Sản phẩm

Không thu phí đối tác, iMove sẽ 'sống' bằng cách nào?

(PCWorldVN) iMove vừa chen chân vào thị trường 'đặt taxi' trên thiết bị di động tại Việt Nam với tuyên bố gây sốc là không thu bất kỳ khoản phí nào từ tài xế hay doanh nghiệp vận tải.

Buộc phải miễn phí

Về cơ bản, phương thức hoạt động của iMove không khác là mấy so với giải pháp của các doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh ở Việt Nam, điển hình như GrabTaxi. Các giải pháp gọi taxi sẽ gồm ba phần chính, một cho người dùng để gọi, đặt taxi, biết các taxi gần kề…; một cho tài xế để tiếp nhận các cuộc gọi đặt xe của người dùng, và còn lại là dành cho cơ quan quản lý các tài xế taxi đó.

Giống bất kỳ doanh nghiệp nào, iMove hay GrabTaxi cũng phải có nguồn thu để duy trì hoạt động. Xét trên mô hình hiện tại, các doanh nghiệp này hiện (và có lẽ là) không thể thu phí người sử dụng, thì tài xế và doanh nghiệp kinh doanh taxi buộc phải bị tính phí.

Đại diện công ty Tôi Di Chuyển tại buổi họp báo công bố dịch vụ iMove diễn ra vào sáng 15/7.

Ông Trương Trọng Hào - Tổng Giám đốc công ty Tôi Di Chuyển (iMove) cho biết các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ gọi taxi nước ngoài hiện đề xuất thu phí từ 10%-18% trên tổng doanh thu.

Theo thông tin từ hai hãng taxi chiếm thị phần lớn nhất ở Việt Nam là VinaSun và Mai Linh, doanh thu của cả hai hãng này trong năm 2014 lần lượt là 3.770 và 2.741 tỷ đồng.

Nếu tỷ lệ ông Hào nói là đúng, tổng số tiền huê hồng mà Mai Linh và VinaSun phải trả cho các công ty kinh doanh dịch vụ gọi taxi là hơn 500 tỷ đồng/năm. Đây chính là vấn đề khiến các hãng taxi và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ gọi taxi như GrabTaxi không tìm được tiếng nói chung.

Còn về phía tài xế, hiện GrabTaxi Hà Nội thu phí đối với tài xế, trong khi tại TP.HCM và Đà Nẵng thì vẫn chưa áp dụng.

Chính vì thế, là một doanh nghiệp đi sau như iMove không còn cách nào khác là phải miễn phí cho doanh nghiệp kinh doanh taxi lẫn tài xế. Thực ra, đây cũng là hình thức mà GrabTaxi đã áp dụng khi mới vào thị trường cách đây 2 năm.

Bấp bênh chuyện nguồn thu

Theo thông tin từ ông Hào, hiện iMove có vốn điều lệ rất khiêm tốn so với các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh cùng lĩnh vực, chỉ chừng 10 tỷ đồng. Đây là số tiền do các thành viên trong công ty góp vốn.

Với tiềm lực hạn chế như vậy, miễn phí thì sống sao? Đây cũng là câu hỏi mà đại diện iMove bị chất vấn rất nhiều trong buổi họp báo ra mắt dịch vụ diễn ra vào sáng 15/7 vừa qua.

Ông Hào cho biết, nguồn thu của iMove sẽ giống như các công ty công nghệ khác, đó là từ quảng cáo, mà cụ thể hơn là quảng cáo đó sẽ đến từ ứng dụng, từ trang web đặt taxi của công ty.

GrabTaxi, một trong các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ "đặt taxi" làm truyền thông khá tốt trong thời gian qua.

Thực tế cho thấy, có nhiều trang web và ứng dụng ở Việt Nam có lượng người dùng vài triệu nhưng việc quảng cáo lại không mấy hiệu quả, dẫn đến các nhà quảng cáo cũng không mặn mà.

iMove cũng không thoát khỏi ngờ vực đó, khi mà mục đích chính của người sử dụng là đặt taxi thì tỷ lệ xem hoặc nhấn vào quảng cáo trên đây là bao nhiêu phần trăm?

Không chia sẻ về hình thức quảng cáo nhưng ông Hào cho biết hiện công ty đã có sự chuẩn bị cho giai đoạn này, các hình thức quảng cáo sẽ không làm phiền người dùng mà hướng đến những dịch vụ, sản phẩm mà họ sẽ cần.

Quá nhiều rào cản

Với những thông tin công bố, iMove có vẻ chưa thuyết phục được giới truyền thông về sức sống của mình. Nhin chung, hiện còn quá sớm để biết được công ty sẽ tồn tại như thế nào. Nhưng trước khi nghĩ đến chuyện có tiền từ việc quảng cáo, iMove bên cạnh việc làm việc với các công ty kinh doanh taxi, công ty buộc phải có chiến lược quảng cáo để thu hút hoặc ít nhất là đánh tiếng đến người sử dụng.

Hiện đến tháng 8/2015, iMove mới chính thức ra mắt nên trên Google Play và App Store nên công ty chưa công bố cụ thể kế hoạch tiếp thị đến người sử dụng.

Mặt khác, cũng phải kể đến tình trạng là cả VinaSun và Mai Linh đều có ứng dụng gọi taxi riêng và đã chạy thử nghiệm trong thời gian qua.

Tuy nhiên, bản thân VinaSun và Mai Linh cũng sẽ vấp phải vấn đề người dùng vì nếu người dùng không sử dụng ứng dụng của họ thì cũng sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Cả hai phải có một bộ phận hoặc thuê ngoài một doanh nghiệp đảm nhiệm khâu thu hút người sử dụng tải các ứng dụng của họ về nên nhìn chung đây cũng là cơ hội cho các công ty như GrabTaxi, iMove hay EasyTaxi.

Với số vốn khiêm tốn, iMove cần có những động thái rõ ràng hơn để chứng minh có thể tồn tại trong sân chơi toàn những ông lớn “lắm tiền”.

Tính đến nay, GrabTaxi đã huy động được khoảng 350 triệu USD (theo Reuters), còn EasyTaxi được hậu thuẫn bởi Rocket Internet vốn là tập đoàn được đánh giá cực kỳ "chịu chi" cho các phi vụ đầu tư vào các công ty công nghệ.

Mặc dù là một công ty khởi nghiệp, nhưng tổ chức của iMove có cả vị trí giám đốc phụ trách mảng truyền thông và giám đốc tài chính. Hơn thế, độ tuổi trung bình của các thành viên trong hội đồng sáng lập của iMove đều trên 50, và đây là yếu tố không nhiều công ty khởi nghiệp trong ngành công nghệ ở Việt Nam có được và có vẻ như cũng là thông tin duy nhất có thể xem là điểm mạnh của iMove.

Với kinh nghiệm của mình, dường như các vị này thừa sức hiểu rằng thị trường iMove đang tham gia không chỉ thuần về công nghệ.

“Chúng tôi đã có kế hoạch cho iMove, chúng tôi buộc phải có (kế hoạch người dùng, thu hút kêu gọi vốn,...) vì đã có quỹ đầu tư muốn rót vốn vào công ty. Như các bạn biết đó, quỹ đầu tư sẽ không đổ tiền vào một dự án không có đầu ra”, ông Hào quả quyết.

PCWorld

câu chuyện kinh doanh, doanh nghiệp, easy taxi, GrabTaxi, iMove, Taxi, Uber, vận tải hành khách


© 2021 FAP
  2,746,603       1/1,016