Sản phẩm

Ứng dụng tin nhắn sẽ trở thành một nền tảng

(PCWorldVN) Ứng dụng trên điện thoại quá nhiều, người dùng sẽ cần đến một công cụ để có thể chứa đựng tất cả và ứng dụng tin nhắn hứa hẹn trở thành cổng thông tin duy nhất trong tương lai gần.

Điện thoại thông minh đã làm thay đổi hành vi của người dùng và giờ đây thiết bị này trở thành nền tảng của mạng xã hội. Mỗi ứng dụng chạy trên smartphone đều có thể truy cập vào sổ địa chỉ cá nhân và tạo ra mạng xã hội riêng của mình mà trong đó số điện thoại được sử dụng như một định danh. 

Các ứng dụng này có thể thông qua việc truy cập vào thư viện hình ảnh, camera hay tính năng vị trí để chia sẻ thông tin với những người xung quanh. Việc kết nối dễ dàng cũng cho phép thông tin liên tục được cập nhật trên màn hình, giúp người dùng không phải mở trang web hay vào hộp thư.

Từ màn hình cảm ứng, với một ứng dụng điển hình thì người dùng thường chỉ một thao tác để kích hoạt. Nhưng khi số lượng ứng dụng ngày một tăng thì việc chuyển đổi giữa các ứng dụng sẽ khiến mọi thứ trở nên phiền toái hơn. Điều này dẫn đến nhu cầu mang tính tập trung đối với hoạt động tương tác mà trong đó một ứng dụng duy nhất có thể giúp người dùng làm tất cả mọi thứ ở trên đó, từ nhắn tin cho đến chia sẻ hình ảnh hay giải trí, chơi game.

Từ đó, việc tham gia dịch vụ mới trên di động dễ dàng hơn nhiều so với trên PC, và đặc biệt là đối với người có tần suất hoạt động lớn trong cùng thời điểm. Mọi người có thể chuyển đổi ứng dụng dễ dàng để phù hợp với những hành vi khác nhau, hoặc tùy vào loại nội dung hay nhóm mạng xã hội mà mình tham gia. Một ứng dụng với nền tảng đủ lớn có thể giúp người dùng dành toàn bộ thời gian trên đó, từ nhắn tin, chia sẻ thông tin, hình ảnh cho đến mua sắm.

Tại thời điểm hiện nay, để tích hợp tất cả mọi tính năng cần thiết, người dùng có thể sử dụng ứng dụng tin nhắn như một nền tảng. Đặc điểm có thể nhận thấy của nhóm ứng dụng này là:

• Khả năng trao đổi tin nhắn văn bản từ người này sang người khác thông qua loạt ứng dụng được gắn kết với nhau, các tính năng bổ sung như group chat, hình ảnh, nhãn dán và video hay voice cũng có thể dễ dàng lan truyền. Điển hình như WhatsApp, ứng dụng phổ biến bên ngoài nước Mỹ và các quốc gia Đông Á, nơi mà lượng tin nhắn chiếm hơn hơn 50% so với toàn bộ hệ thống SMS toàn cầu. Bên cạnh đó cũng có Facebook Messenger đang hoạt động khá tốt.

• Sự bùng nổ ứng dụng xuất phát từ hành vi hay tâm lý có thể tạo nên trào lưu, khiến một ứng dụng có thể lan truyền đi như virus, ví dụ như Instagram, Snapchat, Yo, Yik Yak, Secret hay Meerkat. Thách thức đối với những ứng dụng này là dựa quá nhiều vào hành vi của người sử dụng để tạo ra sự tăng trưởng. Khi ứng dụng không còn gì mới lạ hay không đủ chiều sâu thì thường chỉ chỉ tạo ra tính nhất thời và khó có khả năng đi xa trên thị trường. Phương thức hoạt động của Snapchat là một trong những minh chứng cho đặc điểm trên.

• Ứng dụng tin nhắn như một nền tảng là công cụ điển hình trong việc tạo và mở rộng trải nghiệm dành cho người dùng. Điều này có thể phụ thuộc vào môi trường xã hội, điển hình như Wechat với 500 triệu người sử dụng, phần lớn ở Trung Quốc, trong khi Line tại Nhật Bản, Zalo ở Việt Nam và Kik ở Mỹ là những công cụ chủ đạo.

Ứng dụng nhắn tin như một nền tảng

Tiềm năng của một ứng dụng tin nhắn không chỉ dừng lại ở việc bán các nhãn dán (stiker) mà còn có thể sử dụng như một công cụ mạng xã hội để truyền bá nội dung, chơi game hay xem hình ảnh, video. Công cụ này có thể trở thành một trong những công cụ được sử dụng nhiều nhất và trở thành tính năng quan trọng sau nghe, gọi của điện thoại di động.

