Sản phẩm

Ngõ hẹp cho thị trường di động Việt

(PCWorldVN) Thị trường di động trong nước vốn đã nhỏ lại bị khống chế bởi các thương hiệu lớn nên càng khó cho bất cứ doanh nghiệp nào.

Theo IDC, thị trường smartphone và máy tính bảng Việt Nam đang bị khống chế bởi bốn hãng lớn: Samsung, Microsoft, Apple, và Asus; thêm một cái tên đang nổi là Oppo, nằm trong top 3 nhà sản xuất dẫn đầu doanh số bán smartphone.

Smartphone: Thương hiệu lớn, giá rẻ chiếm ưu thế

Trong xu hướng giá smartphone giảm nhanh, và các dòng smartphone giá rẻ đua nhau lên kệ, thị trường smartphone Việt Nam năm qua chứng kiến tốc độ tăng trưởng cao nhất. Báo cáo khảo sát thị trường của IDC hồi tháng 3 cho biết, thị trường smartphone trong nước tiêu thụ được 11,6 triệu máy trong năm 2014, đạt mức tăng trưởng đến 57% so với năm 2013.

Giá ngày càng rẻ, tính năng ngày càng phong phú, với sự góp mặt của nhiều thương hiệu tên tuổi có uy tín trên thế giới nên smartphone đang dần lấn át dòng điện thoại phổ thông (feature phone). Nếu như năm 2014, tổng lượng smartphone chiếm 41% tổng thị trường điện thoại di động (ĐTDĐ) tại Việt Nam, thì kết quả khảo sát quí 1 vừa qua của IDC cho thấy tỷ trọng này đã tăng lên 44,5%, dù thị trường smartphone lần đầu tiên bị sụt giảm. IDC dự kiến smartphone sẽ chiếm ưu thế trên thị trường ĐTDĐ trong nước ngay trong năm 2015 này, với doanh số đạt khoảng 15 triệu máy, tương ứng mức tăng trưởng 29%.

Nhận định về xu hướng thị trường smartphone Việt Nam vẫn đang tăng mạnh, chuyên viên phân tích thị trường Võ Lê Tâm Thanh của IDC Việt Nam cho biết, đó là nhờ sự giảm nhanh về giá, trong đó phân khúc smartphone giá rẻ là động lực chủ yếu cho sự tăng trưởng. Theo ông Thanh thì có sáu trên mười smartphone được phân phối tại Việt Nam năm qua là các dòng có giá dưới 150 USD. Tính chung giá bán trung bình smartphone trong năm 2014 là 186 USD.

Samsung vẫn giữ ngôi đầu thị trường smartphone Việt Nam mặc dù thị phần doanh số của hãng đã giảm đáng kể trong vài năm qua, từ 54% năm 2012 xuống còn 26% trong năm 2014, theo số liệu của IDC. Tuy nhiên, hãng điện tử Hàn Quốc đã nâng thị phần lên mức 35,2% trong quí vừa qua.

Trong khi đó, Microsoft theo đuổi chiến lược giá rẻ hướng tới người tiêu dùng bình dân, cùng với lợi thế kế thừa thương hiệu từ Nokia tiếp tục phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, chỉ chịu đứng sau Samsung về doanh số bán smartphone, với thị phần 24,2%. Thành công của Microsoft trên thị trường Việt Nam đang đi ngược với xu hướng toàn cầu – Windows Phone chỉ có được 2,7% thị phần trong năm 2014, và quí vừa qua tình hình vẫn không được cải thiện.

Nhưng đáng chú ý trên thị trường smartphone Việt Nam là “hiện tượng” Oppo đang vững vàng ở vị trí thứ 3 về doanh số kể từ năm ngoái đến nay. Thương hiệu điện thoại Trung Quốc này đã có được miếng bánh 10,4% thị phần trong quí 1 vừa qua, tăng từ 8% trong cả năm 2014, và trước nữa vào năm 2013 mới chỉ có 1% thị phần.

Sự thành công của Oppo được đại diện của IDC Việt Nam lý giải là nhờ có chiến dịch truyền thông rộng khắp cùng với việc cử người đến tận các cửa hàng tiếp xúc trực tiếp người tiêu dùng, kể cả các vùng sâu, vùng xa. Kết quả là, nói đến smartphone người tiêu dùng trong nước thời gian gần đây thường nghĩ tới Oppo.

Đề cập đến “hiện tượng” Oppo, Giám đốc IDC Việt Nam, ông Nguyễn Lâm cho rằng sự thành công trên thị trường của các thương hiệu giờ đây phụ thuộc rất nhiều vào hệ sinh thái với sự hợp tác của nhiều đối tác: kênh phân phối; phát triển ứng dụng; dịch vụ hỗ trợ sao cho tất cả các bên đều thành công trong hệ sinh thái đó.

