(PCWorldVN) Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO vừa công bố Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2015 - Global Innovation Index 2015, gọi tắt là GII 2015.
Theo đó, Việt Nam tăng 19 bậc trên bảng xếp hạng GII, đứng thứ 52 (so với vị trí thứ 71 của năm 2014 và vị trí thứ 76 của năm 2013) trên tổng số 141 nền kinh tế (năm 2014 có 143 nền kinh tế được xếp hạng).
Bên cạnh đó, xét về hiệu quả đổi mới sáng tạo thì Việt Nam đứng ở thứ hạng cao, thứ 9 thế giới (năm 2014 chúng ta đứng thứ 5 thế giới, năm 2013 thứ 17 và năm 2012 thứ 27), dựa trên điểm trung bình của 79 chỉ số chia làm hai nhóm: nhóm các tiểu chỉ số đầu vào và nhóm các tiểu chỉ số đầu ra của đổi mới sáng tạo.
Được biết, đây là lần thứ 8 liên tiếp, Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu được công bố. Mục đích của Chỉ số GII là đưa ra các đánh giá về trình độ đổi mới sáng tạo của mỗi quốc gia một cách toàn diện nhất.
Ảnh minh họa. |
Theo báo cáo, 10 nền kinh tế hàng đầu trong GII 2015 là Thụy Sĩ, Vương quốc Anh, Thụy Điển, Hà Lan, Hoa kỳ, Phần Lan, Singapore, Ai-len, Luxembourg, Đan Mạch.
Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore vẫn duy trì vị trí thứ 7 như năm 2014, còn Việt Nam đã nằm trong Top 3, đứng sau Singapore (hạng 7) và Malaysia (hạng 33), nhưng vẫn xếp trên Thái Lan (hạng 55).
Theo WIPO, sở dĩ Việt Nam có sự tăng bậc mạnh so với năm 2014 là do có sự tăng về điểm số (38,3 điểm năm 2015 so với 34,82 năm 2014), nhờ vào hai sự tăng điểm của cả hai nhóm tiểu chỉ số đầu vào và đầu ra: Nhóm tiểu chỉ số đầu vào của đổi mới sáng tạo tăng 22 bậc (từ 100 lên 78) và Nhóm tiểu chỉ số đầu ra của đổi mới sáng tạo tăng 8 bậc (từ 47 lên 39).
Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân nhận định đây là kết quả bước đầu của những đổi mới tích cực trong cơ chế quản lý và hoạt động khoa học - công nghệ và các lĩnh vực khác trong thời gian qua, theo Vietnamplus.
Ông Quân cũng cho biết Bộ KHCN sẽ cùng với cộng đồng khoa học sẽ nỗ lực hơn nữa để hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
nghiên cứu khoa học, quyền sở hữu trí tuệ, sáng tạo khoa học, sở hữu trí tuệ