(PCWorldVN) Các nhà phân tích tài chính dự đoán AMD có thể rơi vào tình trạng phá sản vào năm 2020, nhưng có thể kiến trúc Zen mà AMD đang ấp ủ có thể giúp hãng này xoay chuyển thế cờ.
Một nghiên cứu mới đây của công ty đầu tư Kerrisdale Capital cho rằng AMD có thể bị phá sản vào năm 2020. Chúng ta không phải là chuyên gia phân tích kinh tế, nhưng những con số mà Kerrisdale Capital suy đoán ra đều được công bố rộng rãi và họ cũng đưa ra luôn kết luận.
Tuy vậy, các nhà phân tích vẫn chưa tính đến những thông tin mới đây trong ngày công bố tài chính Financial Analyst 2015 của AMD. Tại đó, AMD đã hé lộ kiến trúc Zen mới của họ, rất có thể đó là dấu hiệu vui để AMD có được một năm 2016 sắp tới thành công.
Zen là một kiến trúc hoàn toàn mới, với rất nhiều nhân và SMT (tương đương với đa luồng Hyper Threading của Intel), hỗ trợ bộ nhớ DDR4, hệ thống bộ đệm băng thông/độ trễ mới và hứa hẹn tăng 40% tập lệnh trên mỗi xung nhịp.
Socket hiện thời AM3+ và FM2+ cuối cùng cũng kết hợp lại thành một socket duy nhất, hợp nhất là AM4.
Bà Lisa Su, CEO của AMD, đang phải định ra tương lai của AMD sắp đến sẽ là gì. |
AMD dồn toàn lực vào cho Zen, là kiến trúc mới toanh, và Zen sẽ phục vụ cho rất nhiều nền tảng, từ để bàn mạnh mẽ tầm CPU FX đầu bảng cho đến di động. Tuy nhiên, đó là toàn bộ tin tốt từ AMD, điều họ thiếu là họ vẫn chưa cho thấy được bức tranh toàn cảnh để lồng Zen vào.
Global Foundaries sẽ tiếp tục sản xuất APU và CPU cho AMD, nhưng vì họ đã không sản xuất cho AMD cách nay đã 7 năm nên Global Foundaries có thể gặp các vấn đề về quy trình sản xuất mới. Quy trình 32nm và 28nm của họ đã phải bị hoãn lại, trong khi quy trình 20nm sẽ bị "quá độ" lên thẳng quy trình 14nm FinFet vào năm 2016.
Global Foundaries thuộc hiệp hội Common Platform Alliance nên họ là đối tác với Samsung trong quá trình phát triển chip 14nm. Nhưng gần đây có một báo cáo của Business Korea liên quan đến việc NVIDIA theo đuổi quy trình xử lý 14nm của Samsung, cho rằng có một hợp đồng giữa hai hãng này để sản xuất GPU 14nm.
Điều này có nghĩa là FinFet 14nm của Global Foundaries chưa đủ hấp dẫn Samsung, so với nếu bắt tay sản xuất GPU tốc độ cao, nhiều tỷ transistor của NVIDIA. Nếu Samsung gặp vấn đề và Global Foundaries là đối tác phát triển thì đó cũng không phải là tin tốt. Trong khi đó, AMD phải xây dựng một hệ sinh thái các nhà sản xuất bo mạch chủ và máy chủ để "kích dậy" thị trường phần cứng AM4.
Giới trong ngành công nghiệp nhìn nhận những công ty đề cập trên sẽ rất cẩn trọng. Những công ty khác như Asus, Gigabyte sẽ nắm lấy cơ hội để bán ra nhiều bo mạch chủ hơn, nhưng các kênh phân phối cũng sẽ cẩn trọng vì hàng tồn kho, và các hoạt động kinh doanh buôn bán đều dựa vào số lượng bán được của tháng trước, quý trước (mà bo mạch FM1 hay FM2 đều chưa bao giờ ấn tượng), AMD sẽ phải làm việc cật lực hơn để khuyến khích các hãng sản xuất ấy mua Zen của họ.
Ngoài chip, một báo cáo mới đây của Reuters nói rằng CEO của AMD, bà Lisa Su, đang cân nhắc mọi hướng khả dĩ nhất cho tương lai của AMD, cũng rất có thể là bà tách AMD ra hoặc thậm chí là giải tán. Một hướng khác là tách mảng đồ hoạ ra và bán lại mảng máy chủ và CPU.
AMD đang kinh doanh tốt mảng GPU. Theo vài báo cáo trực tuyến từ Hàn Quốc, Samsung đang tìm một GPU để thay thế Mali của ARM trong chip Exynos của họ. Bằng các tách ra và tạo một công ty mới chuyên về đồ họa, AMD có thể bán bản quyền công nghệ này, vừa làm hài lòng các nhà đầu tư, vừa cho Samsung có thể đổ thêm tiền cho AMD làm R&D. Nhưng dù cách nào đi nữa, AMD đều phải tốn bộn tiền.
Nhưng công nghệ về GPU của AMD trước nay không thực sự đột phá và tạo bước chuyển mình mạnh mẽ trên thị trường, nhất là cách mà AMD nhúng GPU và CPU lại với nhau để tạo ra APU, và trong Zen sắp đến cũng thế. Vì vậy, AMD lại buộc phải tạo mối ràng buộc chặt hơn nữa giữa hai bộ phận CPU và GPU. Cho dù điều gì xảy ra đi nữa thì sáu tháng tiếp theo, "mặt trận" của AMD có vẻ yên ắng, nhưng 2016 chắc chắn sẽ là canh bạc tất tay của AMD.
14nm, AMD, APU, CPU, kiến trúc, kinh doanh, vi xử lý, Zen