Để thấy sự bùng nổ của ứng dụng di động thì chúng ta có thể xem qua cách mà người Trung Quốc đã làm với WeChat. Ứng dụng này có hơn 500 triệu người dùng, WeChat đã xây dựng không chỉ là công cụ nhắn tin mà còn là một môi trường phát triển, nơi đó có thể sử dụng như một trang web và các API. Do đó, các nhà phát triển có thể xây dựng các dịch vụ ngay trong ứng dụng từ việc truy cập địa điểm cho đến thanh toán trực tuyến và hơn thế nữa. Người sử dụng có thể gửi tiền, đặt chỗ taxi hay theo dõi và quản lý đơn hàng thương mại điện tử của mình, tất cả đều có trong một ứng dụng mạng xã hội. Vì vậy, giống như web, người dùng không phải cài đặt thêm các ứng dụng mới để sử dụng tất cả những dịch vụ này, nhưng khác ở chỗ là có sẵn các tính năng di động giúp nội dung dễ dàng lan truyền hơn. Đây cũng giống như nền tảng Facebook dành cho PC, nhưng khác biệt là ứng dụng WeChat dành cho di động.

Nhưng điểm mạnh nhất cũng có thể chính là điểm yếu và đầy rủi ro. Những lo ngại về xu hướng này tập trung vào việc ứng dụng chỉ đơn thuần là cổng thông tin, và việc tích hợp nhiều dịch vụ khác nhau trong một ứng dụng có thể chịu chung số phận với cách thức mà Yahoo đã từng triển khai trên PC trước đây. Yahoo đã bị hạ bệ và được thay thế bởi các sản phẩm mạnh hơn và tập trung hơn vào một mục đích. Nhưng phiên bản “tất cả trong một” này của WeChat chỉ hoạt động tại Trung Quốc bởi cấu trúc thị trường ở đây chấp nhận như vậy và các đối thủ có tính cạnh tranh như Google, Facebook, Amazon vì nhiều lý do mà gần như từ bỏ. WeChat đang cung cấp các dịch vụ cơ bản, khó có thể thấy ở các thị trường khác. Yahoo cũng có thể đã khác nếu như cổng thông tin của họ được thực hiện tốt hơn. Đây cũng chứng minh được một điều rằng nền tảng ứng dụng tích hợp là một vòng tròn lặp lại của xu hướng.

Nhiều người nghĩ rằng Facebook sẽ đi theo con đường cổng thông tin duy nhất nhưng mạng xã hội này lại có phương thức thực hiện hoàn toàn khác. Về bản chất thì đây vẫn là ứng dụng nhắn tin như một nền tảng, nhưng thay vì cố gắng tạo ra cổng thông tin duy nhất thì Facebook trở thành một kênh tương tác của người dùng trên di động với các trang web. Điều này có nghĩa rằng nó giải quyết cả các vấn đề nền tảng và khả năng lan truyền. Thay vì trộn lẫn và phức tạp như WeChat, Facebook chỉ cần xuất hiện trên bảng thông báo của iOS hay Android.

Facebook có một danh sách các ứng dụng nổi bật (với liên kết đến App Store hoặc Google Play) và điều quan trọng khác, mỗi mảng nội dung đăng tải qua chuỗi tin nhắn, đi kèm theo là liên kết để cài đặt ứng dụng, là một phương thức để tạo hiệu ứng lan truyền. Hồi tháng 3/2015, Facebook thông báo rằng có tới 40 ứng dụng sẽ được tích hợp trong Messenger, nhưng tới thời điểm hiện tại thì chỉ có mỗi API cho các “nhãn dán” (sticker). Tính năng này biến Facebook Messenger thành kênh mua bán cho các bên bên thứ ba, và công cụ này cho phép cạnh tranh trong khu vực định sẵn, trong đó ứng dụng tin nhắn đóng vai trò là người gác cổng.

Trong khi WeChat tránh được việc cài đặt nhiều ứng dụng bằng cách đưa tất cả mọi thứ vào một thì Facebook lại tránh đi theo vết xe đổ của Snapchat. Với hơn một tỷ người dùng hiện nay, Facebook có lượng khách hàng đủ lớn để bắt đầu phát triển khái niệm sử dụng ứng dụng tin nhắn như một nền tảng. Một khi điện thoại thông minh là một nền tảng của mạng xã hội thì các ứng dụng càng ngày được sử dụng nhiều hơn. Một ứng dụng khi được tung ra luôn cần người dùng sẵn sàng cài đặt và lan truyền nó cho bạn bè của họ. Khi được lan truyền rồi thì những những người nhận được thông tin vẫn cần phải thêm thao tác cài đặt mới có thể sử dụng. Facebook đang cố gắng để vượt qua giới hạn đó, người dùng chỉ cần sử dụng một ứng dụng nào đó và gửi tin nhắn cho bạn bè là đã có thể cài đặt. Tuy nhiên, hình thức cài đặt này từ bên thứ 3 cũng chưa phải là giải pháp tối ưu, việc mua lại các ứng dụng phổ biến dễ dàng hơn nhiều. Người dùng Facebook đã có sẵn các ứng dụng phổ biến trong Messenger, khiến các ứng dụng đối thủ phải cạnh tranh kịch liệt hơn. Bằng phương pháp này, Facebook có thể tạo ra sự tiện lợi đối với người dùng, nhưng các nhà phát triển thì phải chấp nhận cuộc chơi mà mạng xã hội này đặt ra.

