Sản phẩm

Nguy cơ trả giá khi quá phụ thuộc vào công nghệ

(PCWorldVN) Sàn chứng khoán New York tê liệt, các chuyến bay của United Airlines bị hủy hàng loạt - 2 sự cố hi hữu diễn ra hôm thứ Tư 8/7 tại Mỹ cho thấy sự phụ thuộc công nghệ tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ khó lường.

Công nghệ trở nên không thể thiếu trong các hoạt động kinh doanh ngày nay và không ngừng được đổi mới, nhưng cũng chính vì vậy đang nổi lên mối quan ngại về việc khi các hệ thống phát sinh lỗi rất khó để đối phó kịp thời.

Chỉ mới hôm thứ Tư 8/7 vừa qua, hàng loạt chuyến bay của United Airlines bị hủy hoặc hoãn cất cánh do hệ thống máy tính của hãng hàng không Mỹ gặp trục trặc. Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) thì phải tạm ngừng giao dịch do lỗi kỹ thuật nội bộ.

Website của tòa báo Wall Street Journal (WSJ) cũng gặp vấn đề, không thể truy cập được, dường như là quá tải.

Những sự cố hi hữu đồng loạt xảy ra đã phát đi lời cảnh báo thế giới của chúng ta đang ngày càng phụ thuộc vào các mạng kết nối thông suốt hằng ngày với nhau.

Sàn chứng khoán New York (NYSE) bị tê liệt gần 4 giờ đồng hồ vào hôm thứ Tư 8/7.
Cũng phải thừa nhận là, công nghệ đổi mới liên tục giúp cuộc sống của chúng ta trở nên ngày càng thoải mái thuận tiện, công việc hiệu quả và năng suất hơn. Tuy nhiên, máy tính có thể khiến chúng ta thường xuyên đau đầu khi chúng liên kết hàng tỷ thiết bị điện tử khác nhau cũng như các vật dụng trong nhà – một hiện tượng mà các chuyên gia thường gọi là “Internet of Things”.

Hòa chung vào mạng Internet toàn cầu làm gia tăng sự phức tạp của các hệ thống công nghệ và nguy cơ xảy ra sự cố lớn là khó tránh khỏi, dù chỉ là do sự nhầm lẫn vô ý hay từ những cuộc tấn công có chủ đích bằng mã độc.

“Vấn đề là chúng ta không thể theo kịp mọi công nghệ mà con người đã tạo ra”, chuyên gia phân tích Avivah Litan của Gartner cho biết. Theo ông, bộ não của con người không thể quản lý hết các công nghệ phát triển quá nhanh, và chúng ta chỉ có thể hy vọng sẽ tới lúc máy tính trở nên thông minh tới mức tự bảo trì.

Công nghệ đang kiểm soát các hệ thống quan trọng như các tuyến đường hàng không, đường sắt, cấp thoát nước thành phố, lưới điện quốc gia, vũ khí quân sự, thị trường tài chính, đèn tín hiệu giao thông và các tuyến thông tin liên lạc của chúng ta.

Giờ đây, máy tính đang tác động vào mọi khía cạnh đời sống của con người. Chẳng hạn vào mỗi sáng, smartphone đánh thức chúng ta dậy và tách cà phê thơm phức đang chờ sẵn, nhờ trước đó một ứng dụng trên smartphone đã chuyển lệnh cho bình pha cà phê trong bếp hoạt động. Nhiệt độ trong nhà thì được duy trì ở mức thích hợp nhờ bộ điều chỉnh nhiệt thông minh kết nối với Internet, có khả năng tự “học” và hiểu được thói quen của gia chủ.

Chỉ vài năm nữa, thậm chí nhiều người có thể mở khóa cửa bằng chiếc đồng hồ thông minh trên cổ tay sau khi trở về nhà trên chiếc xe tự lái.

Trước thực tế công nghệ bùng nổ, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo cần có các biện pháp bảo mật tốt hơn để ngăn chặn hacker đột nhập hệ thống và các tiêu chuẩn lập trình khắt khe hơn để giảm thiểu nguy cơ hệ thống bị tê liệt. Mọi cái phải tính từ đầu, ngay khi viết các dòng lệnh, để về sau không phải đuổi theo hụt hơi với những bản cập nhật liên tục nhưng hầu như không bao giờ kịp vá các lỗ hổng phần mềm.

Loạt sự cố diễn ra hôm 8/7 dường như vẫn còn may mắn. Không có dấu hiệu phá hoại, theo Giám đốc Cục điều tra liêng bang Mỹ (FBI), ông James Comey phát biểu trước Quốc hội Mỹ.

Nhưng hiệu ứng domino có thể đã góp phần làm website của WSJ bị tê liệt. Giám đốc FBI Comey tin rằng trang này đã bị treo vì quá tải. Đó là vì, sau khi sự cố xảy ra với sàn giao dịch chứng khoán New York, các nhà đầu tư hốt hoảng đổ xô truy cập website của tòa báo để tìm kiếm thông tin xem điều gì đang xảy ra dẫn đến hiện tượng quá tải.

Thời gian tê liệt kéo dài hôm thứ Tư 8/7 vừa qua khá hi hữu, chuyên gia Litan của Gartner cho biết.

Giao dịch trên NYSE bị gián đoạn gần 4 tiếng đồng hồ mới trở lại hoạt động bình thường, làm hoảng loạn giới đầu tư tài chính Phố Wall. Sự cố về tuyến bay tại United Airlines khiến máy bay của hãng này không thể cất cánh trong gần 2 giờ đồng hồ, làm 800 chuyến bay bị trễ và 60 chuyến bị hủy.

Litan cho rằng, khó tránh khỏi việc đôi khi công nghệ gặp lỗi, nhưng vấn đề là phải kịp thời phục hồi hoạt động trong vòng khoảng nửa giờ, nếu không phải là một vài phút.

Những sự cố mới xảy ra chỉ là “chuyện nhỏ” so với những gì có thể xảy ra nếu không áp dụng những biện pháp bảo mật tốt hơn để ngăn những kẻ xâm nhập tiến hành tàn phá.

Thực tế là, trong cuộc chạy đua công nghệ, thường thì các hãng sản xuất, các nhà cung cấp dịch vụ tập trung vào việc tạo ra những điều mới mẻ trước, để rồi phát sinh những điều quan ngại bảo mật về sau. Điều này được một chuyên gia bảo mật ví von như sau: “Này, chúng tôi sẽ kết nối máy xay sinh tố của bạn vào Internet để tiện điều khiển, không việc gì phải để ý tới bảo mật. Và hacker tìm ra cách nào đó bật máy xay sinh tố của bạn lúc nửa đêm và gây hỏa hoạn cho căn nhà”.

Máy tính có thể thông minh hơn nhờ sự kết hợp của các yếu tố lập trình tốt hơn, chip xử lý tinh vi hơn và máy có khả năng tự “học” cao hơn. Dĩ nhiên, máy tính còn lâu mới đạt tới mức trí tuệ nhân tạo, nhưng chúng có thể được trang bị tốt hơn để ngăn chặn những sự cố đáng tiếc và phòng chống những kẻ xâm nhập, sử dụng trái phép.

Dù sao thì chúng ta vẫn thấy nổi lên một câu hỏi đáng sợ, liệu máy tính đem lại cuộc sống tốt đẹp cho chúng ta hay chúng sẽ hủy hoại chúng ta?

PCWorld

hacker, internet of things, NYSE, United Airlines


© 2021 FAP
  2,750,303       1/851