Sản phẩm

Windows 10 đã thành công hay chưa?

(PCWorldVN) Có thể đối với Microsoft, Windows 10 là một cú hích thực sự, nhưng đối với các nhà sản xuất và lắp ráp máy tính thì Windows 10 chưa thể giúp họ tăng doanh số một cách rõ rệt.

Rõ ràng là các nhà sản xuất máy tính không kỳ vọng nhiều sản lượng PC bán ra sẽ thay đổi nhiều từ khi Windows 10 xuất hiện. Theo Gartner, trước nay, mỗi khi Windows có phiên bản mới là có một loạt nâng cấp phần cứng kéo theo, ví dụ khi Windows 7 xuất hiện hồi năm 2009 thì lượng PC bán ra đã tăng đáng kể.

Nhưng sau đó, những phiên bản Windows tiếp theo lại không yêu cầu phần cứng cao cấp hơn, mạnh mẽ hơn nên người dùng không cần thiết phải nâng cấp máy tính mới để có thể chạy được Windows bản mới nhất.

Khi Windows 8 và 8.1 xuất hiện, phần cứng vẫn theo xu hướng cũ, nghĩa là giảm dần. Và lịch sử tiếp tục lặp lại khi Windows 10 xuất hiện, nghĩa là Windows 10 có thể dễ dàng cài đặt và chạy trên phần cứng cũ mà người dùng không nhất thiết phải bỏ tiền nâng cấp hệ thống.

Tuy chưa tăng được lượng PC bán ra nhưng Windows 10 vẫn được các nhà sản xuất máy tính ủng hộ và đặt niềm hy vọng.

Đây cũng là lần đầu tiên Microsoft cho khách hàng cập nhật lên Windows 10 miễn phí từ Windows 7 và Windows 8 (có bản quyền). Do vậy, Windows 10 có thể là một hệ điều hành thành công, nhưng lại hoàn toàn độc lập, không lệ thuộc gì về phần cứng.

Trong khi trước đây, Windows 7 cần phải có bộ nhớ và ổ cứng mạnh hơn, nhiều hơn và Windows 8 lại cần thêm màn hình chạm. Windows 10 đơn giản là không yêu cầu cấu hình phần cứng nào quá đặc biệt. Do vậy, tác động của sản lượng PC bán ra trên thị trường hầu như không đáng kể.

IDC dự kiến Windows 10 sẽ có tác động tích cực đến sản lượng thiết bị bán ra nói chung, không chỉ PC mà thôi. Có thể máy tính bảng và điện thoại thông minh trong thời gian tới sẽ tăng sản lượng. Đồng thời, điều này không có nghĩa thị trường PC sẽ sụt giảm trầm trọng vì năm ngoái, sau khi Microsoft ngưng hỗ trợ Windows XP thì người tiêu dùng lại có xu hướng chuộng máy tính xách tay giá rẻ.

Các nhà sản xuất PC vẫn lạc quan về hệ điều hành mới này. Theo David Furby, giám đốc quản lý PC Novatech, cho rằng ông hy vọng sản lượng PC sẽ tăng sau khi Windows xuất hiện, nhưng sẽ tăng từ từ, không tăng ngay lập tức giống trường hợp của Windows 95 và Windows 7.

Cũng theo ông, sự chuyển dịch từ Windows 7 lên Windows 10 dễ dàng hơn nhiều đối với người dùng so với từ Windows 7 lên Windows 8. Do vậy, người dùng sẽ có xu hướng chờ mua một máy mới có cài sẵn Windows 10 thay vì lúc này mua một máy tính chỉ cài Windows 8.

Những bản cập nhật hệ điều hành cũng không mấy tác động nhiều đến doanh số PC bán ra. Tuy nhiên, theo Toby Roberts, giám đốc sản phẩm của WiredFire, nếu kết hợp Windows 10 với chipset Z170 mới, sử dụng kiến trúc Skylake thì có thể PC sẽ có doanh số tăng đáng kể. Thị trường game máy tính cũng một phần tác động đến doanh số PC. Do vậy, còn tùy thuộc vào cả các nhà phát triển game máy tính.

Một lý do khác khiến số lượng PC tăng chậm là tính sẵn sàng của thị trường. Microsoft cho các nhà sản xuất PC trước 2 tháng với bản Windows 10 RTM (release to manufacturing) so với ngày công bố bản chính thức, tạo điều kiện cho các nhà sản xuất máy tính có được thời gian chuẩn bị phần cứng mới. Tuy nhiên, quãng thời gian này là khá ngắn vì một số nhà sản xuất cho rằng họ không thể chuẩn bị kịp cho trọn một dòng sản phẩm bởi vì các nhà sản xuất linh kiện không kịp đưa ra trình điều khiển (driver) mới.

Nhưng dù có khó khăn thế nào đi nữa thì cuối cùng, các nhà sản xuất PC vẫn ủng hộ Windows 10, ủng hộ cho nút Start mới, desktop ảo và nhiều tính năng hay ho của hệ điều hành mới này. Vì điều đó sẽ hấp dẫn người dùng cuối hơn là một chiếc máy tính cài sẵn Windows 7.

PCWorld

kinh doanh, nhà sản xuất máy tính, PC, thị trường PC, Windows 10


© 2021 FAP
  2,571,183       1/259