(PCWorldVN) Với những tay chơi game đích thực, dịp hè là lúc phù hợp nhất cho việc mua sắm thành phần, linh kiện để lên đời chiến mã của mình – chiếc máy tính chơi game
Với bất kì game thủ nào, mùa hè luôn là thời khắc vàng khi thời tiết nóng nực luôn khiến chúng ta muốn ngồi lì trong các căn phòng với điều hoà mát lạnh, đồ uống đá và chiến đấu bảo vệ lẽ phải, công lý trong không gian ảo. Với các tay chơi đích thực, đây cũng là lúc cháy ví với những cơ hội mua sắm giảm giá từ những dịch vụ như Steam hay các món đồ trong game MMORPG. Dĩ nhiên, bên cạnh những “đặc sản” ấy, dịp hè cũng là lúc phù hợp cho việc lên đời chiến mã của mình – những chiếc máy tính chơi game.
Với sức mạnh công nghệ máy tính để bàn hiện nay, một cỗ máy khoảng 20 triệu đồng sẽ cho phép bạn “xơi” ngon mọi trò chơi hiện tại với hiệu năng tương đương các dòng máy chơi game chuyên dụng nhưng lại linh hoạt hơn rất nhiều trong các tác vụ khác. Trong khi đó, nếu chi khoảng 30 triệu, bạn sẽ có chất lượng hình ảnh vượt trội hơn nữa. Những khoản chi 50 triệu đổ lên, chiếc máy của bạn sẽ không chỉ đơn thuần có hiệu năng tốt mà còn sở hữu vẻ ngoài ấn tượng và hàng loạt các phụ kiện thú vị. Thậm chí, không hiếm trường hợp những tay chơi có điều kiện đã chi hàng trăm triệu cho một cỗ máy tính nhằm thoả mãn đam mê. Chính vì vậy, bài viết này – với mục tiêu hướng tới tư vấn một cỗ máy “ngon - bổ - rẻ” dành cho những người đam mê trải nghiệm trò chơi hơn là say mê phần cứng. Chúng ta sẽ cùng cân nhắc những món “cần” hơn là “muốn” với khoảng giá trung bình 30 triệu đồng. Dĩ nhiên, tuỳ theo từng sở thích mà bạn luôn có thể thêm bớt các thành phần sao cho hợp lý.
Đầu tư vào một bộ máy tính chơi game thường ngốn những khoản ngân sách không nhỏ! |
Việc lắp ráp một chiếc máy tính chơi game luôn là thứ gì đó ... xa xôi với số đông người dùng. So với các máy tính phục vụ công việc hàng ngày, hệ thống chơi game luôn đòi hỏi sự cân đối hài hòa giữa các linh kiện để có thể vận hành trơn tru – tránh hiện tượng nghẽn cổ chai ở đâu đó trong chuỗi xử lý dữ liệu. Không ít trường hợp bạn mua một hệ thống hàng chục triệu đồng nhưng lại nhanh chóng tức giận vì với chip xử lý siêu nhanh, RAM rất nhiều nhưng lại không đủ sức mạnh đồ hoạ cho việc xử lý hình ảnh. Trong khi đó, cũng không hiếm trường hợp tìm mua card đồ hoạ khủng nhưng lại tiết kiệm tiền chi cho chip xử lý, bo mạch chủ và bộ nhớ RAM để rồi chứng kiến các trò chơi giật đùng đùng. |
Với thị trường máy tính như hiện nay, sắm một cỗ máy không còn là điều khó khăn về mặt kĩ thuật, nhưng lựa chọn thế nào lại là chuyện khác! |
Chọn bộ vi xử lý: Intel vẫn giữ thế độc tôn vào thời điểm hiện tại
Nếu như nhiều năm trước đây, game thủ thường có nhiều lựa chọn giữa hai dòng chip AMD và Intel, thì khoảng 5-7 năm gần đây, hầu như Intel đã nắm giữ vị trí độc tôn trong các hệ thống cao cấp. Hiệu năng cao, khả năng tiết kiệm điện cùng độ ổn định tối ưu trong các ứng dụng là nền tảng quan trọng không chỉ cho trò chơi điện tử mà cả các hệ thống tải nặng nói chung. Thực tế, đặc điểm này cũng là thứ đáng cân nhắc khi chọn lựa card đồ hoạ NVIDIA thay vì AMD mà chúng ta đề cập tới ở phần sau của bài viết – bất chấp mức hiệu năng có thể hơn kém nhau không nhiều.
