Sản phẩm

IoT & những cản trở hiện nay

(PCWorldVN) Internet of Things - IoT có thể xem là đại diện của mọi thiết bị thông minh nhưng xu hướng này còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai một cách toàn diện.

IoT theo định nghĩa hiểu đơn giản là các bộ cảm biến có thể giao tiếp với Internet mà không cần có sự can thiệp của con người. Định nghĩa đó bao gồm cả các thiết bị đeo và điện thoại thông minh, hay các thiết bị có thể tự động giao tiếp nếu được cấp phép. IoT cũng bao gồm các thiết bị thông minh dành cho xe hơi, nhà ở và kể cả một thành phố hay thiết bị y tế hoặc công cụ trong các ngành công nghiệp.

Những lợi ích và tiềm năng phát triển của IoT ở khắp mọi nơi, ở đâu có kết nối đều có khả năng xuất hiện các thiết bị với định danh của riêng mình, mang đến giá trị thông qua truyền tải, trao đổi thông tin, dữ liệu. Có thể thuật ngữ này sẽ biến mất khi IoT trở thành một chuẩn mực, và có thể được thay thế bằng một cái tên gọi khác nhằm ám chỉ những thiết bị không thể giao tiếp.

Nhưng một số thách thức có thể làm trì hoãn tương lai của IoT và sau đây là những trở ngại đáng chú ý.

An ninh và bảo mật dữ liệu

Mọi vấn đề bảo mật chỉ tốt khi chúng ta có thể chỉ ra các điểm yếu của thiết bị, và đối với một thế giới kết nối như hiện nay thì điều đó có rất nhiều. Điều này giải thích lý do tại sao Samsung đã dành nỗ lực đáng kể vào nền tảng ARTIK dành cho IoT trong thời gian gần đây. ARTIK có 3 mẫu module chứa tất cả các thành phần – bộ cảm biến, vi xử lý, bộ nhớ tích hợp, và kèm theo đó là khả năng kết nối không dây cần thiết cho các nhà sản xuất để tạo ra thiết bị thông minh. Tất cả các module ARTIK đều được hãng trang bị một khoá an toàn nhằm giúp các nhà phát triển mã hoá dữ liệu tốt hơn so với phần mềm mã hoá mặc định.

Đối với các thiết bị cá nhân có khả năng kết nối Internet thì vấn đề an ninh và sự riêng tư là những mối quan tâm hàng đầu. Đây có lẽ là những sản phẩm điển hình để được trang bị hệ thống mã hóa, nhưng vấn đề an ninh và sự riêng tư lại có đặc thù riêng khác nhau. An ninh bảo mật thường gằn liền với công nghệ còn sự riêng tư thì thương liên quan đến con người và tính pháp lý. Các nhà sản xuất thiết bị IoT cần phải hiểu rằng an ninh và sự riêng tư không thể đồng nhất hoặc áp dụng chung mọi quy tắc. Khả năng giao tiếp tự động của thiết bị IoT làm cho việc đảm bảo sự riêng tư khó khăn hơn bởi các mô hình sản phẩm được khuyến khích sử dụng trước khi có sự đồng thuận của người dùng ở những thời điểm khác nhau.

Nhu cầu khách hàng

Trên thị trường tiêu dùng, các báo cáo nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng thiết bị IoT sẽ phát triển thông qua một loạt các ứng dụng. Nghiên cứu của McKinsey và the Global Semiconductor Alliance khuyên các công ty sản xuất thiết bị bán dẫn nên hỗ trợ các nhà phát triển để tạo ra sản phẩm IoT hấp dẫn và hướng tới doanh nghiệp có sự quan tâm đến việc triển khai IoT. Một phần của vấn đề ở đây là sản phẩm IoT có thể tốt hơn cho các nhà sản xuất khi dữ liệu về người tiêu dùng và những nghiên cứu về sự sẵn sàng trong sử dụng được chia sẻ. Người dùng thiết bị IoT phải thấy được những lợi ích từ công nghệ này có thể đáp ứng trong thời gian dài, nếu không họ sẽ bỏ qua.

