(PCWorldVN) Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng cho rằng thách thức đối với triển khai IoT trong quản lý đô thị thông minh tại Việt Nam chính là sự khó khăn trong kết nối cũng như bảo mật các hệ thống đơn lẻ.
Phát biểu tại Hội thảo Toàn cảnh CNTT-TT lần thứ 20 với chủ đề Internet of Things - Nền tảng hội tụ cho giao thông đô thị thông minh do Hội Tin học TP.HCM tổ chức vào sáng ngày 24/9, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) Nguyễn Thành Hưng khẳng định vấn đề đô thị hóa và quản lý hạ tầng đô thị, trong đó có hệ thống giao thông đang là thách thức lớn đối với các thành phố lớn trên thế giới, trong đó có cả TP.HCM và Hà Nội của Việt Nam chúng ta.
"Nâng cao hiệu quả khai thác vận hành, bảo đảm hiệu quả đồng bộ công tác quản lý hạ tầng đô thị thông qua việc áp dụng các giải pháp về CNTT cũng như khoa học công nghệ hiện đại là hết sức cần thiết là cấp bách", Thứ trưởng Hưng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng - Ảnh: Cao Minh. |
Tuy nhiên, vẫn theo lời ông Hưng, các nhà quản lý, chuyên gia và cả các doanh nghiệp triển khai các giải pháp phần cứng, phần mềm cho mô hình giao thông - đô thị thông minh cần hết sức quan tâm đến những thách thức khi triển khai IoT ở Việt Nam nói chung và trong giao thông đô thị nói riêng như làm thế nào để kết nối xuyên suốt các hệ thống vốn dĩ dường như rời rạc, độc lập này, làm sao để chia sẻ dữ liệu trong quá trình phát triển, triển khai các phần mềm, giải pháp liên quan. Và hơn bao giờ hết, Thứ trưởng Hưng cho rằng, với IoT, vấn đề an toàn thông tin và bảo mật thông tin vẫn chưa thực sự được chú trọng đúng mức, do đó các giải pháp khi được triển khai thực tế cần làm thế nào để đảm bảo các sản phẩm, ứng dụng IoT hoạt động ổn định, hiệu quả và bền vững trong mọi môi trường khác nhau.
Cùng có quan điểm về sự cần thiết của việc liên thông các hệ thống, giải pháp IoT trong quản lý, vận hành giao thông đô thị thông minh, Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM Chu Tiến Dũng cho rằng hệ thống IoT có thể giúp triển khai giải pháp quản lý phương tiện (qua RFID hay phần mềm nhận diện biển số xe), giám sát an toàn, kiểm tra tải trọng, quản lý tình trạng giao thông trên địa bàn thông qua hệ thống camera giám sát CCTV, và hệ thống các trạm thu phí tự động.
Diễn giả Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM với báo cáo "Tổng quan về Ứng dụng IoT và thực tế triển khai trong giao thông thông minh tại Việt Nam". |
"Một khi các giải pháp này được đồng bộ và kết nối xuyên suốt trên diện rộng, từ trung tâm điều khiển, lực lượng chức năng có thể nhanh chóng xác định chính xác được phương tiện (xe) nào quá tải trọng, đang lưu thông ở tuyến nào để trích xuất dữ liệu xử phạt hay thậm chí gửi lệnh/thông tin đến lực lượng chức năng gần nhất xử lý", ông Dũng chia sẻ thêm, "Hơn hết, một hệ thống giao thông thông minh sẽ góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, giải quyết bài toán ùn tắc giao thông và giao thông thông minh chính là nền tảng cho sự hình thành của thành phố thông minh nếu xét ở khía cạnh công nghệ, quản lý".
Không chỉ với TP.HCM, ông Dũng khẳng định ở thời điểm hiện tại thì Việt Nam đang hội đủ điều kiện để triển khai giao thông thông minh ở một số đô thị lớn.
