

Tiến sĩ Chí cho biết, việc tuần hoàn và tái sử dụng nước thải có thể mang lại tính hiệu quả cao về kinh tế cũng như tạo ra những tác động tích cực cho môi trường. Cụ thể, về mặt kinh tế, tuần hoàn và tái sử dụng nước trong một công đoạn sản xuất có thể giúp tiết kiệm chi phí nhờ giảm lượng nước sử dụng, cũng như giảm chi phí đầu tư hệ thống cấp nước cho dây chuyền sản xuất. Bên cạnh đó, tuần hoàn và tái sử dụng nước thải sẽ giúm giảm lưu lượng nước thải tạo thành, từ đó tiết giảm được thể tích của các bể/bồn chứa nước thải cần xử lý. Hay nói cách khác, doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí đầu tư hạ tầng hệ thống xử lý nước thải và các chi phí khác liên quan đến khâu xử lý nước thải. 

Tiến sĩ Trần Minh Chí - nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường TP.HCM trình bày tại hội thảo.

Đối với môi trường, tuần hoàn và tái sử dụng nước thải trong sản xuất trước tiên giúp giảm thiểu ô nhiễm và giảm lưu lượng nước thải đối với các nguồn tiếp nhận nước mặt. Sau nữa, tái sử dụng nguồn nước thải và có biện pháp xử lý các nguồn nước thải này sẽ giúp tăng nguồn nước cấp cho nhu cầu sản xuất tại chỗ, đem lại lợi ích cho nông nghiệp cũng như một số ứng dụng trong đô thị như tưới cây xanh, chữa cháy.

Tuy nhiên, một lợi ích cực kỳ quan trọng song nhiều người hay bỏ sót khi nhắc đến lợi ích của việc tuần hoàn và tái sử dụng nguồn nước thải, đó chính là giúp cải thiện môi trường, cải thiện nguồn nước mặt và cả nguồn nước ngầm.

Theo thống kê của CESTI, trong vòng 15 năm trở lại đây, lượng sáng chế đăng ký bảo hộ về xử lý và tái sử dụng nước thải công nghiệp tập trung nhiều nhất, với 1.617 sáng chế trên tổng số 1.663 sáng chế cùng lĩnh vực (với 258 sáng chế đăng ký bảo hộ trong năm 2014).

Cũng theo thống kê của CESTI, hiện có 5 sáng chế đăng ký bảo hộ tại Việt Nam về xử lý và tái sử dụng nước thải công nghiệp.

PCWorld

bằng sáng chế, sáng tạo khoa học, Sở KHCN TPHCM, Sở KH-CN TPHCM, xử lý nước thải


© 2021 FAP
  2,446,317       6/1,472