Tiêu chuẩn chung

Việc thiếu các tiêu chuẩn, đặc biệt là trường hợp sử dụng nhiều giao thức kết nối như hiện nay, là một cản trở cho IoT phát triển. Nhiều giao thức kết nối đặc biệt đang nổi lên với mức tiêu thụ năng lượng thấp như LTE Cat.0, 802.11ah, Sigfox hay OnRamp. Công nghệ bộ xử lý hiện cũng chưa thực sự hào hứng với thị trường IoT khi chuẩn giao thức không thực sự rõ ràng.

Hiện tại có 5 tổ chức lớn đã công bố chuẩn IoT của mình hồi năm 2014. Ngoài ra cũng có khá nhiều đơn vị nhỏ hơn khác cũng tạo nên chuẩn riêng. Theo dự đoán phải đến 2017 thì một chuẩn chung mới thực sự xuất hiện hoặc các giới hạn về nền tảng sẽ bị phá vỡ.

Các hãng công nghệ như LG, Panasonic, Sharp, Silicon Image, TP-Link, HTC, Qualcomm và hơn 100 thành viên khác đã thành lập nên liên minh AllSeen, dẫn đầu là Hiệp hội Linux. Tiêu chí của liên minh này là xóa bỏ những rào cản cũng như thúc đẩy sự sáng tạo trong việc phát triển Internet of Things. Nhóm này đã xây dựng nên nền tảng nguồn mở AllJoyn cho phép các sản phẩm IoT có thể giao tiếp với nhau thông qua nhiều dạng kết nối từ Wi-Fi, Ethernet, và cả đường dây điện. AllJoyn có thể tương thích với mọi hệ điều hành hiện nay và cũng không bắt buộc các thiết bị phải kết nối vào Internet bởi chúng có thể liên lạc ở cấp độ ngang hàng

Open Internet Consortium (OIC): Đây được xem là đối thủ của AllSeen Alliance, tổ chức OIC được các ông lớn công nghệ gồm Intel, Broadcom, Dell và Samsung chống lưng nhằm phát triển các tiêu chuẩn và chứng nhận cho các thiết bị Internet of Things. Các tiêu chuẩn này cũng xoay quanh khả năng giao tiếp và chứng thực thiết bị dựa trên các giao thức kết nối khác nhau gồm Wi-Fi, Bluetooth và cả NFC. Dự kiến sản phẩm thương mại sử dụng chuẩn OIC sẽ xuất hiện vào năm 2016.

Thread Group: Tổ chức phi lợi nhuận này được thành lập bởi Nest Labs (thuộc Google), Samsung, ARM, Freescale, Silicon Labs... Thread Group tạo ra một giao thức mạng không dây dựa trên IP, cho phép các thiết bị phần cứng trong nhà kết nối với đám mây. Mục tiêu mà Thread Group còn nhắm đến việc giảm mức tiêu thụ năng lượng của thiết bị và đảm bảo tính an toàn bảo mật kết nối với IPv6. Tổ chức này dường như chỉ tập trung vào nền tảng hạ tầng hoạt động của IoT chứ không can thiệp quá nhiều vào phần cứng. Điều này cũng giúp dễ dàng tương thích với các tiêu chuẩn khác như AllSeen hay OIC.

Industrial Internet Consortium (IIC): Đây là tổ chức thứ 2 mà Intel tham gia vào nhằm phát triển IoT, ngoài ra General Electric, Cisco Systems, IBM và nhà mạng AT&T là những thành viên thành viên tích cực nhất. Tuy nhiên, IIC tập trung vào mảng thiết bị IoT dùng cho doanh nghiệp và đảm bảo mọi thứ cùng hoạt động tốt ở mọi phân khúc thị trường. Ngoài ra, IIC giúp cải tiến các hệ thống máy móc lỗi thời có thể tham gia vào hệ thống IoT.