Hãy cân nhắc các dòng game bạn muốn chơi xem nó yêu cầu sức mạnh chip xử lý hay card đồ hoạ nhiều hơn để có quyết định chi tiền cho hợp lý. |
Ở góc độ cụ thể hơn, nếu bạn nhắm tới việc chơi những trò chơi thiên về yêu cầu chip xử lý như ARMA3, Core i7-4790K (giá trung bình 8 triệu đồng) là lựa chọn tối ưu nhất. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu game hiện đại, bạn không nên đưa lựa chọn của mình xuống thấp hơn Core i5-4690K (giá trung bình 5,5 triệu đồng) trừ khi kinh tế không cho phép hoặc chỉ chơi những trò đơn giản như DOTA, Counter-Strike hay Liên Minh Huyền Thoại. Dòng chip với xung nhịp gốc 3,5 GHz (Turboboost 3,9 GHz) này cũng là một lựa chọn ép xung lý tưởng ngay cả khi song hành với các dòng tản nhiệt khí hợp lí, trong khi lại tiết kiệm cho bạn một khoản kha khá dành đầu tư thêm vào card đồ hoạ hay thiết bị ngoại vi.
Bo mạch chủ: cân nhắc kích thước tản nhiệt chip và loại card đồ hoạ
Như chúng ta đều biết, bo mạch chủ là thứ kết nối các thành phần lại với nhau, đồng thời đảm bảo việc liên lạc, tương tác giữa chúng được trơn tru và đạt hiệu năng tốt nhất. Chính vì thế, khi chọn lựa bo mạch chủ, điều đáng quan tâm nhất chính là khe cắm cần phải phù hợp với dòng chip xử lý bạn chọn. Trái với nhiều năm trước đây khi các chuẩn chip khá đa dạng từ nhiều nhà sản xuất, giờ đây những lựa chọn đã ít hơn. Bản thân bộ nhớ RAM và các thiết bị phụ trợ như card đồ hoạ cũng được “chuẩn hoá”, giúp cho việc chọn bo mạch chủ dễ hơn rất nhiều.
Bố cục bo mạch chủ là điều cần cân nhắc nếu bạn dự định xài card đồ hoạ quá khổ, tản nhiệt hạng nặng hay món “lạ” nào khác. |
Nếu bạn sử dụng chip Intel và muốn lựa chọn cao cấp, những bo mạch Z97 như Gigabyte GA-Z97X-UD5H Black Edition hay các mẫu tương đương của MSI/ASUS là phù hợp (MSI Z97 Gaming 3 có giá khoảng 4 triệu đồng). Trong khi đó, ở mức thấp hơn, các dòng với chipset H97 hay B85 cũng là chấp nhận được. Thực tế, sự khác biệt của các bo mạch chủ cùng phân khúc hiện không còn quá lớn và chủ yếu liên quan đến phụ kiện, phần mềm kèm theo cũng như số lượng cổng giao tiếp, khe cắm... Vì thế, trừ khi bạn cũng mê ép xung như chơi game hay có quá nhiều thiết bị phụ trợ, việc chọn bo mạch chủ trong thời gian gần đây có phần liên quan tới... thẩm mĩ và ví tiền nhiều hơn. Dĩ nhiên, chế độ hậu mãi và một số tiêu chí về kích thước (để phù hợp với tản nhiệt chip, card đồ hoạ, tản nhiệt RAM...) cũng là điều cần xem xét.
Bộ nhớ RAM: càng nhiều... càng ít, DDR3 vẫn “dư xài”
Về mặt lý thuyết, bộ nhớ RAM là bộ đệm quan trọng đối với máy tính của bạn. Trong giai đoạn hiện tại, dù những lựa chọn có thể chạy từ các thanh DDR3 dung lượng 2GB tới 128GB (quá thừa thãi) nhưng con số tối thiểu bạn nên trang bị cho cỗ máy của mình là khoảng 8GB (phù hợp với các dòng game MMORPG hay chiến thuật phổ thông). Nếu có điều kiện và muốn tối ưu cho các dòng game hành động, mô phỏng, mức 16GB (dòng xung nhịp 2133 Mhz thường có giá trung bình 4 triệu đồng cho một cặp 2x8GB) sẽ thoải mái hơn rất nhiều - đặc biệt là trong bối cảnh RAM đang có giá khá tốt như hiện nay. Dĩ nhiên, việc chia ra mức dung lượng tổng thành 2 hoặc 4 thanh để tận dụng kênh dữ liệu kép là điều cần thiết. Từ giữa năm 2014, Intel đã bắt đầu triển khai DDR4, nhưng đây vẫn là lựa chọn dành cho các hệ thống Xeon chuyên dụng hoặc Haswell-E (với chipset X99) đắt đỏ. Vì thế, ngay vào lúc này, trừ khi bạn dư dả về tài chính và muốn có những trải nghiệm đồ chơi mới như X99 với DDR4, việc đầu tư vào Z97 và DDR3 sẽ đem lại hiệu quả kinh tế hơn. Tại Việt Nam, những thương hiệu RAM được “dân chơi” ưa chuộng vào lúc này có thể kể tới Corsair, Patriot, Kingston, G.Skill...
