Sản phẩm

Dịch vụ Box thay đổi trước áp lực từ OneDrive và Dropbox

(PCWorldVN) Dịch vụ chia sẻ tập tin trực tuyến Box đang muốn thay đổi cách tiếp cận doanh nghiệp khi mà hai đối thủ Dropbox và OneDrive đang hà hơi nóng sau gáy.

Dù hay dở thế nào thì Box hiện là phần mềm chia sẻ tập tin (file) đứng thứ 2 hiện nay đối với doanh nghiệp, và thị trường trị giá 892 triệu USD này lại có biên lợi nhuận rất thấp. Mặc dù Box đã đạt được những gì các nhà phân tích kinh tế kỳ vọng trong suốt 2 quý liên tiếp vừa qua, giữ được mức doanh thu trong năm nay là 300 triệu USD nhưng đến cuối năm nay, có thể Box sẽ phải thua lỗ đến 200 triệu USD. Một dấu hiệu đi xuống khác của Box là giá cổ phiếu của họ từ tháng 1 đầu năm liên tục giảm.

Hầu hết người dùng cá nhân đều dùng Box miễn phí, nghĩa là người dùng có được 10GB dung lượng lưu trữ, còn với doanh nghiệp thì Box thu phí 15 USD/tháng/người cho lưu trữ không hạn chế và có thêm một số tính năng khác như báo cáo về bảo mật và tùy chỉnh về hình ảnh, thương hiệu.

Aaron Levie, CEO của dịch vụ chia sẻ file Box.

Aaron Levie là CEO của Box, cho rằng có thể thị trường lưu trữ và chia sẻ file trên mây còn rất tiềm năng, nhưng họ chưa tìm thấy được. Ông cố thuyết phục các nhà công nghiệp và doanh nghiệp sử dụng Box là một thành phần chia sẻ dữ liệu trong ứng dụng doanh nghiệp, với hy vọng những công ty khác cũng đưa Box vào trong phần mềm doanh nghiệp của họ. Levie muốn biến Box thành một công cụ mặc định cho các nhà viết ứng dụng để chuyển tài liệu, hình ảnh hoặc video vào đó.

Hồi tháng 6 vừa qua, Levie cho biết Box có hợp tác với IBM để tích hợp Box vào phần mềm phân tích dữ liệu và bảo mật của IBM. Tiếp sau đó, Box cũng cộng tác với Microsoft để cho phép người dùng Office đám mây có thể lưu file vào Box. Đội ngũ bán hàng của Apple cũng khuyến nghị Box cho người dùng doanh nghiệp, còn các nhà phát triển iOS đang làm việc với Box để kết hợp các công cụ chia sẻ file vào ứng dụng chăm sóc sức khoẻ. CEO Apple, Tim Cook, cũng có lịch thuyết trình vào ngày 29/9 vừa qua tại Hội nghị Các nhà phát triển BoxWorks.

Box hiện là dịch vụ chia sẻ file đứng thứ 2 thế giới. Họ muốn thay đổi cách kinh doanh để tăng doanh thu.

Còn bên ngoài ngành công nghệ, Levie cũng thuyết phục được một số doanh nghiệp, trong đó có Coca-Cola, Hiệp hội Bóng rổ Mỹ (NBA) và Tổ chức nghệ sỹ sáng tạo Mỹ (Creative Artists Agency) ký kết một thỏa ước đưa Box vào các ứng dụng mà họ sử dụng như quy trình lưu trữ và chuyển dữ liệu.

Hãng sản xuất Coca-Cola bắt đầu sử dụng Box hồi tháng 6 vừa qua để đưa ra các thiết kế tiếp thị cho những công ty đối tác bên ngoài và dùng Box để quản lý các đặc tả kỹ thuật cho các máy bán hàng tự động. Vài nhân viên của Box cũng làm việc trực tiếp với NBA để nhúng Box vào phần mềm phát hình, nhằm đưa nội dung ra ngoài nước Mỹ. Box cũng hướng đến các doanh nghiệp có nhu cầu chuyển nhiều dữ liệu và ưu tiên bảo mật như ngành ngân hàng và y tế. Đây là những thị trường mà Box vượt trội hơn so với dịch vụ chia sẻ file đứng đầu hiện nay là Dropbox và đứng thứ 3 là OneDrive của Microsoft. Mặc dù đây là 2 đối thủ cạnh tranh lớn nhất, trực tiếp nhất của Levie nhưng ông còn nhìn xa hơn khi cho rằng các phần mềm quản lý nội dung của IBM và EMC cũng sẽ là đối thủ tiềm năng sắp đến.

Giải pháp đưa mô hình kinh doanh của Box hướng đến tích hợp với các ứng dụng khác sẽ không diễn ra trong một sớm một chiều được, nhất là khi 50.000 doanh nghiệp mà Box hướng đến vẫn chưa biết được hướng đi này của Levie. Nhưng Levie tin rằng ông sẽ đạt được mục tiêu của mình trong khoảng 1 năm rưỡi.

PCWorld

dịch vụ chia sẻ file, điện toán đám mây, doanh nghiệp, file sharing, kinh doanh


© 2021 FAP
  2,365,154       2/786