Những tính năng mở rộng được tích hợp trên WeChat

Một phần đáng chú ý khác của Messenger là việc Facebook cũng cho phép các trang web gửi tin nhắn trực tiếp vào ứng dụng tin nhắn của mình mà không đòi hỏi các công cụ được cài trên điện thoại người dùng. Đối với các trang thương mại điện tử thì việc mua hàng thông qua tài khoản Facebook, mọi giao dịch cho đến theo dõi đơn hàng đều có thể truyền thông tin qua Messenger. Đây được xem là đòn đánh trực diện vào email mà tiêu biểu là Gmail. Ngoài ra, tính năng này còn là một nỗ lực khác nhằm lôi kéo giới truyền thông và thương mại vào nền tảng dữ liệu của Facebook.

Nhưng dường như Facebook cố gắng để không phải cạnh tranh trực tiếp với các ứng dụng nhắn tin khác. Mặt khác, việc nắm giữ hai ứng dụng hàng đầu là Instagram và WhatsApp có thể ảnh hưởng đến xu hướng phát triển của thị trường và phương thức tương tác của người dùng. Trước đây, Facebook Home đã cố gắng để có thể thay đổi thói quen sử dụng thông qua màn hình chủ và màn hình khóa, còn hiện nay Messenger đang xâm chiếm các thanh thông báo bằng cách truyền lượng lớn thông tin từ các ứng dụng riêng biệt tới người dùng.

Mọi hoạt động, thông tin trên điện thoại đều có thể xuất hiện thông qua bảng thông báo và người dùng chỉ cần chạm là kích hoạt. Ở một thời điểm nào đó thì các bảng thông báo tràn ngập thông tin cho thấy “khả năng tương thích đa nền tảng” - vai trò mà nhiều người mong muốn đối với một ứng dụng tin nhắn. Nhưng cũng có người cho rằng không nên có chung một giao diện người dùng. Những ứng dụng độc lập không chỉ giảm tải được kích thước cài đặt mà còn đảm bảo được lưu lượng dữ liệu trên mỗi máy. Một mô hình sản phẩm khác đang phát triển cỗ vũ cho xu hướng ứng dụng độc lập này chính là đồng hồ thông minh. Với giao diện người dùng đơn giản, yêu cầu của thiết bị này đối với các ứng dụng là tạo ra ít thao tác cho người dùng.

Những điều trên đặt ra câu hỏi cho những hãng công nghệ đang sở hữu các nền tảng ứng dụng như Apple, Google là nếu tất cả được tích hợp vào một cổng duy nhất thì sao? Thông tin xuất hiện trên thiết bị sẽ được quản lý bởi các bộ lọc của Apple, Google hay trên bản tin cập nhật của Facebook? Apple đã cho phép các trang web gửi thông báo đẩy trên OS X, còn Google đẩy mạnh Chrome trở thành như một môi trường phát triển dành cho ứng dụng và các thông báo từ web chỉ là một phần trong đó.

Việc biến ứng dụng tin nhắn trở thành một nền tảng có thể phụ thuộc khá nhiều vào sự chuyển dịch của người dùng PC sang di động với định hướng cá nhân hóa. Người dùng trước đây khi mua sắm trên trang web dành cho máy tính để bàn hầu như không đăng nhập bất cứ tài khoản nào từ Apple hay Google. Nhưng đối với di động thì bạn luôn đăng nhập vào Android hay iOS, và Apple cũng đã chỉ ra nhiều sức mạnh được tạo ra bởi TouchID. Trong khi các thiết bị di động chiếm hơn phân nửa thời gian dành cho các trang thương mại, nhưng chỉ tạo ra một phần ba giá trị giao dịch, thì lúc này web như một nền tảng có thể quan trọng hơn.

Chúng ta đã có 20 năm trải nghiệm Internet với trình duyệt web, chuột và bàn phím, trong đó hơn một thập kỷ thì Google được xem như là công cụ điều hướng. Có thể điện thoại thông minh đã kết thúc tất cả những gì đã diễn ra ở trên nhưng trên tất cả là sẽ không có một mô hình mới nào sẽ diễn ra. Mọi ứng dụng trên di động sẽ quay trở lại với phong cách thoải mái, đơn giản như các trang web trước đây, ngay cả đối với công cụ tin nhắn cũng vậy. Minh chứng rõ ràng nhất là nhìn vào các ứng dụng nhắn tin đang dần biến mất như Snapchat hoặc Meerkat và Periscope.

Nền tảng Facebook Messenger cho tất cả ứng dụng

PC World VN, 08/2015

PCWorld

cổng thông tin, nền tảng ứng dụng, tin nhắn, ứng dụng di động, ứng dụng tin nhắn


© 2021 FAP
  2,380,651       1/678