IEEE P2413: Viện kĩ thuật điện điện tử (IEEE) là một trong những tổ chức chính quy có nhiệm vụ đặt ra các tiêu chuẩn quan trọng trong thế giới công nghệ. Nhưng trong xu hướng IoT thì IEEE bị các công ty công nghệ cho rằng quá chậm chạp trong việc thiết lập tiêu chuẩn. IEEE quy tụ 23 nhà sản xuất có liên quan và cùng nghiên cứu tạo nên bộ chuẩn chung cho thiết bị, dự kiến 2016 sẽ ban hành rộng rãi.

Minh họa cho khả năng xử lí thông tin và kết nối của thiết bị thông minh.

Thị trường phân mảnh

Sự đa dạng của ứng dụng IoT nghĩa là không một chip duy nhất nào có khả năng phù hợp với tất cả mọi thứ. Phân mảnh như là bước chuẩn bị để các nhà sản xuất thiết bị có thể lựa chọn nền tảng phù hợp với mình nếu không muốn bị cô lập trong tương lai. Điều này tương tự như thị trường smartphone khi không chỉ có iOS mà còn đó Android, Windows Phone, BlackBerry.

Cũng có một viễn cảnh tốt hơn khi những nhóm tiêu chuẩn IoT hợp tác với nhau, cho khả năng tương thích rộng rãi. Điều này phụ thuộc vào các công ty lớn như Samsung, Intel, Microsoft có sức ảnh hưởng lớn đối với thị trường công nghệ. Việc giảm phân mảnh có thể tạo nên sản phẩm đại chúng hơn và người dùng sẽ là những người quyết định sự thành bại của các tiêu chuẩn nói trên.

Điều quan trọng nhất góp phần vào sự phát triển của thị trường IoT là lợi nhuận của các bên tham gia, từ các nhà sản xuất bán dẫn cho đến các nhà phát triển ứng dụng. Xa hơn nữa là lợi ích của thiết bị mang lại cho người sử dụng cũng như phục vụ trong công việc đối với doanh nghiệp. Theo ước tính trong tương lai thì IoT sẽ là thị trường sản phẩm lớn nhất trên thế giới. IoT sẽ có quy mô rộng lớn khi hầu hết các sản phẩm có thể giao tiếp với nhau.

  • IoT sẽ tạo thêm 1,7 ngàn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu trong năm 2019. Doanh thu này bao gồm phần cứng, ứng dụng, chi phí khởi tạo, dịch vụ quản lý, và giá trị gia tăng từ hiệu quả sử dụng IoT trong đời sống, công việc.
  • Việc xuất khẩu thiết bị dự kiến đạt 6,7 tỷ USD vào năm 2019 với khoảng thời gian tăng trưởng kép trong 5 năm (CAGR) đạt 61%. Doanh thu từ việc bán phần cứng có thể chỉ đạt 50 tỷ USD hoặc 8% tổng doanh thu từ IoT, phần lớn số tiền sẽ rơi vào các công ty hạ tầng và nhà phát triển ứng dụng thiết bị.
  • Đối với doanh nghiệp thì IoT được xem là thị trường màu mỡ khi trong năm 2014, lượng sản phẩm bán cho khối này chiếm 46% . Tuy nhiên đối với khối thị trường dành cho chính phủ giảm sụt do những lo ngại về bảo mật, ngoài ra phân khúc dành cho gia đinh đang được đánh giá là có tiềm năng lớn
  • Sự tăng trưởng mạnh mẽ của IoT dựa trên cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển cùng với đó là chi phí sản xuất thấp. IoT hứa hẹn sẽ tăng hiệu suất hoạt động cho gia đình, thành phố và nơi làm việc với khả năng kiểm soát, quản lý cho người dùng.

Viễn cảnh thị trường IoT khá sáng sủa, tuy nhiên đây chỉ là dự kiến, mảng kinh doanh thiết bị IoT phụ thuộc khá nhiều vào người dùng và công nghệ - điều mà các nhà sản xuất hiện vẫn đang nỗ lực tạo nên những trải nghiệm tốt nhất.

PC World VN, 06/2015

PCWorld

internet of things, IoT, kỷ nguyên Internet of Things


© 2021 FAP
  2,655,990       1/730