(PCWorldVN) Khi gặp áp lực tài chính, một tổ chức nguồn mở luôn cần sáng suốt để chọn cách tồn tại và phát triển. GitHub hiện rơi vào tình cảnh như vậy, điều may mắn là họ có được một bài học nhãn tiền của Sourceforge.
Thư viện Alexandra có lẽ là thư viện cổ lớn nhất thế giới, chứa đựng mọi hiểu biết của con người thời đó. Và đến nay, chắc hẳn nhiều học giả cũng còn nuối tiếc sự "ra đi" của nó. Có vô số bản in và kiến thức lịch sử giá trị đã bị hủy, không gì bù đắp được dù cho thời đại Internet ngày nay có tiến bộ đến đâu chăng nữa. Tuy vậy, những kho chứa kiến thức về một loại nội dung cụ thể nào đó, như thư viện Alexandra trên, vẫn luôn tiềm ẩn những rủi ro.
Ví dụ điển hình: GitHub.
GitHub sẽ đi theo hướng nào: thương mại hoá hay vẫn trung thành với phương châm từ xưa đến nay? |
Với giới lập trình viên trên toàn cầu, chẳng ai xa lạ gì với GitHub. Nhưng trong vài năm trở lại đây, GitHub được xem như là thư viện phần mềm nguồn mở lớn nhất trên thế giới. Ngoài việc cung cấp vô số phần mềm và bộ cài đặt, GitHub còn chứa mã nguồn của hàng triệu dự án, nghĩa là bất kỳ ai cũng có thể đọc được mã nguồn của ứng dụng nguồn mở nào đó. Và bởi vì GitHub cũng có chứa các phiên bản cũ của mã nguồn ứng dụng nên nhà lập trình có thể dễ dàng nhận biết được từng bước phát triển của ứng dụng cụ thể và cái cách mà cộng đồng góp sức vào một ứng dụng nguồn mở nào đó.
GitHub cũng là một công cụ giảng dạy lập trình không thể thiếu.
Nhưng với nội dung như vậy, có vẻ như GitHub đang rất giống với thư viện Alexandra. Nhiều đồn đoán cho rằng GitHub sớm kêu gọi đầu tư và sẽ nâng mức giá trị của doanh nghiệp sở hữu GitHub lên đến 2 tỷ USD.
Về mặt tài chính, điều đó đảm bảo cho sự tồn tại của GitHub bền vững hơn trước nay một chút. Nhưng khi nhìn vào bản chất của GitHub, có vẻ có một điều gì đó ngược ngạo. GitHub được xem là một trung tâm chứa phần mềm nguồn mở, là nơi phản ánh sự tự do, tính chia sẻ, lợi ích chung của phần mềm nguồn mở lại được giới đầu tư bỏ tiền vào, là phe xưa nay đối chọi lại với thế giới nguồn mở, thường bỏ vốn cho các doanh nghiệp nguồn đóng. Cho dù nguyên tắc của GitHub đưa ra có là gì đi nữa thì GitHub hiện đang phải chịu áp lực lớn để tồn tại. Khi mà động cơ lợi nhuận và ý chí cộng đồng va phải nhau, nhất là trong thế giới phần mềm thì kết quả luôn luôn không mấy tốt đẹp.
Nếu là lập trình viên lâu năm, có lẽ bạn còn nhớ Sourceforge, cũng là một cái hub về phần mềm nguồn mở, giông giống với GitHub hiện nay. Sourceforge từng là nơi để tìm mã nguồn mở trước khi GitHub nổi lên.
Sourceforge đã bị "chìm" chính vì xung đột lợi ích khi dính dáng đến đầu cơ, tiền bạc. Khi DHI Holdings mua lại Sourceforge hồi năm 2012, người dùng đã phải hứng chịu những quảng cáo bên thứ 3 nằm trên nút tải mã nguồn về, khiến họ đôi lúc tải nhầm malware. Sau đó, Sourceforge có đưa ra các công cụ giúp người dùng báo cáo những quảng cáo sai mục đích, nhưng vấn đề vẫn tiếp diễn. Đó là lý do tại sao đội ngũ phát triển GIMP, là bộ công cụ chỉnh sửa hình ảnh miễn phí, cạnh tranh với Adobe Photoshop, đã "nghỉ chơi" với Sourceforge hồi năm 2013 sau nhiều năm để mã nguồn trên ấy.
Thay vì thay đổi cách làm, hồi đầu tháng 6/2015, Sourceforge lại khuấy lên cho đục nước, khi họ công bố đự án GIMP bắt đầu được host ở vài "mirror" trên Sourceforge mà không hề được đội phát triển GIMP cho phép.
Hơn nữa, Sourceforge còn kèm thêm trong bộ cài đặt GIMP phần mềm bên thứ 3, toàn là phần mềm adware và malware. Thế là một số dự án nguồn mở phổ biến khác, trong đó có ứng dụng nghe nhạc, xem phim VLC, ứng dụng viết code Notepad++ và công cụ chạy ứng dụng Windows trên Linux và OS X WINE, rút ra khỏi Sourceforge.
Khó thống kê hết được có bao nhiêu ứng dụng rút ra khỏi Sourceforge vì cách làm của trang web này. Không tính về số lượng người "fork" (chép mã nguồn về máy tính), thì số lượng dự án trên Sourceforge có lẽ cũng gần bằng với trên GitHub.