Lấy ví dụ thực tế tại TP.HCM, ông Dũng cho biết, các hệ thống camera giao thông hiện trang trị trên rất nhiều tuyến đường, giao lộ trên địa bàn có thể tạo ra nguồn cơ sở dữ liệu để từ đó cung cấp cho người dân dưới dạng thông tin tư vấn các tuyến đường đang ùn tắc, tư vấn các lộ trình cũng như thời gian phù hợp, và dĩ nhiên mọi thứ sẽ tốt hơn nếu như chúng ta có một hệ thống tổng hợp thông tin xuyên suốt và được tự động hóa.
Trong phần trình bày của mình tại VIO 2015, ông Hồ Hữu Thắng đến từ Cisco Việt Nam cho rằng một đô thị thông minh phải gồm nhiều giải pháp khác nhau, phải kết hợp các hệ thống mạng không dây Wi-Fi toàn thành phố, hệ thống chiếu sáng thông minh, bãi đỗ xe thông minh, hệ thống camera giám sát an ninh và các hệ thống này cần được gắn kết với nhau để từ đó giúp cơ quan quản lý đô thị cung cấp dịch vụ đến người dân trong thời gian nhanh nhất có thể.
Smart City và Big Data
Theo diễn giả Đỗ Bá Dân - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ Trí Nam thì hệ thống giao thông thông minh chính là linh hồn cho nền kinh tế phát triển, hay nói rõ hơn thì hệ thống giao thông thông minh (ITS) là một cách tiếp cận mới để giải quyết các vấn đề về giao thông như ùn tắc, tai nạn giao thông và ô nhiễm không khí.
"Không giống các biện pháp truyền thống, hệ thống giao thông thông minh sử dụng các công nghệ thông tin và truyền thông để điều hành giao thông hiệu quả, thuận tiện và an toàn", ông Dân đánh giá.
Diễn giả Đỗ Bá Dân - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư phát triển công nghệ Trí Nam với tham luận "Quản trị hệ thống giao thông - Cách nhìn và hướng tiếp cận". |
Trong phần trình bày của mình, vị đại diện công ty Trí Nam đã đưa ra một ví dụ tổng thể liên quan đến hệ thống giám sát và điều hành giao thông TMS do chính đơn vị này đề xuất, được thiết lập để hỗ trợ công tác quản lý, kiểm soát, vận hành khai thác và bảo trì trên các đoạn tuyến đƣờng cao tốc, cầu, hầm,… khi đưa vào khai thác. Hệ thống có chức năng thu thập, xử lý, quyết định và truyền đạt thông tin, mệnh lệnh điều khiển tới các bộ phận quản lý và người tham gia giao thông nhằm nắm bắt kịp thời trạng thái vận hành, phối hợp xử lý đảm bảo an toàn giao thông, nâng cao chất lượng và hiệu quả vận hành các tuyến cao tốc, cầu hay hầm đường bộ.
Cũng theo ông Dân, một hệ ITS tốt cần sự liên kết thông tin, từ quá trình kiểm soát phương tiện, xây dựng hay nói chính xác là phải định nghĩa được và có khả năng tự động xử lý các kịch bản giao thông.
Và để có thể gắn kết được các hệ thống IoT trong tổng thể giải pháp quản lý giao thông đô thị thông minh, ông Nguyễn Việt Thắng - Phó tổng giám đốc công ty cổ phần công nghệ Sao Bắc Đẩu cho rằng cần sự hiện diện của Big Data, và hơn hết là cần các hệ thống, giải pháp đủ mạnh để phân tích các dữ liệu từ mạng lưới Big Data kết nối.
Tán đồng quan điểm này, đại diện đến từ Tổng công ty công nghiệp Sài Gòn (TP.HCM) cho hay, thực tế là trên địa bàn TP.HCM có nhiều hệ thống giám sát, quản lý hạ tầng đô thị nhưng rõ ràng đây là các hệ thống rời rạc.
