Sản phẩm

Việt Nam nuôi cấy thành công đông trùng hạ thảo

(PCWorldVN) Việt Nam đã trở thành quốc gia thứ 5 sau Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc nuôi cấy thành công đông trùng hạ thảo (chi sinensis).

Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM sáng ngày 30/7 tổ chức Hội đồng khoa học với 7 thành viên là các nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu vi sinh vật, công nghệ sinh học để đánh giá công trình “Nghiên cứu quy trình nuôi cấy sinh khối hệ sợi và khảo sát một số hoạt tính sinh học của các cao chiết từ sinh khối nấm đông trùng hạ thảo (Cordyceps sinensis)”.

Công trình nghiên cứu này do TS.Trương Bình Nguyên, TS.Đinh Minh Hiệp và PGS.TS Lê Huyền Ái Thúy thực hiện trong suốt 6 năm.

TS.Trương Bình Nguyên (bìa phải) trả lời câu hỏi từ Hội đồng khoa học.

Theo đó, Hội đồng khoa học thẩm định đã đánh giá cao công trình của nhóm nghiên cứu. Căn cứ vào kết quả thu được trong quá trình nuôi trồng được trình bày kèm theo bảng phân tích ADN và các thành phần lý hóa, Hội đồng khoa học xác định sản phẩm thu được chính là sinh khối đông trùng hạ thảo được nuôi trồng từ nguồn gien Cordyceps sinensis.

Các thành viên hội đồng đều đánh giá đây là công trình nghiên cứu thành công có giá trị lớn về khoa học và có giá trị ứng dụng trong thực tiễn.

PGS.TS Phạm Thành Hổ - phụ trách Bộ môn Công nghệ sinh học thực vật và Chuyển hóa sinh học, Khoa Sinh học - Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) đánh giá công trình có giá trị thực tiễn cao, sản phẩm thu được có tác dụng tốt với sức khỏe con người. Ông cho rằng, công trình ứng dụng vào đời sống sẽ có giá trị sử dụng, giá trị thương mại lớn.

Theo PGS.TSKH Ngô Kế Sương - Chủ tịch Hội Sinh học TP.HCM, đây là lần đầu tiên Việt Nam có sản phẩm sản xuất được bằng nguồn gien đông trùng hạ thảo vốn là một dược liệu quý cho sức khỏe con người.

TS.Trương Bình Nguyên cho biết đông trùng hạ thảo khác với nhộng trùng thảo (Cordyceps militaris) bởi nhộng trùng thảo thì thảo (cỏ) mọc ra bất kỳ chỗ nào trên thân trùng (sâu), còn đông trùng hạ thảo thì thảo chỉ mọc ra ở phần đầu của trùng. Do đó, theo TS Nguyên, nuôi cấy sinensis khó hơn rất nhiều so với militaris.

“Cái khó nhất là đông trùng hạ thảo chỉ sinh trưởng ở độ cao từ 3.500 mét, trong khi Đà Lạt không thể đạt được độ cao ấy nên khí hậu, thổ nhưỡng, độ ẩm... khó có thể tạo ra sản phẩm thành công”, TS Nguyên nói.

Hội đồng khoa học đánh giá đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận công trình khoa học của nhóm tác giả với 82,7 điểm (trong khi chỉ cần 50 điểm là đã đạt yêu cầu và khẳng định nghiên cứu thành công).

PCWorld

công nghệ, khoa học, nghiên cứu khoa học, Sở KHCN TPHCM, Sở KH-CN TPHCM


© 2021 FAP
  2,732,355       2/926