Nhưng rõ ràng danh tiếng của Sourceforge đã không còn như xưa nữa, cho dù Gaurav Kuchhal, giám đốc quản lý bộ phận của DHI Holdings, người trực tiếp quản lý Sourceforge, cho rằng công ty đã ngưng, không mirror chương trình nào nữa và sẽ chỉ kèm các bộ cài đặt vào mã nguồn nào cho phép họ làm như vậy. Dù thế thì nút quảng cáo giả danh "Download" vẫn còn đó, khiến người dùng thực sự bực bội. Biết rằng Sourceforge cần nguồn thu nhưng chính những cái bẫy không đáng có ấy đã làm lụi bại danh tiếng bấy lâu của họ.
GitHub vẫn vững tay cầm chiếc khiên của mình: không hề có quảng cáo. Nếu bạn đẩy mã nguồn lên GitHub thì dịch vụ này hoàn toàn miễn phí. Đó là cách GitHub muốn bạn chia sẻ mã nguồn và phát triển ứng dụng cộng tác. Bạn chỉ phải trả tiền khi muốn không ai xem được mã nguồn ấy (private). GitHub kiếm tiền bằng cách cho các công ty công nghệ những phiên bản private của GitHub, trong đó có cả Facebook, Google và Microsoft.
Dù vậy, rất khó để nói GitHub kiếm được bao nhiêu tiền từ mô hình kinh doanh như vậy, cho dù họ có khách hàng là những công ty tên tuổi. Vấn đề là GitHub chứa hàng triệu dự án nguồn mở miễn phí, không có quảng cáo, không đưa ra giới hạn lưu trữ, băng thông và họ còn có những dịch vụ nằm bên trên những repo (là vùng lưu nguồn mở) ấy. Còn các nhà đầu tư thì luôn muốn có ROI (return of investment) là lẽ đương nhiên, bằng nhiều cách, có thể là mua lại doanh nghiệp sở hữu hoặc niêm yết trên sàn chứng khoán. Một khi điều này xảy ra thì không gì đảm bảo được người sở hữu mới hoặc cổ đông sẽ không nghĩ đến chuyện quảng cáo trên GitHub.
Một số dịch vụ miễn phí khác hiện cũng đang cần gây vốn, như Box và Dropbox, vì họ cũng chịu áp lực tương tự GitHub. Nhưng GitHub là nơi lưu file tiện hơn nhiều, đồng thời nó còn là "viên đá góc tường" để xây cất phần mềm, là một repo quan trọng của nguồn mở và thành phần cực kỳ quan trọng chứa kiến thức của con người. Nếu chứa quá nhiều kiến thức quan trọng vào một nơi, rồi nơi ấy gặp một rủi ro gì đó, hay thảm họa gì đó, hay rơi vào tay một kẻ tham lam nào đó thì viễn cảnh bạn có thể hình dung là tồi tệ như thế nào rồi.
Điều đáng mừng là GitHub có một cơ chế phòng vệ mà các nhà quản thủ thư viện cổ Alexandra không có. GitHub còn là một cái hub, một trạm trung chuyển, nhưng nó lại không sở hữu Git.
Git có thể xem là môt chi (nhánh) quan trọng trên cơ thể GitHub, là một công nghệ nguồn mở, giúp nhà lập trình quản lý những thay đổi trong mã nguồn của mình. Về cơ bản, có một đội ngũ sẽ đặt bản sao mã nguồn gốc (master) vào vị trí trung tâm, và các nhà lập trình khác chỉ việc chép mã nguồn gốc về và tạo/chỉnh sửa/bổ sung thành các phiên bản khác nhau trên máy tính. Nhà lập trình quản lý bản master có thể chọn phiên bản chỉnh sửa nào ưng ý để "merge" để tạo thành bản master khác, làm ra phiên bản master mới nhất (dĩ nhiên các bản master cũ vẫn còn và có thể truy cập ngược lại các bản cũ ấy).
Cách quản lý phiên bản của Git khiến nhà lập trình quản lý dự án của mình rất dễ dàng khi có nhiều người cùng thay đổi mã nguồn gốc. Ngoài ra, nó còn có một hiệu ứng thú vị khác: ai làm việc trên GitHub cũng đều có thể có một bản copy mã nguồn vào máy tính của mình, giống như ai cũng có thể mượn một cuốn sách ở thư viện và giữ luôn, không cần trả lại. Do đó, nếu GitHub hoàn toàn biến mất thì Git có thể gầy dựng lại một GitHub khác, nhưng chuyện này mất rất nhiều thời gian kêu gọi cộng đồng.
GitHub không những là nơi chứa mã nguồn, nó còn là "nhà" của vô số nhận xét, báo cáo lỗi, yêu cầu tính năng mới, đồng thời nó chứa đựng một lịch sử phát triển phần mềm vô cùng phong phú. Chính bản chất phi tập trung của Git đã khiến GitHub tiến xa hơn, mở ra một con đường "cao tốc" cho nhà lập trình di dời dự án của mình lên các host khác, như GitLab (cũng tương tự như GitHub nhưng bạn có thể chạy trên máy chủ của mình).
Tóm lại, nếu GitHub mà chúng ta từng biết trước nay đang phải gánh chịu một áp lực tài chính nào đó và trở nên "đào mỏ" giống Sourceforge thì mã nguồn của thế giới cũng sẽ vẫn tồn tại và phát triển, cũng giống như thư viện mọc lên nhiều nơi cho dù Alexandra có sụp đổ. Nhưng vấn đề là liệu GitHub sẽ tìm cách nào khác hợp tình hợp lý để còn giữ chân giới lập trình, còn là "mảnh đất lành" nữa hay không mà thôi.
GitHub, kinh doanh, lập trình, mã nguồn, mã nguồn mở, mạng lưới quảng cáo, nguồn mở, Sourceforge, thư viện phần mềm nguồn mở