Sản phẩm

Những điều cơ bản cho người bắt đầu dùng Linux

(PCWorldVN) Hiện có hàng trăm bản Linux đang được cung cấp và đây là những điều bạn cần tìm hiểu trước khi bắt đầu bước vào thế giới Linux

Linux là một nền tảng hoàn toàn khác biệt so với hệ điều hành Windows phổ biến đang được cài đặt sẵn trên đa số PC hiện nay. Mọi thứ, từ cách cài đặt phần mềm cho đến trình điều khiển phần cứng trên Linux đều hoạt động rất khác và có thể làm cho bạn nản chí. Hiện có hàng trăm bản phân phối Linux đang được cung cấp và hàng chục môi trường desktop khác nhau để bạn có thể chạy Linux. Sau đây là những điều bạn cần tìm hiểu trước khi bắt đầu bước vào thế giới Linux.

Chọn phiên bản Linux

Bước đầu tiên cần làm là chọn bản phân phối Linux (Linux distribution) mà bạn muốn dùng. Khác với Windows, Linux không có những phiên bản riêng biệt. Các bản phân phối Linux đều có phần lõi (kernel) Linux kết hợp với những phần mềm khác, chẳng hạn như các tiện ích cơ bản GNU, máy chủ quản lý đồ họa X.org, môi trường màn hình nền, trình duyệt web và nhiều phần mềm khác. Mỗi bản phân phối đều kết hợp theo một kiểu nào đó các yếu tố này thành một hệ điều hành riêng để người dùng có thể chọn tải về và cài đặt.

Phiên bản Fedora Linux có màn hình nền Gnome Shell.

Trang web DistroWatch hiện cung cấp một bản tóm lược đầy đủ tất cả các bản phân phối Linux chủ yếu mà bạn có thể tham khảo trước khi tải về dùng thử. Ubuntu là một nền tảng khá tốt để bắt đầu cho những người dùng Windows muốn làm quen với Linux. Ubuntu đã cố gắng loại bỏ nhiều yếu tố chưa hoạt động tốt của Linux. Hiện nay, nhiều người dùng Linux thích dùng bản Linux Mint với màn hình nền Cinnamon hay MATE. Cả hai môi trường này đều có vẻ truyền thống hơn màn hình nền Unity của Ubuntu.

Linux Mint với màn hình nền Cinnamon.

Tuy nhiên, chọn bản phân phối tốt nhất duy nhất không phải là ưu tiên số một. Bạn chỉ nên chọn một phiên bản khá phổ biến như Linux Mint, Ubuntu, Fedora hay openSUSE. Hãy vào trang web phân phối Linux và tải tập tin ảnh đĩa theo định dạng ISO mà bạn cần. Tập tin này được cung cấp hoàn toàn miễn phí.

Tiếp theo, bạn có thể ghi tập tin ISO đó vào đĩa DVD hoặc có thể dùng một công cụ như Universal USB Installer để chép bản Linux đó vào ổ USB. Nếu có thể, bạn nên chép vào ổ USB để hệ điều hành chạy trực tiếp này có thể khởi động và xử lý nhanh hơn. Nhưng nếu dự định cài đặt Linux vào ổ cứng, bạn có thể dùng đĩa DVD.

Bạn có thể dùng trình cài đặt Universal USB Installer để tạo ổ USB khởi động Linux.

Dù bằng cách nào thì hệ điều hành này cũng có thể hoạt động trên bất kỳ máy tính Windows thông thường nào. Nếu định dùng Linux trên Chromebook, Raspberry Pi hay một loại thiết bị khác, khi đó bạn cần phải thực hiện theo những hướng dẫn đặc biệt.

Chạy trực tiếp

Bản phân phối Linux mà bạn chọn có thể chạy ở chế độ “trực tiếp”, nghĩa là nó có thể chạy từ đĩa DVD hay ổ USB mà không cần phải được cài đặt vào ổ đĩa cứng của máy tính.

Để thực hiện, bạn chỉ cần khởi động lại máy tính từ đĩa DVD hay ổ USB và hệ điều hành này sẽ tự động khởi động. Nếu không được, bạn cần đổi thứ tự khởi động trong BIOS hay phần mềm hệ thống UEFI, hoặc chọn một thiết bị khởi động trong quá trình khởi động.

Giao diện Live CD của Fedora, giống như hầu hết các phiên bản phân phối Linux, cho phép chọn chạy trực tiếp hay cài đặt vào ổ cứng.