Ông Hà Hoàng Huy - Phó Giám đốc Kinh tế đối ngoại Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) với tham luận "Nâng cao chất lượng giao thông tại TP.HCM bằng giải pháp công nghệ". |
"TP.HCM chưa có trung tâm điều khiển giao thông tập trung", ông Hà Hoàng Huy - Phó Giám đốc Kinh tế đối ngoại, Tổng công ty công nghiệp Sài Gòn đánh giá," Các thiết bị của các hệ thống này hoạt động độc lập, không được kết nối, không có khả năng điều khiển đồng bộ tập trung và phát huy hết công năng của hạ tầng giao thông hiện hữu".
Cũng theo ông Huy, các ứng dụng CNTT hiện nay còn rời rạc, thiếu đồng bộ, mỗi hệ thống chủ yếu, phục vụ cho nhu cầu riêng của từng ngành và dẫn đến khó khăn trong việc phối hợp hoạt động giữa các cấp, các ngành liên quan, bên cạnh đó công tác quản lý cũng như vận hành, khai thác hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông còn mang nặng tính thủ công, chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, chuẩn hóa cho hạ tầng giao thông như dữ liệu hệ thống đường bộ, nút giao thông, biển báo.
Đại diện Ban tổ chức, lãnh đạo Hội Tin học TP.HCM và khách mời chụp ảnh lưu niệm với các diễn giả tại Hội thảo Toàn cảnh CNTT-TT lần thứ 20 năm 2015. |
Tại hội thảo VIO 2015, một số đơn vị cũng đã đề xuất nhiều giải pháp cho mô hình quản lý giao thông đô thị thông minh.
Với chủ đề giao thông đô thị thông minh, nội dung thảo luận tại VIO 2015 tập trung vào giải pháp để giảm ùn tắc giao thông, giảm bớt tai nạn giao thông, phát huy hiệu quả các dự án giao thông được đầu tư.
Bên cạnh đó, nhiều tham luận cũng đề ra, chia sẻ và đề xuất các giải pháp điều khiển giao thông thông minh (ITS), những hệ thống giám sát, những hệ thống thông tin tín hiệu cảnh báo, đo lường, thống kê, phân tích nào phù hợp cho việc điều tiết, quản lý giao thông. Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM cho biết Hội thảo Toàn cảnh CNTT-TT là sự kiện được đón chờ hằng năm tại Việt Nam bởi đây là nơi các nhà quản lý, chuyên gia công nghệ, nhà chiến lược, lãnh đạo doanh nghiệp trong và ngoài nước của nhiều ngành nghề cùng hội ngộ, trao đổi, tìm kiếm và thảo luận về những mô hình ứng dụng CNTT hiệu quả cùng giải pháp CNTT phù hợp cho doanh nghiệp, tổ chức… Bên cạnh đó, đâu cũng chính là cơ hội để các nhà quản lý CNTT chia sẻ và lắng nghe kiến nghị chính sách hỗ trợ phát triển và ứng dụng CNTT-TT. Trước đó, vào tối 23/9, đã diễn ra Lễ trao Giải Top 5 và Huy chương vàng ICT Việt Nam 2015 cho 51 đơn vị, doanh nghiệp.
Tổng cộng có 25 Huy chương vàng ICT Việt Nam 2015 được trao cho các đơn vị CNTT-TT, trong đó nét mới của năm 2015 là có 1 Huy chương vàng dành cho Doanh nghiệp khởi nghiệp thành công bước đầu và 2 Huy chương vàng dành cho sản phẩm/dịch vụ/giải pháp phần mềm triển vọng; và có 26 đơn vị nhận Cup Top 5 ICT Việt Nam 2015 ở các nhóm lĩnh vực về CNTT-TT. |
camera giao thông, đô thị thông minh, giao thông thông minh, IoT, smart city, VIO 2015