Lưu trữ: nên kết hợp SSD và HDD cùng lúc để đạt hiệu quả tối ưu
Nếu như cách đây vài năm, lựa chọn ổ cứng của người dùng thường là SSD hoặc HDD đơn lẻ, mức giá giảm đáng kể của cả hai dải sản phẩm này đã cho phép việc sở hữu cả hai “món” cùng lúc không còn là điều quá xa vời. Một ổ cứng truyền thống sẽ giúp bạn có không gian cần thiết cho những bộ cài game, dữ liệu đa phương tiện (phim, nhạc, ảnh) trong khi SSD (256GB trở lên) sẽ là không gian lưu trữ tốc độ cao cho phép các tựa game nạp trong chớp mắt. Bên cạnh đó, hãy thử hình dung bạn vừa từ trường về tới nhà và bật máy tính, cảm giác chớp nhoáng có thể hoà mình vào không gian ảo yêu thích thật sự giá trị!. Thông thường, một ổ SSD 256GB kết hợp với ổ cứng dung lượng khoảng 2TB sẽ đủ cho hầu hết nhu cầu thông thường. Nếu muốn tiết kiệm chi phí, sự kết hợp giữa SSD 128GB và ổ cứng 1TB cũng vẫn “chấp nhận được”. Trong những năm gần đây, các dòng SSD đã có giá rẻ hơn rất nhiều, với khoảng 3 triệu đồng đổ lại, bạn đã mua được khá nhiều dòng sản phẩm 256GB “ngon - bổ - rẻ” như Intel 530, Lite-On S900, Plextor M5Pro...
Sự kết hợp hài hoà giữa ổ thể rắn SSD và ổ cứng truyền thống (HDD)sẽ đem lại cho bạn hiệu quả sử dụng tối ưu. |
Ổ SSD Enhanced Chronos G2 7mm 120GB có bán tại www.tandoanh.vn ở mức giá 1,38 triệu đồng. |
Card đồ hoạ: NVIDIA GeForce vẫn là lựa chọn chiếm ưu thế
Với hệ thống chơi game, không khó để nhận ra rằng card đồ hoạ luôn chiếm vai trò quan trọng. Vì vậy, kể cả khi tài chính hạn hẹp, bạn cũng không nên tiết kiệm khi chi cho card màn hình (thay vào đó hãy giảm bớt chi phí cho vỏ máy hay bo mạch chủ chẳng hạn!). Nếu bạn muốn sở hữu tốc độ khung hình/giây khoảng 60 trở lên với màn hình Full HD (1920x1080) và thiết lập hình ảnh chất lượng cao, GeForce GTX 960 đang là lựa chọn tốt nhất vào lúc này (giá trung bình khoảng 5-6 triệu đồng cho những mẫu tốt như MSI GTX 960 2GD5T OC). Trong khi đó, ở mức nhu cầu cao hơn, GTX 970 (giá trung bình 8-9 triệu đồng) là một lựa chọn đáng giá - thứ sẽ cho phép bạn chơi tốt những trò như BattleField 4 ở chất lượng tối đa tại 1920x1080 với mức khung hình/giây xấp xỉ 100. Tuy nhiên, nếu thường chơi những trò dạng thế giới mở rộng lớn kiểu như The Witcher 3, có thể bạn sẽ muốn đầu tư vào GTX 980 mới (giá trung bình khoảng 15 triệu đồng). Đặc biệt, với lựa chọn card kép cùng màn hình 4K, một cặp Radeon R9 390X 8GB là một lựa chọn không tồi – dù hiện khá hiếm hàng và sẽ yêu cầu bộ nguồn “khủng” hơn đáng kể.
Card đồ họa Palit Nvidia GTX 960 Super JetStream 2GB có bán tại www.tandoanh.vn ở mức giá 5,2 triệu đồng. |
Dĩ nhiên, trước câu hỏi quen thuộc NVIDIA hay AMD, có lẽ tạm thời vào lúc này, các dòng card với chip GeForce của NVIDIA sẽ vẫn là lựa chọn hợp lý hơn. Bên cạnh khả năng tiết kiệm điện tốt (giảm chi phí đầu tư vào bộ nguồn cũng như tản nhiệt), trình điều khiển và các phần mềm hỗ trợ của dòng card này đã rất ổn định và đảm bảo được cho bạn những trải nghiệm trò chơi thuận lợi, trơn tru.