Trên các mẫu PC Windows đời mới có cài sẵn Windows 8, bạn có thể sẽ phải vô hiệu hóa chức năng Secure Boot trước khi khởi động Linux. Hầu hết các bản phân phối Linux đều có thể khởi động bình thường với chức năng Secure Boot được kích hoạt, nhưng cũng có vài phiên bản không thể thực hiện việc này.

Bây giờ, bạn có thể dùng màn hình nền Linux như bình thường và làm quen với nền tảng này. Tiếp theo, bạn cũng có thể cài đặt phần mềm và những phần mềm này vẫn còn nằm trong hệ thống cho đến khi khởi động lại hoặc tắt máy.

Ngay cả khi không muốn dùng Linux làm hệ điều hành thường xuyên, bạn cũng nên giữ bên mình một đĩa DVD hay ổ USB có sẵn Linux. Có thể gắn vào bất kỳ máy tính nào và khởi động Linux bất kỳ khi nào bạn muốn. Hãy dùng nó để khắc phục những vấn đề của Windows, phục hồi các tập tin từ một máy tính bị hư, quét máy tính bị nhiễm phần mềm độc hại hay dùng làm một môi trường an toàn để thực hiện thanh toán trực tuyến hoặc các công việc quan trọng khác.

Một thủ thuật hữu ích nữa là nếu kích hoạt tùy chọn “persistence” khi đưa Ubuntu vào thiết bị USB, bạn có thể lưu các tập tin cũng như các thiết lập vào ổ này và có thể truy cập chúng mỗi khi khởi động.

Để thoát khỏi hệ điều hành Linux chạy trực tiếp, bạn chỉ cần khởi động lại máy tính và lấy đĩa DVD hay ổ USB ra.

Tìm hiểu cách sử dụng

Tùy theo loại bản phân phối Linux và môi trường desktop mà bạn đã chọn, màn hình nền và các ứng dụng đã được cài đặt sẽ khác nhau dù hầu hết chúng đều đáp ứng được nhu cầu bình thường của bạn. Hầu hết các bản phân phối Linux đều có trình duyệt web Firefox của Mozilla và Chrome của Google hay trình duyệt Chromium nguồn mở để sẵn sàng sử dụng.

Danh sách ứng dụng “Dash” của Ubuntu Linux.

Một môi trường desktop đều có tất cả các thành phần chuẩn như trình đơn ứng dụng, thanh tác vụ (taskbar hay dock) và vùng thông báo (hay còn gọi là “khay hệ thống”). Hãy nhấn thử vào từng thành phần để xem chúng hoạt động như thế nào. Bạn cũng nên tìm các tiện ích cấu hình hệ thống để cấu hình phần cứng và tùy biến màn hình nền hoạt động theo ý của mình.

Màn hình nền Unity của Ubuntu có thể nhìn hơi lạ, nhưng nó có các tính năng hữu ích chẳng hạn như tính năng HUD (Head-Up Display). Bên cạnh đó, hãy nhớ kích hoạt màn hình nền ảo (hầu hết các desktop Linux hiện nay đều vô hiệu hóa tính năng này theo mặc định) và cũng nên thử dùng chúng.

Nên cài đặt Linux hay không

Bạn có thể chọn lựa khi nào và làm thế nào để cài đặt Linux. Có thể lưu bản phân phối trên đĩa DVD hay ổ USB rồi khởi động bất kỳ khi nào muốn thử chạy nó. Hãy thử chạy nhiều lần cho đến khi chắc chắn là bạn muốn cài đặt thật sự Linux vào ổ cứng máy tính. Bạn có thể thử nhiều bản phân phối Linux theo cách này và thậm chí có thể dùng lại cùng ổ USB.

Lý do chính nên cài đặt Linux thay vì chạy từ đĩa DVD hay ổ USB là vì hiệu suất và sự tiện lợi. Khác với trường hợp chạy trực tiếp, Linux đã được cài đặt sẽ nhớ các thiết lập của bạn, giữ lại các phần mềm đã cài đặt và duy trì các tập tin giữa những lần khởi động lại.

Một khi đã sẵn sàng nhập cuộc, công việc cài đặt Linux vào PC rất dễ thực hiện. Chỉ cần mở trình cài đặt ngay trong môi trường Linux đang chạy trực tiếp. Nhưng bạn còn có một chọn lựa khác là có thể xóa hệ điều hành Windows hiện có, nếu đó là hệ điều hành bạn đang sử dụng, và thay thế bằng Linux.