Theo số liệu quí 1/2015 của IDC, riêng ba hãng dẫn đầu Samsung, Microsoft và Oppo đã chiếm xấp xỉ 70% thị phần của thị trường smartphone Việt Nam, nếu trừ thị phần của cả Apple và Asus ra nữa thì các hãng sản xuất khác chia nhau miếng bánh thị phần còn lại quá nhỏ.

Ông Thanh nhận định, Asus đang chờ lô hàng mới nên thời gian vừa qua lượng hàng nhập về không nhiều. Trong khi đó, Apple cũng có kết quả khả quan nhờ bộ đôi iPhone 6 và 6 Plus được các nhà phân phối nhập hàng chính hãng về bán. Tuy không nằm trong top 3 doanh số nhưng xét về giá trị Apple chiếm 24,4% thị phần, vượt xa Microsoft (15,4%) và chỉ xếp sau hãng đứng đầu Samsung (35,6%).

Vậy, cơ hội nào cho smartphone thương hiệu Việt? Theo ông Thanh cho biết, các thương hiệu Việt Nam do chỉ chạy theo giá rẻ mà chưa chú trọng tới tính năng của sản phẩm và trải nghiệm người dùng nên rất khó cạnh tranh với các hãng lớn như Samsung, Apple, Microsoft và các thương hiệu Trung Quốc. Còn ông Nguyễn Lâm khi nói tới tầm quan trọng của hệ sinh thái đã lưu ý, cách làm của Bkav với Bphone khác hẳn các thương hiệu Việt khác đơn giản chỉ là bán điện thoại. “Bkav đang đi theo hướng phát triển hệ sinh thái”, ông Lâm nói.

Khách hàng chọn mua Smartphone tại cửa hàng Viễn Thông A. Ảnh: Cao Minh

Tablet: Sân chơi của Apple, Samsung và Asus

Qui mô thị trường máy tính bảng trong nước hiện vẫn còn khá nhỏ. Trong năm 2014, toàn bộ thị trường tiêu thụ 1,2 triệu máy đạt tổng giá trị 271 triệu USD. Giá bán máy tính bảng trung bình trong năm qua là 224 USD. IDC tính thị trường máy tính bảng bao gồm cả nhóm thiết bị lai 2-trong-1, vừa có chức năng của máy tính bảng vừa có chức năng của laptop.

Ba hãng dẫn đầu về doanh số trên thị trường máy tính bảng Việt Nam xếp lần lượt theo thứ tự là Samsung, Apple, và Asus. “Bộ ba” này đều ghi nhận thị phần tăng trưởng so với quí trước, với tổng thị phần trong quí 1/2015 đã tăng thêm khoảng 10%, chiếm miếng bánh lớn hơn một nửa thị trường (chính xác là 53,5%). Xét về giá trị thì Apple chiếm miếng bánh thị phần lớn nhất với 37,6%, và “bộ ba” dẫn đầu này đã chiếm tới 77,7% thị phần, tăng từ 67,8% của quí trước đó.

Theo số liệu của IDC, tổng doanh số bán máy tính bảng trên toàn thị trường đã giảm trong hai quí liên tiếp vừa qua. Tuy nhiên ông Thanh của IDC nhận định, thị trường máy tính bảng chưa tới lúc thoái trào, giai đoạn 2015 – 2019 vẫn sẽ tăng doanh số bán, dù vậy chỉ tăng nhẹ chứ không được mạnh mẽ như với thị trường smartphone. Nhưng giá trị thị trường máy tính bảng sẽ tăng mạnh, đó là vì máy tính bảng ngày càng tăng tính năng, ông Thanh cho biết.

Về cơ bản, thị trường di động Việt Nam đang bị khống chế bởi bốn “tay chơi” Apple, Samsung, Asus và Microsoft. Ngoài ra còn có hàng nhập không chính thức. Chẳng hạn, hàng xách tay sản phẩm Apple luôn có ưu thế do giá hấp dẫn và sớm có mặt trên thị trường. IDC Việt Nam cho rằng đó là những yếu tố mà bất cứ hãng nào cũng đều phải tính tới. Thêm nữa, sự lớn mạnh của Oppo cùng những thương hiệu mới nổi như Wiko, hay Xiaomi đang nghấp nghé thị trường, sẽ khiến nhiều hãng phải kiêng dè.

Nguồn: IDC Việt Nam
Nguồn: IDC Việt Nam

PC World VN, 07/2015

PCWorld

điện thoại di động, điện thoại thương hiệu Việt, thị trường di động, thị trường Việt Nam


© 2021 FAP
  2,757,791       29/1,642