Card đồ hoạ với chip GeForce GTX 960 đang là lựa chọn đáng giá đối với môi trường game hiện nay! |
Nguồn điện: chú trọng tới chức năng an toàn và công suất sử dụng
Sau khi đã “chốt” các thành phần thiết yếu như chip xử lý, bo mạch chủ, card đồ hoạ và số lượng ổ cứng, bạn sẽ có thể ước lượng được mức công suất cũng như các chân cắm đầu ra mà mình cần. Với một hệ thống tham khảo với chip Core i7-4790K, bo mạch chủ Z97, RAM DDR3 16GB, card đồ hoạ Geforce GTX 960, hệ lưu trữ gồm một ổ SSD và một ổ cứng thường, 4 quạt làm mát (80mm hoặc 120mm) cùng 5-6 thiết bị ngoại vi USB, công suất nguồn khoảng 600W là “dư xài” – dĩ nhiên là với các dòng sản phẩm nguồn có tên tuổi với chứng nhận 80PLUS Gold hoặc tối thiếu là Silver (do khuôn khổ bài viết, chúng ta sẽ không đề cập sâu về vấn đề này tại đây). Nếu là người ưa thích sự êm ái, bạn có thể chọn các dòng nguồn yên tĩnh với cơ chế ngắt quạt khi không cần thiết. Việc chọn một bộ nguồn “khủng” cỡ 800W trở lên dù nghe có vẻ thừa thãi nhưng sẽ đảm bảo sự êm ái trong vận hành hàng ngày cũng như chuẩn bị sẵn sàng cho những nâng cấp khác mà có thể bạn muốn thực hiện trong những năm tới.
Lắp bộ nguồn với công suất dôi dư là điều chấp nhận được – miễn là ngân sách của bạn cho phép. |
Thùng máy: lựa chọn tuỳ thuộc bạn còn bao nhiêu ngân sách!
Khi đã hoàn tất phần ruột, hiển nhiên bạn sẽ cần tới một thùng máy vỏ để kết nối mọi thứ lại với nhau. Việc chọn lựa vào lúc này là điều khá dễ xét ở phương diện kĩ thuật nhưng lại... đặc biệt phức tạp nếu cân nhắc về thị hiếu và sở thích. Sự hiện diện của hàng loạt thương hiệu mới với mức giá/tính năng hết sức cạnh tranh đã đem lại nhiều giải pháp thú vị (có thể kể tới Fragtal Designs, Xigmatek, NZXT... song song với những cái tên quen thuộc như Thermaltake, Corsair hay CoolerMaster). Tuy nhiên, dù bạn thích thùng máy cao hay thấp, nhiều quạt đèn hay để lắp tản nhiệt nước, một số tiêu chí vẫn cần phải được cân nhắc trước tiên. Chúng bao gồm: loại bo mạch chủ mà bạn sử dụng, số lượng ổ cứng bạn có, kích cỡ tản nhiệt và nguồn (có dùng tản nhiệt nước hay không). Cân đối các yếu tố này với ngân sách còn lại sau khi sắm sửa các mục ở trên và số lượng lựa chọn sẽ... ít đi đáng kể. Lưu ý: bạn nên chọn các loại vỏ với quạt kích thước lớn (120-140mm) để đảm bảo sự êm ái trong quá trình sử dụng.
Thùng máy In-Win 503 Black/Red Tempered Glass - Mid Tower Case có bán tại www.tandoanh.vn ở mức giá 1,4 triệu đồng. |
Hiển nhiên, một bộ máy tính tốt nếu thiếu đi chuột, bàn phím và màn hình chất lượng sẽ là điều đáng tiếc và bất cứ game thủ nào cũng sẽ hiểu được tầm quan trọng của các thiết bị này với phong độ thi đấu của mình. Hãy để dành ngân sách và đừng ngại trải nghiệm sản phẩm thực tế trước khi đưa ra lựa chọn cuối cùng của mình. Với màn hình chơi game, sản phẩm với panel IPS hoặc các loại có tần số quét 120Hz trở lên sẽ đem lại trải nghiệm hết sức chất lượng trong khi giá của chúng đang ngày càng rẻ hơn. |
giải trí, máy tính chơi game, PC chơi game