Các thiết lập hệ thống của Linux Mint.

Nhưng để linh hoạt hơn, bạn có thể cài đặt theo kiểu cấu hình “khởi động đôi” (“dual-boot” hay còn gọi là “alongside Windows” theo cách gọi của trình cài đặt Ubuntu). Trình cài đặt sẽ thay đổi kích thước phân vùng Windows để dọn chỗ cho Linux và bạn có thể chọn hệ điều hành nào mặc định muốn dùng mỗi khi khởi động máy tính.

Cài đặt thêm phần mềm

Cài đặt phần mềm trên Linux được thực hiện rất khác với cách cài đặt phần mềm trên Windows. Bạn không cần phải mở trình duyệt web và tìm kiếm ứng dụng. Thay vào đó, hãy tìm trình cài đặt phần mềm trên máy. Trên Ubuntu, đó là trung tâm phần mềm Ubuntu Software Center. Trên Linux Mint, đó là trình quản lý phần mềm Software Manager. Trên Fedora, nó chỉ được gọi là Software.

Chúng là một giao diện tuyệt vời để tải phần mềm từ mạng. Bản phân phối Linux còn có các “nguồn phần mềm” riêng của nó, gồm các phần mềm được sưu tập để hoạt động với phiên bản đó. Các phần mềm này được thử nghiệm và cung cấp bởi bản phân phối. Nếu cần vá lỗi bảo mật, bản phân phối sẽ cung cấp bản vá bằng phương pháp chuẩn.

Công cụ quản lý phần mềm YaST của OpenSUSE.

Cơ bản thì trung tâm này giống như một cửa hàng ứng dụng có đầy đủ các phần mềm nguồn mở miễn phí, nhưng chỉ có điều là các bản phân phối đã thực hiện “các cửa hàng ứng dụng” kiểu này từ lâu trước khi Apple và Google phổ cập ý tưởng này.

Có một số ứng dụng – đặc biệt là các ứng dụng nguồn đóng như Google Chrome, Steam, Skype, Minecraft và các ứng dụng khác – phải được cài đặt từ ngoài trình quản lý gói phần mềm của bản phân phối Linux. Bạn có thể tải những ứng dụng này từ các trang web chính thức, giống như khi thực hiện trên Windows. Hãy nhớ tải đúng gói phần mềm cài đặt cho bản phân phối Linux mà bạn đang dùng.

Trung tâm phần mềm của Ubuntu Linux.


Có lẽ bạn không cần cài đặt trình điều khiển phần cứng bằng cách thủ công khi cài đặt hệ điều hành. Hầu hết các trình điều khiển phần cứng cần đến đều được tích hợp sẵn trên Linux. Có một số các trình điều khiển nguồn đóng bạn có thể sẽ cần – đó là các trình điều khiển Nvidia và AMD để đạt hiệu năng đồ họa 3D tối ưu, hay trình điều khiển Wi-Fi để giúp phần cứng Wi-Fi hoạt động tốt hơn.

Trình quản lý phần mềm của Linux Mint.

Ubuntu và Linux Mint giới thiệu các trình điều khiển này qua công cụ trình điều khiển phần cứng của chúng. Một số bản phân phối Linux có thể sẽ không hỗ trợ bạn cài đặt các trình điều khiển này, chẳng hạn như Fedora không muốn chấp nhận các trình điều khiển Linux nguồn đóng.

Dù có khác biệt trong việc cài đặt phần mềm, nhưng nói chung Linux cũng sẽ dần quen thuộc đối với những ai đã từng sử dụng màn hình nền Windows trước đây. Bạn sẽ thấy các cửa sổ, trình đơn ngữ cảnh, bảng điều khiển và nhiều thứ khác. Nhiều ứng dụng bạn sẽ dùng trên Linux là những chương trình thông dụng mà bạn có thể đã sử dụng trên Windows, từ Firefox đến VLC và LibreOffice. Giờ đây chắc hẳn bạn đã có đầy đủ những kiến thức cơ bản cần để sử dụng Linux. Chúc bạn khám phá vui vẻ!

PC World VN, 07/2015
 

PCWorld

hệ điều hành Linux, hệ điều hành mở, Linux


© 2021 FAP
  2,739,984       8/1,025